Giữ tình như giữ trứng mỏng

LỮ Ý NHI thực hiện| 01/07/2011 04:20

Tốt nghiệp đại học, tôi về phụ chị Ba kinh doanh. Những ngày đầu gầy dựng sự nghiệp cho “Ba Huân”, chị em tôi chưa hiểu nhiều về thương hiệu, chỉ lấy cái tình, cái tâm làm trụ và kinh doanh theo triết lý: “Muốn sống được với nghề thì phải hết lòng với nó”.

Giữ tình như giữ trứng mỏng

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM với tấm bằng hạng ưu, ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết: “Những năm đại học, tôi học hành rất chuyên tâm vì xác định không chỉ học cho mình mà còn để cha mẹ được tự hào vì con mình không thua kém chúng bạn. Song, động lực thôi thúc hơn cả là tôi muốn đền đáp sự hy sinh của chị Ba đã tần tảo buôn bán, nuôi em ăn học thành người, rồi cùng nhau gầy dựng một nghề nuôi sống cả gia đình”.

Nhắc đến chị Ba (bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân), ông kể:

Gia đình tôi có tám anh chị em, chị Huân là con thứ hai trong gia đình nên mọi người gọi chị là Ba Huân. Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại là chị lớn nên học hết lớp năm, chị phải nghỉ học để phụ mẹ buôn bán nuôi gia đình.

Thời đó, mẹ tôi làm nghề buôn bán trứng gia cầm từ Gò Công, Tiền Giang lên Chợ Lớn, Sài Gòn. Chính thời gian này, những bài học đầu tiên trong nghề buôn trứng đã được chị Ba tích góp, đặc biệt chị tỏ ra rất có khiếu trong kinh doanh.

Thấy chị có khả năng lại nhạy bén, mẹ tôi giao toàn bộ việc buôn bán cho chị và năm 16 tuổi, chị chính thức “một mình” bước chân vào lĩnh vực buôn trứng gia cầm.

Từ những bước đi chập chững nhưng đầy bản lĩnh, lấy phương châm “Lấy hàng tận gốc, bán tận ngọn” và “Làm ăn phải có trước có sau”, chị dần tạo được sự quý mến, tin cậy và nhanh chóng mở rộng quan hệ với các bạn hàng, nhất là tạo được “thương hiệu” Ba Huân với nhiều mối lái.

Chẳng hạn, trong thời gian chị về làm việc cho Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang, hầu hết các lái đến bán trứng chỉ tìm đến Ba Huân chứ không cần biết bán trứng cho công ty nào.

Đầu năm 1980, khi Nhà nước bắt đầu cho phép tư nhân tham gia kinh doanh, cùng lúc đó Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang bị thua lỗ, buộc phải giao mảng buôn bán trứng gia cầm cho tư nhân, chị Ba mạnh dạn “ra riêng”, thành lập vựa trứng Ba Huân và trên đà đó, phát triển từng bước thành Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân và sau đó là Công ty TNHH Ba Huân.

* Chính thức thành lập công ty từ năm 2006, thời gian không lâu, nhưng thương hiệu “trứng sạch Ba Huân” đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và tín nhiệm. Theo ông, điều gì làm cho thương hiệu tạo được dấu ấn nhanh như vậy?

- Tốt nghiệp đại học, tôi về phụ chị Ba kinh doanh. Những ngày đầu gầy dựng sự nghiệp cho “Ba Huân”, chị em tôi chưa hiểu nhiều về thương hiệu, chỉ lấy cái tình, cái tâm làm trụ và kinh doanh theo triết lý: “Muốn sống được với nghề thì phải hết lòng với nó”.

Chính vì yêu nghề và hết lòng nên vào thời điểm dịch cúm gia cầm năm 2001 và dịch cúm H5N1 năm 2005 hoành hành, mặc dù bị lỗ gần chục tỷ đồng, nguy cơ phá sản đến trước mắt và có lúc tuyệt vọng ngồi nhìn nhau khóc ròng, nhưng chị em tôi vẫn nhất quyết không bỏ nghề.

Sau này ngẫm lại, tôi nhận ra, sở dĩ thương hiệu Ba Huân được định hình trong lòng người tiêu dùng và tạo được dấu ấn nhanh là nhờ phương châm kinh doanh kết hợp được 3 yếu tố: Đột phá, Bền vững, Vì cộng đồng.

Tôi nói “đột phá” vì khi dịch cúm xảy ra liên tiếp, hầu hết các trang trại đều tiêu điều, các chủ kinh doanh trứng thì co cụm, thậm chí có người chuyển nghề, thì chị Ba lại đưa ra kế hoạch bán bớt tài sản, vay ngân hàng để mua công nghệ làm trứng sạch của Hà Lan.

Qua hai trận dịch bị thiệt hại khá lớn, chị Ba đau đáu câu hỏi: “Vì sao các nước khác cũng bị dịch bệnh nhưng người ta vẫn ăn trứng bình thường, còn ở nước ta thì cứ dịch bệnh đến là chẳng còn ai dám ăn quả trứng hay con gà, con vịt nữa?”.

Đem thắc mắc này hỏi một người em họ đang sống ở Mỹ thì được biết, họ có dây chuyền công nghệ xử lý vi khuẩn hiện đại, khi quả trứng đến tay người tiêu dùng thì đã tuyệt đối an toàn, nên dù có dịch trứng sạch vẫn được sử dụng bình thường.

Lúc đó, ở Việt Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư làm trứng sạch vì công nghệ tính bằng tiền tỷ mà tiền lời bán trứng lại thu bằng bạc cắc. Vì vậy, anh em tôi có người lo lắng, cho là mạo hiểm và bàn ra.

Thế nhưng, nhờ sự quyết đoán của chị Ba mà Công ty Ba Huân đã trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc kinh doanh trứng sạch và định hướng cho người tiêu dùng xu hướng sử dụng thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh đó, Công ty cũng là doanh nghiệp đầu tiên thiết lập hệ thống định dạng thương hiệu từ logo, bao bì, nhãn hiệu. Điều này không chỉ tạo ra hình ảnh công ty theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn giúp thương hiệu Ba Huân khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng.

* Như vậy, đầu tư công nghệ cũng chính là yếu tố giúp cho Ba Huân phát triển bền vững?

- Thường sau bước đột phá thì phải duy trì và phát triển bền vững. Theo tôi, bền vững không chỉ có công nghệ mà phải biết tạo ra vùng nguyên liệu. Chẳng hạn, chúng tôi đã liên kết, hỗ trợ nông dân phát riển chăn nuôi để đảm bảo nguồn trứng cung ứng và chủ động đưa ra giá thành.

Sau khi dịch cúm xảy ra, tôi và chị Ba đã chủ động đi tìm con giống, xóa nợ cũ cho nông dân và tiếp tục cho một số hộ chăn nuôi vay vốn và khuyến khích họ gầy dựng lại đàn gia cầm.

Một mặt, chúng tôi tìm đến hợp tác với Trường 4 của Thanh niên xung phong, Trường Phú Văn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM để mở các trang trại nuôi gà công nghiệp. Chỉ riêng Phú Văn chúng tôi đã có 6 trang trại nuôi gà.

Hiện tại, Ba Huân đã có các trang trại chăn nuôi riêng ở Kiên Giang, Bình Phước, mỗi trang trại nuôi khoảng 100.000 con và riêng Bình Dương là 200.000 con.

* Theo tôi, khi doanh nghiệp đã có thương hiệu và quy mô sản xuất lớn thì nên kinh doanh theo hướng bán buôn và bán sỉ. Đây cũng là hướng đi ban đầu của Công ty nhưng tại sao bây giờ lại chuyển sang bán lẻ?

- Bất kỳ sự đột phá nào cũng đều có vui và buồn. Khi Ba Huân đưa sản phẩm trứng sạch có đóng hộp, bao bì ra thị trường, khá nhiều đồng nghiệp không hài lòng vì họ cho rằng Ba Huân mở nhà máy với công nghệ hiện đại, chắc chắn sẽ gây thiệt hai về doanh thu cho họ.

Họ xầm xì cho rằng Ba Huân đang chiếm hết thị trường và không cho họ đường làm ăn. Vì thế, họ quyết định tẩy chay, không thèm mua trứng của Công ty, thậm chí còn làm đơn tố cáo lên chính quyền.

Lúc đó, chúng tôi không chỉ lao đao vì những lời ra tán vào, đơm đặt của đồng nghiệp mà còn cảm thấy rất cô độc. Các vựa không mua hàng nên Ba Huân phải chuyển sang bán lẻ.

Song, bán lẻ cũng có cái thuận lợi riêng và dễ gần với người tiêu dùng, qua đó nắm bắt thêm nhu cầu cũng như cập nhật nhanh những phản hồi từ thị trường và người mua. Nhờ vậy, sản phẩm luôn hoàn thiện và hài lòng khách hàng. Đến nay, chúng tôi cũng mạnh cả hai kênh phân phối sỉ và lẻ.

* Nhìn lại chặng đường thăng trầm để gầy dựng cơ nghiệp Ba Huân, ông có kỷ niệm nào khó quên không?

- Tôi có hai kỷ niệm hạnh phúc rất đáng nhớ. Đó là ngày đầu tiên đưa dây chuyền sản xuất trứng sạch vào áp dụng, tôi mời 400 khách nhưng thực tế lên tới hơn 1.000 người tham dự, nhiều chủ trại chăn nuôi nói rất thiệt tình: “Tui đến để coi công nghệ làm trứng sạch ra sao? Cả đời tui chưa bao giờ nghe chuyện làm trứng sạch bằng máy mà lại là công nghệ hiện đại nhất thế giới lần đầu tiên có ở Việt Nam”.

Khi đó, hạnh phúc của chị em tôi là mình đang làm một việc có ích cho người tiêu dùng và nhất là được mọi người quan tâm. Điều đó chứng tỏ sức hút của ngành này rất lớn.

Kỷ niệm khó quên thứ hai là trong ngày kỷ niệm 40 năm theo nghiệp, ngày đó cũng là ngày chị Ba nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Rất nhiều bà con nông dân, đồng nghiệp, thậm chí có người trước đó từng tẩy chay chúng tôi cũng đến chúc mừng vì họ đã nhận ra xu hướng tất yếu của công nghệ hóa mà chúng tôi đã tiên phong đi trước.

Song, đáng nhớ nhất là tình cảm của bà con nông dân đối với chị em tôi. Mỗi lần về quê hoặc đi xuống miền Tây, bà con dành cho chúng tôi tình cảm rất chân thành, cảm động, có người cầm tay chị Ba khóc rức, nói: “Không có chị Ba giúp đỡ, chắc tui đã không có cơ nghiệp này!”.

* Vậy có kỷ niệm buồn nào đáng nhớ không, thưa ông?

- Đó là đợt khủng hoảng kinh tế đầu tiên năm 2008, Công ty đang đầu tư và triển khai nhiều dự án, đùng một cái ngân hàng đóng băng, đòi thu hồi lại tiền trong vòng ba tháng.

Nhận tin này hai chị em ngồi khóc luôn, lo lắng đến mất ăn mất ngủ, ngẫm thấy con đường kinh doanh sao quá nhiều gập ghềnh, hết nạn này lại tới nạn kia.

Không còn đường xoay sở, tôi và chị Ba lên gặp chị Tám Hồng (bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), nhờ can thiệp và một ngân hàng đã lĩnh lại dự án của Ba Huân, trả tiền cho ngân hàng tôi đang bị đòi nợ. Vì vậy, Ba Huân mới vượt qua được khúc cua ngặt nghèo và tiếp tục kinh doanh.

Qua chuyện này, tôi cũng rút ra một kinh nghiệm: Với doanh nghiệp, nguồn tài chình là cực kỳ quan trọng, nên phải có kế hoạch chủ động nguồn tài chính. Khi đầu tư ngoài việc tính toán kỹ còn phải có hậu thuẫn.

Đặc biệt trong quan hệ với ngân hàng, không nên chỉ biết duy nhất một ngân hàng mà nên có thêm quan hệ với một, hai ngân hàng, tỷ lệ rủi ro sẽ giảm rất nhiều.

* Kinh doanh trứng là một ngành ít bị cạnh tranh gay gắt, nhưng có vẻ ông vẫn rất tâm tư?

- Kinh doanh trứng lời không nhiều, lại rất dễ bị hư, tỷ lệ hao hụt nhiều, đặc biệt kinh doanh trứng sạch phải đầu tư lớn nên càng ít người làm. Tuy không cạnh tranh gay gắt nhưng đây là nghề rất cực, quanh năm suốt tháng không có ngày nghỉ.

Dường như một năm, chúng tôi chỉ có một ngày nghỉ duy nhất là mùng Một Tết, sáng 30 thì tất bật, đến mùng Hai đã phài làm lại. Ngay cả giờ giấc nghỉ ngơi hàng ngày cũng không có.

Có nhiều người hỏi: “Nghề vừa cực, vừa ít lời sao không bỏ nghề làm lĩnh vực khác?”. Ấy là họ chưa hiểu cái tâm với nghề của chúng tôi. Dẫu chưa biết thắng thua, thất bại hay thành công nhưng chúng tôi vẫn dốc hết lòng đầu tư vì đó cũng là cách trả nghĩa cho nghề đã cưu mang mình.

Như chị Ba đã từng nói: “Nhờ cái nghề này tôi đã nuôi các em mình ăn học thành tài. Đó chính là điều làm tôi hài lòng nhất trong cuộc đời của mình. Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi đã chọn mang cái nghiệp buôn trứng này”.

Tuy nhiên, tôi cũng còn nhiều trăn trở. Hiện nay, Công ty TNHH Ba Huân là một trong số ít những doanh nghiệp có sự đầu tư về máy móc, thiết bị để đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm, trong khi còn rất nhiều cơ sở, vựa trứng vẫn đang làm ăn theo kiểu thủ công, trứng không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán trên thị trường.

Nhưng nghịch lý ở chỗ, chúng tôi vẫn buộc phải bán ngang giá chứ không thể cao hơn. Vì đối với mặt hàng này, người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua hàng giá rẻ chứ không quan tâm nhiều đến chất lượng có đảm bảo hay không.

* Ông nói chị Ba có nhiều cái hay đáng học tập, vậy điều gì ông thấy quý nhất và đã học được ở chị mình?

- Ngoài đức tính cần cù, vừa học vừa làm, trong kinh doanh thì trọng tín, tôi còn học và “cảm” được ở chị tôi cái tâm rất sâu sắc. Có những việc chị làm tưởng rất nhỏ nhưng làm hoài không hết, đó là tình cảm và sự lo lắng thật tâm với mọi người.

Ví như nửa đêm, có một bạn hàng bị bệnh nặng, chị Ba hay tin tức tốc cho xe chở lên bệnh viện. Hoặc có một bạn hàng ở Kiên Giang nói với chị Ba: “Tôi xin nghỉ gom hàng vài ngày vì vợ tôi bị bệnh, bác sĩ trả về rồi”. Nghe tin, chị Ba nằng nặc đòi đưa bệnh nhân lên TP.HCM và gửi vào bệnh viện điều trị cấp cứu. Nhờ vậy mà vợ ông ta đã khỏi bệnh.

Từ những việc làm thật tâm của chị, anh chị em tôi cũng bị ảnh hưởng và rất tâm đắc câu nói của chị Ba, coi đó như một triết lý sống, đó là: “Tiền của ăn cũng hết, trên đời này không ai giàu vì tiền mà sống hết đời. Chỉ có tấm lòng và nghĩa tình mới là tài sản quý giá nhất của cuộc đời con người”.

• Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện tuy vội nhưng rất chân tình này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ tình như giữ trứng mỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO