Dân yêu là tấm huân chương lớn nhất cho cán bộ

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI| 17/03/2012 01:17

Trưởng thành từ công tác đoàn, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo; nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Phương Thảo coi niềm hạnh phúc đời công tác của mình là có nhiều hoạt động đối thoại gần dân. Có người nói vui, bà được nhiều người biết, chẳng khác gì “sao”.

Dân yêu là tấm huân chương lớn nhất cho cán bộ

Trưởng thành từ công tác đoàn, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo; nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Phương Thảo coi niềm hạnh phúc đời công tác của mình là có nhiều hoạt động đối thoại gần dân. Có người nói vui, bà được nhiều người biết, chẳng khác gì “sao”.

Ít ai biết bà cũng có thời kỳ bị bỏ tù vì hoạt động yêu nước. Câu chuyện thế nào ạ?

Bà Phạm Phương Thảo. Tranh: Hoàng Tường

Đó là năm 1972, khi tôi hai mươi tuổi, hoạt động thanh niên Tỉnh đoàn Sóc Trăng. Bị bắt lúc đang chèo xuồng chở má tôi đi ngang đồn ở Bạc Liêu. Chúng nhận ra má tôi vì bà có hoạt động, nên bà bị tù mãi đến năm 1975. Tôi được nhân dân quanh đó nhận là con cháu, nhưng rồi cũng phải qua điều tra, trấn nước, giật điện. Đưa ra tòa, do tôi không nhận gì, không có chứng cứ, nên chúng phải thả ra.

Vậy là gia đình bà có tới ba người bị ở tù, bà còn có người anh trai là nhà báo hy sinh rất anh dũng?

Vâng, ngoài tôi và má tôi, thì có ba tôi nữa. Ông là cán bộ huyện ủy xây dựng cơ sở ở Vĩnh Trạch, Bạc Liêu, bị bắt từ năm 1955, ở tù hết Tân Hiệp, Côn Đảo, Phú Quốc. Năm 1963 ba tôi vượt ngục về, kêu tôi vô học trong vùng giải phóng.

Anh trai tôi làm báo, bị bắt trong một trận càn. Anh là đảng viên trẻ rất chí khí, bị bắn chết ngay trên cánh đồng "chó ngáp" khi mới mười chín tuổi. Chúng tôi rất tiếc không giữ được các bức ký họa chiến trường của anh tôi. Anh là họa sĩ của báo, là học trò của họa sĩ Thái Hà, Huỳnh Phương Đông. Má chồng tôi cũng được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Nếu không có sự điều động trong chiến tranh, bà cũng sẽ là một nhà báo?

Thời kỳ ở rừng, năm 1973 tôi được Tỉnh đoàn cử đi học báo chí ở miền Đông Nam bộ, mê nghề báo quá đi. Lứa học sinh đó sau này hầu hết trở thành tổng biên tập nhiều báo khắp các tỉnh, thành.

Lứa cán bộ cách mạng khi xưa gần gũi, chia sẻ dễ dàng với quần chúng, biết lắng nghe, vì sao có những người lại thoái hóa, bỏ mất cái nền, cái gốc đáng quý đó khi mọi điều kiện đã khá hơn?

Môi trường thay đổi, nếu không tiếp tục rèn luyện thì cái gốc cũng bị mờ nhạt dần. Phải phấn đấu suốt đời là vì vậy. Ngày còn kháng chiến, tôi cũng đã ở với người lao động, cũng đi cấy gặt, leo dừa, lội sông chèo xuồng, mò cá mò tôm, được sự dạy dỗ của người dân suốt mười năm. Đó là đoạn đời quý báu giúp tôi có thể gần gũi hòa đồng, nghĩ được ý nghĩ giống họ. Nó là vốn quý cho người làm cán bộ.

Trên mạng, TS Hồ Bá Thâm làm thơ đề tặng bà, trong đó có câu: Ta hát bài ca về Thành phố Bác, Chính quyền và dân đối thoại chân tình... Bà là một trong số các lãnh đạo thành phố có đóng góp vào việc đối thoại này như thế nào?

Thành phố có nhiều hình thức, cách làm như mục "Nói và làm" trên Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) suốt năm năm. Những cuộc đối thoại với các tầng lớp nhân dân được tổ chức hằng năm, kể cả lắng nghe tiếng nói trẻ em. Các bạn thanh niên đóng vai đại biểu Hội đồng nhân dân trẻ, làm chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Quốc hội, có truyền hình trực tiếp. Tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân các lĩnh vực. Tổ chức khảo sát độc lập chỉ số hài lòng của người dân về các dịch vụ công...

Bà thấy hiệu quả lớn nhất thu được là gì?

Đó là tạo được không khí dân chủ, người dân có chỗ để nói, được lắng nghe. Tạo được đời sống dân chủ, có thúc đẩy công việc trong các lĩnh vực dù không đáp ứng hết mọi điều, như trong các lĩnh vực liên quan đến đời sống như kinh tế, dịch vụ, quản lý đô thị...

Bà còn tiếp xúc rất nhiều đoàn khách quốc tế, kể cả đón bà Hillary Clinton?

Nhiệm vụ tiếp khách quốc tế không phải chỉ là lễ nghi thủ tục ngoại giao, chào hỏi mà còn có sự trao đổi. Một nhiệm kỳ phải tiếp tới 200 đoàn, đó là dịp trao đổi, học hỏi việc xử lý các vấn đề, nhận thêm nhiều thông tin. Cũng có khi phải bàn những vấn đề nhân quyền, gặp từ chủ tịch Quốc hội, đoàn nghị sĩ, lãnh đạo địa phương, các nguyên thủ quốc gia đến từ các nước thuộc nhiều châu lục. Ngoài ra, tôi cũng đi nghiên cứu tới 30 nước. Đó cũng là những hình thức đối thoại, trao đổi thực sự.

Việc đối thoại nhiều với dân đã làm thay đổi những gì ở cá nhân con người bà?

Cái lớn nhất là hiểu được cuộc sống, hiểu được người dân đang nung nấu điều gì muốn nói với lãnh đạo. Qua quan sát, lắng nghe, học hỏi, suy nghĩ của mình cũng chín chắn, sâu sắc hơn. Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi là người ít nói, nhút nhát. Nay do nhiệm vụ đòi hỏi là chính khách thân thiện không làm gì quá lố, hình thức xuất hiện phải đàng hoàng chứ không phải là một bước lên xe xa cách. Nhiều lúc tôi vẫn đi xe đạp, rèn luyện, vận động, tiết kiệm.

Cảm tưởng của bà khi rời những chức vụ cao?

Tôi thấy bình thường vì ngay khi giữ chức vụ tôi vẫn sống trong một đời sống bình thường, ở cơ quan không thư ký, ở nhà không người giúp việc. Không hụt hẫng. Nhiều người nói làm chức vụ cao thoát ra không dễ. Nội cái chuyện đang đi ôtô nay ngồi xe máy là nhiều người thấy lạ rồi, mình lại đi xe đạp. Ngay lúc còn đang làm việc tôi vẫn hòa nhập cuộc sống, đi chợ, chạy buổi sáng với mọi người trong công viên...

Nhưng thưa bà, ngay cả khi mọi điều tốt đẹp, mọi người quý mến đi nữa thì tính chất công việc, mọi sự tiếp xúc đều đã thay đổi. Không còn quyền lực, ắt sẽ có những người không còn giữ quan hệ như cũ. Giống như sự bạc bẽo. Có gì buồn phiền, chạnh lòng rất tự nhiên không?

Còn nữa: Tiền lương ít đi, báo đọc hằng ngày để bớt lại cơ quan cho người tiếp tục công việc. Nếu có mất gì thì bớt sự xun xoe hào nhoáng, chứ những gì là tình thật thì vẫn bền. Đến các lễ lạt không còn giới thiệu kiểu ngày trước. Nhưng mình được tự do làm việc mình thích và có ích.

Từ khi rời chức vụ đến nay, có buổi tôi phải trả lời bốn tờ báo phỏng vấn. Không đến công sở, cơ quan nhưng lịch làm việc vẫn bận rộn, nào là tham gia vào những chuyên đề, đi báo cáo kinh nghiệm hoạt động, cũng nhiều lời mời. Có thời gian chăm sóc gia đình, thăm mọi người, nói chuyện với em út, bà con. Ai mời thì mình còn phải xem xét; xưa do chức vụ nên buộc phải có mặt.

Chẳng hạn có nhiều người nói rằng tôi mặc áo dài đẹp nên có lời mời làm chủ tịch Hội Áo dài nhưng tôi chưa dám nhận lời. Có khi vì tình cảm yêu mến nên người ta mời thôi. Mình lớn rồi, không biết mặc áo dài còn "nhìn được" như trước không. Nếu nhận lại hội hè đi tới đi lui... Giờ không như thời thanh niên hào hứng mọi chuyện nữa.

Vậy cuộc sống thường nhật của bà cũng đã có nhiều thay đổi?


Nhất định phải điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện mới, chứ không phải sự mất mát tiếc nuối. Ít may quần áo hơn, ít áo dài mới hơn. Ngày trước phải nhiều, xuất hiện nơi trang nghiêm, lên tivi đối thoại, không thể chỉ cái áo dài cũ. Bây giờ những cái đó không cần thiết, dù là phụ nữ ai cũng thích đẹp. Nhưng chỉ vừa phải thôi, cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Nhưng phụ nữ luôn lo lắng vì phải giảm đi những gì làm cho mình trẻ đẹp. Vì cuộc sống thường có kiểu quan niệm "người phụ nữ ngoài năm mươi thì chẳng là ai cả". Bà có nỗi lo bị tụt hậu và lãng quên?

Lo lạc hậu ở chỗ khác kia. Liệu có còn cập nhật cuộc sống đầy đủ, phân tích sâu sắc hay không. Đó mới là điều phải sợ, phải giữ gìn. Có những người lớn tuổi như GS Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt... mà tôi biết cuối đời họ vẫn làm việc lặng lẽ cống hiến cho cuộc sống.

Từ khi không còn chức vụ, tôi được mười bảy tỉnh thành trong cả nước mời nói chuyện, trao đổi. Một vòng đi lại khắp đất nước, không chỉ báo cáo trên bục hội nghị mà được thực sự tìm hiểu cái hay của họ như vấn đề quản lý, xây dựng mới của Đà Nẵng, đi các khu kinh tế lớn, những chương trình lớn của đất nước, chứ không ở khách sạn, họp xong rồi về...

Nay hoàn toàn không còn chức danh gì, bà nhìn từ góc người dân thường với công việc của lãnh đạo như thế nào?

Cũng như mọi người dân, tôi đòi hỏi họ nhiều hơn, phải đáp ứng người dân tốt hơn. Trước đây trong guồng máy hội họp giấy tờ, có lắng nghe nhưng chưa đủ. Nay không ở vị trí lãnh đạo, ít hội họp, ít dịp đấu tranh, cải cách trực tiếp mỗi ngày để xử lý nhanh hơn. Nay vẫn tranh thủ gặp gỡ, góp ý kiến...

Bà cũng biết một thực tế là ngay những thư từ, góp ý của một số vị lão thành nhiệt huyết mà cũng chẳng được hồi âm?

Cũng có thực tế là nhiều vị cảm thấy bất lực ngay khi còn đương chức chứ chẳng phải khi về hưu mới gặp phải. Sự lắng nghe đâu phải dễ dàng. Nhất là khi ý kiến đóng góp không trúng ý người có trách nhiệm lắng nghe. Khó khăn lắm cho cái mới, cái đúng, ngay với cả những người đương chức. Cho nên, đừng vội thất vọng, mà hãy tìm cách kiên trì đóng góp. Tôi tham gia viết báo nhiều hơn từ khi nghỉ chức vụ, thấy có phản hồi, vậy là hữu hiệu. Phải tìm cách đóng góp tích cực.

Nhưng chắc bà cũng thấy là không dễ có hiệu quả?

Hãy tin ở thời gian. Nhiều cái được nhìn nhận lại. Như trường hợp khi chú Võ Văn Kiệt mất đi, nhiều đánh giá về chú, người dân nhớ thương và kính trọng chú thiệt lâu thiệt dài. Trong lòng dân họ vẫn sống được. Làm cái gì phải nung nấu, tâm can mới thành công.

Giả sử lại giữ vị trí quan chức sau khi đã thực sự hiểu đời dân thường, bà sẽ làm gì?

Hỏi thế có đụng chạm đến những người đang tại vị không, nhưng tôi chắc ai cũng sẽ đồng ý là phải làm gì cho thực chất. Thăm viếng lễ lộc rềnh rang hội họp giấy tờ bớt đi. Nói đi đôi với làm.

Bà trải qua nhiều lĩnh vực, công tác đoàn thể (Bí thư Trung ương đoàn, Thành đoàn), chính quyền (Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân), công tác Đảng (Phó bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo), cơ quan dân cử (đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân). Đó có phải là nguyên nhân giúp bà có phong cách gần gũi quần chúng?

Trải qua nhiều môi trường thì có điều kiện gần gũi nhân dân, được giáo dục rèn luyện. Tôi có được thành công nào đều do sâu sát dân. Nhờ công việc, tôi tiếp xúc nhiều. Quan hệ với nhiều giới. Từ các văn nghệ sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo, những nhân vật lớn. Tôi được quen biết và học hỏi các đồng chí lãnh đạo như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt... Các văn nghệ sĩ như Trịnh Công Sơn, Diệp Minh Tuyền...Tiếp xúc với nhiều tầng lớp lao động.

Tôi rất cảm động khi ra đường, người dân chào hỏi, ra chợ không bị nói thách, có hôm đi bộ có người dừng xe máy nói ngồi lên họ chở. Đi trên đường phố ở Pháp, Mỹ cũng có người dừng lại gọi: "Có phải chị Thảo?".

Hôm rồi ở sân bay Đà Nẵng có một chị nhận ra, hỏi thăm, rồi đưa một bịch cả ký nấm mèo nhất định bắt nhận. Hai cha con một người dân không quen đang vội chạy vào cửa ra máy bay cũng gọi tôi, khoe con ông cũng tên Phạm Phương Thảo... Một lần chạy xe trên đường phố Sài Gòn, ca sĩ Đan Trường vượt lên hỏi: "Em rất ngưỡng mộ chị, chị có biết em không?". Trời, Đan Trường ai lại chẳng biết. Nghệ sĩ Xuân Hương, Thanh Bạch có lần nói vui: "Chị xuất hiện nhiều, bà con quen chị như nghệ sĩ. Chị thành "sao" rồi...". Được dân yêu mến là tấm huân chương cao nhất cho người cán bộ.

Theo bà, sâu sát dân nhiều hạnh phúc như thế sao vẫn có những khuyết điểm của cán bộ thường bị nhắc nhở là xa dân, quan liêu mệnh lệnh...?

Có tấm lòng thì sẽ có cách gần dân. Nhiều cán bộ lãnh đạo đi mà không nghe, không hiểu được. Không chỉ bằng giác quan mà tấm lòng, sự hiểu biết, gần gũi lắng nghe. Có khi họ không nói nhiều. Đừng chủ quan áp đặt. Hiểu được người dân ngay cả khi họ bức xúc, sừng sộ gay gắt...

Nếu tổng kết lại cuộc đời công tác giữ nhiều chức vụ cao, bà thấy đọng lại điều gì tự hào nhất, có đóng góp nhiều nhất?

Gần được dân. Luôn có lợi ích của dân trong suy nghĩ và tình cảm. Dù có thể chưa làm được thật nhiều việc, vì sự đòi hỏi của nhân dân luôn cao. Khi đi tiếp xúc, chúng ta thường hay nói "thành công rực rỡ" nhưng dân chưa hài lòng. Dễ hiểu thôi. Nhân dân đòi hỏi cao là chính đáng, vì mình chưa đáp ứng được. Mình còn mắc nợ dân nhiều.

Từ vị trí người lãnh đạo, bà thấy Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh thế nào?

Tất nhiên là thành phố đẹp, người dân năng động, giàu lòng trắc ẩn, giàu cảm xúc. Dễ có phong trào lắm, dễ có điển hình lắm. Không chấp nhận cuộc sống kém cỏi. Nơi làm ăn, học hành, vươn tới đỉnh cao, không thích hài lòng rồi dừng lại. Môi trường như thế thúc đẩy người lãnh đạo. Tiềm năng, nhân tài vật lực đều lớn, tầm của bộ máy chưa đáp ứng được.

Thành phố nhiều tương phản, dễ sống trong khi còn nhiều gay gắt của sự phát triển quá nóng, nhiều vấn đề môi trường, phân hóa giàu nghèo. Một chị bán rau xe đẩy kể cho tôi nghe: "Em tầm thường lam lũ thế này nhưng tết rồi về quê, em oai lắm chị. Có thể cho tiền, cho quà người này người kia". Hai vợ chồng hai xe đẩy, nuôi con ăn học đại học, gửi về quê giúp gia đình...

Hai vợ chồng bà đều "làm lớn", đều rời chức vụ cả, cuộc sống gia đình thế nào rồi, thưa bà?

Như tất cả mọi gia đình, mọi cán bộ thôi. Ông xã tôi tham gia công tác người cao tuổi, mặt trận tổ quốc ở khu phố, vẫn bận rộn họp hành, quan tâm đóng góp cho đời sống khu dân cư.

Từ khi đi làm việc cho tới nay, chúng tôi luôn tự lo liệu. Khi làm chức vụ, ở cơ quan không có thư ký, ở nhà không người giúp việc. Hai con đi làm, đi học, về lau nhà cửa. Ông xã cũng đi chợ, nấu ăn cũng được. Cơm cũng món canh, món mặn, không đòi hỏi cao. Muốn mời bạn bè khách khứa lắm nhưng không được vì không ai phục vụ.

Nhờ vậy mà có người khen, gia đình "làm lớn" mà bình dân lặng lẽ, không xe cộ đến nhà tiệc tùng thăm viếng rần rần. Bởi còn thời gian nào đâu... Sống bình thường như mọi người. Sáng dậy, tôi nghe bản tin sớm xong, đi ra công viên tập thể dục, chạy bộ. Thích đi chợ, nấu ăn... Từ xưa nay đều thế. Bây giờ thì có thêm thời gian xem phim, vì đó là sở thích cá nhân của tôi. Chỉ mê xem phim.

Giữ nhiều chức vụ, xuất hiện như nữ chính khách, tiếp nhiều đoàn quốc tế, hội họp, nói trước công chúng, có ai giúp bà trang điểm, xây dựng hình ảnh?

Tôi tự trang điểm vài phút, tóc tự chải. Người ta bảo trang điểm ba phút thì dễ thành "hề", nhưng tôi cũng đảm bảo tươm tất lịch sự. Khi đi công tác thì mặc một trong hai loại: vest hoặc áo dài.

Ngay khi tiếp bà Hillary Clinton trông sang trọng thế thực ra cũng chỉ áo dài tơ tằm, bốn mét chưa tới trăm ngàn đồng giá lúc đó, chứ không có lối áo dài mấy triệu đồng của mệnh phụ phu nhân đâu.

Nay không làm chức vụ, ít lễ lạt, hội nghị, tiếp khách, nhưng tôi cố gắng giữ hình ảnh, đừng để nó "xuống". Giản dị đi, bớt áo dài, vest, nay trang phục rộng rãi thôi. Nhưng vẫn phải lịch sự đàng hoàng, ngăn nắp, không lèng xèng cẩu thả được.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện cởi mở và chân tình.



(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dân yêu là tấm huân chương lớn nhất cho cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO