Vẫn còn nhẹ tay với hàng giả

MAI PHƯƠNG| 01/04/2014 00:49

Nạn hàng giả vẫn tràn lan dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.

Vẫn còn nhẹ tay với hàng giả

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật) có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 và nhiều nghị định hướng dẫn bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đã được triển khai. Nhưng NTD và doanh nghiệp (DN) vẫn hoang mang vì nạn hàng giả vẫn tràn lan.

Đọc E-paper

Ngày 28/3, Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM và Cổng Truyền thông chống hàng giả Việt Nam (www.chg.vn) phối hợp tổ chức hội thảo "Quyền được an toàn của người tiêu dùng".

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, quyền được an toàn của NTD chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vẫn bày bán tràn lan và ngày càng phát triển.Thực tế cho thấy, dù Luật có gần ba năm nhưng quyền lợi của NTD đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Các DN chân chính luôn là nạn nhân của hàng nhái, hàng giả nhưng, các chế tài để bảo vệ những DN này rất lỏng lẻo. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh (Bidrico).

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico, cho biết, trong vòng 22 năm qua, Bidrico đụng độ gần 30 vụ hàng nhái, vi phạm bản quyền, giả thương hiệu. Bidrico vẫn lưu đầy đủ hồ sơ khiếu nại với Cục Sở hữu Công nghiệp (trước đây) và nay là Cục Sở hữu Trí tuệ. Trước đây, Cục Sở hữu Công nghiệp chỉ khuyến cáo là chính, không có hình thức răn đe rõ ràng. Bây giờ thì nhắc nhở rõ ràng hơn hình thức xử phạt chưa đủ răn đe.

Ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD TP.HCM, cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo của tội phạm sản xuất hàng gian, hàng giả, gây nguy hại đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của NTD. Đặc biệt, hàng giả ngày càng tinh vi và khó phát hiện hơn.

Năm 2013, Quản lý Thị trường TP.HCM phát hiện hơn 3.300 vụ vi phạm, trong đó hơn 520 vụ kinh doanh hàng cấm, hơn 1.100 vụ hàng nhập lậu, hơn 228 vụ hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp; hơn 720 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa; hơn 160 vụ vi phạm về đăng ký kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, hạn chế kinh doanh; hơn 540 vụ vi phạm về quản lý hóa đơn, lĩnh vực kế toán, niêm yết giá...

Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 3.400 vụ, thu hơn 70,3 tỷ đồng; tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 8,2 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến hàng giả hoành hành trước hết là do lực lượng quản lý thị trường chưa coi trọng việc nắm bắt thông tin, tình hình cung cầu, giá cả thị trường tại một số thời điểm nhạy cảm. Điều này dẫn đến việc đấu tranh, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm... yếu kém.

Ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương, cho rằng, nguyên nhân thứ hai đến từ kiến thức pháp luật về quyền được bảo vệ của NTD còn rất nhiều hạn chế. Nhiều người biết đó là hàng nhái, hàng giả nhưng vẫn mua. Điển hình nhất là trong lĩnh vực thời trang, hàng nhái những thương hiệu quốc tế thường được người Việt Nam... rất chuộng.

Mặt khác, DN không phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng. Nhiều DN, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài, sợ những thông tin về hàng giả có thể ảnh hưởng đến uy tín, gây phản tác dụng nên đã "giữ im lặng". Để có thể cải thiện tình trạng "im lặng" này, ông Danh đề xuất DN cần phối hợp chặt chẽ và thường xuyên hơn nữa với cơ quan chức năng xác minh hàng thật, giả nhằm bảo vệ quyền lợi DN và NTD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vẫn còn nhẹ tay với hàng giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO