Hoàng hôn của "Nữ hoàng bầu trời"

P. NGUYỄN DŨNG| 28/07/2017 06:45

Chạnh lòng khi biết loại máy bay lớn có tên gọi đầy nể trọng Queen of the Skies (Nữ hoàng của bầu trời) đang bay dần vào quá khứ.

Hoàng hôn của

Những chuyến bay đưa tôi lần đầu đến du lịch Amsterdam, Paris, London, Frankfurt, Johannesburg... đều là những chiếc Boeing 747-400 của KLM (Hà Lan), Air France, Thai Airways, Lufthansa, Malaysia Airlines... Chạnh lòng khi biết loại máy bay lớn có tên gọi đầy nể trọng Queen of the Skies (Nữ hoàng của bầu trời) đang bay dần vào quá khứ.

Đọc E-paper

Chẳng nói đâu xa, cách nay không lâu, ở ngay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón nhận những chiếc jumbo Boeing 747-400 từ các hãng hàng không lớn trên thế giới, như Air France, Cathay Pacific (Hong Kong), EVA Air (Đài Loan) qua Lufthansa (Đức) đến Singapore Airlines, United Airlines (Mỹ)... Không chỉ có các máy bay chở hành khách mà có cả những chuyến chỉ vận chuyển hàng hóa B747-400F.

Thực ra, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã quen đón loại máy bay với khúc lưng gù ở gần phía đầu mũi từ đầu những năm 70 với các chuyến bay từ hãng Pan Am (đã gãy cánh, phá sản từ lâu).

Buổi ban đầu, Boeing thiết kế 747 làm máy bay chở khách có thể dễ dàng chuyển đổi thành máy bay chở hàng, phần lưng gù có thể chứa món hàng cồng kềnh. Không ngờ 747 trở thành máy bay thân rộng, hai lối đi đầu tiên chở khách được các hãng ưa chuộng. Nó cũng là máy bay hai tầng đầu tiên, một khung cầu thang với 14 bậc nối tầng chính với tầng cao.

Chính cái khúc lưng gù ấy giúp 747 trở thành loại máy bay dễ nhận diện và được yêu mến.

B747-400 của Air France tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Khoa Vũ

Theo thrilllist.com, từ đầu thập niên 70 đến năm 2014, cộng chung trên 1.500 chiếc 747 các kiểu đã vận chuyển hơn 3,5 tỷ lượt hành khách! Được thiết kế để có thể chở từ 350-400 hành khách nhưng trong chiến dịch Solomon, Israel đã di tản được 1087 người trên một chuyến bay 747. Năm 1985, kiểu 747-400 xuất hiện, trong buồng lái chỉ còn thiết kế chỗ cho cơ trưởng và cơ phó, không cần kỹ sư phi hành như trước. Trước mặt, trên đầu và quanh họ là hơn 350 nút bấm, cần gạt, màn hình, bóng đèn, bảng chỉ dẫn...

Nhưng giờ đây, khi những chiếc máy bay gắn hai động cơ phản lực cực mạnh có thể bay xa liên lục địa đã giành hết các đường bay thì các "Nữ hoàng của bầu trời" đành phải nghỉ hưu. Chính nhà sản xuất Boeing hồi tháng 6, cũng đã lên tiếng xác nhận rằng:"Không thấy tương lai sáng sủa nào cho dòng máy bay cực lớn 747".

Không muốn phải vĩnh biệt dòng máy bay ăn sâu vào ký ức, năm 2005 Boeing đã tung ra kiểu 747-8 Intercontinental (dài 76,3m, sải cánh 68,4m, tầm hoạt động tối đa 13.602km), phiên bản thân dài hơn với diện tích cánh rộng lớn hơn, động cơ mạnh hơn 747-400. Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2017 cũng chỉ bán được 86 chiếc chở hàng 747-8F và 48 chiếc chở khách.

14 bậc thang dẫn từ tầng 1 lên tầng cao, B747-8I của Korean Air. Nguồn: Korean Air

Đã có gần nửa thế kỷ vàng son với nhiều kiểu ngắn, dài, chở nhiều, chở ít khác nhau, nay dòng 747 hầu như đã phải nhường hẳn bầu trời xanh cho những chiếc Airbus A350-900, A330-200, Boeing 777-200ER, 777-200LR, 777-300ER, 787-9... Và hiện nay, từ TP.HCM  nếu muốn được bay với B747-8I (368 ghế gồm 6 hạng nhất Kosmo Suites, 48 hạng thương gia Prestige Suites và 314 hạng phổ thông mới)  khách hàng chỉ có một chọn lựa là bay với Korean Air đến sân bay quốc tế Incheon (Seoul) rồi nối chuyến bay đến San Francisco (Mỹ).

B747 của KLM cất cánh

Theo Công ty FlightGlobal Ascend hiện còn gần 500 chiếc 747 các loại đang bay nhưng rõ ràng hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống với chúng. Các hãng ANA, Cathay Pacific, Japan Airlines, Malaysia Airlines, Philippines Airlines, Singapore Airlines đã không còn khai thác jumbo 747. China Airlines còn 6 chiếc 747;  EVA Air cho biết vào ngày 21/8 sẽ có chuyến bay cuối cùng chia tay 747 (từ Hong Kong bay về Đài Bắc).

Từ nay đến năm 2020, 10 chiếc còn lại trong đội máy bay của Thai Airways sẽ dần khép cánh. Tại Mỹ, hai hãng United Airlines và Delta Air Lines sẽ cho 747-400 nghỉ bay vào cuối năm nay. 

Chiếc A 350-900 đầu tiên của Delta Air Lines. Nguồn: Airbus

Tuổi đời máy bay của các hãng hàng không Mỹ

Ngày 13/7, Delta Air Lines đã ký nhận một chiếc Airbus A350-900, trở thành hãng hàng không Mỹ đầu tiên sử dụng máy bay hiện đại nhất của nhà sản xuất Airbus. Máy bay này có 32 ghế hạng thương gia Delta One Suite; 48 ghế hạng phổ thông cao cấp Delta Premium Select và 226 ghế phổ thông. Nó sẽ được sử dụng ở đường bay xa từ Detroit đến Tokyo Narita kể từ 30/10/2017 và từ Detroit đến Incheon Seoul kể từ 18/11/2017, sang đến 17/1/2018 thì bay tuyến Detroit-Bắc Kinh. Delta đã đặt mua 25 chiếc A350-900.

Đây là sự kiện đáng ghi nhận trong bối cảnh chung là đội máy bay của các hãng hàng không Mỹ đang mỗi năm mỗi "già” đi. Hành khách bất mãn khi biết họ phải bay với những "con chim sắt" cũ kỹ trong khi các hãng mấy năm gần đây đều có lãi cao.

Theo nghiên cứu của airfleet.net, sau đây là độ tuổi trung bình đội máy bay của 10 hãng hàng không lớn nhất Mỹ:

10. Allegiant Air 19,8 năm (đa số là những chiếc MD-80, MD-90 đã ngừng sản xuất cách nay 17 năm và có hai chiếc B757 mà Boeing đã không còn sản xuất từ năm 2004).

9. Delta Air Lines 17 năm (đội 7 chiếc 747 còn lại đã 25,9 năm).

8. United Airlines 14,3 năm.

7. Southwest Airlines 11,8 năm (các chiếc 737-200, 737 - 400, 737- 500 có tuổi trung bình 22 năm).

6. American Airlines 10,8 năm.

5. Hawaiin Airlines 10,8 năm.

4. JetBlue Airways 9,2 năm.

3. Alaska Airlines 8,9 năm.

2. Frontier Airlines 7,3 năm.

1. Spirit Airlines 6,6 năm.

>>Hàng không thế giới: "Chim tụ đàn"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoàng hôn của "Nữ hoàng bầu trời"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO