Chia tay chim sắt 747

P. NGUYỄN DŨNG| 22/01/2016 09:32

Ngày 11/1, Hãng Air France đã chính thức cho "nghỉ hưu" chiếc Boeing 747-400 cuối cùng còn lại trong đội máy bay.

Chia tay chim sắt 747

Ngày 11/1, Hãng Air France đã chính thức cho "nghỉ hưu" chiếc Boeing 747-400 cuối cùng còn lại trong đội máy bay. Như thế là thêm một hãng hàng không lớn nói lời chia tay với loại máy bay 4 động cơ phản lực đã từng làm nên cuộc cách mạng lớn trong ngành vận chuyển hàng không dân sự thế giới.

Đọc E-paper

Trong những chuyến phi hành đến xứ lạ quê người khám phá, ngoạn cảnh, thưởng thức, giải trí và mua sắm, tôi đã có nhiều lần tận hưởng sự tiện nghi, sự êm ái và sự an toàn của những chiếc máy bay Boeing 747. Đây là loại máy bay đã từng được gọi một cách trìu mến là "Nữ hoàng của bầu trời", hoặc quen gọi theo kiểu bình dân hơn là "Jumbo jet", tức máy bay to lớn như con voi châu Phi trưởng thành. Với chiều dài 70m, một chiếc 747-400 có thể dễ dàng chở được 400 hành khách bay xa liên lục địa ở các tuyến bay hơn 12.000km, Việt Nam thuộc số những điểm đến ấy.

Chiếc 747 của Singapore Airlines chở tôi bay đến Johannesburg, chiếc 747 sơn hình hoa lan ở cánh đuôi đứng của Thai Airways International từng giúp tôi bay nhanh đến London cho kịp dự một cuộc họp, chiếc vẽ logo trông như cánh chim tung bay của Cathay Pacific đã chở tôi đến Paris, rồi còn là chiếc sơn màu xanh két của Alitalia đưa tôi từ Milan về đến Bangkok. Và còn là hai chiếc cùng "tông" màu xanh da trời, một của KLM và một của Korean Air, đã đưa gia đình tôi bay non-stop từ Incheon đến sân bay Dulles ở Washington D.C.

Sẵn kể thì còn phải nhắc đến chiếc 747 thời còn sơn màu xanh đại dương sâu thẳm của United Airlines, đã ngày ngày nối chuyến Hồng Kông - TP.HCM. Có thể nói, cabin hạng phổ thông và hạng thương gia trên những chiếc 747 khá quen thuộc vì tôi còn từng bay với loại jumbo này của Lufthansa, Malaysia Airlines và Swiss Airlines... Thực tế, B747 đã có mặt ở mọi đường bay liên lục địa trong suốt 37 năm, từ những năm áp cuối thập niên 60 của thế kỷ XX đến tháng 10/2007, thời điểm mà chiếc A380 đầu tiên tung cánh bay thương mại với hãng Singapore Airlines, từ Changi (Singapore) đến Sydney (Úc).

Bay Air France không bao giờ vắng bóng champagne

Nhưng tôi nhớ mình đã phấn khích nhất khi được yên vị ở trên tầng hai phần đầu mũi của một chiếc 747-400 của Air France. Không phải vì lần đầu tôi bay đến châu Âu với 747 của Air France (kỷ niệm này gắn kết với một chiếc 747 của KLM, hồi mùa Hè 1993) mà vì là lần đầu được bay đến Kinh thành Ánh sáng Paris, khám phá đủ các ngóc ngách của cảng hàng không quốc tế Charles de Gaulle 2 và để thăm máy bay siêu thanh Concorde. Đó là chuyến bay AF173, rời Tân Sơn Nhất lúc 19g50 ngày 22/11/1998 với ông Michel Maury, khi ấy là nhân vật số 1 của Hãng Hàng không Quốc gia Pháp tại Việt Nam. Cũ người mới ta là thế, vì Air France đã bắt đầu khai thác kiểu 747-100 từ tháng 6/1970; kiểu lớn hơn 747-200 từ năm 1972; và chuyển sang kiểu 747-400 từ năm 1989. Ngoài ra, Hãng cũng từng sở hữu những chiếc chuyên chở hàng hóa 747-200F và 747-400F.

Bay với 747 Air France khi ấy thật thích, thật đáng nhớ vì nhiều lý do. Thứ nhất, ở trên tầng hai có một góc nhỏ gọi là "Coin fumeur" dành cho hành khách hạng thương gia đến giải khuây, vừa nhâm nhi tách espresso nóng thơm phức giữa đêm, khi con chim sắt lần lượt vượt qua những địa danh ở Nam Á, dịch chuyển về châu Âu. Khoảng không gian nhỏ bé này trong chuyến bay hôm ấy càng đáng nhớ hơn nữa vì không lâu sau đó, việc hút thuốc trong chuyến bay hoàn toàn bị cấm, không còn là biệt lệ ưu đãi chỉ dành cho những hành khách hạng nhất và hạng thương gia.   

Lý do thứ hai là hành khách tha hồ thưởng thức champagne hảo hạng, vì Air France ở vai trò "Đại sứ bầu trời" của nước Pháp nên kiêm luôn vai trò đại sứ của ẩm thực Pháp. Mà nói đến nghệ thuật ăn uống kiểu Pháp thì ắt phải có foie gras (gan ngỗng vỗ béo), bò hầm vang Bourgogne... và thức uống thì từ các dòng vang Bordeaux lừng danh thế giới đến các loại vang trắng, vang hồng sủi tăm làm từ những chùm nho chỉ trồng và sản xuất tại vùng Champagne thì mới được gọi là... Champagne. Xin nhớ rằng, cách đây hai thập niên, thức uống này chưa phổ biến rộng rãi trên thị trường Việt Nam như hiện nay. Và trong thời gian đó, từ Việt Nam bay trực tiếp đến Pháp sau chặng quá cảnh 60 phút tại Bangkok thì chỉ có mỗi Air France.

Lý do thứ ba khiến chuyến bay lần đầu tiên của tôi đến Paris với 747 của Air France cứ còn lưu mãi trong ký ức là các cô tiếp viên thật xinh đẹp, thanh lịch trong bộ đồng phục theo thiết kế của nhà Nina Ricci (sau đó, từ năm 2005 đến nay, đồng phục tiếp viên của Hãng là thiết kế của nghệ nhân tài danh Pháp Christian Lacroix). Có cô mặc bộ màu xanh da trời lợt pha chút màu xám, cô thì diện bộ màu xanh dương đậm, và cô khác trông nổi bật với bộ màu đỏ. Dù trong màu sắc nào đi nữa thì điệu bộ của các cô chẳng hề yếu đuối mà trông thật tự tin và lịch lãm khi đứng ở đầu lối đi với dáng đứng thẳng, hai tay chắp sau lưng.

Một trong những chiếc 747 đầu tiên của Air France

Phong thái của các nữ tiếp viên hàng không ấy đã đủ sức tăng thêm trọng lượng cho bản tin ngắn gọn mà Air France vẫn thường phát đi lúc máy bay chuẩn bị khởi hành. Đó là: "Chúng tôi đảm bảo về sự thoải mái và sự an toàn của quý vị trong suốt chuyến bay". Sau vài câu xã giao, bạn được săn sóc ân cần hơn khi họ biết bạn sử dụng được tiếng Pháp và lần đầu đến thăm thủ đô nước Pháp.

Và lý do cuối cùng, chuyến bay khởi đầu của tôi đến Paris năm ấy đã mở ra cho tôi một thời kỳ thường xuyên mỗi năm hai, ba lần phi hành đến Pháp và từ Pháp tỏa ra nhiều điểm đến hấp dẫn khác ở khắp châu Âu.

Từ năm 1970 đến tháng 1/2016, Air France đã có gần 46 năm sử dụng các chiếc jumbo 747, nhưng đã lâu rồi Hãng không còn khai thác loại máy bay này ở đường bay đến TP.HCM (thậm chỉ cũng đã không thấy bóng dáng các chiếc 4 động cơ hậu duệ là A340). Bây giờ Air France chỉ còn dùng dòng máy bay hai động cơ B777 để đưa hành khách từ Paris đến TP.HCM và ngược lại. Năm 2016 này đánh dấu 70 năm Air France bay đến Việt Nam với đúng thương hiệu Air France, bằng chứng là còn đó các tấm poster quảng cáo với hình ảnh chiếc Constellation với 4 động cơ cánh quạt từ phương Tây bay đến vùng Viễn Đông nổi bật dải đất hình chữ S với hình con chim phụng. Air France sẽ có gì mới để giới thiệu cho thị trường Việt Nam hay không, tăng nhiều chuyến trở lại chăng?

Những hãng bay đã chia tay B747

Ngoài Air France thì Boeing 747 cũng không còn trong đội máy bay chở khách của nhiều hãng hàng không Bắc Mỹ và châu Á. Đó là các hãng  Air Canada, Air New Zealand, All Nippon Airways, Cathay Pacific, Japan Airlines, Singapore Airlines. Sẽ đến lượt Delta Air Lines và United Airlines của Mỹ giã từ 747 trong các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, loại jumbo dáng đẹp này sẽ chưa hẳn biệt tăm vì British Airways vẫn khai thác 41 chiếc và chưa có kế hoạch cho chúng sớm nghỉ hưu. Ngoài ra, Lufthansa hiện có 32 chiếc 747; KLM vẫn sử dụng 24 chiếc; Virgin Atlantic còn 10 chiếc...

>Boeing 747 cuối thời hoàng kim

>Biệt thự được xây từ máy bay Boeing 747

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chia tay chim sắt 747
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO