Tổng giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng Đỗ Thanh Tịnh: Thích điều mình làm là tự do

13/01/2018 06:59

Hai lần thất bại, nợ tiền tỷ, gia đình gần như ly tán nhưng ông Đỗ Thanh Tịnh - Tổng giám đốc Công ty Tứ Hưng không nản chí và vẫn miệt mài trên hành trình đưa Tứ Hưng trở thành một trong hai thương hiệu kinh doanh nội thất online đứng đầu tại Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng Đỗ Thanh Tịnh: Thích điều mình làm là tự do

Tổng giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng Đỗ Thanh Tịnh. Ảnh: QH

Hiện tại, dù đang tất bật với kế hoạch nhượng quyền thương hiệu cho các đối tác ở nhiều tỉnh thành nhưng ông Tịnh vẫn dành thời gian cho thú vui dạy học, viết sách, viết kịch bản phim truyền hình. Sau hai lần trắng tay trong vai trò của nhà xuất bản sách, kinh doanh điện máy, ông Đỗ Thanh Tịnh quyết tâm trở lại nghiệp kinh doanh bằng ngành kinh doanh nội thất mà các sản phẩm chủ đạo là giường, tủ, nệm, bàn ghế học sinh và bàn ghế làm việc. Nội thất bình dân có giá thấp nhưng lại ngốn chi phí về mặt bằng, về nhân viên... một lần nữa khiến Đỗ Thanh Tịnh lao đao.

Không bằng lòng với hiện thực nợ nần, doanh nhân xứ Quảng quyết tâm chinh phục thị trường bằng con đường khác: kinh doanh nội thất online với chiến lược "vô địch giá rẻ”. Để khách hàng tin hàng giá rẻ nhưng chất lượng, ông Tịnh đã áp dụng chiến lược 4 miễn phí (free): giao hàng free, kiểm tra hàng tại chỗ free, bảo hành 12 tháng tại nhà free và đổi trả free trong vòng 30 ngày. Cùng với đó ông đã xây dựng hệ thống 10 cửa hàng trưng bày sản phẩm, để khách hàng có thể tin tưởng vào sản phẩm công ty phân phối.

Mô hình bán hàng của Tứ Hưng được đánh giá là khá độc đáo vì không chỉ tiết giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp mà còn giúp người tiêu dùng có được nhiều trải nghiệm thú vị. Bằng việc mở hàng loạt cửa hàng trưng bày mà không cần nhân viên quản lý hay bán hàng, Tứ Hưng đã giải quyết được nhu cầu nhìn tận mắt, sờ tận tay cho người tiêu dùng đồng thời tiết giảm tối đa chi phí đầu tư trong khi mang lại hiệu quả rất lớn.

Link bài viết

* Vì sao kinh doanh online nhưng ông lại xây dựng chuỗi cửa hàng offline?

- Với một người ít tiền thì kinh doanh online là phù hợp nhất. Hơn nữa, cửa hàng 100m2 không thể chứa được 1.000 khách hàng mỗi ngày nhưng online thì có thể làm được điều đó. Muốn có được lượng khách hàng như vậy, doanh nghiệp phải mất rất nhiều chi phí cho việc xây dựng cửa hàng hoành tráng, rồi nhân viên bán hàng, bảo vệ...

Trong khi đó, bán hàng online chỉ cần một vài người viết bài giới thiệu sản phẩm, tư vấn sản phẩm hay là được. Tất nhiên, nếu bài hay mà sản phẩm không tốt, chính sách bán hàng tệ, nhân viên giao hàng không đáp ứng yêu cầu khách hàng thì cũng thất bại.

Trong quá trình làm việc tôi thấy có bốn nhóm khách hàng online. Nhóm thứ nhất là khách hàng dễ tính. Chỉ cần hàng đẹp, thông tin tốt là họ chọn mua. Với nhóm thứ hai, thông tin tốt chưa đủ. Họ cần phải xác nhận lại những thông tin đó qua tổng đài để đảm bảo sản phẩm nhìn thấy là đúng. Nhóm thứ ba không chỉ nghe, nhìn mà phải sờ sản phẩm thật trước khi mua. Đó là lý do chúng tôi xây dựng chuỗi cửa hàng để khách xem hàng thật trước khi ra quyết định mua hàng.

Nhóm thứ tư là những người khá kỹ tính. Họ chọn mua ở những cửa hàng có chính sách đổi trả. Từ đối tượng này, Tứ Hưng xây dựng chính sách đổi trả hàng sau 30 ngày sử dụng. Với hàng nội thất, chi phí vận chuyển rất lớn nhưng chúng tôi không ngại vì muốn khẳng định: sản phẩm Tứ Hưng kinh doanh có chất lượng tốt dù chủ yếu là hàng bình dân. Điều đáng mừng là 4 năm qua, doanh thu công ty luôn ổn định ở mức tăng trưởng hơn 30% mỗi năm.

* Xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày sản phẩm như vậy ông không thấy là rất tốn kém?

- Thật ra, chuỗi 10 cửa hàng hiện có của chúng tôi chỉ là nơi trưng bày hàng hóa và mọi hoạt động mua bán đều diễn ra online. Cửa hàng không có nhân viên quản lý hay bán hàng, chúng tôi chỉ thuê một nhân sự duy nhất là bảo vệ, vừa trông coi cửa hàng vừa để dắt xe cho khách.

Mọi thông tin về sản phẩm như giá bán, kích thước, màu sắc, chất liệu, thông tin liên hệ với công ty... đều ghi rõ trên từng sản phẩm. Khách hàng ưng ý với sản phẩm nào chỉ cần gọi đến tổng đài chăm sóc khách hàng (miễn phí) sẽ được nhân viên tư vấn và giao hàng đến tận nơi.

Link bài viết

Một điều khá thú vị là mô hình cửa hàng offline của chúng tôi có sự sẻ chia từ các đơn vị bán online khác. Có không ít doanh nghiệp bán online các mặt hàng như bình hoa, thảm trải sản, rèm cửa, giấy dán tường... cần trưng bày hàng hóa và chúng tôi dành những không gian nhất định cho họ. Như vậy, đối tác có chỗ giới thiệu sản phẩm trong khi chúng tôi giảm chi phí mặt bằng.

Hiện hệ thống cửa hàng này đang làm việc tốt, vì thế, trong năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm 40 cửa hàng nữa. Dự kiến, đến năm 2020, chúng tôi sẽ có 1.000 cửa hàng như vậy theo hình thức nhượng quyền.

* Kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng như vậy có quá lớn so với thực tế nhu cầu hiện nay hay không?

- Thị trường mặt hàng nội thất bình dân có doanh thu khoảng 3 tỷ USD. Mặc dù đời sống người dân đang dần nâng cao nhưng tỷ lệ người có thu nhập phù hợp với phân khúc sản phẩm này khá lớn.

Chúng tôi đang mở rộng hệ thống tại TP.HCM vì đây là khu vực rất tiềm năng. Trong 14 triệu dân đang sinh sống có rất nhiều dân nhập cư. Sự dịch chuyển nơi sinh sống của người dân cũng diễn ra thường xuyên và mỗi lần như vậy họ phải mua mới. Chắc nhu cầu sử dụng sẽ tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Theo đà phát triển đó, chúng tôi muốn trở thành một trong hai thương hiệu nội thất online lớn nhất Việt Nam. Vào năm 2019, khi đã có hệ thống cửa hàng nhất định, Tứ Hưng sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán.  

* Đã hai lần trắng tay, ông không ngại "lịch sử sẽ lập lại" với Tứ Hưng sao?

- Tôi đã hai lần thất bại nên giờ không còn sợ nữa. Với tôi, kinh doanh chỉ là cuộc chơi. Cuộc đời thì áp lực chứ cuộc chơi thì rất thú vị. Và trong cuộc chơi ai cũng muốn chiến thắng nhưng nếu có thất bại cũng đã có sự chuẩn bị trước.
Gần 16 năm kinh doanh tôi nghiệm ra rằng, khi phá sản và khởi nghiệp lại thì tài sản lại được nhân đôi. Và khi một nhân viên tốt nhất của mình ra đi thì có hai nhân viên tốt hơn về lại với mình. Vì vậy, tôi bình thản đón nhận mọi thứ.

Tôi từng đi bán báo dạo, từng đi làm khảo sát thị trường... nên không việc gì có thể làm tôi lùi bước. Sau thất bại, tôi biết mình sai ở đâu và học được điều gì. Dĩ nhiên, không ai muốn thất bại nhưng thất bại chính là một phần của thành công. Khi một doanh nhân đứng lên từ thất bại là họ đã trui rèn được bản lĩnh, tích lũy được nhiều kiến thức thực tế để không bị vấp lần sau.

* Hẳn đây là những bài học lớn cho ông?

- Học chuyên ngành phát hành sách và khởi sự kinh doanh của tôi cũng bắt đầu bằng việc phát hành sách. Thời điểm những năm 2000, tôi đã rất thành công trong việc phát hành sách thiếu nhi. Theo thống kê của Nhà xuất bản Trẻ, Công ty Tháng Giêng do tôi làm chủ trở thành đơn vị phân phối sách thiếu nhi lớn nhất thị trường miền Nam.

Đã nhiều lúc tôi muốn lao đầu vào xe tải để giải quyết mọi thứ nhưng rồi lại nghĩ, làm như vậy cuộc đời mình chẳng còn gì. Dù có như thế nào vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc mình gây ra và tôi đã đi làm thuê. Làm được vài tháng với mức lương 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng, nghĩ lại thấy món nợ quá lớn biết đến bao giờ mới trả xong. Vậy là một lần nữa tôi quyết tâm "làm lại từ đầu".

Thành công với phát hành, tôi chuyển sang xuất bản sách cùng với một đối tác. Nhưng không phải cứ phát hành sách tốt thì chuyển qua xuất bản sách cũng tốt. Sách là sản phẩm đặc thù, không giống như những mặt hàng thực phẩm nên sách dở thì không ai coi. Năm 2008, chúng tôi phải bán cân ký 18 ngàn cuốn sách tồn kho và Tháng Giêng phá sản.

Bắt đầu cho hành trình mới tôi nghĩ đến một lĩnh vực khá tiềm năng là điện máy. Thời điểm này, thị trường điện máy rất hút hàng và nhiều doanh nghiệp giàu lên nhanh chóng. Tôi quyết định gầy dựng lại doanh nghiệp bằng việc mở một cửa hàng tại khu Gò Dưa - Thủ Đức để bán hàng điện máy giá rẻ cho công nhân.

Việc kinh doanh thuận lợi, tôi mở liên tục 12 cửa hàng với thương hiệu Tứ Hưng Mini Mart trong vòng hai năm sau đó. Tuy nhiên, vì thấy lợi mà không tính toán kỹ đầu ra và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý nên nhiều khi nhân viên bán hàng không nộp tiền tôi cũng không biết. Vậy là thất bại. Lần trắng tay này với món nợ hàng tỷ đồng khiến tôi sụp đổ.

* Rồi ông làm cách nào để đứng lên?

- Đã nhiều lúc tôi muốn lao đầu vào xe tải để giải quyết mọi thứ nhưng rồi lại nghĩ, làm như vậy cuộc đời mình chẳng còn gì. Dù có như thế nào vẫn phải chịu trách nhiệm cho việc mình gây ra và tôi đã đi làm thuê. Làm được vài tháng với mức lương 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng, nghĩ lại thấy món nợ quá lớn biết đến bao giờ mới trả xong. Vậy là một lần nữa tôi quyết tâm "làm lại từ đầu".

Tôi lao vào đọc sách, tham gia các lớp đào tạo quản trị kinh doanh... để bù đắp những chỗ hổng đó. May mắn là trong thời gian kinh doanh trước đó tôi quen biết một số bạn bè trong ngành nội thất. Họ gợi ý cho tôi kinh doanh ngành này và sẵn sàng để tôi bán với nợ gối đầu lâu hơn nơi khác. Thế là tôi mở cửa hàng kinh doanh nội thất giá bình dân. Bán hàng trực tiếp không hiệu quả do chi phí mặt bằng quá lớn, vì thế, tôi chuyển sang online. Năm 2013, thương hiệu nội thất Tứ Hưng kinh doanh online chính thức xuất hiện.

* Ông từng nói: phía Bắc có Hòa Phát, phía Nam có Tứ Hưng. Đó là ông nói đến...

- Đó là tôi tự nhủ mình là phải xây dựng được thương hiệu Tứ Hưng với hệ thống chuỗi cửa hàng lớn mạnh như Thế Giới Di Động. Làm gì cũng phải tạo được danh tiếng. Phải làm sao để tạo dấu ấn thương hiệu và quan trọng là "kinh doanh phải có đạo đức". Đừng làm tổn thương người khác vì làm tổn thương người khác cũng chính là tổn thương mình. Lần thất bại thứ hai của tôi là do tôi đã tạo nghiệp xấu, nên phải lãnh hậu quả. Và hậu quả tôi nhận ngay chứ không phải đợi đến kiếp sau.

* Ông cũng từng chia sẻ: văn hóa là cái gốc của doanh nghiệp. Ở Tứ Hưng, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng ra sao, thưa ông?

- Có nhiều doanh nghiệp chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không để tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ai cũng chăm chăm lo kiếm tiền nhưng lại không biết rằng văn hóa chính là cái gốc của doanh nghiệp, là một trong những đòn bẩy giúp doanh nghiệp đi xa, đặc biệt là doanh nghiệp trong giai đoạn startup.

Link bài viết

Xác định như thế nên với Tứ Hưng, chúng tôi xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay từ đầu. Tại công ty, các hoạt động tưởng thưởng khích lệ tinh thần nhân viên được thực hiện mỗi tuần, mỗi tháng. Không chỉ tạo môi trường làm việc ấm cúng, chúng tôi còn tạo sự gắn kết nhân viên qua các hoạt động giải trí, qua các chương trình phúc lợi và qua việc tặng cổ phần công ty. Nhờ những chính sách này mà vào thời điểm khủng khoảng nhất, đến 6 tháng không có lương nhân viên vẫn gắn bó đến ngày hôm nay.

* Nghe nói hiện nay, không chỉ kinh doanh, ông còn tham gia đào tạo, viết sách...?

- Có chút khả năng viết lách nên từ những kinh nghiệm thực tế của mình trong điều hành doanh nghiệp, tôi hệ thống lại và chia sẻ với các bạn trẻ. Bộ ba cuốn sách khởi nghiệp của tôi đã bán được hơn 5.000 cuốn kể từ khi ra mắt hồi đầu năm 2017.

Đây không chỉ là đam mê chia sẻ những kinh nghiệm với cộng đồng mà còn là hình thức marketing không đồng rất hiệu quả. Vì mỗi cuốn sách khi đến tay độc giả là thêm một cơ hội marketing miễn phí cho Tứ Hưng. Cũng như thế, tôi đang viết kịch bản phim chính luận "Đại gia ngầm".

Hơn một năm nay tôi cũng đã cùng một số doanh nhân khác tổ chức nhiều khóa huấn luyện miễn phí cho các bạn trẻ. Riêng chương trình "Lò ấp khởi nghiệp"do tôi khởi xướng đã đào tạo, tư vấn cho 20 chủ doanh nghiệp trẻ. Dự kiến, năm 2018 sẽ có 30 doanh nghiệp trẻ được đào tạo từ chương trình này. Đây là những cách quảng bá thương hiệu cho bản thân tôi, cho Tứ Hưng để chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai.

* Kinh doanh, dạy rồi viết sách, có thể hình dung một ngày của doanh nhân Đỗ Thanh Tịnh diễn ra như thế nào?

- Tôi không giỏi về kinh doanh nhưng biết tìm sự hỗ trợ. Cái gì không giỏi thì nên nhờ tư vấn. Làm doanh nhân thì nên xác định là "làm chủ chứ không phải là khổ chủ”. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã xây dựng được bộ quy trình chi tiết và đầy đủ cho mọi phòng ban. Các trưởng bộ phận cứ việc bám vào đó mà làm, vì vậy không có tôi, doanh nghiệp vẫn chạy tốt.

Đều đặn mỗi ngày tôi dành một giờ để chơi tenis. Đây là hoạt động rèn luyện thể lực nhưng cũng tạo các mối quan hệ trong xã hội. Tôi cũng dành một giờ để xem qua công việc của công ty. Thời gian còn lại tôi chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ khởi nghiệp, viết sách và lo cho gia đình. Đến giờ này, tôi nghiệm ra rằng, tiền nhiều hay ít không quan trọng mà quan trọng làm được điều mình thích. Thích điều mình làm là tự do. Làm điều mình thích là tuyệt vời". 

* Trong vai trò của một doanh nhân đã nhiều lần khởi nghiệp và thất bại, ông có lời khuyên nào cho giới trẻ hiện nay?

- Hiện nay, có đến 98% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại sau hai năm. Các bạn trẻ bị thôi thúc về khởi nghiệp nhưng thiếu nền tảng kiến thức kinh doanh và thiếu vốn. Các bạn trẻ chưa dám sáng tạo mà khởi nghiệp chủ yếu là mưu sinh.Các dự án khởi nghiệp hầu như không tạo ra nhiều giá trị cho xã hội mà chủ yếu là kinh doanh cà phê, trà sữa, mỹ phẩm...

Theo tôi, có năm vấn đề lưu ý cho người khởi nghiệp ít vốn. Đó là phải tận dụng công nghệ, tạo ra dòng tiền, tận dụng mạng xã hội để marketing, tạo các mối quan hệ tốt và biết tiết giảm chi phí. Khởi nghiệp phải chạy đà chứ đợi đủ tiền mới làm thì sẽ mãi là "người đi sau". 

*Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tổng giám đốc Công ty Nội thất Tứ Hưng Đỗ Thanh Tịnh: Thích điều mình làm là tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO