Đặt phòng giờ chót

22/07/2014 07:22

In2nite và HotelQuickly là hai dịch vụ đặt phòng giờ chót trên di động vừa được rót một lượng vốn khá lớn để mở rộng tại Việt Nam.

Đặt phòng giờ chót

In2nite và HotelQuickly là hai dịch vụ đặt phòng giờ chót trên di động vừa được rót một lượng vốn khá lớn để mở rộng tại Việt Nam. Cụ thể, In2nite (Singapore) đã nhận thêm 2,8 triệu USD từ quỹ IDG Ventures và một số nhà đầu tư khác hồi tháng 4 năm nay; còn HotelQuickly (Hồng Kông) cũng vừa được tập đoàn GREE của Nhật rót thêm 4,5 triệu USD.

OTA kiểu mới đang “vô tình” tạo cho khách lưu trú một thói quen đặt phòng bất lợi cho khách sạn.

Tuy nhiên, tiền không phải là vấn đề đáng chú ý nhất. In2nite và HotelQuickly chính là những đại diện của mô hình đặt chỗ khách sạn trên di động ngay trong ngày, một xu hướng công nghệ có thể gọi là mới tại Việt Nam.

Về bản chất, In2nite hay HotelQuickly vẫn hoạt động theo mô hình của các dịch vụ đặt phòng trực tuyến (Online Travel Agent – OTA), vốn đã bắt đầu quen thuộc với người dùng tại Việt Nam.

Có thể kể đến như Agoda, một OTA rất mạnh ở châu Á và đang hợp tác với hơn 4.000 khách sạn tại Việt Nam; hay iVivu.com được đầu tư bởi Tập đoàn Thiên Minh, đang liên kết với 2.500 khách sạn tại Việt Nam và 30.000 khách sạn trên khắp thế giới.

Có thể được xem là OTA, nhưng In2nite và HotelQuickly cho phép người dùng đặt và nhận phòng trong thời gian rất nhanh, có thể chỉ trong 30-45 phút; và với mức giá tốt hơn cả những gì các OTA truyền thống đang cung cấp. Sao họ có thể làm được như vậy?

Trong lĩnh vực khách sạn, để trống phòng một ngày có nghĩa là ngày doanh thu từ căn phòng đó sẽ mất đi mà không bù lại được. Vì vậy, các khách sạn đều tổ chức nhiều kênh bán hoặc đặt phòng với nhiều mức chiết khấu để giảm tối thiểu số phòng trống mỗi tối.

Trước đây, mức chiết khấu sẽ được khách sạn giảm dần cho từng nhóm đối tượng sau: OTA truyền thống, hãng du lịch lữ hành, khách doanh nghiệp, khách cá nhân đặt phòng trên website của khách sạn và cuối cùng là khách vãng lai.

Lý do các OTA truyền thống thường nhận được mức giá ưu đãi nhất từ khách sạn là bởi vì những đơn vị này có thể đem về nguồn khách số lượng lớn và thường xuyên.

Tại Mỹ, OTA đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị phần đặt phòng từ năm 2011 sau khi vượt qua các công ty du lịch bản địa. Theo thống kê của Euromonitor International, đặt phòng trực tuyến tại Mỹ cách đây 3 năm đã chiếm 35% tổng số phòng bán ra, còn tại Úc là khoảng 20%.

Trong khi đó, lý do mà những OTA thế hệ mới như In2nite hay HotelQuickly được hưởng mức chiết khấu tốt hơn cả OTA truyền thống là bởi vì họ cho phép khách sạn lấp đầy hơn nữa số phòng trống mỗi đêm.

Hãy tưởng tượng giống như những người tiểu thương giảm giá tối đa để bán hết hàng tươi sống trước khi phiên chợ kết thúc. Theo HotelQuickly, đơn vị này có thể cung cấp mức giá trung bình thấp hơn 28% so với các OTA truyền thống.

Có thể nói, In2nite và HotelQuickly đang trở thành những đối thủ mới đáng chú ý ở lĩnh vực kinh doanh đặt phòng trực tuyến. Tuy nhiên, so với các OTA truyền thống, những OTA thế hệ mới có một số điểm yếu vì chỉ tập trung vào đối tượng là người cần đặt phòng ngay trong ngày.

Theo đó, cả In2nite lẫn HotelQuickly đều chỉ cho phép khoảng thời gian người dùng đặt và nhận phòng tối đa trong vòng 1-2 ngày. Trong khi đó, các OTA truyền thống thoải mái hơn về vấn đề này.

Ví dụ như Agoda cho phép người dùng đặt chỗ trước tại khách sạn đến tận 1 năm. Ngoài ra, khách đặt phòng qua In2nite và HotelQuickly cũng không được chọn loại phòng.

Trước mắt, lợi thế được xem là đáng kể nhất của dịch vụ đặt phòng trong ngày chính là mức giá tốt và ứng dụng trên di động khá tiện lợi của họ. Ví dụ như HotelQuickly, người dùng chỉ cần xác định vị trí mình đang đứng, thời gian nhận phòng và lưu trú, ứng dụng di động này sẽ tìm kiếm và đề xuất các khách sạn trong khu vực có mức giá và chất lượng tốt nhất.

Tại Việt Nam, OTA đặt phòng trong ngày và OTA truyền thống đang bổ khuyết cho nhau và mang lại giá trị cho cả người dùng lẫn ngành khách sạn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm vận hành sẵn có, các OTA truyền thống vẫn có thể lấn sân sang “lãnh địa” đặt phòng trong ngày và thương lượng được mức chiết khấu tương xứng; hoặc đơn giản hơn là mua lại các OTA đặt phòng trong ngày để mở rộng phạm vi phục vụ.

Cạnh tranh thế nào đi nữa, chắc chắn người hưởng lợi cuối cùng vẫn là khách hàng. Nhưng với mô hình hoạt động như hiện tại, có ý kiến e ngại rằng các OTA kiểu mới đang “vô tình” tạo cho khách lưu trú một thói quen đặt phòng bất lợi cho khách sạn.

“Đối với các OTA thông thường, mức chiết khấu đã được hai bên tính toán hợp lý dựa trên lượng khách mà họ có thể đem lại cho khách sạn. Còn với OTA đặt phòng sát giờ, họ sẽ được hưởng chiết khấu tốt hơn nữa vì giúp bán được thêm phòng mỗi tối cho khách có nhu cầu đột xuất.

Nhưng liệu có khả năng khách đã lên kế hoạch sẽ lưu trú ở một khách sạn nào đó từ trước, nhưng đợi đến sát giờ mới đặt để hưởng giá thấp nhất hay không? Chúng tôi không can thiệp được, nên đơn vị vận hành ứng dụng cần xem xét tránh để điều đó xảy ra vì sẽ ảnh hưởng đến doanh thu lâu dài của khách sạn”, Giám đốc Điều hành một khách sạn 4 sao tại TP. HCM (không tiện nêu tên) đề xuất.

>Dịch vụ đặt phòng trực tuyến tăng trưởng mạnh
>Cơ hội cho các dịch vụ đặt phòng khách sạn trực tuyến
>
Kinh doanh đặt phòng trực tuyến: Chưa dễ ăn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đặt phòng giờ chót
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO