Tìm hiểu phong tục địa phương để có chuyến du lịch trọn vẹn

CẨM TÚ/DNSGCT| 07/05/2013 04:56

Lâu nay, việc đi đến những vùng rừng núi, nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người thường mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm bổ ích...

Tìm hiểu phong tục địa phương để có chuyến du lịch trọn vẹn

Lâu nay, việc đi đến những vùng rừng núi, nơi sinh sống của nhiều dân tộc ít người thường mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm bổ ích. Tuy nhiên mặt trái của hoạt động này là môi trường thiên nhiên, nhận thức của người địa phương sẽ ít nhiều bị tác động và thay đổi. Muốn khám phá được nhiều nhất và gây tác động ít nhất khi đi du lịch, du khách nên tìm hiểu thật kỹ về điều kiện tự nhiên, phong tục, đặc biệt là những điều kiêng kỵ ở vùng đất mà mình sắp đến.

Đọc E-paper

Du khách không nên xoa đầu các em bé dân tộc thiểu số

Anh Ngô Khải Hoàng, người từng nhiều lần dẫn các nhóm bạn trẻ miền Trung đi khám phá rừng núi và giao lưu với người Cơ Tu ở dãy Trường Sơn cho biết những làng người dân tộc càng ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì càng hiếu khách.

Khi có khách đến thăm làng, nhiều người dân địa phương sẽ mang thức ăn ở nhà đến mời. Nếu khách không ăn, họ sẽ không vui.

Theo anh Khải Hoàng, nếu cảm kích tấm lòng của người dân tộc thiểu số, du khách có thể tặng họ quà, đồ dùng đã chuẩn bị từ trước chứ không nên tặng tiền vì điều này có thể sẽ làm dân làng phật lòng và làm mất đi tính hiếu khách vốn có của họ.

Với những làng đã có nhiều đoàn khách ghé qua, người dân địa phương đối với du khách thường có phần săm soi, e dè hơn.

Chẳng hạn, trong chuyến đi mới đây đến làng Arec (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), nơi đã tiếp xúc nhiều với người Kinh, khi anh Khải Hoàng xin cho đoàn nghỉ lại qua đêm thì già làng tỏ ý rằng đoàn phải mua gà, rượu đãi cả làng và tính tiền lưu trú trên đầu người với mức giá gần tương đương với nhà nghỉ ở thành phố.

Tuy nhiên, anh Khải Hoàng cho rằng thật ra vật chất không phải là thứ dân làng quý nhất, cái họ quý nhất là tình cảm, sự giao lưu. Vì thế khi vào làng, các nhóm du khách nên cố gắng tổ chức các trò chơi, kể những câu chuyện tạo không khí tươi vui, thân thiện.

Mấy năm gần đây, trào lưu đi chụp hình hoa ở Tây Bắc đang được giới trẻ yêu thích. Ngoài các loài hoa dại, đã có trường hợp hoa cải và hoa tam giác mạch do người dân trồng bị các nhóm chụp hình làm hư, gãy.

Tuy thiệt hại không đáng kể nhưng nhiều du khách không chịu xin lỗi, hoặc đưa tiền bồi thường cho chủ vườn với vẻ thiếu thành ý cũng đã tạo ấn tượng không tốt với người địa phương. Với những du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về đời sống, văn hóa của người dân tộc thiểu số thì càng phải nghiên cứu kỹ phong tục tập quán, đặc biệt là những điều kiêng kỵ.

Chẳng hạn, du khách đến bản Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van của người Mông đen hay người Dao đỏ ở Sa Pa vào lúc trước cổng bản có treo một chùm lá xanh trên cây cột cao thì không nên vào vì bản đang bận cúng thần hay đuổi tà ma, họ sẽ không cho người lạ tham dự.

Du khách khi đi lại trong bản không nên cười đùa gây ồn ào, không xoa đầu trẻ em, không huýt sáo khi dạo chơi ngắm cảnh.

Trong các bản làng ở Sa Pa thường có một khoảng rừng cấm, một gốc cây cổ thụ um tùm hoặc một tảng đá lớn. Đó có thể là khu vực thờ cúng nên dù sạch đẹp, mát mẻ, du khách cũng đừng đến đó nghỉ chân hay ăn uống, chụp ảnh nếu không được sự cho phép...

Ngoài ra, khi được người dân tộc mời vào nhà chơi, du khách cũng phải để ý kỹ đến sự chỉ dẫn của gia chủ. Ở nhiều nơi, khách không được ngồi gian giữa và ghế đầu bàn vì đây là nơi chỉ dành cho cha mẹ của chủ nhà.

Có nơi lại rất kỵ việc khách ngồi dựa lưng vào cột nhà hoặc chỉ trỏ ngón tay. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường như không xả rác, không chặt cây làm gậy, chỉ lấy vừa đủ củi, lá rừng nếu cần nấu ăn… cũng là những quy tắc đầu tiên mà các du khách yêu thích khám phá phải ghi nhớ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tìm hiểu phong tục địa phương để có chuyến du lịch trọn vẹn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO