Những cửa hàng tại sân bay đừng nên bỏ qua

H.K/DNSGCT| 27/12/2013 09:29

Hình ảnh thường thấy tại các khu vực mua sắm trong sân bay là những dãy cửa hàng với một số các mặt hàng cố định phục vụ nhu cầu mua sắm hay quà lưu niệm của hành khách trước chuyến bay.

Những cửa hàng tại sân bay đừng nên bỏ qua

Hình ảnh thường thấy tại các khu vực mua sắm trong sân bay là những dãy cửa hàng với một số các mặt hàng cố định phục vụ nhu cầu mua sắm hay quà lưu niệm của hành khách trước chuyến bay. Sự đơn điệu trong các loại sản phẩm phục vụ giống nhau tại hầu hết các sân bay thường dễ làm hành khách bỏ qua nếu không có nhu cầu. Tuy nhiên, một vài cửa hàng tại một số sân bay sẽ làm hành khách phải dừng chân bởi sự độc đáo không chỉ về mặt hình thức trưng bày hay sản phẩm cung cấp mà đôi khi còn chính từ sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh của mình.

Đọc E-paper

Sau sự kiện ngày 11/9/2001 tại Mỹ cùng với sự xuất hiện nhiều chính sách và luật lệ liên quan đến vấn đề an ninh hàng không thì theo quan sát, cơ hội làm ăn dành cho các cửa hiệu trong sân bay tăng cao vì thời gian khách phải có mặt ở sân bay kéo dài thêm với nhiều các thủ tục phải thực hiện trước chuyến bay.

Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng miễn thuế ở sân bay đều khá giống nhau về hình thức trưng bày và mặt hàng kinh doanh với các sản phẩm chủ yếu là rượu, mỹ phẩm, hàng điện tử, và một ít thương hiệu thời trang dễ gây sự nhàm chán.

>Sân bay: Quảng trường của thương hiệu
>Những điều thú vị có thể gặp tại sân bay
>Thư giãn, giải trí, học hỏi ở... sân bay
>Tuyệt vời ẩm thực sân bay

Vì vậy, dấu ấn về việc mua sắm của du khách thường tập trung ở phân khúc hàng lưu niệm hay các sản phẩm truyền thống đặc trưng của thành phố hay quốc gia đó.

Ngày càng có nhiều cửa hiệu trong sân bay có thể đem đến cho khách hàng những sản phẩm độc đáo hơn, vượt qua sự giới hạn của những luật lệ an ninh hàng không.

Hãy hình dung bạn có thể xách lên máy bay những con tôm hùm còn sống nguyên trong sự nghiêm ngặt về chất lỏng từ cổng an ninh sân bay của Mỹ.

Và những gì được trưng bày và phục vụ cho khách hàng trong các cửa hàng tại sân bay như Artisans Angkor tại sân bay quốc tế Siem Riep, Lather tại sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta, hay tại sân bay quốc tế Halifax Stanfield của Nova Scotia với cửa hàng Clearwater… sẽ đem đến cho hành khách thật nhiều điều thú vị bên cạnh những chuyến du lịch vui vẻ và kết quả công việc thành công.

Cửa hàng Lather tại sân bay Hartsfield-Jackson, Atlanta

Đây là một nơi thú vị dành cho những hành khách quan tâm đến làn da của mình, với sự sắp đặt và trình bày những sản phẩm vượt qua khỏi hình ảnh một cửa hàng kinh doanh sản phẩm chăm sóc cơ thể thuần túy.

Điểm nhấn của cửa hàng là quầy trưng bày đa sắc màu nơi mà các nhân viên cửa hàng sẽ trực tiếp pha trộn bằng tay các loại dưỡng ẩm, dầu massage và hỗn hợp xịt cơ thể với những công thức pha trộn theo yêu cầu từ các loại dầu chính như hoa hồng Maroc và Nepalese palmarosa – một loại thảo mộc hoang dã có màu vàng chanh nhạt của Nepal.

Những lọ dầu thơm dùng để xoa bóp là một trong những vật dụng cần thiết nhất cho người du lịch. Một trong những hỗn hợp thường được gợi ý dành cho việc giảm những nhức mỏi khi di chuyển nhiều với hỗn hợp hương hoa oải hương, cây bưởi và cây hoắc hương.

Cửa hàng SPELL tại sân bay Changi, Singapore

Không chỉ dừng lại là một cửa hàng kinh doanh thời trang với ánh đèn lấp lánh cùng với những mẫu quần áo thiết kế đẹp mắt, SPELL còn là một địa điểm dành cho sinh viên của Trường Bách khoa Thương mại Singapore thực hành hoạt động kinh doanh với thương hiệu Verve Avenue từ những khâu làm việc đòi hỏi sự năng động như IT, kế toán và giao tiếp cho đến những phần việc mang tính hỗ trợ phía sau nhiều hơn như lưu trữ sản phẩm, trưng bày sản phẩm và thu ngân.

Cửa hàng Rijksmuseum tại sân bay Schiphol, Amsterdam

Tọa lạc tại tầng thứ nhất của công trình phụ sân bay thuộc Viện Văn hóa 200 năm tuổi của thành phố Amsterdam, Rijksmuseum đem đến một góc nghệ thuật cho hành lang luôn trong không khí hối hả của sân bay.

Ở đây hành khách có thể tìm thấy những hình ảnh quen thuộc có tính chất tượng hình trong những bức tiểu họa và trong những bản mô phỏng từ bức tranh Milkmaid của Vermeer, Night Watch của Rembrandt và những đóa hoa như thật của Hans Bollongier làm rực rỡ hơn một số các sản phẩm lưu niệm đa dạng như những bức tranh in khổ lớn, những bộ lót ly và những chiếc tách cà phê.

Bên cạnh đó cũng có một vài loại khan hiếm hơn, tất cả đều được làm bằng thủ công đặc biệt riêng cho cửa hàng theo khuynh hướng yêu cầu về chất lượng giống như trong viện bảo tàng gồm: những chiếc đĩa gốm sứ được tạo từ Hà Lan với hai màu xanh trắng, những chiếc túi xách dệt hoa văn theo họa tiết của thế kỷ XVII và những chiếc trâm cài tóc được làm từ bạc đúng tuổi theo phong cách Art Nouveau.

Viện bảo tàng Origami Nippon tại sân bay Narita, Tokyo

Không gian tại nhà ga số 1 của sân bay như một ngôi đền của tất cả mọi thứ liên quan đến origami, nghệ thuật xếp giấy của Nhật Bản có từ thời đại Tokugawa. Thật khó có thể tưởng tượng số giờ đã bỏ ra để xếp những cấu trúc phức tạp này, có đến 400 mẫu xếp được trưng bày tại bảo tàng, tất cả đều được thực hiện với sự tinh tế tới từng chi tiết nhỏ.

Nếu hành khách vẫn chưa thỏa mãn với việc chỉ ngắm những mẫu xếp với đàn sếu đang vỗ cánh, những cánh đồng hoa tulip bất tận hay những ngôi làng thanh bình… thì có thể trải nghiệm sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo của mình tại nhà với những vật dụng được bảo tàng cung cấp như các dụng cụ để cuộn, mẫu giấy xếp và các tài liệu hướng dẫn…

Cửa hàng Artisans Angkor tại sân bay Siem Reap, Cambodia

Được khánh thành cách đây hơn hai thập niên, cửa hàng với những sản phẩm rất quý giá về sự khéo léo tuyệt hảo của những người thợ thủ công của đất nước Chùa Tháp. Phát triển từ chương trình giảm nghèo tại các vùng nông thôn của Campuchia và các chương trình hướng nghiệp cho thanh niên, hiện đã có hơn 900 thợ thủ công làm việc trong 42 xưởng sản xuất để tạo ra những sản phẩm độc đáo cho cửa hàng.

Mục đích thứ hai của sự ra đời của cửa hàng chính là nhằm hồi sinh những kỹ thuật thủ công truyền thống của Campuchia như những chiếc bình sứ với họa tiết hình hoa sen và rồng bay, những loại vải gấm kim tuyến được dệt một cách kỳ công hay những bức phù điêu bằng đá khắc họa cảnh chiến đấu của thời xưa…

Cửa hàng hải sản Clearwater tại sân bay Halifax Standfield, Nova Scotia

Đây thực sự là một ngạc nhiên thú vị dành cho hành khách Mỹ khi có thể đem những loài hải sản tươi sống từ Canada lên máy bay và qua cổng hải quan của sân bay Mỹ một cách suôn sẻ.

Trong khuôn viên chật hẹp của một cửa hàng nằm trong sân bay Halifax Standfield, những chú tôm hùm thật tươi, đủ loại cá tuyết êfin và các loại trai được đánh bắt từ vùng eo biển Đông Bắc nước Anh đến vịnh Fundy sẽ được bỏ vào những chiếc túi có bọt nước biển kèm theo những hạt đậu Hà Lan được đông đá để tránh những quy định nghiêm ngặt về chất lỏng khi đem lên máy bay, sau đó tiếp tục được đóng gói trong những chiếc hộp có phủ lớp sáp với kích thước vừa vặn có thể đặt gọn trong ngăn đựng hành lý xách tay trên khoang.

Mỗi hộp đựng cân nặng từ 30 đến 40 pound có thể chứa đến 30 con tôm hùm và được đảm bảo chúng có thể còn sống sau 15 giờ bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cửa hàng tại sân bay đừng nên bỏ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO