Sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ ODA

SONG ANH thực hiện| 25/10/2019 00:30

Không cho rằng Chính phủ Nhật Bản đang “nghiêm khắc” hơn với nguồn vốn ODA hỗ trợ Việt Nam, nhưng ông Konaka Tetsuo - Trưởng Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam cho biết, “sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ ODA” khi trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn.

Sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ ODA

* Ông đánh giá như thế nào về tiến độ giải ngân vốn ODA của Việt Nam? 

- Thắt chặt chi tiêu đã giúp tỷ lệ nợ công của Việt Nam giảm xuống, nhưng lại dẫn tới tỷ lệ giải ngân hiện nay rất thấp, điển hình như dự án metro Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến các dự án của JICA mà còn ảnh hưởng đến các nhà tài trợ khác và các dự án của Chính phủ Việt Nam. Không giải ngân được, dự án không thể triển khai tiếp các bước cũng như không thể triển khai xây dựng. Đặc biệt là các dự án hạ tầng quy mô lớn mất rất nhiều thời gian. 

Một điều nữa, khi vốn giải ngân đầu tư công chậm, đặc biệt là các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư mới của tư nhân, cũng như ý định đầu tư, mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp. Tôi thấy rằng, Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp để có thể giải ngân sớm đối với các dự án hạ tầng, đó là điều mấu chốt hiện nay. 

* Lý do giải ngân chậm được bàn luận nhiều, nhưng còn ý kiến của ông?

- Tôi cho rằng cơ bản do một số nguyên nhân. Thứ nhất, các quy định và thủ tục còn quá phức tạp, chồng chéo và không thống nhất, liên tục được thay đổi làm nhiều đơn vị tham gia dự án lúng túng không biết cần làm gì. Thứ hai, các cơ quan giám sát nhiều lần đưa ra những hướng dẫn không nhất quán nhưng lại yêu cầu bắt buộc thực hiện, nên các chủ dự án khó thực hiện. Thứ ba, các dự án không được bắt đầu đúng theo kế hoạch do các hoạt động chuẩn bị trước đó không được tiến hành một cách linh hoạt, vấn đề này liên quan trực tiếp đến vấn đề giải ngân. Thứ tư, việc kiểm soát chi tiêu nghiêm ngặt được áp dụng trong thời gian gần đây cho giai đoạn 2016-2020 đã làm nhiều dự án bị chậm trễ do đăng ký muộn cho kế hoạch trung hạn hoặc chậm điều chỉnh ngân sách theo nhu cầu tài chính thực tế của dự án. Cuối cùng, việc thay đổi các quy định trong cho vay lại vốn ODA với nhiều thủ tục mới và sự siết chặt kiểm soát trong tiến trình phê duyệt cũng dẫn đến những chậm trễ trong việc giải ngân.

* Như ông nói, sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ ODA với Việt Nam, nhưng sẽ theo hướng nào?

- Chúng tôi dựa trên tinh thần trao đổi, nhu cầu của nước đối tác để đưa ra những đề xuất, sự phối hợp. Liên quan đến vốn vay ODA, từ tháng 4-9/2019, không ký kết Hiệp định vay vốn mới. Chúng tôi đang triển khai 28 dự án, với tổng giá trị vốn vay đã giải ngân là 8,798 tỷ yên. Tới đây, các hỗ trợ sẽ tập trung vào hai lĩnh vực hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội. Chúng tôi cũng triển khai các hỗ trợ khác liên quan đến năng lượng tái tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vay vốn, điều tra thị trường... Chúng tôi một mặt vẫn duy trì theo phương thức truyền thống, nhưng mặt khác cũng thay đổi cách thức hỗ trợ ODA để phù hợp với bối cảnh hiện nay.  

* Cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sẽ thay đổi cách thức hỗ trợ ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO