Việt Nam cần đẩy mạnh phòng vệ thương mại

15/03/2014 07:41

Ngày 14/3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức hội thảo “Ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Việt Nam cần đẩy mạnh phòng vệ thương mại

Ngày 14/3, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp với dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức hội thảo “Ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại”.

Theo các chuyên gia của Cục Quản lý cạnh tranh, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh thuế và tự vệ). Tính đến đầu năm 2014, tổng cộng đã có 73 vụ kiện của nước ngoài đối với DN Việt Nam, trong đó có 43 vụ kiện chống phá giá.

Các vụ kiện này gây nhiều thiệt hại cho DN như chi phí theo đuổi vụ kiện cao; năng lực cạnh tranh giảm; kim ngạch xuất khẩu giảm; nguy cơ mất thị trường; khó chuyển sang thị trường mới... Ngoài ra, một khi bị một nước/khu vực áp thuế với thời hạn 5 năm, nếu tính thêm thời gian gia hạn áp thuế, DN sẽ rất khó có cơ hội quay lại thị trường nước/khu vực đó. Bị ảnh hưởng nhiều nhất là các DN sản xuất những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, cá ba sa, tôm, da giày...

Các chuyên gia nhận định khi bị kiện phòng vệ thương mại, DN Việt Nam vẫn còn bị động vì nhiều nguyên nhân: Không cập nhật thông tin; không có luật sư riêng; có tâm lý né tránh, không tham gia hoặc tham gia thiếu tích cực vào công tác kháng kiện... Để dễ so sánh, luật sư Kim Sungtae của Hàn Quốc cho biết hầu hết các công ty của nước này đều có chiến lược rõ ràng về phòng vệ thương mại qua việc thành lập và tổ chức các nhóm chuyên viên về tranh chấp thương mại có năng lực chuyên môn cao. Khi cần, DN xuất khẩu Hàn Quốc sẽ chủ động tham gia điều tra tranh chấp thương mại.

Đáng chú ý là ở chiều ngược lại, DN trong nước chưa sử dụng một cách phổ biến các biện pháp phòng vệ thương mại để tăng khả năng cạnh tranh tại “sân nhà” trước các DN nước ngoài. Cả 3 pháp lệnh về phòng vệ thương mại của nước ta có hiệu lực từ hơn 9 năm nhưng Việt Nam mới chỉ chính thức điều tra... 3 vụ việc và điều tra tiền tố tụng 9 vụ khác. Để cải thiện tình hình, Bộ Công thương đã tăng cường phổ biến thông tin cho DN về phòng vệ thương mại, lập hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống phá giá trực tuyến (canhbaosom.vn) và sẵn sàng hỗ trợ trong quá trình kháng kiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam cần đẩy mạnh phòng vệ thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO