Canh bạc của Google - Điện toán đám mây

17/05/2016 03:51

Năm ngoái Google mới chỉ kiếm được 500 triệu USD doanh thu từ mảng đám mây, so với 1,1 tỉ USD của Microsoft và gần 8 tỉ USD của Amazon.

Canh bạc của Google - Điện toán đám mây

Năm ngoái Google mới chỉ kiếm được 500 triệu USD doanh thu từ mảng đám mây, so với 1,1 tỉ USD của Microsoft và gần 8 tỉ USD của Amazon.

Cuối tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Eric Schmidt của Alphabet Inc., công ty mẹ của Google, đã đứng trước hàng ngàn nhà phát triển trong lĩnh vực điện toán đám mây và “thuyết giảng” suốt 20 phút về những thế mạnh của bộ phận phần mềm nội bộ tại Google, trình bày tại sao các sản phẩm của Công ty phải được nhìn nhận lại. Điều này cho thấy mảng điện toán đám mây của Google vẫn bị “ghẻ lạnh” bởi các khách hàng doanh nghiệp.

Mặc dù Google đã tạo ra nhiều công cụ phân tích dữ liệu và phần mềm cơ bản trong lĩnh vực đám mây ngay từ những năm 1990 (chỉ để phục vụ cho nhu cầu sử dụng trong nội bộ), nhưng Amazon lại là công ty đầu tiên thương mại hóa chúng cách đây 10 năm với sự ra đời của Amazon Web Services, một dịch vụ cho phép các công ty khác thuê “kho chứa dữ liệu trên mây” thay vì phải bỏ ra số tiền khổng lồ đầu tư hạ tầng công nghệ riêng.

Hai năm sau khi Amazon cho ra mắt Amazon Web Services, Google App Engine được tung ra, nhưng lại buộc khách hàng phải để Google trực tiếp quản lý hoạt động sử dụng các tài nguyên máy tính, thay vì cho khách hàng thuê một phần diện tích “kho dữ liệu” như Amazon. “Chúng tôi đã không đưa ra được bàn đạp phù hợp”, Schmidt đã thừa nhận trong hội nghị đám mây diễn ra tại San Francisco vào cuối tháng 3.

Năm ngoái, Google kiếm được 500 triệu USD  từ mảng đám mây trên tổng doanh thu 75 tỉ USD, theo ước tính của Morgan Stanley, so với 1,1 tỉ USD doanh thu điện toán đám mây của Microsoft và xấp xỉ 8 tỉ USD của Amazon. Hãng nghiên cứu Gartner cho rằng thị trường đám mây cho doanh nghiệp trị giá 20 tỉ USD có thể tăng trưởng tới 35% trong năm tới.

Để lật ngược thế cờ, Google đã mời bà Diane Greene về phụ trách mảng điện toán đám mây. Greene là một huyền thoại của Thung lũng Silicon, đồng sáng lập VMware Inc. vào năm 1998 để đưa một công nghệ gọi là ảo hóa vào các trung tâm dữ liệu của hầu hết các công ty lớn. Ảo hóa cho phép một máy tính làm được công việc của nhiều máy tính, một yếu tố quan trọng giúp dịch vụ Amazon Web Services trở nên khả thi.

Google kỳ vọng “huyền thoại thung lũng Silicon” Diane Greene có thể giúp Công ty lật ngược thế cờ trên thị trường đám mây - Ảnh: Business Insider

Những nhà quản lý trước đây tại VMware đều nhận xét ở Greene có sự nhạy bén về công nghệ, kỹ thuật mà ít ai bì được. Chính bà đã dẫn dắt VMware trong suốt thương vụ bán công ty cho Tập đoàn EMC cũng như đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng diễn ra sau đó (năm 2007). Gần đây hơn, Greene đã thành lập startup về phần mềm doanh nghiệp Bebop, được Google mua lại vào cuối năm ngoái với giá 380 triệu USD.

Liệu “át chủ bài” Diane Greene có giúp Google giành miếng bánh lớn hơn trên thị trường đám mây khi thế trận đang bất lợi cho Công ty? Có thể thấy, sau khi ra mắt App Engine không thành công, vào năm 2012, Công ty đã trình làng Google Compute Engine, giống nhiều hơn với dịch vụ của Amazon. Tuy nhiên, Google vẫn chậm chạp trong việc đưa sản phẩm này đến với các khách hàng tiềm năng. Greene cho rằng điều đó đang thay đổi.

Bà đang tuyển dụng nhiều nhân viên bán hàng hơn. Theo một nguồn tin thân cận với vụ việc, đội ngũ kinh doanh trong bộ phận đám mây West Coast đã tăng gần gấp đôi lên 50 người. Bà cũng yêu cầu nhân viên phải làm việc chặt chẽ với nhau hơn và trao đổi với khách hàng thường xuyên hơn, trong đó có việc thành lập một đội ngũ gặp gỡ khách hàng trực tiếp. Mục đích là đảm bảo Google phát triển những sản phẩm đúng với nhu cầu của khách hàng. Điều này là bình thường đối với các công ty truyền thống như Salesforce.com và Oracle Corp. nhưng lại là cuộc chơi mới đối với Google, xưa nay chuyên về các sản phẩm Web “tự phục vụ”.

Gần đây, Google cho biết dự định mở 12 “khu” đám mây mới trên khắp thế giới trong vòng 18 tháng tới, mỗi khu bao gồm ít nhất một trung tâm dữ liệu. Hiện tại, Google đã có 4 và với số lượng mới tăng thêm sẽ đưa mạng lưới của Công ty gần như ngang bằng với Amazon, vốn có 12 trung tâm dữ liệu và thêm 5 cái nữa dự kiến sẽ được xây dựng. Theo chuyên gia phân tích Lydia Leong của Gartner, Google cần ít nhất số lượng như vậy mới có thể cạnh tranh được.

Greene đang ra sức đưa nhiều đặc tính mà doanh nghiệp mong đợi vào nền tảng đám mây của Google, đặc biệt là các công cụ hỗ trợ như công cụ kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật và thiết lập bảo vệ thông tin riêng tư tiên tiến. Greene cho biết những nâng cấp tiếp theo của bà sẽ tập trung vào lĩnh vực phân tích dữ liệu và học máy.

“Cách đây 2 năm, vấn đề khó khăn là: Làm thế nào tôi có thể lưu trữ tất cả những dữ liệu này mà không phải cháy túi? Nhưng giờ câu hỏi là: Làm thế nào tôi có thể tìm những thông tin quá chi tiết trong hàng hà vô số dữ liệu ”, Greg DeMichillie, điều hành bộ phận quản lý sản phẩm đám mây cho Greene, nhận xét. Đó là vấn đề mà Greene đã quá quen thuộc từ thời điều hành VMware, nơi bà đã hỗ trợ phát triển và bán phần mềm ảo hóa của Công ty.

Google cũng đang chi nhiều tiền hơn vào marketing để cạnh tranh với các đối thủ đám mây tập trung vào đối tượng doanh nghiệp như Microsoft. Greene cũng tuyển dụng thêm các nhân viên marketing, trong đó có Giám đốc Marketing.

Việc tăng cường đầu tư vào cả mảng bán hàng và marketing là một tin tốt cho các đối tác của Google, vì họ sẽ có thể bán nhiều sản phẩm hơn nếu khách hàng trở nên quen thuộc với sản phẩm đám mây của hãng công nghệ này. Năm nay, Greene đã đến dự một cuộc họp mặt khách hàng rất quan trọng với SADA Systems, một đối tác lớn của Google. Đây là lần đầu tiên trong 9 năm qua một nhà điều hành cấp cao của Google đến tham dự một cuộc họp mặt khách hàng, theo Tổng Giám đốc Tony Safoian của SADA.

Google cũng tăng trường hỗ trợ cho những doanh nghiệp xây dựng, phát triển các sản phẩm làm việc “ăn ý” với nền tảng đám mây của Google như startup Avere Systems Inc. “Các nhân viên bán hàng của chúng tôi làm việc sát cánh với nhân viên bán hàng của Google”, Tổng Giám đốc Ronald Bianchini của Avere, cho biết.

Không chỉ vậy, Greene đã đến nói chuyện với các đối thủ lớn như SAP, Microsoft và Oracle, để đưa nhiều sản phẩm hơn của các công ty này vào đám mây của Google. Đây là điều phải có đối với một số công ty lớn, vì họ cần những gói phần mềm được “đóng gói” trước từ những nhà cung cấp này để điều hành doanh nghiệp. Hiện không có sản phẩm nào của Oracle hay SAP có mặt trên nền tảng đám mây của Google. Microsoft và Oracle từ chối bình luận trong khi SAP thừa nhận đã có những cuộc nói chuyện ban đầu với Google.

Kinh nghiệm của Greene có thể sẽ giúp bà giải được thách thức lớn nhất và bất ngờ nhất của Google: công nghệ của nó quá tiên tiến. Chính vì các hệ thống nội bộ mạnh của Google làm việc một cách quá sâu, quá rạch ròi, khác biệt đã khiến cho việc bán sản phẩm trở nên khó khăn.

Nỗ lực đầu tiên của Google trong mảng đám mây là App Engine cho phép doanh nghiệp chỉ cần tải lên mã phần mềm và Google sẽ xử lý mọi công việc còn lại. Đó là một tầm nhìn trong tương lai xa, nhưng hiện tại khách hàng không muốn thuê những dịch vụ “làm thay tất cả” như thế. Thay vào đó, doanh nghiệp đổ xô tìm đến các sản phẩm linh hoạt hơn và ít tiên tiến hơn của Amazon. Nói cách khác, vấn đề của Google là làm sao đưa sản phẩm về cùng “tần số” với khách hàng.

Theo Carl Brooks, chuyên gia phân tích tại nhà nghiên cứu thị trường 451 Group, Google sẽ cần phải kiên trì chứng minh cho doanh nghiệp thấy rằng các sản phẩm đám mây của Công ty hoàn toàn ngang tài ngang sức với các sản phẩm của Amazon hay Microsoft. Brooks nhận xét: “Họ (Google) là công nghệ xa lạ so với cách mà hầu hết các doanh nghiệp đang điều hành các trung tâm dữ liệu của mình. Họ có thể là công ty trong lĩnh vực đám mây tiên tiến nhất hành tinh này, nhưng điều đó thì đã sao!”, ông nhấn mạnh.

>Alibaba đầu tư 1 tỷ USD tấn công thị trường đám mây

>Google sẽ kiếm bộn tiền từ dịch vụ đám mây

>IBM đặt mục tiêu 40 tỷ USD vào đám mây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Canh bạc của Google - Điện toán đám mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO