Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 13: “Còn bất cập thì phải sửa!”

30/09/2010 07:24

Không phải Ngân hàng Nhà nước nhân nhượng trước áp lực nào, mà sau khi lắng nghe, chúng tôi nhận thấy trong văn bản còn một số điểm bất cập, và còn bất cập thì phải sửa!”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói trong cuộc trao đổi với giới báo chí về những sửa đổi của Thông tư 13, ngày 29/9.

Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 13: “Còn bất cập thì phải sửa!”

“Không phải Ngân hàng Nhà nước nhân nhượng trước áp lực nào, mà sau khi lắng nghe, chúng tôi nhận thấy trong văn bản còn một số điểm bất cập, và còn bất cập thì phải sửa!”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói trong cuộc trao đổi với giới báo chí về những sửa đổi của Thông tư 13, ngày 29/9.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: "Xét trên yếu tố khách quan và chủ quan thì việc ban hành Thông tư 13 là rất cần thiết".

Sau một thời gian “ồn ào” quanh Thông tư 13, ngày 27/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 19, sửa đổi một số điểm mấu chốt của Thông tư 13. Đánh giá về việc này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nói:

- Mục tiêu của chính sách tiền tệ bao giờ cũng phải đảm bảo 3 vấn đề: ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hệ thống cũng như an toàn hệ thống thanh toán; từ đó, góp phần ổn định tăng trưởng, hạn chế lạm phát. Việc ban hành Thông tư 13 không ngoài mục đích giữ vững an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua cho thấy, vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Nhất là khi hệ thống ngân hàng Việt Nam có tính chất không đồng đều cả về quy mô và khả năng quản trị rủi ro.

Một vấn đề nữa, hệ thống ngân hàng Việt Nam có một điểm chung là có tính chất không đồng đều, ngân hàng lớn thì có hệ thống quản trị rủi ro tốt, còn ngân hàng nhỏ thì tiềm lực tài chính và quản trị rủi ro cũng yếu hơn.

Bởi vậy, xét trên yếu tố khách quan và chủ quan thì việc ban hành Thông tư 13 là rất cần thiết. Trước và trong quá trình xây dựng Thông tư 13, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều hội thảo, nghe nhiều ý kiến phản biện từ các chuyên gia, Hiệp hội Ngân hàng; đồng thời, gửi dự thảo cho các ngân hàng thương mại từ rất sớm.

Còn việc vì sao phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13 thì phải hiểu rằng, không phải Ngân hàng Nhà nước nhân nhượng trước áp lực nào, mà sau khi lắng nghe, chúng tôi nhận thấy trong văn bản còn một số điểm bất cập, và còn bất cập thì phải sửa!

Bất cập đầu tiên là còn một vài từ rất quan trọng cũng như một số điểm trong thông tư chưa phù hợp với thực tiễn. Thực ra, những điểm này nếu xét đơn thuần về mặt kỹ thuật thì nếu cả hệ thống cùng quyết tâm, sẽ thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi xét thấy tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định nên Ngân hàng Nhà nước phải lưu ý đến yếu tố này.

Thứ hai, qua đánh giá của dư luận, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy phần lớn dư luận đều nghiêng về quan điểm: Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải giữ hệ thống thật an toàn, một mặt để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền và mặt khác là thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng có một số chuyên gia trong ngành cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc đến vấn đề: khi áp dụng cái mới, nhạy cảm thì phải làm sao đó để trôi chảy hơn, không gây sốc.

Cùng đó, Chính phủ đã có ý kiến yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu lại một số góp ý về mặt kỹ thuật của Hiệp hội Ngân hàng xung quanh Thông tư 13.

Những người trong cuộc nói rằng, làm một chuyện lớn như Thông tư 13 mà chỉ cho một thời gian ngắn là không thể thực hiện được, Thống đốc nghĩ sao?

Người ta phàn nàn với tôi rằng, thời gian hiệu lực của Thông tư 13 là quá ngắn. Nhưng thực tế, từ lúc ban hành là 20/5 đến khi có hiệu lực là 1/10, với quãng thời gian 4 tháng 10 ngày thì đó là dài hay ngắn, so với quy định là 45 ngày đối với bất kỳ một văn bản pháp quy nào?

Nói như thế để thấy rằng, Ngân hàng Nhà nước không vội vàng, gấp gáp, mà đã có sự tính toán thận trọng.

Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã đắn đo ra sao khi sửa đổi bổ sung những điểm mấu chốt trong Thông tư 13?

Đầu tiên là sửa một vài từ rất quan trọng cũng như một số điểm trong thông tư chưa phù hợp với thực tiễn.

Ví dụ, “tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động” thay vì “so với nguồn vốn huy động”. Điều này được hiểu: phần vốn còn lại như vốn chủ sở hữu, vốn tự có thì ngân hàng thương mại được phép sử dụng vào mục đích tín dụng, nếu luật không cấm.

Ví dụ, ngân hàng thương mại có quyền sử dụng tới 50% vốn điều lệ cho mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh, còn 50% còn lại được phép hoạt động tín dụng vì đó là vốn của họ.

Ngân hàng Nhà nước có quan điểm thế nào khi cho phép ngân hàng thương mại kinh doanh nguồn tiền gửi của kho bạc?

Đây là chuyện đã nói từ thời tôi còn làm Phó thống đốc, đến khi tôi về địa phương, gần 5 năm sau quay lại làm Thống đốc, vẫn phải nhắc đến chuyện này.

Theo luật, tiền gửi kho bạc phải gửi ở Ngân hàng Nhà nước, trong trường hợp không có Ngân hàng Nhà nước thì gửi ở các ngân hàng thương mại. Trong luật Ngân hàng Nhà nước mới cũng quy định: những khu vực không có hiện diện Ngân hàng Nhà nước thì việc gửi ở đâu là do Ngân hàng Nhà nước quy định.

Vì sao phải chặt chẽ như vậy? Bởi vì, đây là nguồn vốn rất lớn và thường xuyên biến động do chúng là loại tiền gửi không kỳ hạn. Hiện tiền gửi Kho bạc tại ngân hàng thương mại khoảng 57.000 tỷ đồng (Agribank 33.000 tỷ; BIDV 9.400 tỷ, Vietcombank 8.300 tỷ, VietinBank 1.400 tỷ).

Đây là năm có số dư tiền gửi lớn nhất, chứ mọi năm con số này chỉ vài chục nghìn tỷ đồng. Nhưng dù thế nào thì cũng phải đặt lộ trình đưa nguồn tiền này ra khỏi nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng.

Nhiều người kêu rằng, đáng lẽ Ngân hàng Nhà nước không nên tính cả phần “bảo lãnh thanh toán” vào tỷ lệ an toàn mới phải, vì thực tế hợp đồng loại này không nhiều. Thống đốc lý giải như thế nào?

Chúng tôi đưa “bảo lãnh thanh toán” vào tỷ lệ an toàn chẳng qua là vì không muốn chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”. Khi ký kết hợp đồng, chưa phát sinh rủi ro thì mọi thứ đều tốt nhưng khi có chuyện thì mới đáng lo. Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, trong hệ thống thì loại hình bảo lãnh này chưa nhiều, nên chúng tôi cũng mạnh dạn bỏ.

Tuy nhiên, phải lưu ý, trên thực tế một ngân hàng đã bảo lãnh 5.200 tỷ trong sự cố của một tập đoàn kinh tế lớn và nếu phải thực hiện đúng cam kết thì ngân hàng đó mất đứt số tiền này, mặc dù đó là cá biệt..

Thông lệ quốc tế không yêu cầu ngân hàng thương mại được sử dụng tỷ lệ bao nhiêu phần trăm tiền gửi thanh toán, sao ở Việt Nam lại phải quy định?

Đây là một bài toán khó. Theo Nghị định 13, tiền gửi thanh toán không được cơ cấu vào nguồn cấp tín dụng. Hiện nguồn tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế chiếm khoảng 19% tổng nguồn, chỉ cần biến động 30.000 - 50.000 tỷ thì hệ thống “gặp vấn đề” ngay.

Ở các nước, họ không cấm cũng không ra chỉ tiêu sử dụng là bao nhiêu nhưng họ rất riết nóng và khắt khe quản trị rủi ro. Còn ở ta, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước thì biến động của tiền gửi không kỳ hạn có thể lên tới 80%! Ví dụ, tiền gửi 100.000 tỷ đồng thì sẽ có lúc họ rút ra tới 80.000 tỷ đồng.

Trong thực tiễn cuộc sống, có thể tồn lại một tỷ lệ ổn định nào đó nhưng phải hiểu đó là một tỷ lệ rất nhạy cảm. Vì thế, dù cho phép sử dụng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải tiếp tục theo dõi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 13: “Còn bất cập thì phải sửa!”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO