Con nuôi

THẠCH THẢO| 31/12/2007 00:27

Liên chăm chú nhìn con. Khuôn mặt non choẹt của nó quá tương phản với dáng người đã nặng nề của một thai phụ sắp đến ngày sinh. Bất giác chị thở dài...

Con nuôi

Con bé ngồi trước màn hình vi tính. Nó đang chơi trò chơi “Chinh phục ái tình”, người hết nghiêng bên này lại ẹo bên kia khi mũi tên quăng không trúng đích. Liên chăm chú nhìn con. Khuôn mặt non choẹt của nó quá tương phản với dáng người đã nặng nề của một thai phụ sắp đến ngày sinh. Bất giác chị thở dài...

Khi lập gia đình, Liên mới 19 tuổi; còn Quang, chồng chị thì mới 25. Cưới nhau được một năm, mẹ chồng giục: “Tụi bây coi thu xếp công chuyện làm ăn để đẻ cho má một thằng cháu nội hủ hỉ cho vui cửa vui nhà”. Liên gạt đi: “Tụi con còn trẻ mà má. Với lại công chuyện làm ăn đang tiến triển, bỏ uổng lắm”.

Nhưng bà cụ vẫn khăng khăng: “Ai biểu tụi bây đóng cửa tiệm để đẻ đâu? Cứ mần ăn, buôn bán, chừng nào gần đẻ thì mướn người coi hàng”. Nghe mẹ nói, Quang cũng xiêu lòng. Nhưng Liên kiên quyết: “Đẻ con thì lúc nào cũng đẻ được, còn làm ăn thì có lúc, có khi...”.

Tranh cãi mãi cũng chán, Quang đành chìu theo ý vợ. Anh nói dối mẹ là Liên bị “trục trặc”, phải chữa trị một thời gian. Cứ thế, mẹ anh mòn mỏi chờ cháu nội, còn vợ chồng anh, cứ vài tháng lại đi Sài Gòn, nói dối mẹ là lên Bệnh viện Từ Dũ trị bệnh. Thật ra, họ đang tính chuyện chuyển lên Sài Gòn.

Công việc làm ăn cứ cuốn họ đi như thế. Đến lúc Liên giật mình nhìn lại thì chị đã ngoài 35 tuổi. Chị lo lắng: “Mấy tháng nay, em không uống thuốc ngừa thai, sao vẫn... chẳng thấy gì”. Quang trấn an vợ: “Bây giờ khoa học tiến bộ, nếu cần thì mình làm thụ tinh nhân tạo”.

Họ chờ thêm một thời gian nữa vẫn “chẳng thấy gì”. Cuối cùng phải đưa nhau đến Bệnh viện Từ Dũ và kiên trì làm đủ các thủ thuật, tốn không biết bao nhiêu tiền. Nhưng kết quả vẫn chỉ là một con số không! Đến năm Liên 45 tuổi, chị bảo chồng: “Thôi, không có con cũng không sao”.

Nói vậy thôi chứ mỗi khi nhìn con người ta, hai vợ chồng lại thấy mủi lòng. Riêng Quang lại mang nặng cảm giác có lỗi với mẹ. Lúc sắp mất, bà cụ kêu anh đến gần: “Không có con thì nuôi cháu, không được xin con nuôi...”. Chỉ nói được vậy rồi bà ra đi. Quang cảm thấy hụt hẫng, trống vắng.

Đôi lúc, anh tự hỏi: Giàu có mà làm gì? Tiền bạc mà làm gì? Con người ta sống trên đời, ăn chừng ấy, ngủ cũng chừng ấy, vui chơi nhiều quá cũng chán chê, lúc chết có mang tiền theo được đâu mà cực khổ làm gì?

Cứ nghĩ quẩn như thế rồi anh làm trái lời mẹ. Anh theo người quen vào bệnh viện, đem một bé gái bị bỏ rơi về. Anh đặt nó tên “Hiền Hòa” với mong ước nó sẽ ngoan hiền như cái tên ấy. Không ngờ, từ khi có nó, anh đã cảm nhận được thế nào là tình phụ tử, thế nào là sự hi sinh. Nửa đêm nó giật mình, anh cũng thức giấc; trái gió trở trời, nó đau bệnh, anh cũng thấy mình rã rời... Rồi nó gọi “ba...ba...” khiến anh thấy trái tim mình thổn thức những nhịp đập máu thịt...

Quang không ngờ, chính sự yêu thương, nuông chìu của anh đã đẩy con bé vào những thói hư tật xấu. Mới 8 tuổi, nó đã biết đòi sắm “xe xịn”: “Ba không mua xe đẹp, con không đi chơi với ba”. Vậy là mua xe. Năm 9 tuổi, nói đòi tổ chức sinh nhật ở nhà hàng lớn để mời hết bạn bè. Mười tuổi, nó trốn học đi chơi trò chơi điện tử...

Nhiều vị phụ huynh bắt gặp đã nói lại với Liên nhưng chị bảo chồng: “Tại họ ghen ăn, tức ở. Biết đâu con họ rủ rê, bày đặt cho con mình?”. Quang cũng nghĩ vậy. Với anh, bé Hiền Hòa còn nhỏ, từ từ rồi sẽ dạy. Đôi khi anh cũng muốn rầy con, nhưng mỗi lần như vậy, nó lại nhào tới ôm cổ anh, hôn chùn chụt lên má anh. Để rồi, chẳng có một lời la mắng nào được thốt ra...

Hậu quả của sự yêu chìu ấy là, năm 13 tuổi, Hòa trốn nhà theo cậu bạn học cùng trường ra tận Vũng Tàu. Rất giận con nhưng khi đem được nó về, anh chị không nỡ rầy la mà còn nuông chìu hơn trước vì sợ nó lại bỏ đi.

Cho đến một bữa nọ, nó không chịu đi học: “Con không học nữa”. Anh dỗ dành con: “Ráng học đi rồi muốn gì ba mẹ cũng cho”. Nhưng nó nhất quyết nghỉ học. Đến lúc đó, Liên không chịu đựng được nữa. Chị rút cây chổi lông gà, quất tới tấp vào người con bé và gầm lên: “Mày đi đâu thì đi cho khuất mắt, đừng có bén mảng về đây”.

Hòa lầm lì nhìn mẹ. Nửa năm sau, ngay lần sinh nhật thứ 15, nó bỏ nhà đi thật. Nó còn lấy của Liên mấy chiếc nhẫn hột xoàn khiến chị lồng lộn: “Đã bảo đừng có xin con nuôi mà không nghe. Đồ tanh máu, lạt lòng!”. Quang rất giận nhưng tận đáy lòng mình, anh vẫn thương con. Chờ cho vợ nguôi cơn giận, anh lại nhờ người đi tìm. Mãi đến 5 tháng sau, mới tìm được nó về.

Nỗi mừng chưa được bao lâu thì một ngày nọ, chị giúp việc bỗng nhỏ to với Liên: “Cô à, tôi thấy con Hòa lạ lắm. Hình như... hình như là... nó có...”. Thấy chị ta ngập ngừng, Liên nạt: “Chị nói mau lên coi”. “Tôi thấy hình như nó... có chửa. Ít gì cũng 5 - 6 tháng”. Liên nghe tai mình lùng bùng. Chị chạy lên phòng con, thấy nó vẫn còn ngủ mê mệt.

Cái thai đã 6 tháng nên không thể làm gì. Liên thấy nhục nhã ê chề. Chị phải đến bác sĩ tâm lý, đến các chuyên gia tư vấn để họ giải tỏa cho mình. Giờ đây, càng nghĩ, chị càng thấy mình có lỗi. Càng nghĩ, chị càng thấm thía vì sao người đời định kiến con nuôi là những đứa trẻ “phá gia chi tử”.

Bởi phần đông, người ta chỉ “nuôi” mà không “dạy”.

Bởi tình yêu thương, sự nuông chìu không đúng chỗ đã biến thành thuốc độc, giết con trẻ dần mòn...

Khi chị hiểu ra điều đó thì đã hỏng mất một đời của con...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con nuôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO