Ưu tiên vốn và điện cho sản xuất

19/03/2011 00:18

Kết luận tại buổi sơ kết trực tuyến ngày 18/3 về việc triển khai thực hiện nghị quyết 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Phải ưu tiên vốn và điện cho sản xuất. Sản xuất mà đình trệ thì không thể ổn định kinh tế vĩ mô...”.

Ưu tiên vốn và điện cho sản xuất

Kết luận tại buổi sơ kết trực tuyến ngày 18/3 về việc triển khai thực hiện nghị quyết 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Phải ưu tiên vốn và điện cho sản xuất. Sản xuất mà đình trệ thì không thể ổn định kinh tế vĩ mô...”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp. Ảnh: chinhphu.vn

Sau gần một tháng thực hiện các giải pháp trên, đã có những kết quả cụ thể nhưng một số biểu hiện vẫn đang thách thức kinh tế vĩ mô như lạm phát cao, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhập siêu vẫn chưa giảm...

Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng trên 6%

Điều nổi bật được các tỉnh thành đề cập khi thực hiện nghị quyết 11 là cắt giảm chi tiêu công, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên có những kết quả cụ thể như: Hà Nội tiết giảm được 280 tỉ đồng, dừng mua ôtô tiết kiệm được 88 tỉ đồng, cắt giảm hoặc giãn tiến độ các dự án tiết kiệm được khoảng 700 tỉ đồng...

Lãnh đạo đi chung xe

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự cho biết tất cả lãnh đạo của tỉnh tập trung đi xe 24 chỗ ngồi khi đi công tác huyện thay vì xe riêng.

TP.HCM vận động được hàng ngàn chủ nhà trọ không tăng giá giúp đời sống sinh viên, công nhân dễ thở hơn... Lào Cai đã quyết định thu hồi quyết định đã ký cho mua ôtô công, tiết kiệm được 8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc chỉ ra như tình hình lạm phát cao, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, đưa lãi suất lên cao đang gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quý 1-2011 kinh tế vẫn giữ tốc độ tăng khá nhưng đã có dấu hiệu chậm lại. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng đến 2,2% so với tháng 2, tăng 6,1% so với tháng 12-2010.

Việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ và vàng chưa chủ động. “Cấm thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do là đúng nhưng chưa chuẩn bị tốt để hệ thống ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp” - Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Thừa nhận giá cả nhiều mặt hàng đã tăng nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết giá xăng dầu “khó khăn gì cũng phải kiên quyết theo thị trường. Phải điều chỉnh giá xăng dầu nhưng đảm bảo đủ nguồn cung”.

Quản chặt dòng tiền

Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định chống lạm phát nên phải thắt chặt dòng tiền, không còn cách nào khác. Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ cho biết Bộ Công an đã lập sáu đoàn công tác đi các tỉnh thành để tập trung chống buôn lậu xăng dầu, vàng, USD... và đã xử lý hàng trăm vụ.

Có những vụ điển hình như buôn lậu chuyển tiền qua biên giới trên 100 tỉ đồng, một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển tiền đánh bạc đến 120 tỉ đồng... Riêng các hoạt động buôn bán USD chợ đen rất nhiều. Và vì công an vào cuộc mạnh nên theo ông Ngọ, các hoạt động này rút vào hoạt động ngầm gây khó khăn hơn cho lực lượng chức năng.

Ông Ngọ cũng đề nghị bổ sung hành lang pháp lý và có biện pháp chế tài mạnh hơn mới đủ sức răn đe.

Về quản lý ngoại tệ và vàng, Thủ tướng cho rằng: “Chúng ta có đủ pháp luật và công cụ nhưng vừa qua buông lỏng quản lý, nếu thực hiện đúng pháp lệnh thôi thì đã tốt rồi”. Trong khi đó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng cần xử lý hợp tình hợp lý đối với các giao dịch của người dân.

Ông Bình nói: “Dân tích trữ để phòng thân, thói quen mua nhà, mua xe trả bằng vàng... không phải hành vi đầu cơ, cố ý để xâm phạm quy định về quản lý kinh tế. Pháp lý chúng ta chưa rõ về quản lý vàng nên cũng cần cân nhắc hợp lý khi xử lý. Nếu chúng ta xử lý hình sự quá nhiều thay vì hành chính thì sẽ gánh những hậu quả khác sau này”.

Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định đối với các hành vi buôn lậu, đầu cơ, lũng đoạn thì phải mạnh tay. “Chúng ta phải xử lý đúng, đánh đúng vào tổ chức, đường dây, bọn đầu cơ, còn giao dịch trong dân thì xử lý hành chính, tăng mức phạt, tăng cường tuyên truyền giáo dục để họ thay đổi thói quen”.

Ưu tiên cho sản xuất

Nhận định tình hình quốc tế và trong nước còn khó khăn, phức tạp hơn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh khi chắt chiu từng đồng tiền thì tất cả phải nhắm đến chất lượng và hiệu quả. “Việc thắt chặt tổng dư nợ tín dụng không quá 20% là phải làm. Đây là mức IMF (Quỹ Tiền tệ quốc tế), WB (Ngân hàng Thế giới) đều khuyến cáo chúng ta từ 10 năm trước. Nhưng cần phải tính toán để không ách tắc sản xuất và phải hiệu quả” - Thủ tướng nói.

Chẳng hạn ở lĩnh vực nông nghiệp, khi đại diện tỉnh Kiên Giang cho biết lúa làm ra nhiều trong khi doanh nghiệp không đủ vốn để mua, Thủ tướng cho rằng dòng tiền của ngân hàng cần phải điều tiết cho hợp lý.

Thủ tướng chỉ đạo từng địa phương phải có phương án cụ thể để ưu tiên cho sản xuất, ưu thế của tỉnh nào trong lĩnh vực nào thì ưu tiên điện và vốn cho lĩnh vực đó. Những lĩnh vực nào có khả năng xuất khẩu tốt, có thị trường thì cần tập trung vốn và ưu tiên điện cho sản xuất.

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần làm việc với các ngân hàng thương mại để giảm lãi suất huy động mới giảm được lãi suất cho vay, tăng dòng tiền cho doanh nghiệp sản xuất. Một trong những biện pháp Hải Phòng triển khai và được cho là sáng tạo là đăng ký hạn ngạch dùng điện.

Doanh nghiệp tùy theo hoạt động sản xuất của mình mà đăng ký công suất dùng điện để không dư thừa. Hải Phòng kiến nghị ngành điện lực không tự cắt điện cào bằng mà nên tham khảo ý kiến chính quyền địa phương để có kế hoạch cắt điện hợp lý, ưu tiên cho sản xuất.

Kêu gọi tất cả phải tiết kiệm, Thủ tướng chỉ đạo tất cả các bộ không được mời các địa phương về Hà Nội họp nữa mà phải tổ chức họp trực tuyến. Ngoài các giải pháp trên, Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương phải có chương trình cụ thể để chăm lo chính sách an sinh xã hội cho người nghèo và cận nghèo.

Tăng trưởng kinh tế đạt 5,5%

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 1-2011 đạt 5,5%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,7%, xuất khẩu ước tăng 31%, cao gấp 3 lần chỉ tiêu. Thu ngân sách nhà nước hai tháng đầu năm tăng 17,6%. Tính đến ngày 10-3, tổng dư nợ tín dụng tăng 3,68%, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,7% so với cuối năm 2010. Với tiến độ này có thể kiểm soát tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán đề ra trong nghị quyết 11.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu tiên vốn và điện cho sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO