Nếu ốm, tôi chọn thuốc nội

HẢI VÂN thực hiện| 06/10/2011 02:49

Ma trận trong lĩnh vực phân phối dược phẩm tại Việt Nam, tâm lý chuộng thuốc ngoại, biến động giá nguyên liệu đầu vào... không khỏi khiến những lãnh đạo của các công ty dược canh cánh nỗi lo.

Nếu ốm, tôi chọn thuốc nội

Ma trận trong lĩnh vực phân phối dược phẩm tại Việt Nam, tâm lý chuộng thuốc ngoại, biến động giá nguyên liệu đầu vào... không khỏi khiến những lãnh đạo của các công ty dược canh cánh nỗi lo. Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi thẳng thắn về thực trạng thị trường dược phẩm Việt Nam, ông Mã cũng chia sẻ những ấp ủ cho viên thuốc của Traphaco không chỉ tốt trong nước mà còn xuất đi nước ngoài, cũng là một cách khẳng định tiềm năng của ngành dược phẩm Việt Nam.

“Nỗi oan” của dược nội

* Ông có thể thấy nhu cầu về ăn mặc của người dân không còn quá quan trọng nữa thì vấn đề sức khỏe đang được đặt lên hàng đầu. Như vậy, ngành dược Việt Nam đang có cơ hội vàng để phát triển và thoát ra khỏi cái bóng “nền dược phẩm lạc hậu”. Ông có thể chia sẻ những nhìn nhận riêng của mình về thị trường dược phẩm Việt Nam hiện nay?

- Sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam. Lạm phát và lãi suất tăng cao đã đẩy không ít doanh nghiệp trong nước vào tình trạng khó khăn về tài chính cùng với những khó khăn về sức cạnh tranh ở thị trường đầu ra.

Doanh nghiệp dược phẩm trong nước phải chịu những áp lực khi giá đầu vào biến động mạnh, trong khi giá đầu ra lại bị kiểm soát bởi quy định của Bộ Y tế, điều này gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược phẩm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một khía cạnh khác thì đây cũng chính là giai đoạn đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp thuộc ngành dược phẩm.

Khi chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng cao, nhu cầu về ăn, mặc không còn quá quan trọng nữa thì vấn đề sức khỏe được đặt lên hàng đầu.

Nguồn ngân sách chi trả cho mức phí sử dụng thuốc ở bệnh nhân dùng thuốc bảo hiểm y tế đúng với thực tế. Bộ Y tế đã có những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện ưu tiên sử dụng thuốc nội.

Ngành dược trong nước vẫn có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 15% trong giai đoạn 2009-2012, mặc dù tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đạt 50% nhu cầu sử dụng thuốc trên toàn quốc. Với lợi thế về dân số, Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ dược phẩm đầy tiềm năng.

Trước một thị trường như vậy, tôi đánh giá các doanh nghiệp ngành dược đang có những cơ hội phát triển để hòa nhịp kịp với xu thế hội nhập toàn cầu.

* Nhưng không thể phủ nhận là thực tế có ý kiến cho rằng, thuốc sản xuất trong nước chưa thuyết phục thầy thuốc kê toa là do chưa chứng minh được tác dụng, hiệu quả của thuốc. Trong khi tâm lý chuộng thuốc ngoại thì không hề giảm...

- Thực tế, các loại thuốc xuất xứ từ Tây Âu, Bắc Mỹ được nghiên cứu và sản xuất trong điều kiện tốt và chất lượng cũng đã được khẳng định. Song, chất lượng thuốc do Việt Nam sản xuất cũng không thua kém các nước trong khu vực.

* Nhưng người ta vẫn nói thuốc nội một mình một chợ đấy thôi?

- Không phải như vậy. Ngành dược Việt Nam bị mang tiếng là có giá thuốc cao, nhưng thực tế, các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong điều kiện rất khó khăn.

Sau khủng hoảng 2008, giá nguyên phụ liệu, lãi suất ngân hàng đều tăng cao, trong khi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định tăng giá thuốc của ngành y tế nên giá thuốc chỉ được điều chỉnh trong phạm vi cho phép dưới sự kiểm soát của Cục quản lý dược.

Khi chúng tôi đấu thầu vào bệnh viện, chúng tôi phải cam kết giữ giá ổn định trong thời gian khoảng một năm. Trong một năm đó, trượt giá bình thường từ 15 - 17%. Giữ giá trong bối cảnh hiện nay lại càng khó.

Có thời điểm, sợ không dám bán hàng vì càng bán càng lỗ... Dư luận kêu giá thuốc đắt, như vậy là không công bằng với ngành dược. Tôi cho rằng, giá thuốc của Việt Nam là thấp.

Chẳng hạn: một chai dịch truyền 500ml được bán với giá hơn 10.000 đồng, một sản phẩm truyền trực tiếp vào máu, đòi hỏi những tiêu chuẩn phức tạp mà giá chỉ chừng ấy hoặc hay như một số loại thuốc được người dân sử dụng rộng rãi, có giá khoảng 300 đồng/viên thì mua một vỉ thuốc cũng chỉ tương đương uống một chén nước chè và hút một điếu thuốc lá.

* Nếu vậy, theo ông, giá thuốc cao có phải do doanh nghiệp phân phối liên kết thao túng thị trường thuốc không?

- Chúng ta vận hành theo cơ chế thị trường, nếu doanh nghiệp bán giá cao quá hay thấp quá đều không được, thị trường điều chỉnh, sàng lọc và đào thải ngay. Như vậy, theo tôi không có sự thao túng giá trên thị trường.

Chỉ khi có vài doanh nghiệp chia nhau thị phần, bắt tay nhau mới có thể nâng giá bán. Nhưng hiện nay, trên cả nước có khoảng 100 đơn vị sản xuất dược và hàng nghìn doanh nghiệp phân phối, cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn, số doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả chỉ chiếm 10-15%.

* Thế còn dư luận nói ngành thuốc là siêu lợi nhuận, có oan không?

- Oan chứ! Cơ chế thị trường, ngành nào “nóng”, người ta lao tiền vào đó ngay. Nếu thực sự là siêu lợi nhuận, bây giờ ngành dược đã có những “ông lớn”. Giá thuốc nội rất rẻ, khả năng sinh lời cho doanh nghiệp sản xuất dược rất thấp.

Traphaco là một doanh nghiệp dược phẩm hàng đầu của Việt Nam nhưng lợi nhuận chưa đạt 100 tỷ đồng mỗi năm. So với các ngành ngân hàng, hay một số ngành nghề thực phẩm, đồ uống... lợi nhuận hàng nghìn tỷ, thì lợi nhuận ngành dược thu được chẳng thấm tháp gì.

Nếu chỉ nghĩ đến việc làm gì cho giá thuốc rẻ, doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách cắt giảm các chi phí mà không đầu tư cho máy móc, trang thiết bị, nghiên cứu để nâng cao chất lượng thuốc... đương nhiên, ngành dược sẽ khó bắt kịp các nước phát triển. Lúc đó, chúng ta sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các sản phẩm thuốc nhập khẩu từ nước ngoài.

Thành tín mới có thành tâm

* Trong hoạt động kinh doanh đều có triết lý cá nhân, với ngành dược liên quan đến sức khỏe và sinh mạng của con người thì triết lý kinh doanh càng có ý nghĩa, phải không thưa ông?

- “Kinh doanh thành tín” là triết lý kinh doanh của chúng tôi. Điều đó có nghĩa, khi xây dựng mục tiêu hay cam kết với khách hàng, với nhà đầu tư, Traphaco đều quyết tâm thực hiện tốt.

Trong hoạt động kinh doanh, ai cũng muốn có nhiều lợi ích, nhưng nếu chúng ta dám mạnh dạn chia sẻ quyền lợi của doanh nghiệp với người tiêu dùng và các đối tác thì mới có thể đi đến phát triển bền vững.

Quan điểm của tôi, kinh doanh là phải đồng lợi. Vì vậy, chúng tôi có trách nhiệm cung cấp cho xã hội những sản phẩm có giá trị tốt nhất, đồng thời đảm bảo những yêu cầu, lợi ích của nhà đầu tư và thực hiện tốt các quy định của ngành dược, của Nhà nước.

* Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc thành phẩm. Các công ty dược Việt Nam chủ yếu thực hiện bào chế gia công, còn hầu như các nguyên liệu hóa dược đều phải nhập khẩu. Ông đang nói tới khả năng “hội nhập” của các hãng dược trong nước. Đối với Traphaco, năng lực hội nhập được chuẩn bị thế nào?

- Từ một vài chế phẩm ban đầu, hiện tại, Traphaco đã sản xuất được hơn 130 sản phẩm và được đăng ký bảo hộ ở trên 20 quốc gia. So với các công ty dược phẩm trong nước Traphaco là một trong những công ty dược hàng đầu về quy mô hoạt động và thiết bị công nghệ hiện đại.

Trong 5 năm tới, Traphaco sẽ tập trung phát triển thế mạnh của mình là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, duy trì thương hiệu nổi tiếng nhất ngành dược tại Việt Nam, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng 25% một năm.

Theo kế hoạch, Traphaco sẽ xây dựng và sở hữu 4 nhà máy mới, đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới; xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp hơn, với khoảng 25 chi nhánh trên cả nước đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế để chuyển giao công nghệ, mở rộng và tăng cường bán hàng ra các nước trong khu vực.

Từ nay đến năm 2012, Traphaco cũng sẽ tiến hành sáp nhập công ty CP Traphaco và công ty CP công nghệ cao Traphaco, đồng thời đầu tư xây dựng một nhà máy mới tại Hưng Yên.

Traphaco đã và sẽ tiếp tục vượt qua những rào cản kỹ thuật khắt khe đối với sản phẩm thuốc tại nhiều quốc gia. Gần đây, Traphaco đã xuất khẩu thuốc sang một số nước trong khu vực như Myanma, Lào, Campuchia, Ucraina...

Chúng tôi đang tiếp tục khảo sát một số thị trường khác, nhận thấy, sản phẩm của chúng tôi hoàn toàn có cơ hội tiếp cận.

* Hiện đại hóa y học cổ truyền, phát huy tinh hoa dân tộc trên cơ sở máy móc kỹ thuật hiện đại. Hai nội dung này có mâu thuẫn không?

- Ở đây, không có gì là mâu thuẫn. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngày nay, việc sản xuất các sản phẩm bào chế tiện dụng, dễ sử dụng trên dây chuyền công nghệ hiện đại là tất yếu. Việt Nam có lợi thế về nguồn dược liệu, khí hậu phù hợp phát triển dược liệu và có lịch sử phát triển ngành y học cổ truyền lâu đời, với nhiều bài thuốc quý.

Quan điểm của Traphaco về bản sắc cổ truyền là cố gắng tiếp thu những tinh hoa của y học cổ truyền, những bài thuốc quý, bào chế thành các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả phù hợp với điều kiện thu nhập của đa số người tiêu dùng trong nước. 

 * Không may bị ốm,ông sẽ chọn thuốc nhập khẩu hay thuốc sản xuất trong nước?

- Những lần ốm thông thường, tôi sử dụng thuốc sản xuất trong nước và chủ yếu là thuốc của Traphaco sản xuất. Với những lần ốm nặng hơn, việc sử dụng thuốc phụ thuộc vào bác sỹ. Tôi luôn tin tưởng về chất lượng thuốc sản xuất trong nước, bởi các sản phẩm này đã được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định một cách kỹ lưỡng.

* Đó là với ông, người trực tiếp quản lý, hiểu rõ quy trình sản xuất thuốc. Nhưng cần làm gì để tăng lòng tin của người tiêu dùng đối với thuốc nội?

- Những năm qua, ngành dược Việt Nam đã có bước tiến dài, đến nay thuốc nội đã đáp ứng được 50% nhu cầu sử dụng thuốc trong nước.

Các doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đầu tư về máy móc trang thiết bị, nhân lực... sản xuất đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Các sản phẩm thuốc trong nước sản xuất đã được các cơ quan quản lý thẩm định hết sức kỹ lưỡng trước khi cấp đăng ký. Nhưng để tăng lượng sử dụng thuốc nội, theo tôi có ba vấn đề cần quan tâm.

Thứ nhất, Bộ Y tế cần có các chính sách mạnh mẽ hơn nữa trong việc chỉ đạo các bệnh viện dùng thuốc nội. Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân và các thầy thuốc hiểu rõ hơn về sự phát triển của ngành công nghiệp dược hiện nay.

Thứ hai, đối với các doanh nghiệp: Đầu tư nghiên cứu thị trường đầy đủ từ đó, mạnh dạn đầu tư nghiên cứu phát triển, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, đưa ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, chủng loại phong phú đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thứ ba, các cơ quan truyền thông cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác phổ biến, tuyên truyền cho người dân, góp phần cùng các nhà sản xuất thuốc trong nước chăm sóc sức khỏe người dân.

Tôi tin tưởng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm đều có cơ hội vươn lên chiếm lĩnh thị trường dược phẩm trong nước cũng như phát triển thị trường ra thế giới khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

* Xin cảm ơn ông và chúc cho đường đi của những viên thuốc nội ngày càng rộng rãi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nếu ốm, tôi chọn thuốc nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO