Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Pháp

13/07/2012 08:25

Theo bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Pháp.

Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Pháp

Theo bà Marie-Cécile Tardieu-Smith, Tham tán kinh tế, Trưởng đại diện Cơ quan Kinh tế Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Việt Nam thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Pháp.Nhân dịp Quốc khánh Cộng hòa Pháp (14/7), bà Marie-Cécile Tardieu-Smith có cuộc trao đổi với báo chí:

* Bà đánh giá thế nào về quan hệ thương mại song phương Pháp - Việt Nam thời gian qua? 

- Từ năm 2010 đến năm 2011, kim ngạch thương mại song phương Pháp - Việt Nam đã tăng ấn tượng 25%, đạt mức 2,7 tỷ USD trong năm 2011. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Pháp sang Việt Nam tăng 9,5%, từ mức 686 triệu USD vào năm 2010 lên 751 triệu USD vào năm 2011.

Kim ngạch nhập khẩu của Pháp từ Việt Nam tăng 34%, từ mức 1,44 tỷ USD năm 2010 lên 1,93 tỷ USD năm 2011, với mặt hàng chính là hàng tiêu dùng, như giày dép, quần áo, đồ gỗ và đồ trang sức.

Về đầu tư, Pháp có nhiều loại dự án tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dược phẩm, năng lượng, hàng tiêu dùng, ngân hàng và bảo hiểm.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Pháp cũng có dự án đầu tư vào các lĩnh vực khác, như cơ sở hạ tầng, vệ sinh, bảo vệ môi trường và giao thông - vận tải.

* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2012, Pháp là nhà đầu tư lớn thứ 15 tại Việt Nam, với 352 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD. Vì sao Pháp không nằm trong số các nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam?

- Hiện Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu ổn định giá trị đồng nội tệ và nền kinh tế vĩ mô một cách có hiệu quả, nhằm khôi phục lòng tin của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có một môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch và ổn định cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Kết cấu hạ tầng yếu cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam khi muốn thu hút thêm các doanh nghiệp và nhà đầu tư Pháp. Nếu muốn trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, nút thắt này cần phải được giải quyết. Pháp cũng đang cung cấp ODA cho Việt Nam thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần dỡ bỏ các rào cản với các doanh nghiệp nước ngoài, như Nghị định 46/2011/NĐ-CP về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính và một số loại thuế nhập khẩu.

Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ vượt qua được các thách thức trên và thị trường Việt Nam, về dài hạn, vẫn rất hấp dẫn các doanh nghiệp Pháp.

* Có sự thay đổi nào trong mối quan tâm của các doanh nghiệp Pháp đối với thị trường Việt Nam thời gian qua, thưa bà?

- Số lượng doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư đã và đang tăng. Doanh nghiệp Pháp cũng quan tâm hơn tới các dự án hàng tiêu dùng tại Việt Nam.

Nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh đang nổi lên từ lĩnh vực này, vì Việt Nam hiện có nhiều hệ thống phân phối mới và hoạt động nhượng quyền thương mại ngày càng gia tăng.

Một số ngành công nghiệp khác tại Việt Nam như du lịch, y tế và thiết bị bệnh viện, viễn thông và công nghệ mới cũng đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Pháp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO