Xuất khẩu thủy sản “khát” nguyên liệu

DNSG| 08/09/2010 08:46

Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra gặp khó nhất, và tình hình có thể kéo dài đến hết năm nay.

Xuất khẩu thủy sản “khát” nguyên liệu

Xuất khẩu thủy sản “khát” nguyên liệu

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, hiện đang là thời điểm căng thẳng của ngành thủy sản vì thiếu nguyên liệu. Trong khi giải pháp nhập khẩu nguyên liệu lại đang vướng Thông tư 25 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành với nhiều điều khoản siết chặt chất lượng hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Theo ông Nam, hiện có khoảng 100 doanh nghiệp đang vướng Thông tư này. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực là tôm, cá tra gặp khó nhất, và tình hình có thể kéo dài đến hết năm nay. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá cá tra nguyên liệu tháng 8 ở ĐBSCL đã giảm 1,2% so với tháng Bảy và dao động ở mức 16.000 đồng/kg. Nhưng giá thành cũng đã lên tới 15.500 - 16.000 đồng/kg, người nuôi với quy mô nhỏ đa phần thua lỗ.

Tại một số địa phương như An Giang, giá cá tra nguyên liệu bán tại nơi nuôi chỉ ở mức 15.300 - 15.500 đồng/kg, nên người nuôi không muốn đầu tư và mở rộng diện tích. Tại Bạc Liêu, địa phương có hơn 124.000 ha nuôi thủy sản, trong đó có 10.000ha tôm, sản lượng hằng năm đạt khoảng 80.000 tấn.

Thế nhưng, theo ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trong năm 2010, do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ chính sản xuất tôm của tỉnh bắt đầu trễ. Thêm vào đó, số diện tích tôm nuôi theo mô hình quảng canh bị thiệt hại nặng do nắng nóng kéo dài, thiếu nước... nên sản lượng tôm không đủ đáp ứng cho thị trường. Hiện tại, để có nguyên liệu sản xuất, các doanh nghiệp thủy sản tại Bạc Liêu phải tự tìm nguồn nguyên liệu, kể cả nhập nguyên liệu tôm từ nước ngoài.

H. Phong

Dự án FDI trên 1 tỷ USD phải báo cáo

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) mới yêu cầu các địa phương và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo về tình hình triển khai hoạt động trước ngày 10/9. Theo đó, các doanh nghiệp có dự án đầu tư với số vốn đăng ký trên 1 tỷ USD, dự án đất đô thị trên 5ha, các dự án bất động sản khác có diện tích trên 50ha, dự án khai thác chế biến khoáng sản... đều nằm trong diện phải báo cáo tiến độ triển khai thực hiện dự án, góp vốn, tình hình lao động, môi trường...

Yêu cầu này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong bối cảnh đa số các dự án lớn đều triển khai chậm. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong số 100 dự án đầu tư lớn nhất, hiện có 16 dự án có số vốn trên 1 tỷ USD. Dự án có số vốn đăng ký lớn nhất hiện nay (7,87 tỷ USD) thuộc về Tập đoàn Formosa (Đài Loan) sản xuất xi măng, thép và xây dựng cảng tại Hà Tĩnh.

Hải Anh

Ấn Độ dẫn đầu về kinh doanh dược tại Việt Nam


Theo ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong tổng số 545 doanh nghiệp nước ngoài được cấp phép hoạt động về ngành dược tại Việt Nam có đến 128 doanh nghiệp Ấn Độ, chiếm khoảng 23,5%, nhưng chủ yếu kinh doanh thuốc chứ chưa đầu tư vào sản xuất thuốc.

Doanh nghiệp nước này hiện cũng đứng đầu về số đăng ký thuốc lưu hành còn hiệu lực: trên 4.500, chiếm 37,8%, vượt xa quốc gia đứng thứ hai là Hàn Quốc. Ông Quang cho biết, chỉ có một doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất dược là Công ty Ranbaxy Việt Nam, nhưng nhà máy này cũng đã được bán lại cho Công ty TNHH Dược phẩm ICA nên cũng không còn là nhà máy của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từ Ấn Độ nữa.

Một điểm đáng quan tâm là thuốc của Ấn Độ tại Việt Nam hiện dẫn đầu về vi phạm chất lượng, chiếm 50 - 80% trong số thuốc nhập khẩu vi phạm chất lượng, vi phạm các quy định về quản lý thông tin, quảng cáo thuốc, giá thuốc và sở hữu trí tuệ. Trong số 47 lô thuốc nhập khẩu bị thu hồi năm 2009 thì có đến 37 lô của Ấn Độ. Riêng từ đầu năm đến nay, số lô thuốc bị thu hồi của các doanh nghiệp Ấn Độ chiếm một nửa trong số thuốc bị thu hồi: 5/10 lô.

M.Thu

Nhập khẩu hơn 500 triệu USD sữa bột

Theo Bộ Công Thương, trong tháng Tám, lượng sữa và sản phẩm từ sữa được các doanh nghiệp nhập khẩu về tăng khá mạnh. Nếu như tháng Bảy, các doanh nghiệp chi 62 triệu USD để nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa, thì trong tháng Tám, số tiền đã lên tới 80 triệu USD. Tính chung 8 tháng, lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa lên tới 500 triệu USD.

Bộ Công Thương cũng cho biết, sản lượng sữa bột do các doanh nghiệp trong nước sản xuất trong tháng Tám tăng trưởng mạnh, ước đạt 6,1 ngàn tấn, tăng 31,8% so với tháng Bảy và tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2009. Tính chung 8 tháng, lượng sữa bột sản xuất trong nước ước đạt 35,8 ngàn tấn, tăng 34,2% so với cùng kỳ.

T.Dung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu thủy sản “khát” nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO