Ông vua "mua chung" Groupon đã qua thời hoàng kim

06/10/2015 06:45

Cuối tháng 9, hãng kinh doanh deal (phiếu giảm giá) trực tuyến Groupon (Mỹ) đã gây bất ngờ khi tuyên bố ngừng hoạt động cùng lúc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông vua

Hãng kinh doanh deal (phiếu giảm giá) trực tuyến Groupon (Mỹ) đã gây bất ngờ lớn khi đưa ra tuyên bố ngừng hoạt động cùng lúc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ (gồm Ma-rốc, Panama, Puerto Rico, Uruguay, Đài Loan, Philippines và Thái Lan) hồi cuối tháng 9.

Đồng thời, Hãng cũng cắt giảm 1.100 nhân sự, tương đương 10% tổng số nhân viên trên toàn cầu. Tất cả diễn ra chỉ một tháng sau khi Groupon rút vốn khỏi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây rõ ràng là tín hiệu không vui đối với một công ty từng có giá trị vốn hóa lên đến gần 13 tỷ USD vào năm 2011 khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mô hình vận hành của Groupon đã bộc lộ vấn đề bất ổn.

Từng đi đầu trong xu thế kinh doanh deal trực tuyến và là hình mẫu cho không ít bản sao trên thế giới, Groupon lại đang phải loay hoay giải bài toán kinh doanh của chính mình.

Những đơn vị kinh doanh tham gia các website deal trực tuyến đã nhận ra, việc chuyển đổi người mua deal trở thành khách hàng thân thiết là không hề dễ dàng, bởi hầu hết chỉ quay lại khi có deal mới. Dẫn đến, các website trên sẽ phải duy trì đội ngũ nhân viên thuyết phục các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ tham gia bán deal.

Chi phí đó không phải quá lớn đối với Groupon nhưng lại là điểm kém cạnh tranh trong bối cảnh các công ty thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến không mất nhiều chi phí con người mà vẫn có lượng hàng dồi dào để bán. Thực tế, từ chỗ chỉ kinh doanh deal đơn thuần, Groupon và đa số các website tương tự đều đã đầu tư sang lĩnh vực thương mại điện tử và bắt đầu bán hàng.

>>Khởi nghiệp với thương mại điện tử tăng trưởng mạnh

Tuy nhiên, do hoạt động cùng lúc tại hơn 40 thị trường trên thế giới, Groupon phải tốn nhiều chi phí để đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống theo mô hình kinh doanh mới.

Không tiết lộ con số cụ thể nhưng Giám đốc Điều hành Rich Williams chia sẻ trên trang blog chính thức của Groupon: “Chúng tôi nhận thấy chi phí cần để đưa công nghệ và những công cụ mới đến toàn bộ thị trường hiện tại là không tương xứng với lợi ích thu về tại thời điểm này”.

Không chỉ có vậy, việc đồng USD mạnh hơn nhiều so với các đồng tiền khác cũng khiến hiệu quả kinh doanh của Groupon bị giảm sút. Năm 2014, có đến 43% doanh thu của Hãng đến từ những thị trường bên ngoài Bắc Mỹ. Tháng 4 năm nay, Groupon cũng từng cho biết sẽ bán đa số cổ phần trong liên doanh của họ ở Hàn Quốc, thu về 360 triệu USD để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc.

Tại Việt Nam, tuy Groupon chưa bao giờ hiện diện nhưng xu hướng các công ty kinh doanh deal trực tuyến đẩy mạnh sang mảng thương mại điện tử cũng đã diễn ra, tiêu biểu như trường hợp của Cùng Mua và Nhóm Mua.

Đặc biệt, Cùng Mua còn tiến vào mảng bán lẻ khi đầu tư hệ thống cửa hàng C-Mart chuyên trưng bày và kinh doanh nhu yếu phẩm giá rẻ. Công ty này đã đặt mục tiêu sẽ đạt 50 cửa hàng C-Mart tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Một cái tên nổi bật khác trong lĩnh vực kinh doanh deal trực tuyến là Hotdeal (trực thuộc Công ty Mekong Com) vừa qua cũng đã bán 30% cổ phần cho Transcosmos của Nhật. Theo thông tin được công bố, Transcosmos sẽ dùng Hotdeal để cung cấp hàng hóa và dịch vụ từ các đối tác sẵn có của họ cho người tiêu dùng Việt Nam.

>>8 ý tưởng vàng trong kinh doanh trực tuyến

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông vua "mua chung" Groupon đã qua thời hoàng kim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO