Xuất khẩu cậy nhờ FDI

THANH LONG| 18/10/2013 05:31

Nhìn tổng thể tình hình xuất khẩu 9 tháng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang dẫn đầu. Ngoài lĩnh vực quen thuộc như điện thoại, dệt may..., hiện nay xuất hiện thêm doanh nghiệp FDI ngành gỗ.

Xuất khẩu cậy nhờ FDI

Nhìn tổng thể tình hình xuất khẩu 9 tháng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang dẫn đầu. Ngoài lĩnh vực quen thuộc như điện thoại, dệt may..., hiện nay xuất hiện thêm doanh nghiệp FDI ngành gỗ.

Đọc E-paper

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 96,27 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 96,26 tỷ USD. Như vậy, 9 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước thặng dư hơn 12 triệu USD thay vì thâm hụt 124 triệu USD như ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê.

Cụ thể, kỳ 2 tháng 9 (từ 16 đến 30/9), kim ngạch xuất khẩu đạt 6,25 tỷ USD. Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong kỳ gồm: điện thoại các loại và linh kiện đạt gần 1,35 tỷ USD; hàng dệt, may đạt 870,58 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 496,15 triệu USD...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong kỳ 2 tháng 9 đạt 5,98 tỷ USD. Về khối doanh nghiệp FDI, trong kỳ 2 của tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 4,12 tỷ USD; trong khi nhập khẩu đạt 3,61 tỷ USD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 58,69 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhâp khẩu chỉ là 54,84 tỷ USD. Như vậy, sau 9 tháng khối này xuất siêu 3,85 tỷ USD.

Ngoài những lĩnh vực xuất khẩu quen thuộc như điện thoại, hiện các doanh nghiệp FDI ngành gỗ đang "trỗi dậy". Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ tháng 9 của cả nước đạt trên 305 triệu USD, riêng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đã chiếm đến gần 2/3, tương đương 200 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến nay, ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ thu về trên 2,6 tỷ USD, riêng các doanh nghiệp FDI thu về 1,67 tỷ USD, chiếm trên 64% tổng số.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết trong năm nay ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ phát triển khá tốt so với các năm trước. Sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ từ các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, EU đang tăng lên.

Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí số 1 Đông Nam Á và thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc, đang đón nhận những thay đổi này. Một thuận lợi nữa của ngành chế biến gỗ là khách hàng EU, Mỹ lẫn Nhật đều chuyển từ đặt hàng sản xuất ở Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được cơ hội này. Ông Thanh cho biết, có sự phân hóa khá mạnh giữa các doanh nghiệp trong ngành, nếu như những doanh nghiệp có năng lực chế biến đủ lớn, nhiều nhất là các doanh nghiệp FDI đến từ Đài Loan, Mỹ, Anh... sản xuất hết công xuất vẫn không kịp giao hàng cho đối tác, thì có những đơn vị vẫn sản xuất ì ạch vì đơn đặt hàng quá ít. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Thanh cho rằng, không chỉ có năng lực quản lý, tài chính cao hơn hẳn các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp FDI còn có mạng lưới đối tác là hệ thống phân phối, đại siêu thị ở các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, EU nên họ không mất thời gian tìm hiểu đối tác như các doanh nghiệp trong nước.

Còn theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), gần đây có hiện tượng người nước ngoài đến thuê lại nhà xưởng và kho tàng của các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang gặp khó khăn để sản xuất xuất khẩu, đích đến là các thị trường Mỹ, Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu cậy nhờ FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO