Ông Huỳnh Hữu Tài - TGĐ Công ty TNHH DVTM - Thiết bị âm thanh, ánh sáng Tân Hữu Tài: "Tâm lành, đức tốt mới trường tồn được với nghề”

HOÀNG LINH LAN| 05/06/2019 03:47

Bốn mươi mốt năm gắn bó với nghề thiết bị âm thanh, ánh sáng bằng niềm đam mê và năng khiếu bẩm sinh, không ngoa khi nói ông Huỳnh Hữu Tài là nhân vật đặc biệt, góp phần khai mở ngành thiết bị âm thanh, ánh sáng tại Việt Nam. Mười mấy năm trước, ông được người trong nghề phong tặng “Ông hoàng thiết bị âm thanh, ánh sáng”. Khi chương trình Demo Prosound do ông tổ chức bước sang năm thứ hai, ông có thêm biệt danh “Anh cả”.

Ông Huỳnh Hữu Tài - TGĐ Công ty TNHH DVTM - Thiết bị âm thanh, ánh sáng Tân Hữu Tài:

Ông luôn cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ anh em trong nghề, kể cả những công ty từng coi công ty ông là đối thủ. Đi lên từ  bàn tay trắng, chàng trai gầy nhom 16 tuổi ngày nào khởi nghiệp với nghề thiết bị âm thanh, ánh sáng, giờ là chủ một công ty thuộc loại hàng đầu trong lĩnh vực này với 60 nhân viên, tổ chức, góp phần tổ chức hoặc cung cấp thiết bị, ánh sáng cho nhiều lễ hội quy mô lớn, nhiều festival, liveshow âm nhạc, như Lễ hội Sài Gòn 300 năm, Lễ hội Chào đón thiên niên kỷ, Lễ hội 995 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ hội Chào mừng SEAGames 22, Festival Huế, Festival Biển Nha Trang 2005, Festival Hoa Đà Lạt; các chương trình Thời trang và Cuộc sống, Giai điệu tình yêu, liveshow của Hồng Nhung, Hương Lan, Đan Trường, Cẩm Ly; cung cấp, tư vấn, lắp đặt trang thiết bị âm thanh, ánh sáng cho nhiều sân khấu, vũ trường, bar, nhà hàng, quán cà phê. Ông luôn tâm niệm làm thế nào để các công ty cùng nhau phát triển, đưa ngành âm thanh, ánh sáng Việt Nam lên tầm cao mới.

IMGL7363-1111-4193-1559717232.jpg

* Triết lý cùng nhau phát triển đã ảnh hưởng đến con đường kinh doanh của ông như thế nào?

- Tôi tin vào luật nhân quả. Đây là bài học tôi chiêm nghiệm trong suốt hơn 40 năm làm nghề. Ngay cả trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều công ty thiết bị âm thanh, ánh sáng ra đời, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc cạnh tranh, sân si với anh em. Hễ anh em cần hoặc thiếu trang thiết bị đến tìm, tôi đều sẵn lòng cho mượn, cho thuê, có tiền thì đưa, không thì thôi. Tôi luôn tin khi gieo mầm lành, đời sẽ hồi đáp hệt như vậy.

Với anh em trong Tân Hữu Tài cũng vậy, tôi luôn tạo điều kiện để họ sống tốt với nghề, cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó coi Công ty là gia đình thứ hai. Tâm lành, đức tốt mới trường tồn được với nghề.

* Hẳn triết lý này đã thôi thúc ông tổ chức chương trình Demo Prosound quy tụ 12 thương hiệu thiết bị âm thanh, ánh sáng với tiêu chí “Thân thiện, đoàn kết và phát triển”?

- Mục đích của Demo Prosound không phải để kinh doanh mà là sân chơi dành cho người làm nghề và những bạn trẻ mê âm thanh, ánh sáng tìm được điểm khởi đầu, tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất. Muốn tiếp cận những trang thiết bị này, thông thường phải xem những triển lãm nước ngoài, nhưng đâu phải ai cũng có điều kiện để đi. Do đó, tôi muốn đem mô hình tổ chức đó về Việt Nam, để anh em đến, học hỏi và mở mang kiến thức, biết thị trường đang có những gì, cần gì, nên bắt đầu từ đâu.

Giả dụ 10 công ty tham gia Demo Prosound thì ít nhất sẽ có ba công ty phát triển kinh doanh, bảy công ty có những biến chuyển nhất định trong kinh doanh. Đó là điều làm tôi vui nhất. Càng vui hơn khi trước đây một số anh em nghĩ mình cạnh tranh với họ thì sau khi tham gia Demo Prosound, họ hiểu mình không phải vậy. Có người nói với tôi rằng, qua Demo Prosound lần này, sẽ bỏ tính sân si. Hướng đến sự phát triển chung của ngành âm thanh, ánh sáng Việt Nam là tâm niệm suốt đời tôi đeo đuổi.

* Nhìn những người trẻ bắt đầu với nghề trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, ông có thấy đó là bóng dáng của chính mình những năm đầu khởi nghiệp?

- Thời đó tôi đâu biết nghề thiết bị âm thanh, ánh sáng là làm gì. Gia tài của tôi khi đó có mỗi chiếc xe đạp. Tôi mày mò sửa chữa radio phụ ba mẹ kiếm sống. Mấy lần được ba cho đi xem người ta diễn trên sân khấu, thấy ánh sáng màu mè, tôi thích và thử tìm hiểu về thiết bị tạo ra các loại âm thanh, ánh sáng ấy. Nhờ mày mò, tự học, tôi tích lũy được chút kiến thức rồi được giao trực điện tại một rạp hát. Khi các đoàn về biểu diễn, tôi vô hậu trường xem người ta điều khiển âm thanh, ánh sáng. Nhờ cố gắng học những cái hay về ánh sáng, âm thanh ở các đoàn hát, gom lại, làm thành cái của riêng mình.

Giai đoạn ấy chưa có trang thiết bị nhập như bây giờ, mọi thứ đều phải tự chế tạo thủ công. Cũng không có ai dạy cho mình. Tôi nghiên cứu, tự chế trang thiết bị rồi cho Đoàn Ca múa nhạc tỉnh An Giang thuê. Suốt 5 năm trời, ở Đồng bằng sông Cửu Long, đoàn đi đến đâu, người trong nghề biết tên tôi đến đó. Tiếng lành đồn xa, năm 1986, tôi trở lại Sài Gòn thì gặp Đoàn Ca nhạc nhẹ TP.HCM và bắt đầu thiết kế bàn điều khiển âm thanh, đèn ánh sáng cho họ thuê. Thấy tôi có năng khiếu, ông chủ đoàn kêu tôi theo đoàn lo khâu âm thanh, ánh sáng trong chuyến lưu diễn Đông Âu suốt sáu tháng trời, qua năm nước. Có nhiều trang thiết bị tôi tự chế, các chuyên gia bên đó đến xem thì họ bất ngờ, gật gù, không nghĩ người Việt mình có thể làm được vậy.

* Tại thời điểm đó, một công ty thiết bị âm thanh, ánh sáng của Đức đã mời ông ở lại làm việc nhưng ông từ chối, tại sao vậy?

- Đó là một kỷ niệm nhớ đời và đầy tự hào vì thời đó, chưa có người Việt nào được mời làm việc ấy. Nhưng tôi không đành xa gia đình vì đó là chỗ dựa vững chắc của tôi. Trở về Việt Nam, tôi từng bước nghiên cứu thêm, tập sản xuất trang thiết bị. Định hình của tôi lúc đó là sản xuất thiết bị âm thanh, ánh sáng cung cấp cho các đoàn ca múa nhạc, vũ trường, quán bar trong Nam ngoài Bắc. Tôi và một người thợ nữa cùng làm, hàng không kịp bán. “Ánh sáng Hữu Tài” có từ đó.

* Nhưng như ông nói, đó là giai đoạn khó khăn nhất...

- Đúng là như vậy. Mọi thứ mình đều phải tự mày mò nghĩ ra, cân nhắc mức độ phù hợp và công năng khi đưa vào sử dụng. Không có trang thiết bị, tôi tìm mua từ moteur đến linh kiện trong đống đồ cũ, chế thành thiết bị riêng. Làm quên ăn quên ngủ nhưng không thấy mệt vì đam mê. Tôi bị cuốn hút bởi các thiết bị âm thanh, ánh sáng. Mỗi khi chế được một món mới, tôi vui âm ỉ mấy ngày liền. Rồi tôi bắt đầu có thêm một vài rồi nhiều người thợ nữa. Cứ thế mọi thứ phát triển dần lên.

* Đâu là lý do khiến ông quyết định xâm nhập lĩnh vực cho thuê trang thiết bị âm thanh, ánh sáng?

- Thời đó, các kênh truyền hình bắt đầu quan tâm đến ánh sáng sân khấu mà Ánh sáng Hữu Tài gần như là đơn vị duy nhất vừa thiết kế, vừa đổi mới cách vẽ hình mẫu liên tục nên không ai bắt chước được. Những hợp đồng lớn kéo đến. Chức năng cửa hàng không còn phù hợp, tôi chuyển qua pháp nhân công ty. Năm 1997, Tân Hữu Tài ra đời, kiêm nhiệm hai lĩnh vực vừa sản xuất, cung cấp trang thiết bị, vừa cho thuê.

Tùy theo yêu cầu của thị trường, Tân Hữu Tài tính được cái gì nên đầu tư, cái gì không, đầu tư nhiều hay ít nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để xoay vòng kinh doanh.

Trong suốt hành trình đó, tôi chưa bao giờ biết được bước tiếp theo mình sẽ làm gì. Tôi chỉ biết cố gắng trau dồi kiến thức, kỹ năng và lấy sự tử tế đối đãi với khách hàng. Cơ duyên và cơ hội cứ thế dần mở. Tôi tin, khi có chút năng khiếu mà biết dồn tâm sức và nhiệt huyết để theo đuổi một việc gì đó mình ưa thích thì nhất định thành công.

* Thị trường thiết bị âm thanh, ánh sáng ngày càng phát triển, lúc Tân Hữu Tài chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu,  ông có cảm thấy bị mất thị phần?

- Hoàn toàn không. Tôi thấy phấn khích vì học hỏi được nhiều điều hay. Với người làm nghề, không gì vui bằng việc kích thích sự tò mò, phát triển thêm ở lĩnh vực mình đang theo đuổi. Xe tôi không dám sắm, nhà cũng không dám mua. Có bao nhiêu tiền đổ vô mua trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. Thiết bị chúng tôi nhập về đều trong xu thế đón đầu, vài ba năm sau đó mới phổ biến ở Việt Nam. Tôi quan tâm công nghệ mới nhưng cũng quan tâm đến người dùng công nghệ. Mua thì dễ mà tìm người dùng không dễ. Cả hai phải cùng song hành thì mới phát triển bền vững được.

* Giữ người giỏi nghề không phải là chuyện dễ với người làm kinh doanh, nhất là khi lĩnh vực thiết bị âm thanh, ánh sáng đang bùng nổ như hiện nay?

- Giữ được anh em ở lại với Tân Hữu Tài chính là cái nhân, cái nghĩa, cái tâm và cả tiền. Trách nhiệm của mỗi người làm kinh doanh là phải tạo cho nhân viên có cuộc sống sung túc. Tôi nghĩ, đó là cách thuyết phục tốt nhất.

* Còn việc xoay vòng vốn trong bối cảnh công nghệ thiết bị âm thanh, ánh sáng liên tục đổi mới?

- Công nghệ thiết bị âm thanh, ánh sáng ngày càng hiện đại nhưng chủng loại của chúng thì từ “thượng vàng đến hạ cám”. Tùy theo yêu cầu của thị trường, Tân Hữu Tài tính được cái gì nên đầu tư, cái gì không, đầu tư nhiều hay ít nhằm đảm bảo đủ nguồn vốn để xoay vòng kinh doanh.

* Mười năm trước các công ty kinh doanh trang thiết bị âm thanh, ánh sáng còn thưa thớt, nhưng hiện nay thị trường đã “nở nồi”, đồng nghĩa “miếng bánh” phải chia nhỏ...

- Chúng tôi thường thay đổi cách làm việc để tiếp cận công nghệ mới tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh không chỉ có trong lĩnh vực thiết bị âm thanh, ánh sáng. Có như vậy thì kinh tế mới phát triển được. Người ta có thể dẫm lên nhau để tồn tại, nhưng không có nghĩa tất cả đều như vậy. Phương châm của chúng tôi vẫn như ngày đầu, cứ làm hết sức, hết lòng, quả ngọt sẽ đến. Gieo duyên lành thì được duyên lành.

Mục đích của Demo Prosound không phải để kinh doanh mà là sân chơi dành cho người làm nghề và những bạn trẻ mê âm thanh, ánh sáng tìm được điểm khởi đầu, tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại nhất.

* Theo ông thì còn bao lâu nữa thị trường thiết bị âm thanh, ánh sáng Việt Nam có thể bắt kịp thế giới?

- Khoảng 10 năm trước, các công ty Việt Nam nhập 100% trang thiết bị từ nước ngoài, dần dần giảm xuống còn 70%, rồi 50%. Hiện giờ là 20%. Hiện nay, thiết bị âm thanh, ánh sáng, người Việt Nam mình tự làm được hết. Tôi tin là với đà phát triển này, khoảng vài ba năm nữa, thị trường Việt Nam sẽ có đầy đủ thiết bị đáp ứng mọi loại hình biểu diễn, từ phục vụ festival văn hóa đến những chương trình ca nhạc, thời trang.

* Hơn 40 năm nay gắn bó với nghề, ông đã tính đến chuyện nghỉ ngơi?

- Năm nay tôi không đứng ra tổ chức Demo Prosound (lễ hội âm thanh chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam) mà là người khác. Tôi nghĩ những gì mình cần và muốn làm thì đã nỗ lực và làm trọn vẹn. Mới đây tôi được mời sang Trung Quốc triển lãm thiết bị âm thanh, ánh sáng. Tôi vẫn sẽ luôn cập nhật công nghệ mới vì bản tính tò mò và vì đam mê nghề. Những công việc khác có lẽ đã đến lúc dừng lại. Phải “nhường sân” cho lớp trẻ.

Tôi chú trọng thế hệ kế thừa. Con gái tôi đã đảm trách được mảng kinh doanh, hành chính. Tôi lo về mảng kỹ thuật, trang thiết bị, tổ chức. Tôi nghĩ bất cứ sự kế thừa nào cũng cần từng bậc một, nhất là với nghề kinh doanh trang thiết bị âm thanh, ánh sáng thì càng không thể vội, không thể gấp được. Trước mắt cứ như vậy đã. Còn bước tiếp theo như thế nào, tôi tin ơn trên sẽ sắp xếp và chỉ dấu cho mình.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông Huỳnh Hữu Tài - TGĐ Công ty TNHH DVTM - Thiết bị âm thanh, ánh sáng Tân Hữu Tài: "Tâm lành, đức tốt mới trường tồn được với nghề”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO