Doanh nhân Đinh Hùng: Cách “đổi gạch lấy ngọc”

XUÂN LỘC thực hiện/DNSGCT| 11/08/2014 07:15

Cách đây hai năm, sự xuất hiện của Nhà hàng Vatel Sài Gòn đã bắt đầu tạo ra một mô hình mới trong đào tạo nhân lực cho ngành nhà hàng – khách sạn.

Doanh nhân Đinh Hùng: Cách “đổi gạch lấy ngọc”

Cách đây hai năm, sự xuất hiện của Nhà hàng Vatel Sài Gòn (trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đã bắt đầu tạo ra một mô hình mới trong đào tạo nhân lực cho ngành nhà hàng – khách sạn.

Vatel Sài Gòn trở thành điểm đến của những khách hàng yêu thích ẩm thực Pháp, cũng là nơi để sinh viên ngành du lịch thực hành các bài học lý thuyết bằng cách cọ xát với thực tế, làm việc như một nhân viên chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn nghiêm túc của các chuyên gia trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn. Đó là một sự cố gắng vận dụng mô hình đào tạo của Trường Du lịch và Khách sạn quốc tế Vatel, vốn đã có hệ thống hơn 30 chi nhánh trên khắp thế giới.

Người đưa hệ thống đào tạo của Vatel từ Pháp về Việt Nam là ông Đinh Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tangka Voyages. Ông Đinh Hùng cho biết:

Ông Đinh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tangka Voyages - Tranh: Hoàng Tường

Vatel là trường đào tạo nhân lực cho ngành du lịch và nhà hàng có tiếng tăm trên thế giới từ hơn 30 năm nay, nhất là ở Pháp và Thụy Sĩ. Chương trình đào tạo của Vatel luôn đảm bảo sự cân bằng, chuyển hóa linh hoạt giữa lý thuyết và thực tiễn.

Nhận thấy sinh viên Việt Nam rất cần thực hành song song với lý thuyết, tôi quyết định đưa mô hình đào tạo của Vatel từ Pháp về Việt Nam nhằm giúp họ có một môi trường thực tập chuyên nghiệp, từ đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho các doanh nghiệp và cho xã hội.

* Và ông đã chọn được đối tác tại Việt Nam?

- Tôi đã có một quá trình tìm hiểu kỹ nhiều trường ở TP. Hồ Chí Minh có chương trình đào tạo về du lịch trước khi chọn đối tác để xây dựng Vatel. Thật may mắn là tôi đã chọn được Trường Đại học Hoa Sen trong rất nhiều đối tác tiềm năng.

Không nhiều trường đại học ở Việt Nam nỗ lực tìm kiếm các quan hệ hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để sinh viên, giảng viên có cơ hội giao lưu quốc tế như Hoa Sen. Điều đáng mừng hơn là tôi và ban giám đốc của trường đều có chung ước muốn là tạo ra một mô hình giáo dục mới mẻ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch nước nhà trong thời gian tới.

Việt Nam có thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, dễ mến và đó chính là những yếu tố vô cùng thuận lợi để phát triển du lịch. Nhân sự là yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp trong ngành du lịch và khách sạn, nhưng đáng tiếc lực lượng lao động hiện còn bị hạn chế về kỹ năng chuyên môn lẫn ngoại ngữ, kể cả ở các khách sạn cao cấp.

* Vậy chương trình đào tạo của Vatel sẽ giúp sinh viên nâng cao cả kỹ năng lẫn ngoại ngữ như thế nào?

- Sinh viên được đào tạo xen kẽ: một tuần học lý thuyết ở Đại học Hoa Sen và một tuần thực hành ở Nhà hàng Vatel Sài Gòn. Sinh viên sẽ được thực hành ở nhiều khâu trong môi trường của nhà hàng theo nhiều cấp độ từ bình dân đến cao cấp. Do đó, họ sẽ phải nỗ lực không ngừng để thích nghi với môi trường cũng như phương pháp học tập mới lạ.

Chúng tôi tin tưởng sinh viên sau khóa học tại Vatel không chỉ giỏi về kỹ năng, mà còn giao tiếp bằng tiếng Anh theo đúng chuẩn mực quốc tế. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng giúp họ học cách giao tiếp bằng tiếng Pháp.

* Có ý kiến cho rằng học phí ở Vatel vượt khung so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông nghĩ sao về điều này?

- Do mô hình đào tạo quá mới nên chúng tôi không nắm chắc mức học phí có phù hợp với khung quy định hay không và cũng chưa rõ có bắt buộc phải tuân thủ khung quy định đó hay không. Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ sao cho mức học phí phù hợp với mức thu nhập và chi tiêu của người Việt Nam. Mức này chỉ bằng một nửa so với học phí của Trường Vatel ở Pháp và chỉ bằng một phần tư của Trường Vatel ở Thụy Sĩ.

Tại các trường Vatel ở nước ngoài, có tới 90% sinh viên nhận được lời mời của các công ty du lịch từ lúc chưa ra trường. Như vậy, sinh viên Vatel luôn đứng ở vị trí chủ động khi lựa chọn nơi làm việc, chứ không phải may mắn được chọn hay thất nghiệp sau khi ra trường.

Vatel Sài Gòn đang hướng đến một chương trình đào tạo nhằm giúp sinh viên ngành du lịch Việt Nam cũng luôn chủ động trong công việc. Có thể ngay trong những khóa đầu tiên chúng tôi chưa đạt được kỳ vọng đó, nhưng tôi tin rằng mong ước ấy sẽ trở thành hiện thực trong năm, bảy năm nữa.

Hiện nay, chúng tôi đã chiêu sinh khoảng 120 sinh viên, bắt đầu giảng dạy từ tháng 8/2011. Trong hai năm đầu, Vatel Sài Gòn hầu như không có lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ trong năm đầu tiên.

Mặc dù mục đích chính của Vatel là mang lại một chương trình học tập hiệu quả cho sinh viên ngành du lịch chứ không phải lợi nhuận nhưng với tôi, thua lỗ nghĩa là thất bại, nếu cứ thua lỗ triền miên thì tất nhiên sẽ đi đến phá sản. Vì vậy, chúng tôi cố gắng từng bước tăng dần được lợi nhuận để duy trì Vatel lâu dài.

* Được biết, Công ty Tangka Voyages là doanh nghiệp lữ hành chuyên đưa du khách Pháp đến Việt Nam. Làm du lịch trên đất Pháp, doanh nghiệp của ông có gặp nhiều khó khăn?

- Tôi cho rằng Tangka Voyages gặp nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Du khách từ Pháp cảm thấy yên tâm hơn khi thấy có doanh nghiệp Việt làm tour du lịch Việt ngay tại Paris.

Hơn nữa, là người đầu tiên tổ chức hành trình xuyên Việt trong giai đoạn 1995-1998, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về cách tổ chức tour tại quê hương. Những chương trình du lịch do Tangka Voyages đưa ra đều được khá nhiều du khách lựa chọn.

Thật thú vị là sau khi được tôi phục vụ tour du lịch Việt, nhiều du khách nước ngoài đã nhờ tôi tổ chức những tour châu Âu khác vì họ tin tưởng vào chất lượng dịch vụ mà tôi cung cấp, mặc dù giá tour của tôi luôn cao hơn các công ty lữ hành khác trong cùng phân khúc.

* Đã có ít nhiều kinh nghiệm hợp tác làm ăn với du lịch Việt Nam, ông đánh giá ra sao về tiềm năng du lịch Việt?

- Du lịch Việt Nam có lợi thế cả về thiên nhiên lẫn con người nhưng vẫn chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng do nhiều nguyên nhân. Những rào cản phát triển du lịch đã được báo chí nêu nhiều, nhưng tôi không dám đoán bao giờ chúng ta mới vượt qua được.

Đơn cử là vấn đề phương tiện đi lại. Nếu xe buýt xuống cấp và hay phóng nhanh vượt ẩu hoặc máy bay trễ chuyến là chuyện có vẻ bình thường đối với chúng ta thì với du khách quốc tế lại là lỗi vô cùng nghiêm trọng.

Gặp phải trường hợp tương tự, ở châu Âu, các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch phải chịu trách nhiệm đảm bảo chỗ ăn uống, nơi nghỉ ngơi cho khách và phải đền bù thiệt hại bằng tiền. Còn ở Việt Nam, có trễ giờ bay cũng chẳng là điều gì lớn cả, thậm chí có khi hãng hàng không “quên” thông báo và xin lỗi hành khách.

* Còn tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp du lịch và lữ hành Việt Nam?

- Tôi thấy các công ty du lịch lữ hành Việt Nam ít chịu khó tìm tòi sáng tạo trong cách thức tổ chức tour. Nhiều du khách nước ngoài nói rằng họ không còn hứng thú với các chương trình tour rập khuôn mà các công ty du lịch của ta đang chào bán. Các điểm đến, các chốn tham quan, nghỉ ngơi, ẩm thực đã khá quen thuộc với du khách quốc tế, cơ bản chỉ nhằm phục vụ cho nhu cầu du lịch số đông.

Bản thân các hướng dẫn viên du lịch cũng chưa chịu khó học hỏi để tinh thông nghề nghiệp đặc thù của mình, nhiều người chưa yêu nghề, chưa thấy tự hào về nền văn hóa, ẩm thực của đất nước mình thì làm sao truyền được cảm hứng cho du khách?

Khách du lịch rất thích tìm hiểu những nét lịch sử, văn hóa ẩn trong từng địa danh, từng món ăn nên cách thức xây dựng chương trình của các công ty lữ hành rất quan trọng. Chúng ta phải chịu khó tìm ra những cung đường mới, những khách sạn mới, nơi ăn uống mới.

Để khách du lịch đến Việt Nam có thể trở lại lần nữa thì quan trọng nhất là tạo cho họ cảm giác hào hứng khi sắp được trải nghiệm một Việt Nam mới. Du lịch sáo mòn thì khó phát triển do khó thu hút được nhiều du khách qua từng năm và bản thân các doanh nghiệp làm dịch vụ cũng khó nâng cao được mức lợi nhuận.

* Nhưng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, bỏ ra chi phí để thay đổi chương trình tour là một vấn đề lớn. Hơn nữa, các công ty du lịch đang có sự cạnh tranh về giá cả…

- Theo tôi, trong kinh doanh về du lịch, cách thức thực hiện còn quan trọng hơn giá cả.

Làm một tour chuyên nghiệp, đảm bảo tính sáng tạo, giúp du khách khám phá và trải nghiệm những gì mới mẻ, thật sự hấp dẫn thì vẫn thích hơn một tour giá rẻ mà không nâng được uy tín. Trong khi đó, chính uy tín và sự sáng tạo mới mang lại lợi nhuận cao cho chúng ta.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng không kém là chấp nhận lời chê. Tôi có một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam tại Paris. Rất nhiều người đến quán ăn và viết bài, bài khen lẫn bài chê đều có đủ. Tôi không giận khi người khác chỉ trích một cách trung thực, khách quan. Có tiếp thu và điều chỉnh thì mình mới tiến bộ được.

* Khi mới sang Pháp năm 1978, ông có gặp khó khăn trong việc hòa nhập hay không?

- Tôi tự nhận thấy mình hòa nhập rất nhanh. Tôi tiếp tục học ngành truyền thông và tiếp thị và được làm việc trong những công ty lớn. Có lẽ tôi cũng gặp may mắn trong sự nghiệp. Còn nhớ lần đầu xin việc khi mới ra trường, tôi đã gửi đi khoảng 200 thư xin việc và nhận lại được khoảng mười lời mời phỏng vấn.

Tôi không thể quên một cuộc phỏng vấn thú vị với một giám đốc một hãng rượu. Ông ấy quý người Việt Nam và thích những người năng động, tự tin. Cuối cùng, vì tôi chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân phối mà hãng đang cần, ông ấy đã giới thiệu tôi cho đối tác làm quảng cáo cho hãng rượu của ông.

Có thể nói con đường sự nghiệp của tôi khá thuận lợi. Trong khoảng thời gian ở Pháp, tôi có cơ hội được làm trong những công ty lớn với mức lương cao. Nhưng đến tuổi thất thập, tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp riêng, đồng thời muốn làm gì đó cho quê hương và cho thế hệ trẻ.

* Hình như ông còn đi tiên phong trong một phong trào phổ cập văn hóa và lịch sử Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt sinh ra trên đất Pháp?

- Phong trào này tôi chỉ mới tiến hành trong gần một năm nay và được sự hưởng ứng của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Dù lưu lạc đến đất Pháp vì lý do gì thì mỗi người Việt ở nước ngoài đều lưu giữ trong tim hình ảnh về quê hương, đất nước. Họ cũng muốn truyền cho con mình tình yêu quê hương Việt Nam nhưng đôi khi, vì bận rộn công việc hoặc vì chưa tìm được một động lực, họ chưa thể thực hiện được.

Tôi khởi xướng phong trào này nhằm nhắc nhở, đôn đốc các bậc cha mẹ cùng thực hiện việc giáo dục văn hóa và lịch sử cho con mà trước hết là ngôn ngữ mẹ đẻ. Và họ nhận ra rằng học tiếng Việt không chỉ là học ngôn ngữ để giao tiếp mà ẩn sâu trong tầng văn hóa Việt chính là truyền thống tôn sư, trọng đạo, hiếu đễ với cha mẹ. Có lẽ nhiều người giống tôi, đều muốn những đứa trẻ dù không được sinh ra ở Việt Nam cũng có chung niềm hạnh phúc là nói được tiếng mẹ đẻ, có một chốn để nhớ về.

* Có thể thấy ông là một người có rất nhiều ý tưởng trong nhiều lĩnh vực, không chỉ trong kinh doanh…

- Ý tưởng thì ai cũng có được nhưng hiện thực hóa nó mới khó. Thời còn trẻ, tôi may mắn được làm việc ở những công ty có nền tài chính dồi dào. Những ý tưởng của tôi trong lĩnh vực quảng cáo thường được kiểm tra xem có khả năng thu lợi nhuận hay không trước khi được vận dụng vào thực tế. Về sau, tôi thường không cần phải tự kiểm tra kỹ ý tưởng nữa vì đã có nhiều kinh nghiệm vận dụng.

Tôi thấy các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đến việc kiểm tra ý tưởng có lẽ vì nguồn tài chính có hạn, song cũng có thể người ta ngại phải bỏ chi phí một cách vô ích. Thực ra, chi phí bỏ ra cho việc kiểm tra ý tưởng là sự đầu tư lâu dài.

Loại bỏ những ý tưởng tồi thì chỉ tốn một khoản chi phí nhỏ trong khi nếu sử dụng chúng sẽ tiềm ẩn nguy cơ lớn sau này. Một khi đã chọn được ý tưởng tốt thì lợi nhuận mang lại sẽ rất cao.

Làm kinh doanh nếu chỉ biết chăm chăm thu lời trước mắt thì khó có thể phát triển thành doanh nghiệp lớn. Khi biết nhìn xa trông rộng, dám quyết đoán đầu tư sức người sức của, không vội tính đến lợi nhuận trước mắt, ắt chủ doanh nghiệp sẽ có ngày vượt lên trên tầm của vô số đối thủ cạnh tranh.

Biết nhìn xa, suy trước tính sau, hy sinh mối lợi nhỏ thì nhất định sẽ thu được mối lợi lớn. Đó là cách “đổi gạch lấy ngọc”.

* Ông có trăn trở khi quyết định bỏ một vị trí tốt trong sự nghiệp có lương cao để trở về Việt Nam?

- Hầu như không. Thứ nhất, tôi không về ở ẩn, vui thú điền viên, mà muốn kinh doanh ngành mình yêu thích là du lịch. Tôi vẫn tiếp tục làm việc và cống hiến. May mắn hơn, trợ cấp thất nghiệp ở Pháp rất cao.

Trong năm đầu tiên là 80% mức lương mà tôi có, rồi giảm dần theo từng năm. Tôi dự tính nếu chưa thể bắt đầu công việc mới ngay thì hai năm ngồi nhà, tôi vẫn thong thả, ung dung với số tiền trợ cấp để chuẩn bị chu đáo hơn cho một dấn thân mới.

Còn nghỉ hưu ư? Theo cách nói của các bạn trẻ bây giờ thì “nghỉ hưu” không có trong từ điển của tôi. Làm việc để đầu óc hoạt động, tỉnh táo, trí nhớ tốt hơn. Chúng ta không nên cầu nhàn, nhưng cũng không nên bắt đầu óc làm việc quá sức. Đọc sách cũng là cách để củng cố trí nhớ khi đã có tuổi và đó là việc mà tôi thường làm.

Hiện giờ tôi đang được làm điều mình thích là kinh doanh du lịch. Tôi cũng đang phát triển thứ mà mình tâm huyết là mô hình giáo dục – đào tạo hiệu quả phục vụ cho các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn. Như thế cũng đã đủ để tôi sống từng ngày vui và có ý nghĩa.

* Nghe nói ông dự kiến sẽ mở rộng Vatel một số nơi khác?

- Chỉ khi mô hình ở TP. Hồ Chí Minh hoàn chỉnh và có đủ uy tín thì tôi mới mở rộng ra một số tỉnh thành khác, thậm chí mở rộng ra các nước lân cận.

Đến nay, mô hình Vatel chưa được hoàn chỉnh nhưở Pháp và một số nước khác, ví dụ chúng tôi còn thiếu một khách sạn đẳng cấp cỡ 4-5 sao để vừa phục vụ, vừa tạo điều kiện cho sinh viên thực tập.

Trong một, hai năm tới, tôi phải tìm cho được một đối tác khách sạn để hợp tác, thuê hoặc tự xây dựng khách sạn của Vatel. Thật lòng, tôi thấy trước mắt còn rất nhiều việc phải làm.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện thú vị!

>Du lịch Việt Nam: Chỉ so với Thái Lan thôi...
>Du lịch Việt Nam: Hướng đến con số 10 tỷ USD
>
Kéo khách ta du lịch nước mình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Đinh Hùng: Cách “đổi gạch lấy ngọc”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO