Cứng dưỡng mềm

ĐẶNG QUÝ YÊN (thực hiện)| 14/05/2010 08:56

Phong thái từ tốn, nói năng gãy gọn và hiếm khi đùa..., Hà Thân, lãnh đạo một trong những công ty phần mềm có nhiều sản phẩm nổi tiếng "made in Vietnam" hiện nay...

Cứng dưỡng mềm

Phong thái từ tốn, nói năng gãy gọn và hiếm khi đùa..., Hà Thân, lãnh đạo một trong những công ty phần mềm có nhiều sản phẩm nổi tiếng "made in Vietnam" hiện nay, có thể được xem là hình ảnh tiêu biểu của lớp doanh nhân “lão thành”. Ông kể, từ ngày đi học, đi dạy, đi bộ đội và đến nay là làm kinh doanh, ông luôn giữ nguyên tắc: người khác cần gì, muốn gì.

Lấy phần cứng nuôi phần mềm

* Vừa giải ngũ là ông bắt tay vào làm kinh tế?

Ông Hà Thân điều hành tại trung tâm dữ liệu

- Tôi học chuyên ngành toán. Đang làm công tác giảng dạy thì cầm súng, nhưng khi hoàn thành nhiệm vụ với đất nước, tôi không trở lại giảng đường, mà vào làm việc tại một trung tâm tính toán dữ liệu của chế độ cũ để lại. Vừa làm việc, vừa tranh thủ nghiên cứu thêm việc ứng dụng thuật toán để ra lệnh cho máy móc.

Môi trường này giúp tôi tiếp cận và có được nền tảng đầu tiên về công nghệ thông tin. Khi đầu quân về một công ty xuất nhập khẩu thủy hải sản của Nhà nước, tôi đã đề xuất trang bị thêm loại máy móc mà tôi đã làm quen ở trung tâm tính toán dữ liệu để hỗ trợ công tác quản lý công việc cho công ty.

* Ông đang nói đến máy vi tính?

- Máy vi tính vào Việt Nam từ đầu những năm 1980. Tôi còn nhớ, chiếc máy đầu tiên được mục sở thị cũng là loại máy vi tính hoàn chỉnh đầu tiên của thế giới: bộ máy Mikral do người Việt thiết kế, ông Trương Trọng Thi ở Pháp đã tặng cho trường cũ của tôi là Trường Đại học Khoa học (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên).

Còn bộ máy mà tôi lập trình đầu tiên trên đó là máy NEC của Nhật, có đến hai ổ đĩa mềm rất to, loại đĩa này đã bị khai tử từ hơn 15 năm nay. Công ty Seaprodex mua những dàn máy XT, AT 286 đầu tiên cũng rất khó khăn, nếu không lầm thì chúng tôi phải chi đến 5.000USD cho một cái máy và phải nhờ đến một công ty trung gian ở nước ngoài mua giúp.

* Lúc đó máy vi tính có giúp ích cho công việc kinh doanh như bây giờ không, thưa ông?

- Tất nhiên là khả năng của máy vi tính lúc ấy hạn chế hơn bây giờ rất nhiều. Thế nhưng, ngay từ tháng đầu ứng dụng máy vi tính vào thực tiễn, tôi đã thấy có kết quả tốt, nhất là trong việc quản lý vật tư, tài chính... lên đến hàng trăm triệu USD cho doanh nghiệp. Đó là lợi thế vượt trội so với các công ty khác.

* Thấy được lợi ích của máy vi tính nên ông xúc tiến thành lập đơn vị ráp máy vi tính đầu tiên tại Việt Nam?

- Đó là xí nghiệp điện tử, tin học trực thuộc công ty xuất nhập khẩu mà tôi đang làm việc. Năm 1986, thấy được hiệu quả do việc đầu tư cho loại hình dịch vụ này mang lại, ban giám đốc đã đồng ý phương án thành lập xí nghiệp mà tôi đề xuất. Là đơn vị tiên phong, ngoài lắp ráp máy, xí nghiệp còn cung cấp cả phần mềm kế toán - tài chính đầu tiên cho doanh nghiệp. Đó là phần mềm do tôi cùng các cộng sự viết.

* Nhưng sao ông lại ra đi khi xí nghiệp đang làm ăn phát đạt?

Làm việc cùng nhân viên

- Thật lòng thì tôi không tiếc khi đưa ra quyết định đó. Đã gắn bó tám năm và xí nghiệp đang làm ăn phát đạt với phần mềm tài chính - kế toán và phần mềm từ điển. Khách hàng đón nhận và tìm đến xí nghiệp của chúng tôi ngày càng đông vì thấy được hiệu quả thiết thực của những giải pháp tiết kiệm thời gian.

Tuy nhiên, như bao người khác, tôi cũng phải chịu cơ chế quản lý phức tạp của hệ thống doanh nghiệp quốc doanh. Rất may, thời điểm đó Nhà nước thông qua Luật Doanh nghiệp, cho phép tư nhân thành lập doanh nghiệp cá thể. Vậy là tôi thử sức mình. Nếu cứ luyến tiếc và bám chặt thành quả cũ, rất khó để tạo nên thành công mới. Đó là một hình thức thất bại do ngủ quên trên chiến thắng.

* Nhưng ông không đơn độc và trắng tay trên con đường mới?

- Đúng! Tôi may mắn có được những cộng sự rất tốt và cùng chí hướng. Lạc Việt ra đời với bảy thành viên sáng lập, 600 triệu đồng làm vốn. Thời gian đó, tại Việt Nam vẫn chưa có khái niệm về đăng ký sở hữu trí tuệ. Tuy nói rằng ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng tôi mang theo được nền tảng kiến thức thuật toán cũ ở trong đầu mình. Đó là lợi thế!

* Và Lạc Việt bắt đầu với phần mềm từ điển?

- Tiếc là không. Ngày mới thành lập, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu chủ yếu từ việc lắp ráp và bán máy vi tính. Chúng tôi gọi đó là thời gian lấy phần cứng nuôi phần mềm. Ban ngày đi lắp mạng, lắp máy, tối đến tôi dành thời gian viết lại phần mềm từ điển. Năm 1995, phần mềm từ điển Lạc Việt mới chính thức có mặt trên thị trường.

* Nhưng tại sao cứ phải là “Lạc Việt” mà không là một tên nào khác hiện đại hơn, vì tin học ngày đó là “mốt” mà?

- Nói tôi hoài cổ cũng được. Tôi trân trọng và tự hào về cội nguồn dân tộc mình. Hai chữ Lạc Việt đơn thuần muốn nói đây là công ty tin học phục vụ cho người Việt. Không gia công, không làm thuê cho những doanh nghiệp nước ngoài dù rằng nhiều người bảo, đó là cách tốt nhất để học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Lợi thế người tiên phong

* Tính đến nay, Lạc Việt từ điển đã có số “tuổi” không nhỏ. Làm thế nào để duy trì và phát triển một sản phẩm lâu như thế?

- Mỗi năm, số người học tiếng Anh ở nước ta lại tăng thêm khoảng ba triệu người. Số máy vi tính và máy di động cầm tay thông minh cũng tăng thêm khoảng một triệu rưỡi. Nhu cầu nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ để thu thập kiến thức và giao tiếp hiện nay là rất lớn. Như vậy, chừng nào các đơn vị cung cấp phần mềm từ điển biết đưa ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá thấp hơn để cạnh tranh thì còn phát triển sản phẩm được. Chúng tôi đã có lợi thế tiên phong, chỉ cần phấn đấu theo tiêu chí này tất sẽ có kết quả tốt.

* Giống như tất cả các công ty kinh doanh phần mềm khác, Lạc Việt cũng phải đối mặt với việc không tôn trọng bản quyền của người Việt?

- Ước tính mỗi năm, từ điển Lạc Việt thiệt hại khoảng ba triệu USD vì nạn dùng phần mềm không bản quyền. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng tôi buông xuôi. Đó là lý do khiến chúng tôi buộc mình luôn nâng cao chất lượng từ điển. Nhiều từ, cụm từ hơn, dễ dùng hơn, liên tục bổ sung phần tách từ và dịch thông minh cũng như phấn đấu để giá bán ra rẻ hơn.

Tập thể nhân viên Lạc Việt

Không chỉ dừng ở từ điển tiếng Anh, hiện chúng tôi đã có thêm từ điển tiếng Trung, tiếng Pháp và mới đây là tiếng Hàn. Đối chiếu bản “bẻ khóa” với bản chính thống, khách hàng sẽ nhận ra những ưu thế vượt trội nằm ở đâu. Ý thức tiêu dùng là yếu tố có thể tác động được, chỉ hơi mất chút thời gian.

* Nhưng hình như kênh phân phối phần mềm của Lạc Việt hơi... không bình thường?

- Bên cạnh các cửa hàng thiết bị di động, máy tính, website thương mại điện tử..., tôi xác định nhà sách, siêu thị... là những kênh phân phối quan trọng. Ban đầu, ai cũng thấy những địa chỉ này khó mang lại hiệu quả nhưng đến nay, kết quả thu được chứng minh tôi đã chọn đúng con đường phân phối phần mềm. Trong năm 2009, tính riêng từ điển tiếng Anh, Lạc Việt đã thu về được hơn 10 tỷ đồng.

* Hiện các doanh nghiệp phần mềm đang có xu hướng liên kết với các đơn vị sản xuất thiết bị công nghệ để cùng phát hành. Lạc Việt nghĩ sao về phương án này, nhất là trong bối cảnh đã có từ điển Lạc Việt dành cho thiết bị di động?

- Lạc Việt đã liên kết với các nhà sản xuất thiết bị di động từ năm 2009 và có được những hợp đồng tốt. Năm nay, doanh thu từ việc liên kết này có thể tăng gấp năm lần bởi chúng tôi đang đầu tư thêm cho mảng sách, báo điện tử...

* “Sách số” (e-book) là một khái niệm không mới, nhưng kinh doanh sách số tại Việt Nam trong bối cảnh không có thiết bị đọc sách số, người dân chưa quen với việc đọc sách điện tử và phần mềm bản quyền không những không được tôn trọng mà còn bị tẩy chay lại là một chuyện khác?

- Phần mềm bản quyền hiện thời không bị tẩy chay. Bằng chứng rõ nhất là doanh thu của Lạc Việt tăng vọt trong những năm qua. Giống như có người ít tiền vẫn dùng hàng hiệu, hàng chính gốc và nhiều người dù có tiền vẫn cứ thích dùng hàng rẻ, hàng miễn phí. Sẽ có một số người không muốn đọc sách “cọp” và số người ấy đang ngày càng đông lên!

* Dựa vào đâu mà ông tin có thể bảo vệ tác quyền e-book cho các tác giả, trong khi từ điển Lạc Việt vẫn có bản “bẻ khóa”?

- Dựa vào những đặc điểm như dễ tiếp cận, giá rẻ và nhất là lòng tự trọng của người đọc.

* Được biết, bản quyền các đầu sách mà Lạc Việt số hóa đã được thương thuyết với Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam. Nhưng còn với đội ngũ những người viết không thuộc Trung tâm thì sao?

- Lạc Việt sẽ thương lượng với nhà xuất bản hoặc chính tác giả. Không tốn chi phí in ấn, phát hành..., tỷ lệ tiền bản quyền mà các tác giả được nhận có thể lên đến 40% giá trị xuất bản điện tử. Không nhiều nhưng đây có thể là một nguồn thu thêm cho các tác giả Việt Nam.
Triết lý “sự khác biệt”.

* Theo dõi thị trường phần mềm ứng dụng, ông đánh giá mức độ cạnh tranh của các đơn vị trong ngành như thế nào?

- Làm kinh doanh thì chỗ nào cũng cạnh tranh ác liệt cả. Muốn đỡ cạnh tranh, phải chịu khó đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm) để làm ra sản phẩm có các tính năng hữu ích, làm ra “sự khác biệt”. Cứ để ý mà xem, những chỗ chưa có “sự khác biệt” thì có cả trăm đối thủ, lúc có “khác biệt” rồi thì gần như “một mình một chợ”!

* Đó là triết lý kinh doanh của ông?

- Có thể nói như thế. Nhưng bên cạnh đó cũng còn những yếu tố khác, như giá bán chẳng hạn.

* Nói đến giá bán, ông thấy giá phần mềm của Việt Nam đã hợp lý chưa? Một bộ Lạc Việt từ điển chỉ bán giá 40.000 đồng/năm có quá rẻ không?

- Có lẽ đó là giá thích hợp với tất cả mọi người, nếu muốn là có thể trang bị một bộ, bản quyền chính thống. Nếu in hết ra giấy bộ Anh - Việt, Việt - Anh trong từ điển ấy sẽ là trên 10.000 trang, giá cả triệu đồng. Người dùng sẽ thấy được cái lợi này!

* Hình như phần mềm Bé vui học của Lạc Việt không có kết quả như mong muốn dù giá bán không cao?

- Bé vui học là phần mềm giáo dục được đón nhận nồng nhiệt khi giới thiệu với phụ huynh học sinh và các bé. Tuy nhiên, việc tiếp thị chưa đúng mức. Đó là bài học kinh nghiệm của chúng tôi!

* Hướng khắc phục của Lạc Việt?

- Chúng tôi sẽ đẩy mạnh kênh tiếp thị, phân phối... cho sản phẩm bằng cách cho các đối tác phân phối hưởng nhiều quyền lợi hơn. Đồng thời, như những gì Lạc Việt đã làm với những phần mềm từ điển, chúng tôi sẽ tạo quan hệ, tương tác với người dùng bằng chế độ cập nhật tự động, công cụ trợ giúp... Người Việt vốn hiếu học và luôn thích ứng với cái mới.

* Làm phần mềm, cung cấp giải pháp ERP, e-book..., chia nhỏ mục tiêu kinh doanh ra nhiều lĩnh vực có là phương pháp tốt trong tình hình kinh tế hiện nay?

- Có nhiều nhánh nhưng tất cả đều tập trung vào ngành công nghệ thông tin và mọi thứ đều tạo thành hệ thống công nghệ thông tin. Tôi không đi xa mục tiêu đặt ra từ khi thành lập công ty đến tận bây giờ: công ty tin học của người Việt, phục vụ người Việt.

* Một lần nữa, ông nói đến yếu tố dân tộc. Thế nhưng, trang web cung cấp tri thức, hình ảnh Việt... ông đang xây dựng lại có cái tên “Tây hóa” Vietgle? Ông có dụng ý gì khi thiết kế logo cũng na ná logo của Google?

- “Gle” trong văn hóa phương Tây thường chỉ một cộng đồng. Ví dụ như trong truyện Harry Potter, “muggle” chỉ những người bình thường, không phải phù thủy. Vậy “vietgle” là cộng đồng người Việt chuyên cung cấp tri thức, hình ảnh Việt..., thế thôi, chẳng liên quan gì đến “google” chuyên cung cấp công cụ tìm kiếm cả. Tuy nhiên, tôi cũng thấy chưa hài lòng nên đang sắp xếp lại. Địa chỉ chính thức của trang web là http://www.coviet.vn.

Chốn đi về số một

* Ông có nhiều dự án, tham vọng quá, mà tuổi thì ngày một cao, ông nghĩ mình đảm đương nổi không?

Tiếp các đối tác tại cao ốc thông minh Lạc Việt

- Tôi không làm việc bằng sức mà bằng tình yêu và khoa học. Có làm gì cũng phải yêu công việc đó thì mới phát triển được. Tình yêu là nền tảng của mọi thứ! Ứng dụng khoa học vận động như khí công và võ Việt "càng già, càng dẻo, càng dai".

* Xem trọng tình yêu, chắc chắn ông rất trân trọng gia đình. Quan niệm của ông về vị trí của gia đình trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay?

- Gia đình là nơi bình yên của thân và tâm, là chốn đi về số một. Không có gia đình thì không thể khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế được. Dù ở giai đoạn nào, vai trò của gia đình cũng thế cả.

* Đó là lý do ông quản lý 300 nhân viên theo mô hình một gia đình lớn?

- Tôi chủ trương xây dựng Lạc Việt là gia đình thứ hai của mọi nhân viên. Họ tới đây để cùng làm ra sản phẩm cho xã hội, để học hỏi, được ăn uống, rèn luyện sức khỏe. Tất nhiên, đây cũng là nơi bình yên số một của mỗi người lao động.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cứng dưỡng mềm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO