Sống thử

QUỲNH NAM| 06/07/2009 02:55

Ông Vĩnh về hưu được hơn hai năm thì bà Vĩnh phải sang Canada chăm con gái mới sinh. Đưa bà ra sân bay rồi quay về nhà, ông thấy nhà cửa trống vắng đến ngơ ngẩn...

Ông Vĩnh về hưu được hơn hai năm thì bà Vĩnh phải sang Canada chăm con gái mới sinh. Bà ái ngại khi nghĩ đến chuyện bỏ ông thui thủi ở nhà một mình, nhưng cũng phải thu xếp hành lý sang giúp con gái. Đưa bà ra sân bay rồi quay về nhà, ông thấy nhà cửa trống vắng đến ngơ ngẩn. Vợ chồng cậu con trai mỗi ngày chỉ gặp bố trong bữa ăn chiều. Cũng may ông còn có một thú vui là lên mạng internet chọn những bài viết phù hợp từ báo chí nước ngoài, dịch rồi gửi cho các báo trong thành phố. Khoản tiền kiếm được từ công việc này cũng khá, ngoài ra nó còn giúp ông khuây khỏa rất nhiều, đỡ cảm thấy trống vắng.

Thường buổi sáng ông đi uống cà phê với mấy ông bạn già. Khoảng chín giờ, ông về mở máy tính làm việc đến trưa. Chiều lại đội mũ ra công viên gần nhà chơi cờ tướng. Loanh quanh cũng hết ngày. Thời gian đầu bà điện thoại về rủ rỉ hỏi han, động viên chồng. Sau ông bảo bà nhờ con tạo cho cái nick chat, thế là cứ tầm hai giờ chiều ông bà hẹn nhau lên mạng chat, rôm rả đủ chuyện.

Hôm nay đến giờ hẹn với bà thì ông lại có khách. Khách là một phụ nữ trung niên, son phấn đậm đà, vừa thấy ông ra mở cổng đã reo lên: “Ôi anh Vĩnh, trông anh chả khác ngày xưa là mấy”. Ông ngớ ra, chưa kịp trả lời thì bà đã nắm tay ông lắc lắc, và cười rất trẻ trung, duyên dáng: “Anh quên em rồi sao?”. Vào nhà, nói chuyện dăm câu ba điều, bà nguýt ông sắc lẻm, ông mới giật mình: “Thôi chết, cô Lệ phải không?”...

Ngày xưa, bà Lệ vốn là hàng xóm của ông Vĩnh. Bà táo bạo lắm, ngày nào cũng sang nhà ông chơi, tìm đủ mọi cách gây sự chú ý nơi ông. Cô em ông Vĩnh bảo là bà vô duyên, nhưng ông thấy bà cũng hay hay, lại ra mặt săn đón mình nên cũng xiêu lòng. Họ hẹn hò đâu được vài lần thì cậu bạn cùng lớp ông đến nhà chơi, thấy bà xinh xẻo nên lân la tán tỉnh, bà cũng chuyển hướng ngay. Rồi chiến tranh, mỗi người một nơi, thế mà đã 40 năm.

Bà đứng dậy ngắm nghía mấy tấm ảnh treo trên tường, reo lên: “Ôi, hóa ra là anh cưới chị Hạnh nhà đối diện à? Thế chị đâu rồi anh?”. “Bà nhà tôi đi trông cháu ngoại rồi”. “Tội nghiệp anh, vậy ai lo cơm nước cho anh?”.

Bà ở chơi cả buổi, lại nấu giúp ông bữa cơm chiều. Bà có kiểu nói chuyện thoải mái, hồn nhiên, làm không khí trong nhà cứ rộn lên. Hôm sau, ông đi uống cà phê sáng về đã thấy bà tay xách nách mang đứng đợi ở cổng. Có bóng dáng phụ nữ ngôi nhà ấm áp hẳn lên. Mấy hôm sau thì bà rủ ông đến chơi nhà mấy người bạn cũ. Ra đường bà trang điểm đậm, vòng tay ôm eo ông, làm ông vừa ngại vừa cảm thấy thú vị.
Tối về ông mới nhắn tin cho vợ là đợt này đang kèm sinh ngữ cho một người bạn, hôm sau bà nhắn lại là bà biết người bạn kia là ai rồi, ông không phải áy náy, miễn sao cuộc sống vui vẻ là được. Ông thành thật kể là có bà Lệ hay đến chơi, đi chợ nấu cơm giúp ông, ông cũng thấy khuây khỏa. Bà bảo: “Ông cứ yên tâm, ông như thế nào tôi biết, cái cô Lệ kia cũng là hàng xóm ngày xưa, tôi lạ gì tính cô ấy, ông cứ thu xếp sao cho thoải mái là được”.

Con trai điện thoại sang mách mẹ là bà Lệ ở lại nhà đến tận tối, cứ xưng hô anh anh em em với ba, chướng tai gai mắt lắm. Bà Hạnh bảo con: “Mẹ giờ bận giúp chị, chưa về ngay được, các con thì bận đi làm, đi học, có ngó ngàng gì đến ba đâu. Ba già rồi, ba biết phải trái, cứ để ba bầu bạn với bà ấy cho vui”. Được lời của vợ, thêm bà Lệ chèo kéo, ông Vĩnh thu xếp quần áo sang nhà bà Lệ ở mấy hôm, coi như thay đổi không khí, khiến các con phản đối ầm ầm. Bà Hạnh vẫn điềm tĩnh: “Cứ để cho ba đi chơi mấy hôm. Ba đi rồi ba lại quay về thôi mà”. Hai tuần sau thì ông Vĩnh quay về nhà thật, hai giờ chiều ông lại chat với bà: “Bà ơi, tôi về nhà rồi”. Bà đáp: “Gớm, ông đi nhanh thế, tôi đang lo lúc tôi về bà ấy không chịu trả ông cho tôi đấy!”. Ông gửi lại cho bà hình một cái mặt cười nhăn răng, rồi hỏi han về con gái, con rể và cháu ngoại. Bà bảo mới tìm được người trông trẻ, nhưng nếu ông tự thu xếp được thì bà ở lại thêm mấy tháng cho cháu cứng cáp. “Thôi, lo cho cháu như thế là được rồi, về đi bà ạ. Không có ai thay được bà đâu”, ông giục bà.

Câu chuyện của ông Vĩnh rốt cuộc vẫn được giữ bí mật trong vòng gia đình. Bà Hạnh về rồi ông mới rủ rỉ kể chuyện hai tuần “sống thử” của mình. Đúng là lúc đầu ở với bà Lệ ông cũng thấy thích thú, vì được bà đon đả hỏi han, chăm sóc, nhưng rồi những chăm sóc của bà lại hơi quá. Bà dắt ông ra chợ Tân Định, khoác tay ông đi mua vải, anh anh em em làm ông ngượng gần chết. Ông ngồi xem tivi hay làm việc, bà cứ chạy ra chạy vào, hỏi han: “Anh có thấy thoải mái, dễ chịu không? Em mặc bộ đồ hoa xanh này anh thấy thế nào?..., khiến ông nhức đầu. Rồi ông ra công viên chơi cờ tướng thì cứ 15 phút bà lại điện hỏi anh có nhớ em không, sao anh lâu về thế, cứ như một cặp vợ chồng son. Càng ở càng thấy mệt mỏi, ông khiếp quá, tháo chạy về.

Bà Hạnh nghe ông kể chỉ cười. Chuyện này bà đã lường trước, không phải vì bà không ghen tuông, chẳng qua là bà hiểu tính chồng. Bà biết người phụ nữ đồng bóng này chẳng chóng thì chày cũng làm ông chán. Nhưng nếu gia đình ra mặt cấm cản thì ông sẽ bực bội, khó chịu, chi bằng để ông được thoải mái.

Ông Vĩnh không dám kể hết sự thực. Hôm ông thu xếp quần áo về nhà, bà Lệ khóc như mưa. Ông thấy áy náy nên để lại cho bà một “vật làm tin” là cái thẻ ATM của ông, trong tài khoản còn mười mấy triệu tiền nhuận bút hai năm viết báo. Ông chặc lưỡi: “Coi như học phí cho vụ “sống thử” cuối đời”. Cũng may là vụ sống thử này không xảy ra lúc ông còn trẻ, bằng không những thứ ông mất sẽ lớn hơn gấp bội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống thử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO