Út Hiền và 150 bạn hàng xáo

LÊ HÀ| 17/08/2010 06:15

Không phải ngẫu nhiên mà Út Hiền trở thành lái lúa cấp 3 (là thương lái thu mua lớn nhất, có vựa lớn nhất, có đầu tư vốn cho bạn hàng và có nhà máy xay xát cung cấp gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu).

Út Hiền và 150 bạn hàng xáo

1.Đang say sưa kể với tôi về cách mua lúa của nông dân thì Út Hiền lại có khách. Khách lần này cũng là bạn hàng nhưng không phải để mua bán mà mời ông bà chủ kiêm chủ nhà máy xay lúa dự đám cưới.

Cầm tấm thiệp mời màu hồng, in sang trọng chẳng khác những tấm thiệp cùng nội dung của những gia đình khá giả ở TP.HCM, Út Hiền tỏ vẻ tự hào: “Dưới này bạn hàng nghĩa tình vậy đó.

Một góc nhà máy xay lúa Út Hiền 2 - Ảnh Công Toại

Từ cưới hỏi đến ma chay, đám nào chúng tôi cũng có nhau. Mà tôi thì có đến 150 bạn hàng xáo, nhiều người ở tỉnh xa, như chị đưa thiệp mời vừa rồi, nên mỗi lần có đại sự, tình thâm thêm gắn kết”.

Thấy cơ ngơi của Út Hiền, tôi nghĩ số bạn hàng lái lúa của anh có thể còn tăng.

2. Không phải ngẫu nhiên mà Út Hiền trở thành lái lúa cấp 3 (là thương lái thu mua lớn nhất, có vựa lớn nhất, có đầu tư vốn cho bạn hàng và có nhà máy xay xát cung cấp gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu).

Ba anh, ông Phạm Văn Rùm, lập nhà máy chà gạo trước năm 1970, công suất đủ đáp ứng nhu cầu xay gạo ăn hằng ngày của bà con quanh vùng và một số người làm hàng xáo chuyên bán gạo cho các chợ nhỏ dọc biên giới Tây Nam, nhưng cao lắm một ngày cũng chỉ xay xát ba bốn tấn lúa.

Vậy mà ông Tư Rùm duy trì nhà máy gần 20 năm, và trong thời gian ấy, từ những đồng lời chắt góp, dần dần ông mua được 100 công ruộng (10ha). Năm 1988, ông Tư Rùm bán nhà máy chà, mà lý do như ông nói, lập nhà máy để nuôi con, nay cả bốn đứa đều lớn, nên không cần đến nó nữa.

Mới sinh Út Hiền đã quen với bụi trấu, rồi mê mùi thơm ngọt nhẹ từ những mẻ gạo mới xay, lại thích làm hàng xáo, nên chỉ một năm sau, anh lập lại nhà máy chà ngay trên nền nhà máy cũ của cha, với mặt tiền là con kinh Ba Thê - Núi Nập nối sông Kiên Giang ở hướng Tây và kinh Vĩnh Tế ở hướng Đông, ra sông Hậu, tại quê nhà là ấp Sơn Thành, xã Vọng Đông.

Mới 22 tuổi, vốn liếng quá ít, lại vừa cưới vợ, nhưng biết “vọc máy” từ bé nên anh mua từng chi tiết lẻ tẻ rồi cùng thợ lắp ráp, vì thế mà giá thành nhà máy chỉ mấy cây vàng. Bạn hàng xáo của cha lại tìm đến nhà máy chà của con, giờ có công suất gấp đôi, và không còn mang tên “Tư Rùm” mà là “Út Hiền”.

Rồi bạn hàng mới ngày một đông khiến Út Hiền nghĩ đến việc mở rộng nhà máy, nhưng mãi đến mấy năm sau, khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới thì việc đó mới thành hiện thực, do vốn liếng chưa đủ.

Bạn hàng mới không phải là bà con đến xay lúa lấy gạo ăn hằng ngày, hay mấy chị hàng xáo buôn bán cò con, mà là những lái lúa, có lái xay vài chục tấn lúa một lúc để bỏ mối gạo cho các công ty xuất khẩu lương thực. Út Hiền mở rộng nhà máy bằng cách mua 1.500m2 đất bên cạnh nhà máy cũ, xây nhà máy mới có công suất xay xát 400 tấn lúa/ngày.

3. Có nhà máy mới, Út Hiền tưởng như vậy là đủ lớn, yên tâm làm ăn quanh năm. Nhưng bắt đầu từ năm 2000, An Giang là tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, xuất khẩu gạo ngày một tăng, nên công suất nhà máy mới của Út Hiền, dù vào loại lớn của huyện Thoại Sơn, vẫn không đáp ứng được nhu cầu của bạn hàng xáo.

Út Hiền tâm sự: “Tôi lo làm ăn, ít khi chú ý đến việc đại sự trong tỉnh, nên khi biết năm 2000, An Giang xuất khẩu đến gần nửa triệu tấn gạo, tôi “hết hồn”, nghĩ phải mau mau làm thêm nhà máy chà.

Không thể mua được đất liền kề hai nhà máy cũ, tôi đến xã Thoại Giang, cách nhà vài kilômét, cất một hecta, cũng cặp kinh Ba Thê - Núi Sập, vì lúa ở An Giang không thể chở bằng xe tải mà tất cả đều vận chuyển bằng tàu ghe mới hết và tiết kiệm chi phí, dựng nhà máy Út Hiền 2, đủ khả năng xay xát 1.000 tấn lúa/ngày, tức trên dưới 750 tấn gạo nguyên liệu, lau bóng thì thành trên dưới 670 tấn gạo thành phẩm”.

Hỏi chuyện Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thoại Sơn, tôi biết mấy năm qua, mỗi năm vợ chồng Út Hiền đóng 35 tỷ đồng tiền thuế, cao nhất huyện, chứng tỏ Út Hiền “ăn nên làm ra”. Vậy nhưng tôi vẫn băn khoăn, An Giang có rất nhiều nhà máy xay lúa, Út Hiền lấy đâu ra bạn hàng nhiều như vậy, đến những 150 thương lái.

Thì ra ông chủ nhà máy chà 42 tuổi này chẳng có bí quyết gì khác lạ nhưng lại được các lái lúa cấp 2 tin cậy. Có đến ba nhà máy, Út Hiền không đơn thuần xay mướn mà còn tự mua lúa xay xát để bỏ mối cho các doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu lớn, như Hiệp Thành, Song Thuận, Mỹ Tường, Đại Hưng, Thành Phát, có doanh nghiệp ở mãi Tiền Giang.

Muốn có lượng lúa lớn, Út Hiền cho bạn lái mượn tiền từ đầu vụ, trung bình mỗi năm 7 - 8 tỷ đồng, người ít năm bảy chục triệu, người nhiều vài ba trăm triệu, hết vụ lúa thì trả, không bao giờ phải trả tiền lời, dù nhiều người anh không hề biết nơi cư trú, chỉ láng máng họ ở cùng tỉnh hay bên Kiên Giang, trên Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, hoặc dưới Cà Mau, và cũng không bao giờ yêu cầu họ viết giấy mượn, bởi như Út Hiền nói, làm vậy người ta mặc cảm.

Trong 150 bạn hàng của Út Hiền có đến một nửa là bạn hàng lớn, tức xay xát mỗi vụ lúa từ 5.000 tấn gạo trở lên, không phải ai cũng cần tiền “trả trước”, nhưng họ đều đổ lúa cho anh, số thì xay gia công, số thì bán đứt bởi Út Hiền là bạn hàng tin cậy, tin cậy đến mức, trước khi đi vào dân mua lúa, điện hỏi Út Hiền giá cả.

Vợ chồng Út Hiền cùng con gái và cháu nội

Thực ra Út Hiền không thể tự cho giá, mà lại hỏi giá từ các công ty cung ứng gạo xuất khẩu, các công ty này lại hỏi giá những công ty nhà nước đang độc quyền xuất khẩu gạo, cứ thế, khi chốt giá với nông dân, thương lái lãi cao nhất trên một kilôgam lúa từ 10 - 15 đồng.

Lái lúa cấp 3 như Út Hiền không phải tổ chức ghe tàu mua lúa trong dân, nhưng không có những “lái lớn” này thì như nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị nói, lượng lúa mỗi năm trên 3,1 triệu tấn của An Giang không thể tiêu thụ hết, và không thể xuất khẩu gạo đạt 650.000 tấn như năm 2009.

4. Cùng chồng tiếp tôi tại phòng khách biệt thự của gia đình, vợ Út Hiền thấy tôi để ý một bức ảnh cưới lồng trong chiếc khung lớn, nói ngay: “Con gái tôi đó.

Chú rể là con ông chủ Công ty Thành Phát trên Tiền Giang, mấy năm liền theo cha xuống nhà máy chà Út Hiền mua gạo bỏ mối xuất khẩu, mê con nhỏ”. Út Hiền quay sang vợ: “Thì cũng như hai mấy năm trước, em đến nhà máy Tư Rùm xay gạo rồi theo anh luôn!”. Cứ thế, từ chuyện làm ăn, chúng tôi chuyển sang chuyện đời thường lúc nào không hay...

Khi được hỏi, nghề lái lúa để lại kỷ niệm gì sâu sắc nhất, Út Hiền không đề cập đến chuyện mua bán mà nói: “Nhờ làm ra tiền từ hạt lúa của nông dân mà tôi xây được cho quê nhà một cây cầu đúc bắc qua kinh Ba Thê - Núi Sập, dài gần 60 mét, xe con qua lại được.

Khi khánh thành, chính quyền huyện đặt là cầu Út Hiền, có gắn bảng tên. Tôi còn được bầu làm Hội phó Hội Mái ấm tình thương huyện Thoại Sơn, thành lập năm 2008, chuyên giúp đỡ người nghèo, riêng nhà tình thương, Hội chúng tôi đã làm được 400 căn. Tôi có đóng góp một phần trong đó, hơn 2 tỷ đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Út Hiền và 150 bạn hàng xáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO