Kinh tế chia sẻ: Thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu

VY KHÁNH| 30/01/2017 06:55

Sự ra đời của mô hình kinh tế chia sẻ như một bước đột phá, đưa công nghệ vào vận hành hệ thống kinh doanh, mang đến cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người.

Kinh tế chia sẻ: Thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu

Sự ra đời của mô hình kinh tế chia sẻ như một bước đột phá, đưa công nghệ vào vận hành hệ thống kinh doanh, mang đến cơ hội kiếm tiền cho tất cả mọi người.  

Đọc E-paper

Kinh tế chia sẻ cũng phá vỡ những rào cản với các ngành vốn nhạy cảm, nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của các chính phủ. Một thế giới phẳng hơn, kết nối mạnh mẽ hơn, chia sẻ nhiều hơn, cạnh tranh hơn là những giá trị mà mô hình kinh tế mới mang đến.

Khởi nguồn

Kinh tế chia sẻ còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như sharing economy, peer economy, collaborative consumption... là thuật ngữ mô tả một phương thức trao đổi, chia sẻ tài sản, dịch vụ ngang hàng giữa các cá nhân với nhau thông qua một bên thứ ba là các công ty internet. Mô hình này tận dụng tối đa nguồn lực dư thừa trong xã hội, dựa trên việc cho thuê, trao đổi tài sản giữa người sở hữu với người có nhu cầu sử dụng.

Từ đó, bên sở hữu có thể kiếm được tiền từ chiếc xe hơi, căn phòng trống, thời gian rảnh, tiền nhàn rỗi của mình, trong khi người có nhu cầu thì được sử dụng hàng hóa, dịch vụ chất lượng với giá rẻ hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống.

Ở mô hình kinh tế này, người dùng sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có từ cộng đồng, thuê tất cả mọi thứ khi cần mà không phải sở hữu chúng. Dù gần đây những công ty thành công trong lĩnh vực này như Uber, Airbnb, Didi được nhắc đến như một hiện tượng kinh tế mới đầy tiềm năng, nhưng trên thực tế, kinh tế chia sẻ đã tồn tại từ rất sớm, dưới dạng thư viện, cho thuê xe...

(Thư viện Hoàng gia Alexandria của Ai Cập ra đời từ thế kỷ III trước Công nguyên là thư viện công cộng đầu tiên trong lịch sử. Trước đó, thư viện là nơi lưu trữ các tài liệu của vua chúa).

Cho đến thế kỷ XX, thế giới quên lãng mô hình này do sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp, những chiếc xe hơi, máy móc, thiết bị được sản xuất hàng loạt, người dân giàu lên và khao khát sở hữu tài sản như một cách thể hiện sự giàu có, và là tiêu chí đánh giá một đời sống hạnh phúc.

Làn sóng tiêu dùng tăng cao cho đến thời kỳ kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu trong khi rất nhiều người cần kiếm được nhiều tiền hơn từ chính những gì đang có. Bối cảnh đó khiến con người quay lại với một mô hình ưu việt, tiết kiệm, tận dụng nguồn lực sẵn có và đề cao tính chia sẻ hơn tư hữu tài sản. Đó cũng là lúc Uber - dịch vụ đi chung xe ra đời, năm 2009 và sau đó là sự bùng nổ hay đúng hơn là sự tái sinh mạnh mẽ của mô hình kinh tế này.

Kinh tế chia sẻ của kỷ nguyên số thế kỷ XXI phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ. Hay nói cách khác, thiết bị như smartphone, hệ thống định vị, dịch vụ thanh toán điện tử, khả năng kết nối internet là những yếu tố quan trọng bên cạnh hành vi người dùng, chất lượng sản phẩm hay dịch vụ tạo thành sự tồn tại và phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ.

>>Uber và hiện tượng "kinh tế chia sẻ"

Các mô hình phổ biến gồm: Cung cấp dịch vụ thay vì mua sản phẩm (Uber); tái phân phối nguồn lực - chuyển từ người không cần sang người cần (eBay, Craigslist, Chợ Tốt); lối sống hợp tác để chia sẻ tài sản, kỹ năng, tiền (Aribnb, TaskRabbit, SkillShare)...

Thay đổi thế giới

Giờ đây, những sản phẩm, dịch vụ đi ra từ kinh tế chia sẻ giúp nhiều người hái ra tiền trong khi người sử dụng dịch vụ rất hài lòng vì phải trả ít tiền hơn. Ở Mỹ, chủ nghĩa tiêu dùng bị đảo ngược khi người dùng say sưa săn hàng giá rẻ, hàng đã qua sử dụng thông qua eBay hay Craigslist. Hai trang web này giúp kết nối người có và người cần rất hiệu quả nhằm tái phân phối sản phẩm không dùng nữa thay vì vứt đi.

Theo tờ The Economist, vào năm 2013, chỉ trong một đêm có đến 40.000 người thuê chỗ ở thông qua ứng dụng Airbnb, lúc đó đang giới thiệu 250.000 phòng ở 192 nước. Airbnb thành lập năm 2008, đến năm 2013 đã có 4 triệu người dùng. The Economist gọi đây là một điển hình cho mô hình kinh tế chia sẻ mới mẻ và khổng lồ. Công ty Kiểm toán PwC đã ước tính kinh tế chia sẻ toàn thế giới năm 2013 trị giá hơn 255 tỷ USD, tương đương GDP của Phần Lan.

Không chỉ tạo ra cơ hội cho người dùng được tận hưởng những dịch vụ tốt hơn, sự hấp dẫn của kinh tế chia sẻ nằm ở chỗ nó tạo ra một nền kinh tế mới mẻ hơn, những rào cản truyền thống bị tháo dỡ, phá bỏ sự độc quyền hay bảo hộ của chính phủ với nhiều ngành.

Những lĩnh vực vốn được bảo hộ, kiểm soát gắt gao như viễn thông, ngân hàng, vận tải... nay bị cạnh tranh bởi những nhà cung cấp mới, tiện lợi hơn, tạo cơ hội cho các startup trẻ phát triển sản phẩm. Những sản phẩm thông minh của nền kinh tế mới cho người dùng được chọn lựa dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh.

Những biểu tượng thành công của mô hình kinh tế này như Uber, Airbnb đã có thể tiến sâu vào đời sống của người dân và rất nhiều startup địa phương tại các nước đang phát triển đã gây được tiếng vang.

Một số cái tên đã thành danh, như PlateCuluture (Malaysia) - cho phép người lạ đến dùng bữa tối, Triip.me (Việt Nam) - mỗi người dân địa phương trở thành hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài, Magpalitan.com (Philippines) - cho thuê và đổi các vật dụng cá nhân cũng như dịch vụ giữ trẻ và sửa chữa máy tính, Roomorama (Singapore) - cho thuê nhà (giống Airbnb)...

>>Startup du lịch Triip.me gọi vốn được 10 tỷ đồng

Trên đường phát triển

Dù chứng tỏ được sự ưu việt, tính hấp dẫn, thế nhưng mô hình kinh tế chia sẻ vẫn luôn là đề tài nóng hổi khi lập kỷ lục vi phạm pháp luật tại nhiều nước mà nó xuất hiện. Tại thành phố New York, các công tố viên cho thấy từ năm 2010 đến 2014, Airbnb có hơn 300.000 giao dịch vi phạm pháp luật, mang về 304 triệu USD doanh thu thuê phòng, trong đó 40 triệu USD chảy vào túi Airbnb.

Cuối tháng 10/2016, Thống đốc New York khẳng định Airbnb làm thiệt hại hoạt động kinh doanh bất động sản tại đây, vốn là thị trường lớn nhất của Airbnb tại Mỹ. Tương tự, Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Barcelona (Tây Ban Nha) cũng ban hành luật cấm người dân cho thuê nhà ngắn hạn cùng án phạt cao ngất ngưởng.

Chính quyền các địa phương cho rằng, Airbnb tạo ra một làn sóng cho thuê nhà bất hợp pháp, gây khó khăn cho các khách sạn truyền thống, đồng thời thất thoát tiền thuế của nhà nước. Trước áp lực đó, Airbnb đã gỡ bỏ 3.000 địa điểm bị cho là bất hợp pháp trong tổng số 44.622 căn hộ cho thuê trên trang web của Công ty ở New York. Ở Đức, Airbnb có thể phải đóng khoản phạt 110.000USD vì vi phạm điều luật nghiêm cấm chủ nhà cho thuê nhiều hơn 50% diện tích căn hộ của họ trong thời gian dưới 2 tháng.

Trong lịch sử phát triển kinh tế, bất cứ điều mới mẻ nào xuất hiện cũng có thể gây tổn thương đến những thành phần kinh tế đang có, và phải trải qua một "cuộc chiến" mới có thể phát triển (hoặc bị loại trừ). Ngay chính ngành taxi cũng phải trải qua một cuộc cách mạng khi những năm 1900, các chính phủ không có cơ chế quản lý nào, người dùng phải chấp nhận bất cứ mức giá nào mà tài xế đưa ra, không phụ thuộc vào quãng đường hay chất lượng phục vụ.

Tình trạng này chỉ chấm dứt vào năm 1907, khi doanh nhân người Mỹ Harry N. Allen mua 65 chiếc Darracq để thành lập đội xe taxi của riêng mình và tính giá theo quãng đường. Vào thế kỷ XX, một điều luật của bang Pennsylvania (Mỹ) ra đời buộc người lái phải kéo chiếc xe hơi của họ ra khỏi đường và che lại để xe ngựa đi qua.

Điều luật này nhằm kìm hãm ô tô - một sản phẩm công nghệ mới ra đời và thu hẹp doanh thu của các chủ xe ngựa. Đó là những ví dụ điển hình cản trở sự phát triển của cái mới. Nhưng rồi kết cục, cái mới, cái ưu việt đã thắng.

Và ngày nay, rồi kinh tế chia sẻ sẽ thắng.

>>Mô hình "kinh tế chia sẻ”: Bén rễ ở Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế chia sẻ: Thay đổi sự vận hành kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO