Diễn giả Andy Lopata: Không ai có thể thành công một mình

PHƯƠNG QUYÊN| 12/07/2012 05:26

Được tạp chí uy tín Financial Times tôn vinh là chiến lược gia hàng đầu châu Âu về Nghệ thuật xây dựng quan hệ (Networking) và tờ The Sun bình chọn là “Mr. Network” điển hình, Andy Lopata là một diễn giả và chuyên gia huấn luyện quốc tế rất được yêu thích.

Diễn giả Andy Lopata: Không ai có thể thành công một mình

Được tạp chí uy tín Financial Times tôn vinh là chiến lược gia hàng đầu châu Âu về Nghệ thuật xây dựng quan hệ (Networking) và tờ The Sun bình chọn là “Mr. Network” điển hình, Andy Lopata là một diễn giả và chuyên gia huấn luyện quốc tế rất được yêu thích.

Đọc E-paper

Tên tuổi của ông gắn với nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới như Deloitte, Merrill Lynch, Mastercard… bởi chính ông là người hướng dẫn cho họ nhiều kỹ năng Networking quan trọng để phát triển kinh doanh tốt hơn và nhanh chóng hơn nhờ phát triển các mối quan hệ kinh doanh tích cực hơn.

Cơ duyên dẫn Andy Lopata đến với vai trò của một chiến lược gia về Nghệ thuật xây dựng quan hệ khá trúc trắc. Năm 1999, khi đang làm việc tại một công ty dịch vụ thì ông nghỉ việc để bắt đầu tập tành viết lách.

Đồng thời, cùng với một số đồng sự thành lập và điều hành Tổ chức Kết nối quan hệ kinh doanh Anh quốc, Business Referral Exchange.

Đây là một hệ thống mà tại đó mỗi thành viên đều tập trung phát triển kinh doanh của mình dựa vào mối quan hệ mật thiết và tích cực với các thành viên khác, đồng thời góp phần giúp các thành viên khác phát triển doanh nghiệp của họ.

Chính trong thời gian này, ông đã có rất nhiều trải nghiệm và bài học thú vị về vai trò quan trọng của các mối quan hệ trong kinh doanh cũng như đúc kết được nhiều triết ký sâu sắc về nghệ thuật xây dựng quan hệ.

Sau 8 năm thành công, ông quyết định bán đi doanh nghiệp của mình để trở thành diễn giả và chuyên gia huấn luyện toàn thời gian về Nghệ thuật xây dựng quan hệ.

Ông cũng quay trở lại việc viết sách và đã phát hành khá nhiều cuốn sách thành công cũng như trở thành cây viết thường xuyên về kỹ năng Networking trên nhiều tạp chí kinh doanh uy tín.

Nhân chuyến trở lại Việt Nam theo lời mời của Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com và VietnamWorks để huấn luyện về kỹ năng Networking cho các chuyên gia nhân sự, Andy Lopata có buổi trao đổi dành riêng cho Doanh Nhân Sài Gòn.

“Mr. Networking”

* Trong từ điển của “Mr. Networking” thì từ networking có nghĩa là gì, thưa ông?

- Là xây dựng những mối quan hệ tích cực và lâu bền. Điều này rất khác với cách suy nghĩ của nhiều người rằng Networking thực chất chỉ là bỏ thời gian đi xã giao thật nhiều, “phát” danh thiếp và mong chờ ai đó sẽ mua dịch vụ của mình. Để rồi khi không được như ý, thất vọng thì đánh giá “Networking rất lãng phí thời gian”.

Thực tế, để có một mối quan hệ tích cực và lâu bền đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị và nỗ lực chăm sóc mối quan hệ đó, đồng thời cần tới rất nhiều sự tinh tế trong giao tiếp. Vì thế, tôi gọi Networking là Nghệ thuật xây dựng quan hệ.

* Nếu nói nó là một nghệ thuật thì người cần xây dựng quan hệ sẽ chẳng còn là số đông nữa, thưa ông?

- Theo bạn, có ai thành công mà chỉ dựa vào một mình bản thân họ không? Kể cả những người làm những công việc có vẻ rất độc lập như nhà khoa học, người leo núi chẳng hạn. Họ có một đội ngũ rất lớn hỗ trợ phía sau.

Trong công việc tại các doanh nghiệp hiện đại ngày nay, có hàng tỷ loại thông tin được trao đổi mỗi ngày mà đằng sau mỗi thông tin đều ẩn chứa những mối nối quan hệ.

Muốn đánh giá khả năng thành công của mình, hãy tự hỏi xem liệu có bao nhiêu người sẵn sàng đầu tư vào sự thành công của bạn? Hay nói cách khác, liệu rằng mình đã xây dựng được bao nhiêu mối quan hệ đủ tích cực và lâu bền để họ có thể sẵn sàng hỗ trợ cho thành công của mình?

Cũng có khá nhiều người quan niệm sai lầm rằng chỉ các bộ phận tiếp xúc khách hàng như bán hàng, tiếp thị mới cần giỏi xây dựng quan hệ. thực tế là muốn thành công, bất kỳ ai cũng cần nắm vững kỹ năng quan trọng này.

 * Nhưng lần trở lại Việt Nam này, ông chọn đối tượng để huấn luyện về kỹ năng Networking lại là các chuyên gia nhân sự?

- Các chuyên gia nhân sự là đối tượng mà mọi người hay nghĩ rằng họ đã rất giỏi Networking, vì làm công tác nhân sự vốn phải là người bạn tâm giao của các nhân viên; hoặc nghĩ rằng họ đâu cần Networking, vì họ làm công việc nội bộ, có đi bán hàng đâu mà cần.

Tôi sẽ dùng chính cách cách suy nghĩ sai lầm trên để lý giải. Nhân sự hiện đại đóng những vai trò rất khác biệt so với nhân sự trước kia chỉ chuyên lo các công việc hành chính, sự vụ.

Ngày nay, phòng nhân sự có thể được coi là “trung tâm tư vấn” của tất cả các phòng ban khác về chiến lược nhân sự, bởi vì “chiến lược con người” là mấu chốt của bất kỳ chiến lược kinh doanh nào.

Thế nên để làm việc hiệu quả, phòng nhân sự phải coi các phòng ban khác là khách hàng nội bộ, từ đó cần có những kỹ năng Networking cần thiết để hiểu rõ các nhu cầu, khó khăn và chiến lược phát triển của từng phòng ban trước khi đưa ra được những “gói tư vấn nhân lực ” thiết thực.

Có xây dựng được những mối quan hệ tích cực với những đối tác chiến lược tại các phòng ban khác thì nhân sự mới có thể “bán” gói tư vấn của mình cũng như hỗ trợ việc thực thi hiệu quả.

Có thể nói những thay đổi quan trọng trong vai trò của nhân sự hiện đại đòi hỏi họ phải được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể xây dựng được mạng lưới quan hệ tích cực và bền vững ở tầm chiến lược hơn.

Trong một thế giới ngày càng “ảo” như hiện nay, phần nào thiếu sự liên kết thật sự, có một chân lý sẽ mãi vẫn đúng: Một người thành công luôn cần tới kỹ năng giao tiếp hiệu quả và một chiến lược xây dựng quan hệ chuyên nghiệp. 

* Vậy theo ông, Networking là yếu tố thiên bẩm?

- Networking có được là do rèn luyện. Mỗi người sinh ra có thể được trời phú những phẩm chất nhất định giúp việc mở rộng và xây dựng những mối quan hệ tốt hơn, ví dụ như họ có giọng nói truyền cảm, một khuôn mặt cuốn hút hay một tài năng xuất chúng nào đó khiến nhiều người muốn làm quen.

Tuy nhiên đó chỉ là bước đầu để mở “cánh cửa quan hệ”. Để có một mạng lưới quan hệ rộng và bền chắc, cần cả chiến lược và chiến thuật, cộng với ý thức Networking và quyết tâm thực hành những kỹ năng nhất định.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi tôi là “chiến lược gia” thay vì chỉ là diễn giả hay người huấn luyện, vì kỹ năng này cần kết hợp với sự tư duy rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn giả Andy Lopata: Không ai có thể thành công một mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO