5 điều kiện để được thế chấp "nhà trên giấy"

16/06/2014 01:38

Kể từ 16/6, nhà ở thương mại và nhà xã hội hình thành trong tương lai sẽ được phép thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.

5 điều kiện để được thế chấp

Kể từ 16/6, nhà ở thương mại và nhà xã hội hình thành trong tương lai sẽ được phép thế chấp vay vốn tại các ngân hàng.

Việc cho phép dùng nhà ở hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vốn để mua nhà, ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không có khung khổ pháp lý đồng bộ. Trong thời gian qua, hoạt động này đã phát sinh nhiều vấn đề do thiếu cơ chế hướng dẫn.

Mới đây, ngày 25/4/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Xây dựng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 01 hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư 01 không điều chỉnh đối với việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của hộ gia đình, cá nhân được xây dựng trên khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình để vay vốn tại các TCTD.

Như vậy, theo quy định tại Thông tư, tổ chức, cá nhân chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để vay vốn mua chính nhà ở đó hoặc mua nhà ở khác của doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), quy định này là phù hợp nhằm đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng tập trung, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển thị trường BĐS và tạo điều kiện cho người dân có cơ hội được sở hữu nhà ở. Về điều kiện và loại nhà ở hình hình thành trong tương lai được thế chấp bao gồm:

Thứ nhất, đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt;

Thứ hai, đã xây dựng xong phần móng nhà ở;

Thứ ba, đã hoàn thành thủ tục mua bán và có hợp đồng mua bán ký kết với doanh nghiệp kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;

Thứ tư, không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nhà ở đã được bàn giao cho người mua nhưng chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật;

Thứ năm, nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà dự án này đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thông tư 01 cũng quy định rõ nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn theo quy định tại Thông tư 01 bao gồm cả nhà ở thương mại và nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Thông tư 01 quy định, giá trị nhà ở hình thành trong tương lai dùng để thế chấp do hai bên thỏa thuận trên cơ sở giá trị nhà ở được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhà ở và chỉ được thế chấp tại một TCTD.

>Làm sao để an toàn khi mua nhà đang thế chấp?
>Thế chấp "nhà tương lai": Được nhiều hơn mất!
>
Những điều cần lưu ý về thế chấp "nhà ở tương lai"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 điều kiện để được thế chấp "nhà trên giấy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO