Đành ký hợp đồng ăn đong!

13/12/2010 04:04

Có hợp đồng ổn định, dài hạn luôn là ước mơ của doanh nghiệp. Thế nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thuỷ sản đành chấp nhận giải pháp... hợp đồng ăn đong.

Đành ký hợp đồng ăn đong!

Có hợp đồng ổn định, dài hạn luôn là ước mơ của doanh nghiệp. Thế nhưng năm nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thuỷ sản đành chấp nhận giải pháp... hợp đồng ăn đong.

Nhiều doanh nghiệp ngại trữ hàng vì lãi suất cao. Ảnh: Lê Hoàng Yến

Kể từ đầu quý 2/2010, hàng loạt mặt hàng như lúa gạo, cá tra, tôm không chỉ tăng giá rất mạnh mà còn có hiện tượng khan hiếm. Sự cố này khiến cho những doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng chốt giá trước bị thua lỗ nặng.

Trong cuộc họp mới đây, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã cảnh báo các doanh nghiệp không vội ký hợp đồng, nhất là các hợp đồng dài hạn mà cần lựa chọn thời điểm để bán được giá tốt nhất. Ngoài ra, ông còn khuyến cáo các doanh nghiệp bám thật sát tình hình sản xuất trong nước cũng như những biến động bất thường trên thị trường gạo thế giới để có được quyết định hợp lý.

Cú sẩy chân mất gần nửa tỉ đôla hồi tháng 8, tháng 9 năm nay do lúc ký hợp đồng giá thấp, đến khi giao hàng thì nguyên liệu tăng cao hơn có lẽ là bài học đắt giá đối với nhiều doanh nghiệp kinh doanh gạo. Có lẽ, cũng chính từ cú vấp này, mà hai tháng cuối quý 4 năm nay, doanh nghiệp khá dè dặt ký các hợp đồng mới.

Và nếu có, thì việc thanh toán, giao hàng chỉ chốt ngay trong tháng chứ ít thấy doanh nghiệp nào dám bán theo kiểu đón đầu – dài hạn như trước. Sở dĩ doanh nghiệp phải chấp nhận bán hàng theo kiểu ăn đong như vậy, là vì giá gạo nguyên liệu tiếp tục tăng rất mạnh. Chỉ trong vòng một tháng, từ tháng 10 đến 11/2010, giá gạo nguyên liệu tăng 10%, trong khi giá xuất khẩu tăng chưa đến 5%. Tình trạng này rất dễ khiến doanh nghiệp bị lỗ.

Vài tháng trở lại đây, doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản buộc thay đổi phương thức ký hợp đồng. “Chúng tôi chỉ ký giao hàng ngay trong tháng chứ không dám bán dài hạn 3, 6 tháng như trước đây”, ông Nguyễn Thanh Đạm, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản Bạc Liêu xác nhận. Năm 2010 là năm đầy kịch tính đối với con tôm. Nguyên liệu thiếu hụt còn bị thương nhân Trung Quốc vào thu gom với bất cứ giá nào, đẩy giá mặt hàng này tăng liên tục, có thời điểm tháng 10, tháng 11 tăng 40 – 50% so với đầu năm. “Có khi đầu tuần ký bán cho khách hàng 11 USD/kg, nhưng một tuần sau giá nguyên liệu đầu vào đã lên 11,5 USD”, ông Đạm nhớ lại.

Giá nguyên liệu tăng nóng tạo ra một thị trường hỗn độn, doanh nghiệp rất khó nhận định để có thể đưa ra quyết sách kinh doanh hợp lý, giảm thiểu rủi ro. Hồi tháng 9.2010, con cá tra tưởng chừng sẽ bị bầm giập trước quyết định của bộ Thương mại Mỹ nâng thuế chống bán phá giá lên 130%. Ai cũng đoán giá giảm nên thi nhau ký hợp đồng trước với giá thấp, khoảng 2,6 – 2,7 USD/kg. Nhưng thực tế, vào thời điểm giao hàng, doanh nghiệp không những phải gánh chịu sự tăng giá nguyên liệu thêm 36%, mà còn chịu thiệt thòi cho những hợp đồng ký đón gió vì giá tăng lên 3 USD.

Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng Giám đốc Agrifish cho rằng, với tình hình này thì qua năm 2011, nguyên liệu cá tra, tôm, thậm chí là lúa gạo còn có nhiều biến động nữa, ông nào không tỉnh táo, cứ ký dài hạn mà không chuẩn bị tốt chân hàng thì chắc chắn sẽ ôm lỗ. Vì vậy, theo ông, cách an toàn nhất là nên chốt giá theo tuần, giao hàng trong tháng chứ không nên mạo hiểm ký dài hạn như trước đây.

Giám đốc một doanh nghiệp cho rằng, nếu ký hợp đồng dài hạn rồi mua nguyên liệu trữ kho, thì khi lãi suất tăng cũng sẽ làm đội chi phí tồn kho, không có lời. Nên, biện pháp tốt nhất là có đâu bán đó, lấy tiền liền chứ không cho nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đành ký hợp đồng ăn đong!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO