Triệu tập thêm hai cán bộ kiểm lâm viên Pù Huống

PHAN PHAN| 15/12/2011 00:26

Cơ quan cảnh sát điều tra đã gửi giấy triệu tập thêm hai cán bộ kiểm lâm viên thuộc Hạt kiểm lâm Pù Huống để làm rõ một số nghi vấn có liên quan đến vụ lật xe gỗ xảy ra vào sáng sớm ngày 7/12/2011 vừa qua. Theo đó, hai kiểm lâm viên này sẽ trình diện cơ quan cảnh sát điều tra vào ngày 16/12.

Triệu tập thêm hai cán bộ kiểm lâm viên Pù Huống

Hiện trường vụ tai nạn - ảnh P.P

Sáng 15/12, ông Dương Ngọc Hùng - Giám đốc BQL Rừng quốc gia Pù Huống - cho PV biết: Liên quan đến vụ lật xe chở gỗ vào sáng sớm ngày 7/12, chiều 13/12, cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An đã gửi giấy triệu tập thêm hai cán bộ kiểm lâm viên Pù Huống để làm việc. Theo ông Hùng, ngày 16/12/2011 hai cán bộ này sẽ có mặt tại CA tỉnh Nghệ An để làm việc.

“Hai kiểm lâm viên đó là Ngô Ngọc Tuấn và Cao Văn Phúc - hai kiểm lâm viên ở Trạm kiểm lâm Nga My (đóng tại huyện Tương Dương) thuộc Hạt kiểm lâm Pù Huống. Hai kiểm lâm viên Ngô Ngọc Tuấn và Cao Văn Phúc sẽ có mặt tại CA tỉnh Nghệ An vào ngày 16/12 để làm việc”, ông Hùng nói rõ.

Liên quan đến việc để cán bộ của mình “làm càn” xảy ra sai sót trong vụ việc vừa qua, ông Hùng cũng xin chịu trách nhiệm về bản thân mình. Ông Hùng nói: “Để xảy ra sơ suất trên một phần do quản lý cán bộ không được tốt và liên đới cho nên tôi cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này”.

Với quan điểm sẽ củng cố, nhắc nhở cán bộ sau vụ việc này, lãnh đạo BQL Rừng quốc gia Pù Huống cũng rất đau lòng khi “một con sâu làm rầu nồi canh”. Nên những ngày qua các hoạt động của cơ quan có chùng đi chút ít.

“Đây là một sự việc xảy ra ngoài mong muốn. Chúng tôi cũng đau xót lắm, nhưng cơ quan chức năng cần phải trừng phạt những việc làm sai trái nói trên để răn đe những người khác không chỉ riêng cán bộ Pù Huống mà nơi khác nữa”, một cán bộ BQL Rừng quốc gia Pù Huống cho biết.

Như vậy, có thể khẳng định đến thời điểm này đã có 6 cán bộ kiểm lâm đã bị nhúng chàm trong vụ lật xe gỗ vào sáng 7/12 vừa qua. Theo đó, cơ quan điều tra đã bắt Đào Công Thắng, Nguyễn Kim Hùng, Phan Sỹ Tuấn và Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống Trịnh Thanh Long để làm rõ vụ việc.

Và ngày 16/12 tới, CQĐT CA tỉnh Nghệ An tiếp tục triệu tập thêm hai kiểm lâm viên Ngô Ngọc Tuấn và Cao Văn Phúc để làm rõ nhiều tình tiết nghi vấn trong vụ việc trên.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu không xẩy ra vụ tai nạn, nếu người dân không kịp thời phát hiện có bóng dáng kiểm lâm chui ra từ xe bị nạn, nếu lãnh đạo tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng và ngành sở tại không vào cuộc tích cực, liệu hoạt động phi pháp của những cán bộ kiểm lâm biến chất kia có được phanh phui.

Kể cả khi bức màn đen tối của những kẻ làm ăn bất chính đang dần được hé lộ, dư luận vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi 3 trong số 4 kiểm lâm bị bắt giữ là lãnh đạo – trong đó có 2 trạm trưởng, một Phó giám đốc kiêm hạt trưởng hạt kiểm lâm Pù Huống - những người được xếp vào thứ bậc “quyền cao, chức trọng”. Vụ án đang trong quá trình điều tra mở rộng nên cũng chưa ai dám chắc những cá nhân “dính chàm” bị lôi ra ánh sang trong vụ việc này chỉ dừng lại ở đây.

Vụ tai nạn xảy ra đang để lại nhiều bài học đắt giá cho công tác quản lý cán bộ, cũng như công tác quản lý và bảo vệ rừng. Là địa phương có diện tích rừng lớn, đa dạng với nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm, trong khi đời sống một bộ phận đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, lệ thuộc vào rừng nên việc phát nương làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc là điều dễ hiểu. Ngành chức năng biết, chính quyền địa phương biết nhưng biện minh cho những khó khăn trong công tác xử lý, ngăn chặn đó thì lâu nay, những người được giao trọng trách vẫn thường có câu nói cửa miệng: Lực lượng mỏng, địa hình lớn, hoạt động của lâm tặc ngày một tinh vi, xảo quyệt. Chỉ đến khi xẩy ra sự cố “Lật xe gỗ lậu, lộ mặt kiểm lâm” thì ai nấy mới vỡ lẽ.

Trở lại vụ tai nạn thảm khốc khiến 10 người tử nạn hôm 7/12, dư luận đặt câu hỏi, nếu không có sự cố đáng tiếc này, thì chắc chắn, một số lượng lớn gỗ lậu sẽ được vận chuyển trọt lọt. Vậy từ trước đến nay, có bao nhiêu chuyến hàng được những cán bộ kiểm lâm thoái hoá biến chất và “lâm tặc” cấu kết để vận chuyển như thế? Rừng ngày một cạn kiệt, lợi nhuận từ rừng chỉ rơi vào túi một số cá nhân làm ăn phi pháp, trong khi những hệ luỵ của nạn chặt phá khai thác rừng bừa bãi như ô nhiễm môi trường, lũ ống, lũ quét… thì người dân và cả xã hội gánh chịu hậu quả.

Khó có thể đưa ra lời biện minh khi những người có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại trở thành bảo kê, tiếp tay cho phá rừng. Điều đó còn cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản tại địa phương đang bộc lộ nhiều bất cập. Vẫn có những kẽ hở để những cán bộ kiểm lâm biến chất tìm cách cấu kết với lâm tặc phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép.

Chưa bao giờ hai từ “Kiểm lâm” được các báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận đề cập đến nhiều như những ngày vừa qua.

Thế nhưng, những hình ảnh đẹp về lực lượng kiểm lâm hết lòng vì công việc bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên, tài sản quốc gia và thậm chí phải đổ máu, phải hy sinh cả tính mạng vì cuộc chiến bảo vệ rừng trong phút chốc đã sụt giảm nghiêm trọng. Và một khi những kẻ thoái hoá biến chất này chưa bị trừng trị đích đáng, một khi chưa thể thanh lọc được những “con sâu mọt” ra khỏi hàng ngũ những người làm công tác quản lý bảo vệ rừng thì chúng còn phải đau lòng chứng kiến rừng đang “chảy máu” là điều khó tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Triệu tập thêm hai cán bộ kiểm lâm viên Pù Huống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO