Tự tin tận dụng lợi thế “sân nhà”

VÂN THẢO - BÍCH TRÂM, Ảnh: QUÝ HÒA, CẨM LÊ| 30/09/2015 03:49

Trải qua 6 ngày thi (17 – 24/9) sôi nổi và hào hứng với phần thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh của 43 thí sinh, vòng Chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 đã khép lại.

Tự tin tận dụng lợi thế “sân nhà”

Trải qua 6 ngày thi (17 – 24/9) sôi nổi và hào hứng với phần thuyết trình bảo vệ đề án kinh doanh của 43 thí sinh, vòng Chung khảo Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 đã khép lại.

Đọc E-paper

Theo nhận xét của Hội đồng Giám khảo, hầu hết các đề án đều được đầu tư kỹ lưỡng và có tính khả thi cao.

Nông nghiệp - điểm sáng cho khởi nghiệp

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với thế giới bằng việc ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như AEC, TPP… Điều này đồng nghĩa với việc thị trường đang rất cần những mô hình kinh doanh mới cùng những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao. Đến với GTTNLVC 2015, nhiều thí sinh đã biết tận dụng lợi thế “sân nhà” với nhiều ý tưởng khởi nghiệp bắt nguồn từ lĩnh vực kinh tế chủ lực của đất nước là nông nghiệp.

Theo đánh giá của các giám khảo - doanh nhân, các thí sinh tham gia cuộc thi năm nay đã rất chú ý đến việc phát triển sản phẩm địa phương. Thí sinh Nguyễn Đức Máy - sinh viên Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ: “Dù nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nhưng sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Hơn 60% dân số Việt Nam làm nghề nông, nhưng đời sống của nông dân vẫn còn khó khăn. Với đề án kinh doanh thiết bị nông nghiệp D-Tech, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nâng cao lợi ích của người nông dân”.

Là người Quảng Ngãi và có ý định về quê khởi nghiệp trong tương lai, từ lâu thí sinh Lê Tịnh Minh (ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) đã ấp ủ giấc mơ phát triển một loại đặc sản bắt nguồn từ hạt gạo quê hương. Lê Tịnh Minh hy vọng từ sản phẩm đó có thể phát triển sang sang các loại sản phẩm khác và góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào Quảng Ngãi.

Với hai sinh viên Trương Minh Nhân và Nguyễn Minh Toàn của trường ĐH Đồng Tháp, dù ý tưởng kinh doanh sữa sen không mới và chiến lược phát triển sản phẩm còn có mặt hạn chế, nhưng sự đam mê, tâm huyết của các bạn đã thật sự “chinh phục” các giám khảo.

Doanh nhân Đinh Hà Duy Trinh - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ Công nghệ tin học HPT hồ hởi cho biết: “Chất lượng thí sinh năm nay tốt hơn những năm trước, nhiều đề án được đầu tư rất nghiêm túc, có tính khả thi cao. Đặc biệt, các thí sinh đến từ Đồng Tháp năm nay đã có sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Khả thi nhờ “thấu hiểu” thị trường

Tham gia GTTNLVC năm nay, khá nhiều đề án kinh doanh đã nắm bắt được nhu cầu thực tế và xu hướng thị trường. Doanh nhân Nguyễn Văn Ngoan - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Manda Food cho biết một số đề án đã bắt kịp mong muốn của thị trường với ý tưởng kinh doanh thực phẩm sạch, thương mại điện tử.

Trong thời đại kỷ nguyên số, người làm kinh doanh phải am hiểu về internet để có thể tiếp thị sản phẩm một cách dễ dàng cũng như tiết kiệm chi phí. Và, khá nhiều thí sinh đã biết cách tận dụng công cụ này. Đồng thời, các thí sinh cũng chú trọng hơn đến việc phát triển sản phẩm thủ công của địa phương.

Mọi đề án kinh doanh đều bắt nguồn từ ý tưởng, sự đam mê và tính khả thi. Nhấn mạnh tầm quan trọng của ý tưởng, doanh nhân Hoàng Tùng, Nhà sáng lập, Quản lý Pizza Home Hà Nội, nhận định: “Nhiều ý tưởng kinh doanh của thí sinh năm nay rất tốt, phần trình bày cũng lưu loát, nhưng phần chuẩn bị vận hành và bài toán tài chính còn chưa được hợp lý. Tôi đã thấy được triển vọng ở một đề án và đã chủ động liên lạc với thí sinh. Hy vọng có thể phối hợp đầu tư ngay từ giai đoạn startup”.

Ấn tượng với sự đa dạng và độc đáo của các đề án dự thi năm nay, doanh nhân Tiêu Yến Trinh - Tổng giám đốc Talentnet Corporation cho rằng, việc tham gia GTTNVC sẽ góp phần tạo động lực để các thí sinh dễ thành công hơn trên con đường sự nghiệp sắp tới. “Mỗi ý tưởng kinh doanh đều có một câu chuyện thú vị và thí sinh đã biết cách thổi đam mê vào câu chuyện đó. Đơn cử như đề án Cà phê văn chương, Sen đá Plantheart, Phân trùn quế Eco... Tuy nhiên, để đề án khả thi hơn, các thí sinh cần phải thay đổi cách tiếp cận, mạnh dạn thoát ra khỏi “đặc thù sinh viên” trong cả khâu khảo sát thị trường lẫn định vị đối tượng khách hàng tiềm năng”, bà Tiêu Yến Trinh cho biết thêm.

Đảm nhận vai trò Chánh chủ khảo trong ngày thi cuối cùng của vòng Chung khảo GTTNLVC 2015, doanh nhân Nguyễn Thanh Tân - Tổng giám đốcBrainMark Consulting & Training khẳng định: “Ngoài việc học tập và làm thêm để va chạm thực tế, việc tham gia những cuộc thi như thế này rất có lợi cho sinh viên, giúp họ có những trải nghiệm nghề nghiệp hữu ích - một trong những “điểm cộng” khi đi phỏng vấn tìm việc. Và, dù cho có được vào vòng cuối hay không, tôi rất mong các thí sinh vẫn kiên trì với ý tưởng kinh doanh, cố gắng hoàn thiện để có thể hiện thực hóa vào một ngày không xa”.

Sau khi trải qua vòng Chung khảo, các thí sinh dự thi GTTNLVC 2015 đều rất hồi hộp chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh đều cho biết, vào đến vòng thi này, việc thắng hay thua đã không còn quan trọng nữa, mà điều quan trọng nhất là họ đã học hỏi được nhiều kiến thức và kỹ năng từ các giám khảo và các bạn cùng thi.

- Nguyễn Lương Công Thanh (đề án Website thương mại điện tử kinh doanh nguyên vật liệu và thành phẩm thủ công Shine Handmade): "Tôi tham gia GTTNLVC 2015 không phải chỉ nhằm đoạt giải mà còn muốn được tiếp xúc với những doanh nhân nhiều kinh nghiệm, được nghe những ý kiến đóng góp chân thành để đề án của mình được chỉn chu hơn. Thông qua cuộc thi, tôi đã học hỏi được từ các thí sinh khác cả về tầm nhìn lẫn sự tự tin để nuôi dưỡng niềm đam mê".

- Hoàng Thị Kiều (nhóm trưởng đề án Đồng hồ gỗ handmade Syl Clock): “Năm nay có nhiều đề án về đồ thủ công nên chúng tôi đã học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích. GTTNLVC 2015 đã giúp chúng tôi cơ hội tiếp cận một nhà cung cấp tiềm năng là bạn Công Thanh, chủ của Website thương mại điện tử kinh doanh nguyên vật liệu và thành phẩm thủ công Shine Handmade”.

- Trương Minh Nhân (nhóm trưởng đề án Sữa sen Đồng Tháp): “GTTNLVC mang lại cho tôi những trải nghiệm mới mẻ và giúp tôi tìm ra những sai sót của đề án dưới góc độ thực tế. Khi thực hiện đề án kinh doanh này, mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giới thiệu đặc sản của Đồng Tháp đến với nhiều du khách trong và ngoài nước, đồng thời góp phần phát triển kinh tế quê hương”.

- Nguyễn Thị Mộng Thùy (đề án Café văn chương): “Hiện nay có rất nhiều cuộc thi dành cho sinh viên, nhưng rất ít cuộc thi đến với Trường ĐH Đồng Tháp để giao lưu và khích lệ sinh viên tham gia. Sự có mặt của BTC GTTNVC 2015 và các doanh nhân tại ĐH Đồng Tháp đã đã tạo động lực cho tôi tham gia dự thi”.

>Ngày thi cuối: Muốn thành công, phải khác biệt

>Ngày thi thứ 5: Phát triển sản phẩm quê hương

>Ngày thi thứ 4: Phong phú đề tài, đa dạng phong cách

>Sáng tạo và tự tin nuôi dưỡng đam mê

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tự tin tận dụng lợi thế “sân nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO