Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm TGĐ Dale Carnegie Việt Nam: Muốn làm thầy người giỏi phải có kiến thức chuyên sâu và mới mẻ”

Lữ Ý Nhi| 27/03/2019 07:56

Hai mươi bảy tuổi, Nguyễn Trịnh Khánh Linh đã vượt qua 200 ứng viên để đưa thương hiệu Dale Carnegie (Mỹ) về Việt Nam mở trường dạy không chỉ kinh doanh mà còn nhiều kiến thức thiết thực khác cho chủ do-anh nghiệp. Mười ba năm qua, không nhiều thảm đỏ và hoa hồng trên con đường đã chọn, nhưng Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam vẫn luôn khát khao tạo được nhiều giá trị hơn cho cộng đồng và doanh nghiệp thông qua việc nâng cao năng lực làm việc cá nhân.

Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm TGĐ Dale Carnegie Việt Nam: Muốn làm thầy người giỏi phải có kiến thức chuyên sâu và mới mẻ”

Ảnh: Lê Huy Khôi

* Mười ba năm trong lĩnh vực đào tạo, bà có nhận xét gì về việc học của doanh nhân Việt Nam?
- Tôi lạc quan vì ngày càng có nhiều doanh nhân rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Khi người lãnh đạo thay đổi khả năng lãnh đạo theo chiều hướng tốt lên thì tổ chức có điều kiện thay đổi và làm được nhiều việc hơn. Bởi  muốn làm thay đổi người khác thì trước hết bản thân mình phải thay đổi. Nhớ ngày đầu đưa Dale Carnegie về Việt Nam, ai cũng nói tôi liều lĩnh vì đối tượng tôi nhắm đến là lãnh đạo các công ty vừa và nhỏ. Trong lần  phỏng vấn của Tập đoàn Dale Carnegie, tôi đã phân tích: Hiện Việt Nam chủ yếu là công ty vừa và nhỏ. Đó là một thị trường lớn của Dale Carnegie, nếu biết khai thác. Song, để thực hiện được điều này là vô cùng khó, đòi hỏi sự tâm huyết và kiên trì vì thời điểm đó, các công ty vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chưa chú trọng đào tạo nhân sự. Hơn nữa, nhiều “sếp” cho rằng nhân viên mới cần học. Nhưng 13 năm qua, số người học đã tăng mỗi năm, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã có thói quen đi học, có người học hết chương trình lại hỏi có chương trình gì mới để học tiếp.

Tôi lạc quan vì ngày càng có nhiều doanh nhân rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Khi người lãnh đạo thay đổi khả năng lãnh đạo theo chiều hướng tốt lên thì tổ chức có điều kiện thay đổi và làm được nhiều việc hơn.

* Nói vậy, việc Dale Carnegie chọn bà còn có yếu tố về tiềm năng học viên tại Việt Nam?

- Trước khi qua Việt Nam tìm đối tác, Dale Carnegie đã tìm hiểu hơn 200 doanh nghiệp có đủ tài chính và năng lực. Còn tôi chọn Dale Carnegie vì thích làm những gì mang tính sáng tạo, chuyên sâu chứ không áp dụng hàng loạt theo kiểu công thức. Sau khi chọn ra hai ứng viên cuối cùng, tôi là người được chọn khi mới 27 tuổi và là đối tác trẻ nhất trong mạng lưới của Dale Carnegie ở các nước. Tiêu chí tìm đối tác của Tập đoàn là có được người có khả năng tạo thêm giá trị cho Dale Carnegie chứ không chỉ tài chính mạnh.

* Bà vừa nói “sự sáng tạo”, “không đồng loạt”, nghĩa là...

- Khi hợp tác với Dale Carnegie, tôi có quyền “nội địa hóa” cách truyền bá kiến thức xã hội và kinh doanh cho doanh nhân người Việt Nam trên tinh thần văn hóa dân tộc. Ví dụ, bảy năm trước, nhiều thuật ngữ chúng tôi đưa ra, như “tầm nhìn cá nhân”, “kế hoạch đột phá”, “phản đối không làm mất lòng”, “tạo ảnh hưởng cao”... còn rất lạ tai nhưng nay đã trở thành quen thuộc với doanh nhân. Nhưng ý nghĩa lớn hơn là khi hiểu đúng những thuật ngữ ấy, nhiều học viên ứng dụng thấy hiệu quả. Hay như sắp tới, tôi sẽ ra mắt chương trình “Tư vấn huấn luyện hình ảnh và phong cách” cho lãnh đạo doanh nghiệp với ba phương pháp chính: huấn luyện năng lực, tư vấn hình ảnh và nâng cao sức ảnh hưởng.

* Một thực tế là không phải ai “học” cũng có thể “hành”. Theo bà, thay đổi tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự khó?

- Mô hình đào tạo của Dale Carnegie có bốn nội dung: thái độ, kiến thức, thực hành và rèn luyện kỹ năng. Bốn nội dung này phải kết nối với nhau, vậy nên việc thay đổi khó hay dễ, nhanh hay chậm là do chính bản thân người học. Dale Carnegie Việt Nam đã có nhiều học viên xuất sắc, luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, mong muốn mang lại sự thay đổi tích cực cho bản thân và tổ chức nên doanh nghiệp của họ đi rất nhanh, nhưng cũng có người học rồi mà không thực hành được.

Dale Carnegie Việt Nam đã có nhiều học viên xuất sắc, luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, mong muốn mang lại sự thay đổi tích cực cho bản thân và tổ chức nên doanh nghiệp của họ đi rất nhanh.

* Ấn tượng của bà về thay đổi của học viên?

- Không chỉ riêng tôi mà toàn đội ngũ Dale Carnegie Việt Nam, và đặc biệt là các Chuyên gia Huấn luyện đầy tâm huyết và bản lĩnh, đều vô cùng tự hào và hạnh phúc khi được chứng kiến sự thay đổi mỗi ngày, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến đột phá, từ những học viên của Dale Carnegie. Rất nhiều học viên là lãnh đạo, quản lý xuất sắc nhìn nhận những giá trị, nền tảng và công cụ của Dale Carnegie giúp họ nâng tầm tư duy và thúc đẩy hành động theo hướng tổng thể, có tâm và bền vững hơn rất nhiều. Đơn giản và rất cốt lõi, họ trở thành những lãnh đạo có sự quan tâm chân thành hơn dành cho đội ngũ, thân thiện, lắng nghe và “con người” hơn rất nhiều. Nhờ đó, họ trở thành những người “sếp” bản lĩnh, tài giỏi nhưng thân thương hơn rất nhiều với đội ngũ. Và tinh thần, văn hoá công ty thay đổi khác biệt, gắn kết và tạo kết quả công việc và kinh doanh tích cực hơn đáng kể.


* Làm thầy nhiều học viên là lãnh đạo doanh nghiệp, tuổi đời lớn hơn mình và hiểu biết rộng, bà có thấy bị áp lực?


- Khi được làm việc, gần gũi với người giỏi, nhất là những anh chị lãnh đạo tuổi trên 50-60 tôi học được ở họ không ít kiến thức, kinh nghiệm. Muốn làm thầy người giỏi, phải luôn có kiến thức chuyên sâu và mới mẻ. Đó là triết lý của Dale Carnegie trong đào tạo. Sau ba năm, các chuyên gia huấn luyện của Dale đều phải thi lại để lấy chứng chỉ mới. Master trainer cũng vẫn phải đi thi, ít nhất là phải học và thi trong 250 giờ và người nào không thi lại đương nhiên là không được chứng nhận chuyên gia huấn luyện của Dale Carnegie nữa. Cho nên bằng của Dale Carnegie không phải là bằng cấp trọn đời. Đó là sự khác biệt của Dale Carnegie.

Đúng và mới là hai khái niệm khác nhau. Vì bạn có thể có phương pháp mới nhưng không đúng, trong khi có những phương pháp có thể cũ nhưng lại đúng.

* Dư luận đang quan tâm đến vấn đề vi phạm bản quyền. Năm 2014 Dale cũng có một vụ kiện về vấn đề này. Quan điểm của bà về bản quyền nhân sự kiện này?

- Dale Carnegie đến Việt Nam vào cuối năm 2006 sau hai năm Việt Nam tham gia Công ước Berne (công ước bảo vệ tác quyền) vì muốn có sự đảm bảo về luật pháp. Động thái đó cũng chứng minh Dale Carnegie rất mong được luật pháp của nước sở tại bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc một chuyên gia từng được trường tôi đào tạo, cấp chứng chỉ và cam kết làm việc tại Dale Carnegie Việt Nam, nhưng sau đó lại mở công ty riêng, sao chép chương trình giảng dạy của Dale Carnegie Việt Nam để kinh doanh, làm ảnh hưởng đến uy tín, tên tuổi cũng như bản quyền của Dale Carnegie. Cụ thể, năm 2009-2010, Dale đã ký hợp đồng với một ngân hàng đào tạo chuỗi chương trình “Lãnh đạo tạo đột phá” - một chương trình điển hình của Dale. Nhưng sau đó mới huấn luyện được khoảng 6-7 chương trình thì phía ngân hàng dừng hợp đồng, hóa ra chương trình tiếp theo đã được “người vi phạm” kia hợp đồng dạy với chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, Dale Carnegie không thể “mạnh tay” với các vụ vi phạm về bản quyền nên chỉ mong chờ vào luật pháp. Mong muốn của Dale trong vụ kiện về bản quyền này là chất xám trong giáo dục phải được tôn trọng. 

* Nhưng theo bà, vi phạm bản quyền vẫn còn tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực là do nguyên nhân nào?

- Dù lý do gì thì nguyên lý đơn giản nhất là những gì thuộc về người khác thì phải tôn trọng. Đừng vì luật pháp còn có nhiều ngõ “lách” mà ngang nhiên lấy trí tuệ của người khác để làm lợi cho mình. Trong một thế giới phẳng, khi các hiệp định thương mại đều có mối liên quan tới sở hữu trí tuệ, ai cũng phải xây dựng uy tín và thương hiệu cá nhân.

* Nhưng có người lại cho rằng, trong đào tạo, kiến thức của chuyên gia có được là tài sản riêng của họ, họ có quyền giảng dạy ở nơi khác...

- Trong “cuộc chơi thị trường” luôn có ba loại người. Một là người đi tiên phong và kiến tạo thị trường. Họ là những người rất dũng cảm, mong muốn tạo xu thế mới cho thị trường và cộng đồng, họ phải được nhìn nhận một cách xứng đáng. Hai là người có cơ hội đến thì làm, không thì thôi. Ba là những người thấy người khác tiên phong thì làm theo, nhưng lại làm theo cách thức của mình. Việc ấy không sai. Bởi càng có nhiều người đi theo mình thì thị trường sôi động hơn, thúc đẩy những người tiên phong tiếp tục tiên phong tạo ra những cái mới, tạo ra nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Đó là cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, có một dạng biến tướng của nhóm người thứ ba, đó là chỉ lấy những gì của người khác và biến thành của mình. Cách làm đó là không lành mạnh. Có nhiều học viên sau khóa học đã chia sẻ trên mạng họ đã ứng dụng những nguyên tắc vàng, những công cụ của Dale Carnegie và được Dale Carnegie ủng hộ. Trong các hợp đồng của Dale Carnegie Việt Nam có nêu: nếu muốn sử dụng công cụ của Dale Carnegie có thể xin phép và được  đồng thuận nếu không phục vụ cho mục đích thương mại.

Dù lý do gì thì nguyên lý đơn giản nhất là những gì thuộc về người khác thì phải tôn trọng. Đừng vì luật pháp còn có nhiều ngõ “lách” mà ngang nhiên lấy trí tuệ của người khác để làm lợi cho mình.

Trở lại câu hỏi của bạn, với lĩnh vực khác thì có thể, nhưng với công cụ giáo dục thì không đúng. Không tự nhiên mà chuyên gia huấn luyện của Dale phải đào tạo lại ít nhất 250 giờ và ba năm phải thi lại. Mỗi năm Dale Carnegie toàn cầu đưa ra một nghiên cứu về xu hướng lãnh đạo mới, ví dụ gần đây là chủ đề “Sự gắn kết của các bạn Millennials như thế nào?”. Thế nên, những người không học những phương pháp mới của Dale thì chỉ giảng dạy được trong vòng 5 năm vì 5 năm tiếp theo họ không còn đủ khả năng do lỗ hỗng kiến thức. Như vậy, nếu bạn không phải là “người chơi lành mạnh” và tích cực để thúc đẩy thị trường đi theo một hướng tốt thì thị trường và người học sẽ mất đi cơ hội nhìn thấy cái mới, không được tiếp cận với các sản phẩm sáng tạo độc đáo.

* Bà nói đào tạo luôn phải mới nhưng không ít kiến thức và phương pháp của Dale Carnegie vẫn được áp dụng từ năm 1912 đến nay và vẫn được xem là đúng?

- Đúng và mới là hai khái niệm khác nhau. Vì bạn có thể có phương pháp mới nhưng không đúng, trong khi có những phương pháp có thể cũ nhưng lại đúng. Đơn cử, nhiều kiến thức từ năm 1912 mà Dale Carnegie giảng dạy vẫn mang lại hiệu quả cao cho người học, vì sau đắc nhân tâm bây giờ chúng tôi lại có thêm đắc nhân tâm trong kỷ nguyên số.

* Bà hay nói đến cụm từ “người tử tế”. Nó có ý nghĩa gì với bà?

- Ngày nay có quá nhiều người vô cảm và chỉ sống cho riêng mình. Vì vậy, xã hội cần lắm những người tử tế biết sống tốt cho mình và nghĩ đến người khác. Trong cộng đồng doanh nhân, người tử tế là người biết làm thật tâm và hướng đến giá trị tốt đẹp của xã hội. Hiện nay, có nhiều doanh nhân hướng đến điều tốt đẹp và luôn thật tâm, nhưng cũng có doanh nhân làm ngược lại.

* Cảm ơn về những chia sẻ của bà!   

Lữ Ý Nhi  thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Chủ tịch kiêm TGĐ Dale Carnegie Việt Nam: Muốn làm thầy người giỏi phải có kiến thức chuyên sâu và mới mẻ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO