“Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn”

QUẾ ANH thực hiện| 06/09/2010 00:25

Drew Taylor - Giám đốc đối ngoại Trung tâm tư vấn du học ELS, cái tên quen thuộc trong làng cộng tác viên nước ngoài của một vài tờ báo uy tín ở Sài Gòn - là người sống được giữa hai thái cực của sự nghiêm túc và hài hước.

“Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn”

Drew Taylor - Giám đốc đối ngoại Trung tâm tư vấn du học ELS, cái tên quen thuộc trong làng cộng tác viên nước ngoài của một vài tờ báo uy tín ở Sài Gòn - là người sống được giữa hai thái cực của sự nghiêm túc và hài hước. Anh có thể lên kế hoạch đến chi tiết cho “Sáu mươi năm cuộc đời”, mà cũng sẵn sàng bỏ cả ngày lang thang khắp các tiệm đồ cũ, tán chuyện với các anh xe ôm hay các chị bán hàng rong.

Anh có thể viết ra một danh sách dài vô tận những điều “Tôi yêu Việt Nam” và một danh sách khác những điều châm chọc kiểu như “Người Việt xấu xí”. Anh có tinh thần phản biện và cải cách của một trí thức, đồng thời cũng sở hữu luôn phẩm chất hồn nhiên và “thẳng ruột ngựa” của một anh chàng miền Tây mê cháo cá lóc và Honda 67.

Sau sáu năm làm việc ở Việt Nam, Drew tự nhận mình đã bị “khai trừ” khỏi các hội dành cho người nước ngoài vì anh có quá nhiều bạn bè... người Việt. Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần có dịp hội ngộ và trò chuyện với anh nhân chuyến đi công tác của anh đến San Francisco, California (Mỹ) vừa qua.

Nếu đã lên kế hoạch chi tiết cho “Sáu mươi năm cuộc đời” thì sao anh không sống ở Việt Nam luôn cho rồi?

Tôi sẽ ở Việt Nam đến 60 tuổi thôi, sau đó sẽ về lại Canada và chết ở Canada. Ít ra như vậy mới công bằng cho Canada vì cả hai đều là quê hương của tôi. Canada là nơi tôi sinh ra thì sẽ là nơi tôi nằm xuống. Còn khoảng giữa tôi dành cho Việt Nam.

Nghe giống cuộc đời cá hồi nhỉ! Cá hồi sinh ra ở sông, vùng vẫy cuộc đời ở biển, cuối đời lại làm một cuộc lội ngược dòng về sông để chết. Mà này, anh có thấy là anh tính hơi xa quá không?

Tôi là một người suy nghĩ nhiều. Không có một giây phút nào mà cái đầu tôi dừng suy nghĩ. Tôi còn tính đến việc khi chết, tôi sẽ được thiêu và người ta muốn quăng tro đi đâu cũng được. Tro không còn là tôi. Mà tôi cũng chẳng phải là nắm tro ấy, nên người ta muốn quăng đi đâu thì quăng, cho vào thùng rác cũng chẳng sao. Thẳng thắn mà nói thì trên đời này không thiếu những kẻ mà khi sống bản thân họ đã là cái thùng rác rồi.

Vâng, thực là có những cái thùng rác di động, biết làm đỏm và đầy ứ vì thừa mứa... Nhưng anh nên cho cái đầu anh nghỉ ngơi một chút. Suy nghĩ nhiều thế cũng là một dạng bệnh đấy!

Cũng tùy vào người chẩn bệnh, nhưng mọi thứ tôi nghĩ, tôi làm, tôi đều biết chính xác đó là tôi. Nếu đó có là vấn đề đi nữa thì tôi không đi tìm câu trả lời, mà tìm những cách thức khác nhau để đến với câu trả lời. Giống như để hiểu Việt Nam, người ta phải học nói tiếng Việt.  

Anh học tiếng Việt thế nào, thấy có khó không?

Không, dễ lắm! Trước khi đi ngủ, uống một chai Sài Gòn đỏ. Cứ làm như thế, sau hai tuần, thì ngủ dậy sẽ biết nói tiếng Việt.

Anh nói xạo hay nhỉ!

Vậy mà nhiều người tin lắm đấy! Đùa chứ, tôi từng dành một tháng đi học ở lớp trong trường đại học nhưng không thích lớp đó vì tất cả sinh viên trong lớp đều là người nước ngoài. Tôi nghĩ không có gì bất tiện hơn là học tiếng Việt với người nước ngoài. Thế là tôi tìm gia sư. May mắn cho tôi là gia sư của tôi lại không thạo tiếng Anh.

Bởi vậy việc học tiếng Việt của tôi càng thú vị hơn bao giờ hết! Tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để nói chuyện với mọi người, chị bán hàng ở chợ, bác xe ôm... Tôi tập nói mọi nơi mọi lúc và không bận tâm nhiều đến ngữ pháp. Có khi tôi gặp những tình huống làm tôi bối rối.

Ví dụ như...

Ở Hà Nội, người ta nói chuyện rất trang trọng, khác hẳn với ở miền Nam. Người Hà Nội họ sửa tôi mọi thứ. Ví dụ như khi tôi nói: “Cho một ly sinh tố!”.

Người ta hỏi lại: “Một ly là gì?”.

Tôi nói: “Một ly sinh tố mà!”.

Họ nói: “Không phải, một cốc!”.

Tôi nói: “Biết rồi! Một cốc!”.

Họ lại sửa: “Không phải, biết “z”ồi mới đúng!”.

Khi tôi nói: “Xin lỗi tôi đến trễ”.

Người ta lại sửa: “Không phải “đến trễ”, đến muộn!”.

Khi tôi nói: “Vâng ạ”, người ta sửa là: “Không, phải nói là “Thế ạ”!”.

Người Sài Gòn không quan tâm đến những thứ đó vì văn hóa ở Sài Gòn quá đa dạng! Người Sài Gòn không bao giờ nói Sài Gòn là nhất. Nhưng đa số người thuộc lớp trung niên trở lên ở Hà Nội luôn nghĩ Hà Nội là nơi tuyệt vời nhất trên thế giới. Thậm chí nếu một ngày nào đó Sài Gòn biến mất trên thế gian này thì chắc cũng có vài người chẳng bận tâm.

Anh tưởng tượng thôi chứ chẳng đến nỗi như vậy đâu! Mà điều gì cho anh ý nghĩ đó?

Thói quen và đam mê của tôi là tìm hiểu con người bằng cách tương tác với họ, quan sát phản ứng của họ thông qua cảm xúc, ngôn ngữ của họ. Tôi không phải là một chuyên gia tâm lý, nhưng tôi rất thích khoa tâm lý học. Trước chuyến đi công tác ở Mỹ, có một anh phóng viên đến nói chuyện với tôi. Anh ta muốn biết tôi hiểu gì về miền Bắc và miền Nam khi viết những bài báo như tôi đã viết. Rồi anh ấy hỏi liệu tôi có lo rằng người ta đọc được sẽ tức giận hay không. Tôi nói rằng tại sao tôi phải lo? Nếu lo thì tôi đã không viết những bài báo đó.

Tôi đi và sống ở mọi nơi trên đất nước Việt Nam và tôi đại diện cho tất cả những gì thuộc về văn hóa Việt Nam. Anh phóng viên nọ muốn tôi thay đổi, muốn tôi biết Hà Nội tuyệt vời thế nào và viết những điều tuyệt vời về Hà Nội. Vấn đề là tôi thích Việt Nam chứ không cảm tình riêng một thành phố nào. Tôi không hiểu tại sao có những người chỉ luôn muốn nghĩ rằng mình đúng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Không ở đâu chấp nhận tôi là một người Việt dễ dàng như Sài Gòn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO