Xuất khẩu gạo: Cuộc chơi của những “ông lớn”

Theo TBKTSG| 26/03/2012 01:23

Nghị định 109/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện để được cấp phép xuất khẩu gạo, sau hơn một năm được ban hành, đã cho thấy đây là “sân chơi” không dành cho kẻ... yếu.

Xuất khẩu gạo: Cuộc chơi của những “ông lớn”

Nghị định 109/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện để được cấp phép xuất khẩu gạo, sau hơn một năm được ban hành, đã cho thấy đây là “sân chơi” không dành cho kẻ... yếu. Thật vậy để được cấp phép, doanh nghiệp phải có ít nhất một cơ sở xay xát lúa gạo với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ và có ít nhất một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn theo đúng chuẩn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

"Ông nhỏ" bỏ cuộc

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:

“Mỗi năm sản xuất được bao nhiêu tấn lúa thì Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đều biết hết. Thế nhưng, “mấy ổng” đâu có giải pháp gì để tạm trữ nên tới mùa thu hoạch rộ, nhiều nông dân bán lúa quá, trong khi gạo ở kho thì chưa bán được nên không mua của dân”.

Theo số liệu thống kê được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố, tính đến cuối năm 2011 đầu năm 2012, có 150 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện tham gia xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 so với con số trên 200 doanh nghiệp khi nghị định này chưa ban hành, trong đó có đến 82 giấy phép rơi vào tay các “ông lớn” (doanh nghiệp hội viên của VFA). Điều này cho thấy, Nghị định 109 có tính chất loại trừ rất cao, không phải là sân chơi dành cho kẻ “ốm yếu”.

Ông Phạm Phong Phú, Giám đốc Công ty Lương thực Phú Bình, Đồng Tháp, cho biết với các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) hay các hội viên của VFA thì việc xây dựng một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn hay một nhà máy xay xát 10 tấn/giờ là chuyện quá dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp tư nhân, có nguồn tài chính ít thì để đáp ứng những yêu cầu này là chuyện không dễ chút nào.


Bà Nguyễn Phúc Ánh, Giám đốc Doanh nghiệp Lương thực Tấn Tài III, ở chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết: “Khi Nghị định 109 được ban hành, tôi cũng lên kế hoạch xây kho chứa, nhà máy nhưng rồi không đủ vốn, đành bỏ cuộc”.

Không chỉ doanh nghiệp ít vốn, ngay cả những doanh nghiệp đã từng xuất khẩu mạnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: “Trước giờ, các doanh nghiệp của ta tham gia thị trường theo cách ký hợp đồng trước rồi mới gom hàng về đánh bóng, giao cho phía đối tác, đi ngược lại hoàn toàn so với các nước. Vì vậy, khi Nghị định 109 ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn mà đòi hỏi doanh nghiệp phải có ngay kho lớn, nhà máy lớn thì họ đâu đáp ứng nổi”.

Tiến sĩ Bảnh cho biết thêm, tuy số vốn ban đầu bỏ ra rất lớn, nhưng xét về lâu dài thì việc có kho dự trữ lúa gạo lớn sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu chủ động được nguồn hàng, giữ quyền chủ động trong các cuộc đàm phán hợp đồng.

Thực tế, trong tổng số 150 doanh nghiệp được cấp giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu, chỉ có 66 doanh nghiệp được cấp phép lâu dài (5 năm); có đến 79 doanh nghiệp nhận được giấy chứng nhận tạm thời (1 năm) do kho hàng, nhà máy chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, Bộ Công Thương cùng các ban ngành liên quan đã đồng ý “gia hạn” thời gian thực hiện theo yêu cầu của Nghị định 109 đến ngày 1-10-2012 nhằm giúp các doanh nghiệp “dễ thở” hơn.

Có cớ ép giá?

Lợi ích của việc xây dựng kho tạm trữ là rất rõ. Thế nhưng, trừ việc xây dựng kho chứa và nhà máy đáp ứng yêu cầu của Nghị định 109 thì hầu như không doanh nghiệp nào muốn mở rộng hoặc xây dựng lớn hơn yêu cầu, dù dư khả năng thực hiện. Phải chăng có lý do nào khác?

Theo Tiến sĩ Bảnh, những năm qua Việt Nam cũng có nhiều chính sách đầu tư hệ thống kho tàng, bến bãi, nhà máy phục vụ chế biến, xuất khẩu nhưng đến giờ, các công trình đó vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi. “Kế hoạch xây dựng 4 triệu tấn kho tạm trữ lúa gạo hiện chỉ đạt được 50% (2 triệu tấn) nhưng cũng chưa hoàn chỉnh”, Tiến sĩ Bảnh cho hay.

Còn ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, thì cho rằng “sẽ tiếp tục ì ạch đến hết năm nay”.

Một vị lãnh đạo của ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Nếu doanh nghiệp mạnh tay đầu tư kho chứa lúa, đủ khả năng tồn trữ 18-20 triệu tấn cho cả hai vụ chính thì trong trường hợp xuất khẩu gặp khó khăn, làm sao có “cớ” để ép giá nông dân khi bước vào thu hoạch rộ?”.

Chính tình trạng thiếu kho tạm trữ lúa gạo đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân sản xuất lúa. Tiến sĩ Bảnh dẫn chứng: “Hiện nay, Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan đều nhập lúa vào kho tạm trữ 5-6 tháng, thậm chí một năm sau mới bán, có kế hoạch hẳn hoi. Còn Việt Nam thì nổi tiếng thế giới là bán gạo tươi; mua từ thương lái, đánh bóng xong là bán luôn. Lúc xuất khẩu gặp khó khăn họ lại ép giá nông dân, thực tế hiện mỗi ki lô gam lúa hàng hóa nông dân đã mất hơn 2.000 đồng rồi”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu gạo: Cuộc chơi của những “ông lớn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO