Luôn có những người sẵn sàng giúp người khác

THẾ PHƯƠNG thực hiện/DNSGCT| 20/06/2014 07:10

Có nhiều lý do để một người nước ngoài đến sống lâu dài ở Việt Nam. Có thể vì khí hậu ấm áp thích hợp với người lớn tuổi.

Luôn có những người sẵn sàng giúp người khác

Có nhiều lý do để một người nước ngoài đến sống lâu dài ở Việt Nam. Có thể vì khí hậu ấm áp thích hợp với người lớn tuổi. Với phụ nữ, có thể vì thức ăn ngon và rẻ. Với đàn ông, có thể vì đã phải lòng một ai đó… Cho dù vì lý do gì thì những người bạn nước ngoài này thường có một câu chuyện đời đặc biệt.

Đọc E-paper

Leslie Wiener cũng không là ngoại lệ. Ấn tượng đầu tiên toát ra từ người phụ nữ ngoài sáu mươi, nhỏ nhắn, đến từ Mỹ này là sự yêu đời và một sức sống đặc biệt. Khi biết nhiều hơn về bà, người ta còn phải cảm phục trước tấm lòng vàng của người phụ nữ này…

Nhà thiện nguyện Leslie Wiener - Ảnh: Hoàng Tường

* Một câu hỏi mà chắc bà từng được hỏi cả trăm lần: Ngọn gió nào đưa bà đến Việt Nam vậy?

- Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994. Nhưng từ trước đó rất lâu, Việt Nam đã là một cái gì đó rất đặc biệt với tôi.

Tôi lớn lên trong những năm 1960. Khi đó, truyền hình mới xuất hiện ở Mỹ và những hình ảnh cuộc chiến tranh Việt Nam hằng ngày trên truyền hình không bị kiểm duyệt đã gây ấn tượng mạnh lên thế hệ chúng tôi và để lại một dấu ấn rất mạnh lên thời niên thiếu của tôi.

Lớn lên, tôi trở thành đạo diễn và nhà sản xuất phim tài liệu. Những năm 1990, tôi làm cho Lonely Planet, nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới, và tham gia trong việc phát triển ý tưởng làm loạt phim du ký. Khi nhà sản xuất hỏi tôi muốn đến đâu đầu tiên để sản xuất chương trình, tôi trả lời không do dự: “Việt Nam”.

Tôi tìm đọc mọi thứ về Việt Nam, về lịch sử, văn hóa, về Hồ Chí Minh…, rồi đi thăm khắp đất nước các bạn. Những điều tôi thấy thật là nghẹt thở, từng giây phút, tất cả mọi thứ…

Mọi thứ đối với tôi đều đẹp một cách lạ lùng, mọi màu sắc, mọi hương vị. Có thể bạn đã ở đây từ lâu, mọi điều với bạn đều rất đỗi bình thường, nhưng đối với tôi lúc đó, tất cả đều bàng hoàng, sống động.

Vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy rất gần gũi với người Việt Nam. Trước kia, khi xem tivi, tôi đã cảm thấy đau đớn như người Việt Nam đã bị đau đớn trong chiến tranh. Khi tôi đến đây, nỗi đau trong tôi như được giải thoát.

Tôi còn tìm thấy trong mỗi người Việt Nam có một cái gì đó rất sâu sắc, rất nhân ái. Tôi đã từng đi nhiều nơi trên thế giới và chưa từng thấy ở đâu có những con người thân thiện, tốt bụng như ở đây.

* Có thể đoán rằng sau khi hoàn thành bộ phim tài liệu đó, bà đã nhiều lần trở lại Việt Nam…

- Đúng vậy, sau lần đầu tiên đó, tôi như bị cú sét ái tình, tôi biết mình phải trở lại đây. Và quả thực, tôi đã trở lại rất nhiều lần, quay nhiều bộ phim khác về Việt Nam.

* Bà yêu đất nước Việt Nam, thế còn con người Việt Nam thì sao, có người Việt nào để lại cho bà những ấn tượng sâu đậm?

- Tôi có nhiều bạn bè người Việt. Nhiều người trong đó rất đặc biệt. Nhưng đặc biệt nhất là một người đàn ông tên Nguyễn Văn Hùng.

Tôi gặp anh lần đầu năm 1994. Khi đó, Hùng đang làm công tác từ thiện chăm sóc cho những trẻ em là nạn nhân của căn bệnh AIDS. Cần phải nói rõ rằng Hùng xuất thân từ một gia đình rất nghèo.

Cả đại gia đình của anh gồm mười sáu người sống trong một căn hộ tập thể ba mươi lăm mét vuông ở Sài Gòn. Thế nhưng, anh ấy quyết dành trọn cuộc đời để chăm sóc những mảnh đời bất hạnh hơn mình là những đứa bé có cha mẹ bị AIDS, với phân nửa trong số chúng cũng bị AIDS.

Để giúp Hùng gây quỹ cho công việc này, từ năm 1997 tôi quyết định quay một bộ phim tài liệu về anh. Bộ phim mang tên là Thầy, vì các cháu bé thường gọi anh là “Thầy”, được quay không liên tục, mãi đến năm 2009 mới hoàn tất và được công chiếu trên đài PBS ở Mỹ.

Không chỉ làm phim về anh ấy, tôi còn góp sức với anh và các bạn của anh để chăm sóc các em nhỏ. Khi bộ phim sắp hoàn thành thì Hùng mất vì ung thư gan.

* Điều gì đặc biệt ở anh ấy khiến bà có ấn tượng mạnh như vậy?

- Trong cuộc đời của bạn, đôi khi bạn gặp một người nào đó rất đặc biệt, rất khác. Người đó giúp bạn trưởng thành hơn, thúc đẩy bạn đồng hành với họ để trở thành một người tốt hơn.

Hùng là người như vậy. Tôi không nói anh ấy là người hoàn hảo. Anh ấy có một quá khứ đáng quên với nhiều thói hư tật xấu. Hùng hay uống rượu và khi anh ấy say, anh ấy rất xấu tính.

* Anh ấy cũng có thói hư tật xấu ư?

- Phải, từ năm mười sáu tuổi, Hùng đã làm quen với ma túy. Trong suốt hai mươi năm, cuộc đời của anh ấy là một chuỗi những trò đánh nhau, trộm cắp, ra vào các trại cai nghiện như đi chợ…

Cho đến một hôm, Hùng gặp một người bạn, một người hoạt động xã hội, tư vấn cho anh. Người này khuyên nhủ anh, giải thích cho anh về hiểm họa của bệnh AIDS nếu còn tiếp tục nghiện ngập.

Lúc đó là đầu thập niên 1990, ở Việt Nam người ta còn rất mơ hồ về căn bệnh thế kỷ này. Hùng nhận thức ra và quyết định thay đổi tất cả. Anh quyết tâm từ bỏ vĩnh viễn ma túy và dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc cho những đứa trẻ là nạn nhân của AIDS.

Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra trong lòng anh? Một cuộc cách mạng? Một nhân sinh quan mới? Mãi đến bây giờ tôi vẫn không thể biết được.

Khi Hùng quyết định thay đổi, anh trở thành một người hoàn toàn khác. Anh là người giàu lòng thương người nhất mà tôi đã từng gặp. Tôi cảm phục Hùng đến mức, cuối cùng tôi phải lòng anh ấy.

* Thật thú vị, thật lãng mạn phải không?

- Có lẽ tôi là một người lãng mạn. Tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Năm hai mươi ba tuổi, tôi rời Mỹ đến sống ở Pháp trong một thời gian dài. Tôi có hộ chiếu Pháp và kết hôn hai lần ở đó.

Khi còn trẻ, người ta kết hôn vì bất kỳ lý do gì, có thể chỉ vì người kia lấp đầy một điều gì đó bạn còn thiếu. Tôi có thể nói rằng khi còn trẻ, tôi đã không kết hôn vì những lý do đúng đắn, dù tôi đã rất yêu những người tôi lấy.

Chỉ đến khi gặp Hùng, tôi mới nhận ra sự đồng điệu về tâm hồn với một người khác, đó là một điều rất tuyệt vời.

Thực sự, anh ấy đã hấp dẫn tôi ngay từ lúc mới gặp. Nhưng cả một thời gian dài tôi không hề cảm thấy đó là tình yêu mà chỉ xem là tình bạn.

Chỉ cho đến mười ba năm sau khi biết nhau (1/2007) tôi và anh ấy mới cảm thấy thực sự yêu nhau và chúng tôi đã có một thời gian thật tuyệt vời dù rất ngắn ngủi.

Hùng không nói được tiếng Anh nhiều, tôi không nói được tiếng Việt, nhưng trái tim chúng tôi hiểu nhau rất sâu sắc.

Sáu tháng sau (7/2007), tôi biết anh ấy bị ung thư gan. Sau đó Hùng rất yếu. Tôi đề nghị với anh là đến tháng Giêng năm sau chúng tôi sẽ làm đám cưới vì tôi còn phải giải quyết giấy tờ pháp lý với người chồng cũ dù tôi và người này đã không sống với nhau ba mươi năm.

Nhưng bác sĩ cho tôi biết là bệnh tình của Hùng không cho phép đợi đến lúc đó được. Vì vậy, chúng tôi quyết định làm lễ thành hôn ngay tại bệnh viện.

Vì anh ấy theo đạo Công giáo nên chúng tôi mời một vị Cha đến làm lễ ngay tại phòng bệnh. Tôi mặc áo dài, Hùng mặc đồ vest và khi đó anh yếu đến mức hầu như không ngồi dậy nổi.

Lễ thành hôn của chúng tôi là như vậy đó. Một tháng sau thì anh ấy mất.

Tôi muốn thành hôn với Hùng vì tôi không muốn anh ấy ra đi một cách lẻ loi. Tôi đã học được rất nhiều từ anh ấy: cuộc sống, tình yêu và cả cái chết…

* Từ sau đó, bà quyết định không còn trực tiếp làm phim như trước nữa?

- Ồ không, không phải từ lúc đó tôi quyết định dừng làm phim mãi mãi.

Trong cuộc sống của mình, tôi thường không quyết định phải làm cái này trước, phải làm cái kia sau… Đối với tôi, cuộc sống là những trải nghiệm, những học hỏi liên tục. Qua những trải nghiệm đó, bộ óc của tôi, tâm hồn của tôi sẽ phát triển, sẽ lớn lên, tất nhiên là theo nghĩa bóng.

Từ khi gặp Hùng, cộng tác với anh, tôi cảm thấy tâm hồn của tôi đã lớn lên rất nhanh. Sau khi anh ấy mất, tôi bỗng cảm thấy việc mình phải làm từ lúc này không phải là làm phim nữa, mà nên dấn thân vào công việc anh đang bỏ dở. Đó là chăm sóc cho các cháu bé trong nhóm Nụ cười.

* Thế còn kinh phí để hoạt động cho nhóm?

- Tôi là người có khả năng vận động gây quỹ tệ nhất thế giới! Nhưng khi đã có mục đích vì những đứa trẻ, tôi lại là người nhiệt tình nhất trong việc này.

Tôi may mắn vận động được nhiều nguồn tài trợ từ những người hảo tâm. Trên đời này luôn có những người sẵn sàng giúp người khác.

* Ngoài nhóm Nụ cười, bà còn kế hoạch nào khác không?

- Khoảng hơn một năm nay, tôi thành lập nhóm Green Youth Collective. Đây là một nhóm thiện nguyện với mục đích giúp đỡ các trẻ em bất hạnh hay khuyết tật có được một nghề nghiệp để sinh sống khi lớn lên.

Khởi đầu ý tưởng này là một câu chuyện thú vị. Khi chăm sóc những đứa bé bất hạnh ở nhóm Nụ cười, hằng tuần tôi thường dẫn chúng đi gặp những người lớn khác nhau để họ nói cho chúng nghe về nghề nghiệp của mình.

Đó là anh công an tên Trung, là nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng, là kiến trúc sư Hiếu… những vị này sẽ kể cho các cháu nghe về công việc của mình, chia sẻ những trải nghiệm để chúng có một khái niệm mà chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai.

Những đứa trẻ này xuất thân từ những gia đình rất nghèo, đa số mồ côi, một số lại bị khuyết tật hay chậm phát triển. Tôi không dám phê phán nhưng những bậc nuôi dưỡng chúng thường sẽ hướng chúng vào những nghề đơn giản như bán vé số, buôn bán lặt vặt… khi lớn lên. Thế nên tôi muốn chúng có một cái nhìn khác hơn về cuộc sống.

Thế rồi một hôm, một trong những đứa bé lanh lợi nhất trong nhóm nói với tôi rằng: “Từ nay cháu không thể tham gia nhóm của bà được, vì mẹ cháu buộc cháu phải ở nhà học may để kiếm sống!”.

Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, với những đứa trẻ này, để chúng trở thành những kiến trúc sư, bác sĩ… thật là khó. Có lẽ tôi nên dạy cho chúng một nghề nào đó thật đơn giản, thật ít vốn để chúng có thể kiếm sống thì thiết thực hơn.

* Nhưng tìm được một nghề như vậy cũng không đơn giản…

- Một lần, tôi chạy xe máy dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Tôi đã đi con đường này cả ngàn lần và thường phải đeo khẩu trang để tránh mùi hôi bốc lên từ con kênh, nhưng hôm đó tôi chợt phát hiện ra con kênh hôm nay đã được cải tạo thật sạch sẽ với nhiều cây xanh được trồng và chăm sóc.

Trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ sẽ lập ra một tổ chức để dạy cho các em cách chăm sóc vườn tược trong nhà phố, cách tạo nên một mảng xanh trên nóc nhà, trong khách sạn, trong trường học…, tiếng Anh gọi là “urban gardening”. Đây sẽ là một nhu cầu rất lớn trong tương lai khi thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, có nhiều cao ốc mọc lên.

Tôi đem ý tưởng này kể cho nhiều người nghe và thật ngạc nhiên là được ủng hộ và tài trợ để tổ chức nên Green Youth Collective. Nhóm chúng tôi hiện nay có bốn người, hai người Việt, hai người Mỹ. Hai người trong số đó làm toàn thời gian với mức lương tối thiểu, còn tôi và một người nữa làm thiện nguyện.

Trong một năm qua, chúng tôi đã đến một số trường học để giới thiệu và dạy cho các em học sinh cách chăm sóc cây trong nhà, cách tạo nên mảng xanh trên tường, trên nóc nhà. Qua đó, chúng tôi cũng dần dần hoàn thiện chương trình huấn luyện cho học viên.

Tôi dự kiến tháng 9 năm nay, chúng tôi sẽ mở khóa đầu tiên và tuyển sinh khoảng mười hai em. Một khóa như vậy sẽ kéo dài tám tháng.

Khi tham gia khóa học, các em sẽ được trợ cấp 2 triệu đồng mỗi tháng để không gặp khó khăn khi xin gia đình đi học. Sau khi kết thúc khóa học, các em sẽ được tạo điều kiện thực tập tại một số công ty để có kinh nghiệm mà hành nghề sau này.

Anh có thể ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ rằng “urban gardening” có nhiều hứa hẹn và sẽ là một nhu cầu lớn trong tương lai gần. Không những thế, công việc này còn đem lại ích lợi cho môi trường sống.

* Bên cạnh nghề đạo diễn, bà còn có bằng cấp về giáo dục và có kinh nghiệm về việc dạy học. Vậy bà có thể chia sẻ cái nhìn của mình về giáo dục ở Việt Nam không?

- Đúng là tôi có bằng cấp về giáo dục. Tôi tốt nghiệp đại học về tâm lý học và xã hội học, và cũng có bằng cao học về giáo dục truyền thông.

Tôi cũng từng có vài năm đi dạy trẻ em tại Mỹ. Vì vậy khi làm đạo diễn phim tài liệu thì tôi chuyên về loại phim giáo dục. Tuy nhiên, tôi chắc chắn không phải là chuyên gia về giáo dục và cái nhìn về vấn đề này của tôi có lẽ không hoàn toàn chính xác.

Theo thiển ý của tôi, giáo dục không chỉ dạy mà tìm hiểu người ta học như thế nào. Nhà trường không phải là nơi chỉ lo dạy mà không cần biết người học tiếp thu ra sao. Nói một cách khác, không nên chỉ có một cách dạy và rồi chỉ có một cách học duy nhất.

Theo tôi, giáo dục là để cho trẻ có được óc sáng tạo, và giải quyết được các vấn đề. Không nên chỉ có một cách duy nhất để giải quyết vấn đề và nhất là không nên chỉ học thuộc – ghi nhớ và trả bài lại.

* Trở lại công việc hiện nay của bà, tôi đang đọc một quyển sách có tựa là Give and Take (Cho và lấy), trong đó người ta nhận thấy rằng có thể tạm chia ra hai nhóm người: người thích cho người khác và người thích lấy của người khác (và một nhóm người nữa ở giữa gồm cả hai đặc tính này). Có thể thấy rằng bà, anh Hùng và những người bạn của bà là những người có nhân sinh quan và cách sống của những người thích cho người khác. Bà có thể giải thích vì sao bà có phẩm chất này không?

- Có lẽ là từ cha tôi. Ông ấy là một dược sĩ. Suốt cả cuộc đời, ông ấy luôn luôn nghĩ đến việc giúp người khác mà không hề nghĩ đến một động cơ nào khác hơn là vì ông thấy cần phải làm như vậy. Chắc tôi mang cái gen của ông hơi nhiều.

* Thế còn việc bà mắc bệnh ung thư vú và đã được chữa khỏi có liên quan gì không?

- Tôi được phát hiện mắc bệnh ung thư vú từ năm 1986 và được phẫu thuật bảo tồn, hóa trị, xạ trị tại Pháp. Đến nay đã gần hai mươi năm, các bác sĩ đã khẳng định là hầu như bệnh của tôi sẽ không trở lại.

Căn bệnh này đúng là đã tác động rất mạnh đến cuộc sống của tôi. Nhưng tôi nghĩ, việc tôi cố gắng làm chút gì cho người khác thuộc về bản chất hơn. Căn bệnh chỉ giúp tôi buộc mình phải làm việc đó hăng say hơn, nhanh hơn vì tôi hiểu rõ ý nghĩa của mỗi giây phút mình được sống.

* Bà đã từng đi nhiều nước châu Á và trên thế giới, thế nhưng điều gì đã khiến bà gắn bó đặc biệt với Việt Nam như thế?

- Tôi nghĩ, chắc vì từ thuở nào Việt Nam đã là một phần của cuộc đời tôi.

* Như vậy là từ lúc bà đặt bước chân đến Việt Nam lần đầu đến nay đã gần hai mươi năm, trong đó có tám năm gần đây hầu như sống phần lớn thời gian ở mảnh đất này. Sau ngần ấy năm, cái nhìn của bà về con người và đất nước Việt Nam có còn như trước?

- Nói thật nhé, trong suốt thời gian đó, Việt Nam đã thay đổi nhiều, rất nhiều. Cả con người cũng vậy. Đất nước đã phát triển hơn trước, người Việt cũng khá giả lên nhiều.

Điều đáng tiếc, theo cái nhìn của cá nhân tôi, là trong sự phát triển đó, một số giá trị đáng quý đã không được gìn giữ. Một số việc đã không còn như xưa.

* Ví dụ như…

- Ví dụ như vật chất trở nên quan trọng quá. Tôi gặp một số người mà trên đời này điều quý giá nhất đối với họ chỉ là tiền. Tôi ước rằng, phải chi Việt Nam vẫn trở nên thoải mái hơn về vật chất mà vẫn giữ được nét văn hóa như đã từng có.

* Giống như ta gặp một chàng thanh niên nghèo khi còn trẻ, yêu và lấy anh ấy. Sau hai mươi năm, anh ấy nay đã giàu có và thành công hơn, nhưng tiếc thay lại mất đi nét dễ thương đáng yêu ngày nào. Ta phải làm sao đây? Tiếp tục sống với anh ấy hay chia tay?

- Đúng vậy, gần đây tôi hay suy nghĩ về điều đó.

* Cảm ơn buổi nói chuyện rất thú vị với bà. Chúc bà luôn hạnh phúc với niềm đam mê của mình.

>Hiệu trưởng RMIT VN: Giáo dục đại học phải phù hợp bối cảnh
>Chọn con đường phù hợp để theo đuổi
>
Phép cộng giảng đường và thương trường
>Người sáng lập Tomato: Đợi thế giới thay đổi thì rất lâu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Luôn có những người sẵn sàng giúp người khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO