Liên kết kinh doanh và chuyện bình mới, rượu mới

PHẠM HOA LÀI| 13/05/2009 05:59

Các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho biết, sau khủng hoảng, nền kinh tế thế giới sẽ rất khác. Ở đó sẽ không còn chỗ cho những người kinh doanh đơn độc và những doanh nghiệp không có khả năng nối kết với chuỗi liên kết. Do đó, đây cũng là thời điểm mà doanh nhân VN phải dứt khoát khắc phục những đặc điểm, nhừ sự đố kỵ, không thể “nắm tay” nhau.

Liên kết kinh doanh và chuyện bình mới, rượu mới

Các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho biết, sau khủng hoảng, nền kinh tế thế giới sẽ rất khác. Ở đó sẽ không còn chỗ cho những người kinh doanh đơn độc và những doanh nghiệp không có khả năng nối kết với chuỗi liên kết. Do đó, đây cũng là thời điểm mà doanh nhân VN phải dứt khoát khắc phục những đặc điểm, nhừ sự đố kỵ, không thể “nắm tay” nhau.

Những nỗi niềm đơn độc  

Mỗi lần đi tìm nguồn hàng và thị trường ở nước ngoài, tôi đều có cảm giác “tủi thân” vì thấy mình đơn độc quá. Giống như cứ nhảy xuống biển rộng mà bơi, xung quanh chẳng có đồng đội, người hướng dẫn và thuyền cứu hộ. Đã có vài lần, chúng tôi cũng hình thành nhóm khi đi mở thị trường mới. Tưởng có bạn, có phường sẽ tốt hơn nhưng hóa ra lại “lắm thầy rầy việc”, chẳng ai chịu nghe ai và cũng chẳng ai mạnh dạn hay đủ sức làm người dẫn đầu để người khác có thể nghe mình.

Tệ hơn nữa là tình trạng “bề ngoài thơn thớt nói cười”, nhưng cứ để mắt kèn cựa, phá giá, giật lấy cơ hội của nhau. Nhiều khi đi với nhau rồi lúc về chẳng muốn nhìn mặt nhau nữa...”, bà Trần Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu Thịnh Trần, không giấu được sự thất vọng khi nói về tinh thần và những kỷ niệm trong quá trình hợp tác với một số đồng nghiệp doanh nhân trong nước.

“Tôi thấy làm ăn ở VN khó quá, khó nhất là về niềm tin. Cũng có thể tôi không may mắn vì không gặp được những người tốt khi cả bốn lần đặt niềm tin để cùng nhau làm ăn đều bể hết cả bốn. Theo tôi, môi trường kinh doanh VN có rất nhiều rủi ro cho những nhà đầu tư nhỏ. Khung pháp lý đã có nhưng lực lượng thực thi không đủ mạnh nên khi một hợp tác đổ bể, bị vi phạm hợp đồng, nhiều người làm kinh doanh rất mệt mỏi với chuyện kiện thưa và dù thắng kiện, vẫn khó được bảo vệ thấu đáo về quyền lợi chính đáng”, ông Robert Le, một nhà đầu tư Việt kiều, kể về những “cú ngã” và sự nản lòng của ông khi làm ăn tại quê nhà.

“Tôi rất thích VN vì từ nhận xét của mình, tôi thấy có khá nhiều cơ hội để làm ăn. Tuy nhiên, về các đối tác VN thì tôi rất xin lỗi khi nói rằng có nhiều điều họ khiến tôi ngạc nhiên, khó hiểu và có ấn tượng không tốt. Điển hình nhất là sự nóng vội, không chú trọng đến giá trị thực sự trong sản phẩm, dịch vụ. Còn với tư cách là một đối tác, tôi thấy có nhiều thứ rất đáng ngờ. Ví dụ như cùng một nhu cầu, nhưng nếu chúng tôi gọi nhiều nhà thầu hoặc nhà cung cấp khác nhau, mức giá được chào sẽ rất khác biệt, nếu không nói là trên trời dưới vực.

Cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá kinh khủng như thế chỉ gây thiệt hại cho tất cả các bên, kể cả người thắng thầu. Hơn nữa, tôi thấy một số doanh nghiệp còn dùng tiểu xảo, triệt hạ uy tín của đồng nghiệp bằng những chiêu thức không lành mạnh...”, ông Peter Moss, một doanh nhân người Anh đã sinh sống nhiều năm tại TP.HCM, chia sẻ những nhận xét của mình về các đối tác địa phương.

Trên đây là ba phản ánh của doanh nhân ở ba góc độ, vị trí khác nhau về tinh thần và khả năng liên kết, hợp tác của doanh nhân VN. Những câu chuyện này không gây bất ngờ. Thậm chí, đó là những đặc điểm “xấu xí” của doanh nhân Việt đã được phản ánh nhiều lần trên nhiều kênh khác nhau. Song, một lần nữa, sự cay đắng, chán nản của họ cho thấy rằng, trước yêu cầu phải thay đổi quan niệm, tư duy và phương thức kinh doanh để phù hợp với tính chất mới của môi trường kinh tế toàn cầu lẫn địa phương, doanh nhân Việt phải nhìn lại mình và lắng nghe phản ánh từ người khác với tinh thần cầu thị trước khi muốn liên kết, hợp tác với nhau để có những nguồn lực mới, đội ngũ mới, “đoàn thuyền” mới hướng tới giấc mơ vươn tới những bến bờ mới trên thị trường quốc tế.

Thế hệ doanh nhân mới đang liên kết tốt hơn

Đó là khẳng định của nhiều doanh nhân “gạo cội” lẫn các doanh nhân trẻ. Theo phân tích của họ, doanh nhân thế hệ mới, tức những người thuộc thế hệ dưới 40, có nền tảng tốt về kiến thức kinh doanh và có kinh nghiệm làm việc quốc tế, có thể liên kết với nhau tốt không phải vì họ giỏi hơn thế hệ trước, mà do những gì họ được giáo dục, tiếp thu đã trang bị cho họ nhận thức tiến bộ về các nguyên tắc liên kết, hợp tác.

“Họ có thể đấu tranh quyết liệt khi bị đối tác bội ước chứ không mệt mỏi, cả nể hay “thương tình” như cách ứng xử thường thấy ở các bậc cha chú. Điều này khiến đối tác không có tâm lý chây ì, không dễ dàng phản lại cam kết chung. Mặt khác, họ cũng sẵn sàng nhân nhượng nhau vì mục đích chung, chẳng hạn như anh làm tổng giám đốc tốt hơn tôi thì anh có thể giữ chức vụ đó, còn tôi làm phó giám đốc phụ trách sản xuất, mặc dù tôi là chủ đầu tư lớn nhất của công ty. Hoặc trong dự án này, công ty anh có thế mạnh nhiều hơn nên tôi giao lại quyền tổ chức chính cho anh, còn tôi là nhà cung ứng. Như vậy, công việc thành công sẽ mang lại lợi ích chung cho tất cả các bên” - anh Tăng Chí Tân, Chủ tịch HĐQT - Phó giám đốc Công ty TNP Trading, phân tích.

Ông Trần Văn Nghị, chuyên viên tư vấn quản trị, phân tích thêm, sở dĩ các doanh nhân thế hệ mới có thể làm việc với nhau tốt hơn là bởi khi hợp tác, dù trong hay ngoài công ty, họ đều có kế hoạch rõ ràng và tầm nhìn xa. Trong đó, họ phân công công việc và quyền lợi cụ thể, rõ ràng, chứ không mang tính ngắn hạn, sai đâu sửa đó, phát sinh đâu ứng phó đó như trước.

Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cũng đồng ý về khuyết điểm này của doanh nhân người Việt nhưng cũng phân tích rằng: “Những trao đổi, phê phán trước nay về sự yếu kém, ít đoàn kết của người Việt thường mang cảm tính nhiều hơn là cơ sở lý luận. Để đoàn kết, hợp tác được với nhau trong kinh doanh, cần có cả một khoa học. Trong đó, công thức để hợp tác thành công là phải giải quyết được hai điều căn bản: Vì người hay vì mình? Trong một mối hợp tác, để được chấp nhận, anh phải vì người khác, nhưng để được bền vững, anh cũng phải vì quyền lợi của anh”. Ông Trung còn bổ sung, để tạo một môi trường kinh doanh có văn hóa liên minh, liên kết, ngoài nguyên tắc quyền lợi giữa các bên, còn cần có khung pháp lý đủ vững, mạnh và trình độ doanh trí của tầng lớp doanh nhân. Những yếu tố đó đang được cải thiện và cần được chủ động cải thiện nhanh hơn.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, trong buổi nói chuyện với doanh nhân khu vực đồng bằng sông Cửu Long mới đây, đã nhấn mạnh rằng: “Sau giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế thế giới sẽ khác rất nhiều so với hiện nay. Chính vì thế, các doanh nghiệp sẽ phải liên kết, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn để tận dụng nguồn lực lẫn nhau. Và doanh nhân VN không thể không tuân theo xu hướng đó”. Do vậy, cần “bình mới, rượu mới” cho môi trường liên kết kinh doanh tại VN chứ không chỉ là những kêu gọi hay phản ánh về thực trạng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liên kết kinh doanh và chuyện bình mới, rượu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO