Chấp nhận đi chậm nhưng chắc

LỮ Ý NHI thực hiện| 11/09/2014 07:22

Không hào hứng lắm khi nhận lời trò chuyện vào thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) chưa mấy sáng sủa, nhất là trong 4 năm qua, chưa năm nào Hoàng Quân đạt được mục tiêu đặt ra, tuy nhiên...

Chấp nhận đi chậm nhưng chắc

Không hào hứng lắm khi nhận lời trò chuyện vào thời điểm thị trường bất động sản (BĐS) chưa mấy sáng sủa, nhất là trong 4 năm qua, chưa năm nào Hoàng Quân đạt được mục tiêu đặt ra (6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của Hoàng Quân cũng mới đạt gần 6,5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 150 tỷ đồng), tuy nhiên, Chủ tịch Trương Anh Tuấn vẫn lạc quan: "Dù Hoàng Quân chưa đạt lợi nhuận như mong muốn nhưng 14 năm qua, điều tôi tự hào nhất là Công ty luôn linh hoạt và nhạy bén thay đổi chiến lược, chấp nhận đi chậm nhưng chắc. Nhờ vậy mà Hoàng Quân vẫn đạt một số thành tựu, tạo nền tảng vững chắc cho lộ trình phát triển những năm tới".

Đọc E-paper

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân - Ảnh: Quý Hòa

* Nhưng chiến lược "chậm mà chắc" của Hoàng Quân đang bị nhiều cổ đông hoài nghi về khả năng phát triển bền vững, nhất là khi ông và gia đình đang giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể vào cuối năm 2010, ông nắm giữ trên 56% cổ phần nhưng đến nay, tỷ lệ sở hữu còn chưa đến 6%?

- Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều năm qua dù sở hữu khá nhiều quỹ đất nhưng Hoàng Quân chưa đạt được mục tiêu kinh doanh, trong đó nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất cao là một rào cản trong khi nguồn lực tài chính của Công ty mỗi năm mỗi eo hẹp.

Chẳng hạn, nguồn tiền và tương đương tiền năm 2012 và 2013 của Hoàng Quân chỉ trên dưới 20 tỷ đồng, số tiền thu về hằng năm trong giai đoạn này cũng chưa tới 5 tỷ đồng, chẳng thấm vào đâu so với những dự án quy mô ngàn tỷ đồng của Hoàng Quân. Vì vậy, tôi phải bán cổ phần để tiếp tục bơm vốn cho các dự án còn dang dở.

Năm 2014, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhẹ. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) BĐS vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn và cạnh tranh gay gắt hơn.

Vậy nên trong thời gian này, tôi phải tiếp tục bán thêm cổ phần để lấy tiền đầu tư vào dự án nhà ở thương mại - xã hội và Trường Đại học Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ), chấp nhận bán lỗ trụ sở với giá 350 tỷ đồng, thoái vốn xuống dưới mức chi phối tại các công ty thành viên.

Chiến lược này giúp mang lại nguồn thu tốt cho Công ty, đồng thời vẫn duy trì quyền kiểm soát, lợi ích và lợi thế của Công ty tại các đơn vị thành viên. Chúng tôi cũng hoàn thành việc chia cổ tức 20% và phát hành cổ phần riêng lẻ 180 tỷ đồng năm 2013, tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông 2014 vừa qua, Hội đồng quản trị Hoàng Quân cũng đã quyết định tăng vốn điều lệ từ 900 lên 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước việc tôi và gia đình bán nhiều cổ phiếu, dư luận vẫn nghi ngờ, cho rằng tôi đang... tháo chạy. Thực tế đến thời điểm này, Công ty còn nợ tôi khoảng 300 tỷ đồng, tương đương 38.500.000 cổ phiếu, ước khoảng 31% cổ phần, trong đó có cả tiền thuê văn phòng của các cổ đông.

Song, dù cổ phiếu còn nhiều hay ít thì tôi và các thành viên trong gia đình vẫn là những người sáng lập ra Hoàng Quân, nó là đứa con đã gắn bó với tôi như hình với bóng.

Mười bốn năm qua, tôi đã chia ngọt sẻ bùi, nếm mật nằm gai với nó, chưa bao giờ, nhất là những lúc khó khăn, tôi có ý định rời xa đứa con của mình. Ngược lại, tôi luôn trăn trở tìm mọi phương án tốt nhất để tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi mới để Hoàng Quân lúc nào cũng có những sản phẩm mới.

* Nổi lên vào những năm đầu thị trường BĐS thuận lợi, nhưng khi kinh tế khó khăn, thương hiệu Hoàng Quân có vẻ im ắng hơn so với các DN BĐS khác, thậm chí có thời điểm Hoàng Quân vô cùng khó khăn, có lúc nào ông cảm thấy mình đi sai hướng?

- Mười bốn năm có mặt trên thương trường, Hoàng Quân luôn phải vượt qua thách thức, hầu như chưa bao giờ chúng tôi thấy thuận lợi. Đặc biệt năm 2009 và 2011, rất nhiều DN lao đao do kinh tế thế giới khủng hoảng, riêng lĩnh vực BĐS bị xem là ngành phi sản xuất nên không được hưởng ưu đãi về lãi vay, trong khi lãi suất thời điểm này rất cao.

Hoàng Quân cũng không ngoại lệ, song tôi vẫn thấy tự hào vì nói về tầm nhìn, sứ mệnh thì Hoàng Quân đang đi đúng hướng. Trong giai đoạn khó khăn nhất, Hoàng Quân luôn năng động, sáng tạo và là DN BĐS đi tiên phong trong việc đưa ra các mô hình kinh doanh sáng tạo. Tuy có nhiều kế hoạch chưa đạt nhưng cũng có không ít thành tựu.

Chẳng hạn, khi mới thành lập, chúng tôi chỉ có 2 tỷ đồng vốn, 5 nhân viên, đến nay đã có 1.200 tỷ đồng, 1.000 nhân sự, 15 công ty thuộc hệ thống Hoàng Quân hoạt động ở 15 tỉnh, thành, đã thực hiện được 2 dự án khu công nghiệp, một số dự án khu dân cư, Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp (Long An) và Trường Trung cấp Tây Nam Á (TP.HCM) đang hoạt động. Hiện chúng tôi đang làm thủ tục xây dựng Trường Cao đẳng Kinh tế Hoàng Quân và Đại học Đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng từ năm 2005, khi Hoàng Quân chuyển sang mô hình kinh doanh mua sỉ bán lẻ, góp vốn với chủ đầu tư phân phối dự án, việc truyền thông, quảng bá giảm về độ rộng, tần suất nhưng thực chất thương hiệu mạnh hơn nhiều so với trước. Bản thân Hoàng Quân không phải tự nhiên có được dự án tốt với các địa phương, chủ đầu tư, mà là do năng lực, thương hiệu của DN.

Mỗi khi được nhận một dự án, chúng tôi phải trình bày rõ năng lực của mình, thậm chí khi đã hoàn thành cũng vẫn phải chứng minh khả năng. Ví dụ vào thời điểm thị trường trầm lắng, trong khi nhiều dự án không bán được thì Hoàng Quân đã bán được 1.000 căn thuộc dự án nhà ở xã hội trong vòng 5 tháng, tại Cần Thơ bán được 220 căn...

* Ông vừa nói Hoàng Quân là DN BĐS đi tiên phong trong nhiều mô hình sáng tạo, vậy với vai trò người tiên phong, ông rút ra kinh nghiệm gì cho những DN trẻ?

- Từ ý tưởng kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, Hoàng Quân đã tiên phong phát triển thành một công ty đa lĩnh vực, gồm: 1 công ty thiết kế, 3 công ty xây dựng, 1 công ty luật, 1 công ty thẩm định giá, 5 công ty đầu tư, hệ thống các sàn giao dịch và các đơn vị giáo dục.

Tiếp theo, chúng tôi tiên phong đưa ra mô hình mua sỉ bán lẻ và là DN BĐS đầu tiên tại TP.HCM có các đơn vị thành viên ở các tỉnh và mở văn phòng đại diện ở nước ngoài, tham gia Liên đoàn BĐS Thế giới.

Mới đây nhất, Hoàng Quân là DN điển hình về phát triển các dự án nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thực hiện nhiều hình thức hợp tác, mua bán các dự án bị "trùm mền" do khó khăn về tài chính, sau đó xây dựng để đưa ra thị trường các dự án Cheery 1, 2, 3...

Đặc biệt trong năm qua, chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi các dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, trong đó dự án HQC Plaza được nhận hỗ trợ từ gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ và được Bộ Xây dựng đánh giá là dự án điểm về nhà ở xã hội hiện nay. Nhiều DN BĐS khác cũng bắt đầu đi theo mô hình này của Hoàng Quân.

Nhờ tiên phong, nhạy bén mà Hoàng Quân tăng trưởng nhanh, nếu không tiên phong thì không thể từ một công ty với 2 tỷ đồng vốn, 5 nhân viên phát triển thành công ty có 5.000 tỷ đồng vốn trên toàn hệ thống như bây giờ.

Từ kinh nghiệm có được, tôi nhận ra, tiên phong rủi ro rất lớn, nhưng trong kinh doanh phải luôn sáng tạo để tạo sự khác biệt. Với thị trường đầy ắp lối mòn thì việc tiên phong sẽ giúp DN có thương hiệu, chỗ đứng vững hơn, kinh doanh đạt lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm bình thường.

Nhất là một DN mới khởi sự, chưa có nguồn vốn lớn, quá trình hoạt động thì việc tiên phong sẽ giúp DN tăng trưởng nhanh. Song, muốn làm người tiên phong thì phải luôn học hỏi, cập nhật, trau dồi kiến thức, phải tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, gặp khi khó khăn sẽ biết cách thoát ra kịp thời, điều chỉnh chiến lược phù hợp với hoàn cảnh.

* Công bố tại đại hội cổ đông năm 2014, chiến lược năm 2014 - 2016, Hoàng Quân tiếp tục chọn nhà ở xã hội là sản phẩm chủ lực, trong khi nhiều cổ đông cho rằng đây không phải là kênh đầu tư có tỷ suất sinh lời cao, quan điểm của ông khi chọn chiến lược này?

- Theo các cổ đông, ngoài lợi nhuận thấp (không được vượt quá 10%), rủi ro của dự án nhà ở xã hội là thủ tục rườm rà khi bán có thể phát sinh bất cứ lúc nào, làm trì hoãn giao dịch và tiến độ giải ngân.

Nhưng theo tôi, kinh doanh nhà ở xã hội trong thời điểm này rất ổn định, không rủi ro như nhiều người nghĩ, thậm chí tuyệt đối an toàn vì mọi giao dịch đều được ngân hàng, các bộ, ngành tham gia kiểm soát chặt chẽ.

Dù lợi nhuận bị khống chế nhưng đầu tư vào nhà ở xã hội, DN sẽ được hưởng các chính sách giảm thuế, miễn tiền sử dụng đất, vay lãi suất ưu đãi..., giúp tạo tiền đề khơi thông các dự án khác. Hơn nữa, nhà ở xã hội đưa sản phẩm thật đến với nhu cầu thật, phù hợp với chính sách và đáp ứng nhu cầu an cư trong điều kiện thị trường BĐS khủng hoảng.

Hiện nay, phân khúc này đang được đón nhận dòng tiền khỏe mạnh và ít rủi ro. Công ty đã chuẩn bị đội ngũ bán hàng và tư vấn pháp lý chu đáo nên việc tiêu thụ sản phẩm rất khả quan. Đơn cử, dự án HQC Plaza đã thành công với kết quả bán hàng đáng khích lệ, trung bình 100 - 150 sản phẩm/tháng giữa lúc thanh khoản thị trường vẫn còn thấp.

Tóm lại, đầu tư vào những dự án Chính phủ đang kêu gọi đầu tư là sự nhạy bén, linh hoạt của Hoàng Quân, bởi không chỉ góp phần phát triển đất nước, chúng tôi còn được hưởng ưu đãi. Mặt khác, trong khi thị trường còn khó khăn, một số công ty xây dựng phải dừng hoặc giãn thi công thì Hoàng Quân vẫn có dự án để triển khai với sự hỗ trợ về quỹ đất và vốn rẻ.

* Nhiều ý kiến cho rằng, trường đại học tư đang dư thừa công suất và khó tuyển sinh. Cuối năm 2013, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cho biết, chỉ có chưa đến 13% trên tổng số học sinh chọn trường tư. Vậy, việc đầu tư vào giáo dục trong thời điểm lĩnh vực chính là BĐS gặp khó khăn có phải chính là nguyên nhân gây thêm khó khăn cho Hoàng Quân?

- Xây dựng trường đại học thực chất không tách rời lĩnh vực chính là BĐS, mà đó là mô hình kết hợp BĐS và trường đại học, tạo thành khu đô thị - đại học. Ở nhiều nước phát triển, nhất là ở bang California (Mỹ), mô hình đô thị - đại học rất phát triển.

Ở những khu đô thị có trường đại học thì dự án BĐS ở đó bán tốt nhất, đắt hơn khu đô thị khác mà vẫn thu hút người mua nhiều nhất. Hiện, mô hình trường đại học của Hoàng Quân cũng đi theo hướng khác biệt so với các trường đại học khác, nghĩa là chúng tôi không đầu tư và hoạt động dựa vào học phí thu của sinh viên.

* Đi theo mô hình đào tạo phi lợi nhuận, có thể hiểu Hoàng Quân đang làm từ thiện?

- DN làm từ thiện cũng là một cách đánh bóng thương hiệu, nhưng gốc rễ của việc làm này phải xuất phát từ cái tâm trong sáng, nếu thu học phí cao, dạy kém thì sinh viên chỉ có bằng cấp mà không có kiến thức. Mà nếu sinh viên tụt hậu, kiến thức kém thì mình cũng có tội.

Phi lợi nhuận phải hiểu là cổ đông, nhà đầu tư không được chia tiền lời mà dùng học phí để đầu tư lại cho trường, cho sinh viên. Bù lại, các nguồn lợi khác tự nhiên ắt đổ về. Ví dụ hiện nay, hầu hết các trường đại học tư thục đều nhận được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân và các cựu sinh viên từng học tập tại trường.

* Vậy khi đầu tư vào giáo dục, ông suy nghĩ gì về nền giáo dục của Việt Nam?

- Môi trường giáo dục ở bất cứ nơi đâu cũng là hướng thiện, đào tạo con người trở nên tốt hơn cả về kiến thức và nhân cách. Vì vậy, đầu tư vào giáo dục, trước hết phải là người có tâm sáng và sự yêu thích, là tâm huyết. Một trong những lý do tôi mạnh dạn đầu tư vào giáo dục là vì trong đội ngũ của Hoàng Quân có rất nhiều tiến sĩ có tâm và yêu thích lĩnh vực này.

Chúng tôi có điểm chung là nghĩ đến cộng đồng, xã hội nhiều hơn việc phải kiếm lợi nhuận từ giáo dục. Và điều ý nghĩa hơn là chúng tôi mong muốn đào tạo ra những con người có trí tuệ, đạo đức, biết cống hiến. Có rất nhiều sinh viên muốn du học vì cho rằng giáo dục của Việt Nam tụt hậu, học ở Việt Nam sẽ không có cơ hội phát triển, hoặc có nhiều sinh viên du học đã ở lại các nước vì nhiều lý do, trong đó lý do đáng quan tâm nhất là không có công cụ học tập, trau dồi tốt hơn cho nghề nghiệp khi trở về nước...

Đó là thực tế khiến chúng tôi băn khoăn, trăn trở. Vậy nên, quan điểm của chúng tôi là tạo ra mô hình đào tạo tiệm cận nhiều hơn với thế giới. Chúng tôi đang xin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu tư trường đại học ở Mỹ theo mô hình liên kết với các trường trong nước để sinh viên đi học với chi phí rẻ, việc học đạt chất lượng cao với đội ngũ giáo sư giỏi. Đó là tâm nguyện của chúng tôi, còn làm được hay không lại là chuyện khác, bởi nó còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác.

* Tự hào là DN nhạy bén, thành công ở nhiều lĩnh vực nhưng tại sao khi được các bộ, ngành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khuyến khích thực hiện dự án xuất khẩu thanh long sang Úc, New Zealand, Nhật, Trung Quốc... ông lại từ chối, trong khi nhiều DN xin thực hiện dự án này không được?

- Khi được tỉnh Bình Thuận và các ban, ngành cho vay 500 tỷ đồng với lãi suất thấp để thực hiện dự án trang trại trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGap, liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM để huấn luyện nông dân, cải tạo giống thanh long xuất khẩu, tôi rất hăm hở.

Trong một năm, tôi đã bỏ tiền túi khoảng 10 tỷ đồng đi các nước để tìm hiểu thị trường, máy móc, thiết bị như máy gia nhiệt, chiếu xạ, các loại nước ép công nghệ cao cấp... Nhưng sau khi tìm hiểu, tôi quyết định không làm, lúc đó ai cũng tiếc. Nếu như không làm BĐS thì tôi sẽ làm được, bởi tôi ngộ ra, làm gì cũng phải chuyên nghiệp mới thành công.

Mỗi DN phải tạo cho mình một ngành nghề chuyên sâu và phải đi theo ngành nghề đó suốt đời thì lúc khó khăn mình mới có đủ kiến thức để vượt qua, còn cứ thấy người ta làm được, mình cũng làm thì chẳng khác nào như anh đẽo cày giữa đường, khi gặp khó sẽ dễ bỏ cuộc và không tạo được thành quả nào cho xã hội.

* Cảm ơn ông về buổi trò chuyện cởi mở này.

>Địa ốc 2014: Đón "làn gió mới"
>Đại gia BĐS Việt "đua nhau" đầu tư ra nước ngoài
>
Thị trường BĐS: Xoay xở tìm lối ra

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấp nhận đi chậm nhưng chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO