Vì sao doanh nghiệp sợ... thuế ?

15/11/2013 05:41

Câu hỏi này không dễ trả lời nhưng chỉ có điều, cứ sau mỗi lần đối thoại về chính sách thuế, các DN lại càng thêm... lo lắng.

Vì sao doanh nghiệp sợ... thuế ?

Câu hỏi này không dễ trả lời nhưng chỉ có điều, cứ sau mỗi lần đối thoại về chính sách thuế, các DN lại càng thêm... lo lắng.

Thường ngày, DN thường e ngại khi gặp cán bộ thuế, hải quan, nhưng tại 2 cuộc đối thoại chính sách thuế và hải quan tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM, nhiều đơn vị xưng danh để “tố khổ” với lãnh đạo Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) về việc bị cơ quan thuế “hành”; hải quan nhũng nhiễu...

Hoàn thuế vướng khắp nơi

Ngay đến “đại gia” như Vinamilk cũng vướng về hoàn thuế. Đại diện của Vinamilk thắc mắc DN không được hoàn thuế GTGT theo Thông tư 06 với dự án nhà máy sữa bột tại Bình Dương có tổng đầu tư trên 2.000 tỉ đồng.

“Tính từ thời điểm công ty gửi văn bản thắc mắc là tháng 9/2012 đến 22/5/2013 mới có công văn trả lời của Cục Thuế TP và đến nay vẫn chưa giải quyết được”.

Trường hợp của công ty TNHH SXTM công nghiệp A.V.A.L lại liên quan đến truy thu GTGT.

Theo đại diện công ty, họ bị Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra và bị truy thu thêm 5% thuế GTGT ngoài 5% đã đóng trước đó về mặt hàng thuốc diệt côn trùng trong khi các DN kinh doanh cùng loại sản phẩm không bị thanh tra nên vẫn được hưởng mức GTGT 5%.

Còn ông Nguyễn Cảnh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Trà cho biết, giai đoạn năm 2006-2010, mặt hàng ô tô tải tự đổ đã bị áp mã thuế tùy tiện, lúc thì 10%, lúc thì 20%.

Để xóa bỏ sự bất hợp lý này, đối với những xe đã nộp thuế khác nhau giai đoạn từ năm 2007 trở về trước, Bộ Tài chính không truy thu, truy hoàn thuế. Lý do là bởi DN đã bán hết xe, đã quyết toán thuế và người mua xe cũng đã đưa xe vào sử dụng, đã trích khấu hao tài sản cố định, đưa vào công trình...

Tuy nhiên, từ 1/1/2008 đến 21/12/2009, Bộ Tài chính lại quyết định truy hoàn thuế 10% cho những trường hợp ô tô tải tự đổ đã nộp thuế nhâp khẩu 20%. Không may mắn cho công ty Hoàng Trà, đúng năm 2006-2007, thời gian không được truy hoàn thuế thì công ty lại có nhiều lô hàng nhập khẩu với mức thuế suất cao 20%.

Còn thời điểm 2008, năm mà các DN được truy hoàn thuế 10% thì Cty lại không được hoàn thuế. Ngược lại, năm 2012, Cty này còn bị truy thu thuế lên tới 8,4 tỷ đồng cho lô hàng giai đoạn năm 2007-2010.

Nhưng kiến nghị chạy vòng quanh

“Ba năm liền tôi kiến nghị liên tục, vẫn không được giải quyết cùng vấn đề cũ. Chúng tôi gửi công văn kiến nghị lên Bộ Tài chính thì không được giải quyết, gửi lên Chính phủ thì Chính phủ trả về Bộ Tài chính, hỏi lại Bộ Tài chính thì Bộ bảo trước đã trả lời rồi”, ông Nguyễn Cảnh Tuấn ngao ngán kể.

Không chỉ bức xúc chuyện thuế, đại diện công ty A.V.A.L còn "tố" cách xử lý đơn kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền. “Công ty đã nhiều lần làm tờ trình gửi các cơ quan Bộ Tài chính, Bộ này lại chuyển cho Tổng cục Thuế. Còn công văn gửi cho Cục Thuế TP thì Cục cũng chuyển lên cho Tổng cục Thuế luôn.

Cuối cùng, Tổng cục Thuế lại trình ngược trở lại cho Bộ. Trong 1 năm vừa qua, thư khiếu nại của công ty đi lòng vòng đến các cấp từ trung ương đến địa phương mà không được cơ quan nào giải quyết, trong khi DN càng gặp khó khăn. Bởi nếu để việc bán hàng chênh lệch mức GTGT kéo dài, truy thu càng tăng sau này”, vị đại diện này bức xúc.

Chính vì vậy, trước những bức xúc của DN, Thứ trưởng Bộ Tài chính phải “trấn an” các cơ quan thuế: “DN bức xúc có nói quá đi nữa, tôi nghĩ các cơ quan thuế cần phải bình tĩnh và ghi nhận để đồng hành với DN tốt hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao doanh nghiệp sợ... thuế ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO