Xa nước, nhớ nghề

ĐÀO XUÂN MINH| 01/09/2010 05:11

Mỗi năm, bà chỉ ở Việt Nam khoảng sáu tháng. Đó là thời gian bà thường bị khàn tiếng vì phải nói quá nhiều qua điện thoại, qua giao dịch trực tiếp với khách hàng.

Xa nước, nhớ nghề

Mỗi năm, bà chỉ ở Việt Nam khoảng sáu tháng. Đó là thời gian bà thường bị khàn tiếng vì phải nói quá nhiều qua điện thoại, qua giao dịch trực tiếp với khách hàng. Sự trù phú của đất Tiền Giang sản sinh nhiều quả ngọt, thế nên công việc của những người nắm giữ vai trò cầu nối giao thương như bà chẳng lúc nào ngơi.

Mang trái ngọt ra Bắc

Cái tên Huỳnh Kim Liêng, chữ “Liên” viết sai chính tả, gắn với bà từ thuở lọt lòng, nhưng hầu như chẳng ai còn nhớ đến cái tên ấy nữa. Người ta gọi bà là Mười Hòa Khánh, chủ hệ thống vựa trái cây lớn nhất nhì các tỉnh miền Tây Nam bộ, bởi bà là người Hòa Khánh, thuộc huyện trái cây nổi tiếng Cái Bè.

Hiện nay, từ xoài, cam, nhãn, chôm chôm, bưởi đến chanh, ổi..., bất cứ trái cây nào có mặt trên thị trường đều được vựa trái cây Mười Hòa Khánh thu mua, phân phối.

Bà là người đầu tiên mang trái cây Nam bộ ra đất Bắc. “Đó là việc khiến tôi tự hào trong suốt mấy mươi năm làm thương lái”, bà Mười nói vậy. Cơ duyên bắt đầu từ việc những thanh niên đất Bắc vào Nam phụ việc cho nhà bà ăn ngon lành cả lớp cùi trắng của những quả cam sành cách đây hơn 20 năm.

“Họ nói với tôi, thứ quả này miền Bắc không có. Điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều” , bà kể. Tìm hiểu thêm thị trường phía Bắc, bà Mười phát hiện còn vô số hoa quả bình thường khác như sầu riêng, cóc, mận... mà người dân ở đầu kia tổ quốc chưa biết đến. Thế là bà liều mình đem trái cây Nam bộ vượt đường xa ra Hà Nội.

Không quen biết ai, bà phải ăn dầm nằm dề, bán rẻ, vừa bán vừa cho, chỉ mong sao có khách hàng ăn thử trái cây của mình. Hai chuyến, bốn chuyến, sáu chuyến... chấp nhận lỗ, đến những chuyến hàng sau, bà bắt đầu có khách quen chờ đón món lạ từ miền Nam.

Từ những mối hàng này, bà dần tìm được thị trường rộng lớn, không chỉ ở phía Bắc. “Lúc đó, làm ăn chẳng biết chú ý đến thương hiệu. Muốn người ta biết đến mình, tôi viết địa chỉ lên các cần xé đựng trái cây để khách hàng có thể tìm đến”, bà tiết lộ.

Cách làm đơn giản ấy không ngờ lại giúp bà tìm được mối hàng tận Trung Quốc. Khách nước ngoài đến tận vựa trái cây của bà ở Tiền Giang đặt hàng, lúc ấy bà mới tin con đường mình đi là đúng.

Thế nhưng thị trường càng rộng, áp lực lại càng cao. Bà cho biết: “Ngày nào cũng phải dò thị trường để điều tiết việc hái quả, vận chuyển. Sơ sẩy một chút là lỗ nặng, đặc biệt là với việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nhiều lần xe giao hàng lên đến tận Lạng Sơn mới biết trái cây đang dội chợ, giá giảm chóng mặt. Lúc đó thương lái chỉ biết cho xe nằm đường chờ đợi, bởi đi hay về đều thiệt”.

Đàn bà vượt cạn

Ba lần mất sạch tiền trên đường giao hàng, trong đó một lần do bất cẩn, hai lần do bị cướp giật, cứ tưởng vựa trái cây Mười Hòa Khánh đã phải đóng cửa. Nhất là sự rủi ấy lại xảy ra trong giai đoạn bà thực hiện thiên chức làm mẹ. Vậy mà khi vừa “ra tháng”, con cứng cáp một chút, bà lại gom vốn, làm lại.

Hơn mười vựa trái cây lớn, chưa kể hệ thống thu mua khắp đồng bằng sông Cửu Long - thành quả mà bà tạo dựng được - hình thành từ khó nhọc như thế.

Ít ai biết bà Mười Hòa Khánh có thể trở thành cô giáo. Bà kể, ngày đó đang học năm thứ hai Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thì kinh tế gia đình suy sụp. Cha mẹ không còn khả năng lo cơm áo hằng ngày, chuyện học hành của bà và các em trở thành gánh nặng. Đành gác mộng bút nghiên, về quê tìm cách giải quyết chuyện nhà, lòng bà đau như cắt.

“Lúc đó tôi nghĩ, tương lai của mình đến đây là chấm dứt, nhưng phải cố gắng để còn chăm lo tương lai cho các em”, bà chia sẻ.

Vay mượn được ít vốn, bà theo chị em bạn mua ít trái cây từ quê mang lên chợ đầu mối Sài Gòn bán. Lấy hàng từ chạng vạng, giao hàng lúc rạng đông, những ngày đầu, phải cố gắng lắm cô sinh viên Huỳnh Kim Liêng mới quen được với việc thức đêm, ngủ ngày, ngủ vạ vật trên những chuyến xe. Nhưng đó không phải là khó khăn lớn nhất.

“Bạn nghề tối kỵ nhất là dẫn người mới theo đến các đầu mối thu mua”, bà tiết lộ. Thương hoàn cảnh khó khăn, bạn bà đã không ngại vi phạm quy tắc bất thành văn ấy, đưa bà đi giới thiệu. Vậy là cả hai cùng bị ghét.

Lẳng lặng làm việc mình, thật thà với đầu mối, dần dà bà không chỉ tìm được chỗ đứng trên thương trường, mà còn tạo dựng được quan hệ với bạn nghề. Bà nói: “Buôn có bạn, bán có phường. Dù cạnh tranh đến mấy thì người trong nghề cũng phải nương nhau mà sống”.

Có được đầu mối tiêu thụ mà không phát triển khâu thu mua thì sẽ mất tác dụng. Đi sâu vào tận vườn bằng mọi phương tiện, từ xe ôm, chèo xuồng đến lội bộ, bà tiếp xúc với người trồng cây ăn trái để nắm được nguồn cung.

Bà kể, dự định nối nghiệp mẹ, tiếp quản mối lái bà xây dựng nên con gái bà, tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ở Úc, về nước đã thử đảm nhận công việc của bà trong vòng một tháng, nhưng cuối cùng phải “đầu hàng” vì không chịu được áp lực và khối lượng công việc quá lớn. “Chẳng có trường lớp nào đào tạo thương lái đâu, phải tự học, tự thích ứng mới bám trụ được với nghề”, bà khẳng định.

Xây dựng hệ thống “lái con”

Từ Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre đến Tây Ninh, Đồng Nai..., địa phương nào cũng có vựa thu mua trái cây mang tên Mười Hòa Khánh. Mỗi vựa ấy bán ra 50, 70 tấn trái cây mỗi ngày là chuyện bình thường.

Chung một cái tên nhưng mỗi vựa lại có cách làm ăn riêng, bởi hình thức kinh doanh của bà Mười là giao khoán. Bà mở vựa, ấn định vốn và tuyển nhân viên, rồi cho người thân, là anh, em chồng, cháu ruột... quản lý.

Mỗi mắt xích trong chuỗi vựa trái cây của bà Mười hoạt động độc lập với quyền tự thu, tự chi, mỗi mùa kết sổ một lần. Cuối năm, tổng kết sổ sách, trừ hết các khoản chi, bà buộc họ phải đảm bảo còn nguyên vốn, lợi nhuận thì chia đôi. Chủ vựa nào cần đầu tư, bà sẵn lòng cấp thêm tiền. Nhờ cách quản lý thông thoáng này mà các “thương lái con” của bà lúc nào cũng cố gắng để làm tốt công việc, bởi họ trực tiếp hưởng thành quả lao động của mình.

Bà Liêng chia sẻ: “Biết tôi kỹ tính nên các chủ vựa trái cây trong hệ thống đều chú trọng việc lưu trữ sổ sách. Nhờ sự rõ ràng trong thu, chi mà hoạt động của từng vựa ngày một tốt hơn”.

Bà cho biết thêm, sự thiếu chặt chẽ trong ghi chép thu, chi chính là hạn chế lớn nhất của những thương lái nhỏ hiện nay. Họ tin vào trí nhớ hơn là cách làm việc khoa học, dẫn đến việc lạm chi. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dễ dẫn đến việc mượn vốn, co đầu này, đắp đầu kia, rồi biến mình thành con nợ lúc nào không hay.

Tuổi ngày một cao, sức khỏe không còn cho phép bà theo riết nghề như trước, nhưng sự say mê luôn đẩy bà đi về phía trước. Lo lắng cho sức khỏe của mẹ, ba người con của bà, đều là tiến sĩ, thạc sĩ, hiện đang định cư tại Úc, nài ép cha mẹ mình sang đó nghỉ ngơi.

Chiều lòng con, bà buông nửa thời gian kiếm tiền, giao việc cho nhân viên, thảnh thơi cùng con cháu ở xứ người. Mail, web... lại trở thành công cụ giúp bà điều hành, quản lý, dù trước đây bà chẳng biết chút gì về tin học.

Có công nghệ hiện đại hỗ trợ, vậy mà mỗi bận về đến quê nhà, bà lại đi từ vùng này đến miền khác, vừa tìm nguồn thu mua, vừa tìm thị trường mới. “Cái dòng kinh doanh, dừng lại một ngày là thấy mình mất mát”, bà nói như thể đó chính là lý do khiến mình luôn tất bật.

Những tháng ngày lam lũ, cực nhọc của thời xa xưa đã trui rèn nên một bà Mười Hòa Khánh chịu thương, chịu khó ngay cả khi sống trong giàu sang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xa nước, nhớ nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO