Tự tin là vốn liếng lớn nhất

THƯỢNG TÙNG thực hiện| 12/06/2010 00:20

Khalid Muhmood là một gương mặt khá quen thuộc trong các chương trình giáo dục trên kênh truyền hình VTV3, như Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng…

Tự tin là vốn liếng lớn nhất

Khalid Muhmood là một gương mặt khá quen thuộc trong các chương trình giáo dục trên kênh truyền hình VTV3, như Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng… Trung tâm Giáo dục và Đào tạo Apollo (67 Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), do Khalid làm chủ tịch, là tổ chức giáo dục 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Tranh Hoàng Tường

Sau nhiều năm cống hiến cho lĩnh vực giáo dục tại nước ngoài, cuối năm 2008, người đàn ông mang trong mình hai dòng máu Á - Âu vinh dự được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao giải thưởng MBE (Member of British Empire). Tuy nhiên, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi lại bắt đầu từ niềm đam mê của ông đối với môn thể thao vua, khi ông vừa về lại Việt Nam sau một kỳ nghỉ ở Thái Lan. Giọng hào hứng, ông nói:

Tôi thi đấu ở vị trí tiền vệ. Tôi có thể chơi ở cả hai cánh.

Tại sao ông không phấn đấu trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp?

Nếu theo nghiệp “quần đùi áo số”, đội bóng duy nhất tôi muốn đầu quân là Manchester United. Nhưng tôi biết khả năng của mình không đủ để khoác áo đội bóng tầm cỡ này. Vấn đề quan trọng nhất là tôi vẫn chơi bóng đá. Gia đình tôi vừa có một kỳ nghỉ tại Thái Lan. Trong những ngày lưu trú tại đất nước này, tôi có dịp chơi bóng cùng bạn bè.

Ông không e ngại bất ổn chính trị ở Thái Lan có thể đe dọa sự an nguy của gia đình mình?

Căng thẳng ở Thái Lan hiện đã lắng dịu. Chúng tôi nghỉ ở một khu vực khá yên tĩnh. Tôi nghĩ bất ổn chính trị tại Thái Lan là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút thêm khách quốc tế.Khủng hoảng chính trị ở Thái Lan khiến những người có kế hoạch đi du lịch tại nước này hoang mang, và sẵn sàng thay đổi kế hoạch. Tiếc là dịp may đó đã trôi qua. Thông điệp mà ngành du lịch Việt Nam đưa ra không thực sự rõ ràng.

Khẩu hiệu của ngành du lịch là “vẻ đẹp tiềm ẩn” (hidden charm). Là người nước ngoài có gần 16 năm sống và làm việc tại Việt Nam, ông đã tìm thấy “vẻ đẹp” nào đang “tiềm ẩn”?

Thành thực là tôi không biết. Tôi không phải là một chuyên gia về ngành du lịch. Bạn bè của tôi đều thừa nhận Việt Nam có những bãi biển dài và đẹp. Ẩm thực phong phú. Lịch sử cũng có những điểm thú vị. Nhưng các bạn vẫn chưa đưa ra một yếu tố đặc trưng, không trộn lẫn với các nền văn hóa khác, để người nước ngoài tiếp nhận.

Vậy điều gì đưa ông đến đây?

Giáo dục. Cách nay gần 16 năm, khi có ý định đầu tư mở trường đào tạo Anh ngữ tại Đông Nam Á, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu tại một số nước, trong đó có Việt Nam.

Khi đến Hà Nội, thủ đô của các bạn chưa nhiều xe máy, còn xe hơi thì khá hiếm hoi, nhưng nhu cầu học Anh ngữ rất lớn, chẳng hạn như hình ảnh những người đạp xích lô ở khu trung tâm tranh thủ học qua những cuốn sách dạy đàm thoại. Tuy nhiên, nguồn cung còn vô cùng hạn chế. Chưa có một cơ sở dạy tiếng Anh do người nước ngoài đứng lớp.

Những người sẵn sàng trả học phí cao hơn để thụ hưởng dịch vụ giáo dục tốt hơn cũng không thể thỏa mãn được mong muốn rất chính đáng đó. Sự ra đời của Apollo đã mang tới cho người học thêm một sự lựa chọn.

Quyết định của ông có nhận được sự ủng hộ từ gia đình?

Mặc dù cùng là những nhà giáo dục nhưng cha mẹ tôi cho rằng việc tôi khởi nghiệp tại Việt Nam là một sự điên rồ. Chúng tôi là người nước ngoài, không có bạn bè, không biết tiếng Việt, cũng không có mối quan hệ tại đất nước này. Vốn liếng lớn nhất của chúng tôi là sự tự tin.

Còn kinh nghiệm?

Ông Khalid Mohmood và các học viên của Apollo

Tôi biết kiếm tiền từ thời trung học. Năm 16 tuổi, tôi xách máy chụp hình những em học sinh, rửa hình rồi bày ở cổng trường. Đến giờ đón con, các bậc phụ huynh có thể sẽ mua nếu cảm thấy thích những tấm hình có con cái của họ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi rời nước Anh, đi làm việc ở một số nước tại châu Á, trước khi đến Việt Nam.

Giáo dục được xem là một lĩnh vực khá nhạy cảm ở Việt Nam. Ông có lường hết khó khăn mình sẽ gặp phải khi quyết định đầu tư ở đây?

Khi trình bày nguyện vọng mở trung tâm đào tạo Anh ngữ 100% vốn nước ngoài với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo hai bộ này đều cho biết đề xuất của tôi rất khó thực hiện. Khó không có nghĩa là không thể. Để thuyết phục được Chính phủ Việt Nam cho phép, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện pháp lý, sự minh bạch về tài chính…

Việc chúng tôi lập văn phòng ở Hà Nội thay vì tại TP. Hồ Chí Minh một phần cũng vì muốn hạn chế bớt các thủ tục pháp lý. Công việc này khiến chúng tôi mất khá nhiều thời gian. Thành thực, đã có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi.

Sự khác biệt về văn hóa khiến nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn bị “sốc”. Còn ông?

Chuyện “sốc văn hóa” là khó tránh khỏi. Cú sốc lớn nhất trong những ngày đầu làm ăn là do tôi chưa hiểu ý nghĩa của ngày Tết đối với người Việt. Ở phương Tây, chúng tôi chỉ dành một đến hai ngày nghỉ để đón chào năm mới. Còn ở đất nước các bạn, vào đầu những năm 1990, dường như mọi người đều nghỉ Tết cả tháng trời, khiến số lượng học viên đăng ký mới sụt giảm nghiêm trọng, buộc tôi phải cho nhân viên nghỉ vào khoảng thời gian này.

Bây giờ thời gian nghỉ Tết đã được rút ngắn.Nhưng điều khó khăn nhất khi chúng tôi quyết định sống ở Việt Nam không phải là sự khác biệt về văn hóa. Xa gia đình, bạn bè mới là vấn đề khó thích nghi nhất, trong khi phương tiện liên lạc còn nhiều hạn chế.Năm 1998, Việt Nam mới có Luật Đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế là Apollo đã đi vào hoạt động từ trước mốc thời gian này.

Bằng cách nào, thưa ông?

Năm 1995, chúng tôi liên kết với Trường đại học Công đoàn. Việc hợp tác này có một số giới hạn, khiến chúng tôi khó chủ động thực hiện những gì mình muốn. Nói đúng hơn là chúng tôi mới chỉ thực hiện những việc nằm trong khả năng của đối tác.

"Cố gắng nhìn cuộc sống một cách tích cực là cách tôi vượt qua tâm trạng chán nản, thất vọng".

Mãi đến năm 2000, chúng tôi mới chấm dứt hợp tác, do Trường đại học Công đoàn cần lấy lại mặt bằng để phục vụ nhu cầu phát triển. Mới đây, tôi có về thăm lại trường này. Tòa nhà chúng tôi làm văn phòng và dạy học ngày xưa đã không còn, thay vào đó là một tòa nhà mới, cao hơn và hiện đại hơn.

Bài học lớn nhất, mà tôi vẫn học mỗi ngày, có thể tóm lược trong ba chữ P. Thứ nhất là Patience - sự kiên nhẫn. Cần phải biết chờ đợi vì mọi việc thường không bao giờ đến nhanh như mong muốn. Chữ P thứ hai là Persistence - sự bền bỉ. Bạn còn cần phải bền bỉ và kiên quyết để vượt qua những thăng trầm. Còn chữ P cuối cùng là Pray - cầu nguyện, vì dù sao tất cả chúng ta đều cần có một chút may mắn.

Những thành quả đạt được liệu có tương xứng với sự kiên trì của ông?

Tôi nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng. Chúng tôi có sự ổn định về đội ngũ nhân sự. Có những cộng sự gắn bó với chúng tôi từ ngày đầu thành lập. Hiện nay, chúng tôi có sáu trung tâm đào tạo trên cả nước, trong đó ba cơ sở ở Hà Nội, ba cơ sở còn lại lần lượt đặt ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Giáo dục mang lại cho con người cơ hội thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực hơn. Nhiều năm qua, chúng tôi tham gia đào tạo Anh ngữ cho các chuyên viên làm việc trong nhiều cơ quan trực thuộc Chính phủ, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độcủa đội ngũ giáo viên…

Được sự chấp thuận của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, từ năm 2008, chúng tôi bắt đầu triển khai chương trình liên kết đào tạo ngoại ngữ cho học sinh tiểu học tại hai địa phương này. Theo đó, chúng tôi sẽ gửi giáo viên đến dạy cho các em học sinh tại trường.

Vì không phải gia đình nào cũng có khả năng tài chính cho con em họ theo học tại trung tâm của Apollo?

Chi phí thấp hơn so với học tại trung tâm chỉ là một phần. Phần khác là bởi nhiều em có nhu cầu được học nhưng không thể đi học do nhà quá xa trung tâm của chúng tôi.

Với điều kiện cơ sở vật chất ở các trường, liệu chất lượng giáo dục có được đảm bảo?

Đúng là so với trung tâm, cơ sở vật chất ở các trường học kém tiện nghi hơn. Thêm nữa, sĩ số các lớp tiểu học cũng cao hơn gấp hai, ba lần. Căn cứ vào cơ sở vật chất, trình độ của học sinh…, chúng tôi sẽ điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với điều kiện của từng trường. Vì vậy, tốc độ tiến bộ của các em không nhanh bằng so với các học viên ở trung tâm. Đến nay, chúng tôi đã liên kết với 15 trường tiểu học ở Hà Nội và bốn trường ở TP. Hồ Chí Minh.

Các trường tiểu học cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể hợp tác với Apollo?

Tiêu chí quan trọng nhất là trường có thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh cho học sinh hay không. Hợp tác tốt đẹp phải dựa trên thiện chí từ hai phía.Theo tôi được biết, hiện nay có một số trường chủ động thuê người nước ngoài là khách du lịch balô đến dạy cho học sinh của mình. Đây là một thảm họa vì không phải tất cả những người này đều có phương pháp sư phạm.

Là một nhà giáo dục, ông nghĩ thế nào về giáo dục Việt Nam hiện nay so với thời kỳ ông “chân ướt chân ráo” đến đây?

Thay đổi nhiều chứ. Ngoài Internet, người Việt Nam hiện còn có thể xem các kênh truyền hình nước ngoài, như CNN, BBC, Disney Channel… Các đài truyền hình trong nước cũng mở thêm các kênh, các chương trình về giáo dục. Tức là người học có điều kiện thuận lợi hơn để tự học.

Nhìn chung, người Việt Nam có khả năng học và tiếp thu ngoại ngữ rất tốt, nhất là tiếng Anh. Việc các bạn sử dụng bảng chữ cái theo hệ Latin, khác với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…, cũng là một thuận lợi.

Chỉ có những lời phàn nàn về chất lượng giáo dục là vẫn không thay đổi. Hơn 15 năm trước, nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục. Bây giờ cũng vậy.

Tôi nghĩ 15 năm tới, những lời phàn nàn về chất lượng giáo dục sẽ vẫn tiếp tục. Ở các nước phát triển, chẳng hạn như Anh quốc, quê hương của tôi, người ta cũng phàn nàn về chất lượng giáo dục.

Những vấn đề gì thường bị phàn nàn, thưa ông?

Ở Anh có hai hệ thống trường, công lập và tư thục. Chất lượng đào tạo các trường tư rất tốt, còn các trường công thì chất lượng không đồng đều. Trường công cũng chính là đối tượng bị phàn nàn nhiều nhất do mức đầu tư không theo kịp với nhu cầu của xã hội. Thêm nữa, trong tám năm trở lại đây, nước Anh đã thay đến sáu bộ trưởng giáo dục. Quan mới, chính sách mới. Sự thay đổi liên tục này, trong một chừng mực nào đó, khiến chính sách thiếu ổn định. Ở Mỹ cũng vậy. Những trường tốp đầu đều là trường tư.

Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Hệ thống trường công có vẻ như đang quá tải. Phần lớn học sinh vào trường tư vì bị trường công từ chối. Tôi hy vọng trong tương lai không xa, học sinh tự nguyện đi học trường tư chứ không phải vì không tìm được cơ hội học tập tại trường công.

Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đối với giáo dục Việt Nam hiện nay?

Có hai vấn đề khiến tôi lo ngại. Một là đội ngũ giáo viên kế thừa. Khi tiếp xúc với học sinh ở bậc trung học phổ thông, lứa tuổi bắt đầu đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai, tôi thường hỏi các em về con đường sự nghiệp. Rất hiếm trường hợp các bạn ấy tỏ ra hào hứng với nghề dạy học.

Thay vào đó, lại mong muốn trở thành nhà kinh doanh, luật sư, ca sĩ… Có vẻ như nghề giáo đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với thời gian đầu tôi mới đến Việt Nam.

Vấn đề thứ hai là các trường tư thục đầu tư nâng cao chất lượng giáo viên chưa tương xứng với đầu tư về cơ sở vật chất. Xét cho cùng thì vai trò của người thầy vẫn rất quan trọng.

Vai trò của người thầy ở Việt Nam có gì khác với quê hương ông?

Ở Anh quốc, giáo viên được đào tạo để tương tác tốt hơn và lấy người học làm trung tâm. Ở Việt Nam, dường như giáo viên được đào tạo hơi “sách vở” và thiếu tương tác. Đáng mừng là thực tế này đang có sự thay đổi.

Có hai điều nước Anh có thể học được từ Việt Nam là sự kính trọng mà xã hội dành cho người thầy. Ở Việt Nam, sự kính trọng dành cho giáo viên cao hơn hẳn tại Anh. Tôi ước gì ở Anh cũng có Ngày Nhà giáo.

Điều thứ hai là các giáo viên người Việt rất giỏi xoay xở, liệu cơm gắp mắm. Giáo viên ở Anh đôi khi trông chờ quá nhiều và phàn nàn quá nhiều về việc thiếu nguồn lực làm việc trong khi nếu so sánh với nhiều nơi khác, họ có điều kiện thuận lợi hơn.

Có vẻ như ông luôn quan sát vấn đề qua lăng kính tích cực…

Tôi nghĩ đó là một thói quen tốt. Cố gắng nhìn cuộc sống một cách tích cực là cách tôi vượt qua tâm trạng chán nản, thất vọng. Với các cộng sự cũng vậy. Thay vì phàn nàn, tôi tìm ra ưu điểm và khuyến khích họ tập trung phát triển, như vậy sẽ tốt hơn. Đương nhiên, nếu một nhân viên không có điểm mạnh thì không thể đồng hành cùng với mình.

Ngoài công việc ở Apollo, được biết ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam…

Đến tháng 1/2010 thì tôi đã rút lui khỏi vị trí này. Hiện giờ vị trí của tôi là một ủy viên trong hiệp hội.

Hoạt động cụ thể của hiệp hội là gì, thưa ông?

Một trong những hoạt động chính của hiệp hội là công tác từ thiện. Hằng năm, chúng tôi quyên góp được từ 50 ngàn đến 80 ngàn USD cho các tổ chức thiện nguyện. Ngoài ra, hiệp hội doanh nghiệp Anh còn thường xuyên cập nhật thông tin tích cực về luật pháp cho các thành viên, cũng như làm cầu nối cho các doanh nghiệp Anh có nhu cầu vào Việt Nam làm ăn.

Tiếng nói của hiệp hội, gồm những doanh nghiệp đang làm ăn ở Việt Nam, thường khách quan, nên có tính thuyết phục cao. Mới đây, chúng tôi đã giới thiệu một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào Việt Nam thuê gia công phần mềm.

Nhìn vào danh sách các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, những doanh nghiệp Anh hiện xếp ở vị trí khá khiêm tốn?

Trên danh nghĩa thì các doanh nghiệp Anh đầu tư vào Việt Nam chiếm vị trí khá khiêm tốn. Đa phần các doanh nghiệp không đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, mà thông qua các văn phòng, chi nhánh tại nước thứ ba. Hãy nhìn vào ngân hàng nước ngoài, công ty bảo hiểm lớn đang hoạt động tại Việt Nam, bạn sẽ thấy họ đến từ đâu.

Một câu hỏi cuối cùng. Trên danh thiếp của ông, có ghi ông là đồng sáng lập Apollo. Vậy những người còn lại là…

Vợ tôi. Chúng tôi đã ở bên nhau trong những thời điểm khó khăn nhất. Không có cô ấy, tôi không thể làm được những gì mình muốn. Chúng tôi có sự phân vai rất rõ ràng. Tôi phụ trách về đào tạo, còn cô ấy đảm trách công tác nhân sự, thị trường…

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự tin là vốn liếng lớn nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO