Trí thức vẫn chưa “mặn mà” làm Phó chủ tịch xã nghèo

07/05/2011 05:07

Do còn thiếu nhiều chính sách khuyến khích thực sự rõ ràng nên nhiều trí thức trẻ vẫn chưa “mặn mà” với việc tới các xã nghèo là Phó Chủ tịch xã.

Trí thức vẫn chưa “mặn mà” làm Phó chủ tịch xã nghèo

Do còn thiếu nhiều chính sách khuyến khích thực sự rõ ràng nên nhiều trí thức trẻ vẫn chưa “mặn mà” với việc tới các xã nghèo là Phó Chủ tịch xã.

Đó là ý kiến đóng góp của nhiều đại biểu trong việc triển khai, thực hiện dự án tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường làm Phó Chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 5/5.

Trí thức trẻ vẫn chưa “mặn mà”

Trí thức trẻ vẫn chưa "mặn mà" về các xã nghèo do còn thiếu cơ chế khuyến khích sau thời gian công tác

Theo lãnh đạo Bộ Nội Vụ, hiện tại mới chỉ có hơn 100 trí thức trẻ nộp hồ sơ gửi đến đăng ký tuyển chọn làm phó chủ tịch xã ở các huyện nghèo.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội viên dự án có nhu cầu tiếp tục làm việc trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương thì được xem xét quy hoạch, đào tạo và bố trí, sử dụng. Nếu không có nhu cầu thì được giải quyết chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên theo đại diện lãnh đạo nhiều địa phương, cần phải quy định cụ thể hơn về vấn đề sử dụng trí thức trẻ sau nhiệm kỳ 3 năm làm Phó Chủ tịch xã.

Ông Trần Văn Thanh, GĐ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi nêu lên thực trạng dù thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, sau hơn một tuần triển khai, cho đến nay địa phương này mới chỉ nhận được 5 hồ sơ dự tuyển.

Theo ông Thanh, chỉ có ít trí thức trẻ “mặn mà” với chương trình vì các thông tin về giải quyết chế độ cho các trí thức trẻ sau 3 năm công tác là chưa rõ ràng và hợp lý. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của dự án.

Cùng quan điểm này, ông Thái Hồng Thịnh, GĐ Sở Nội vụ Cao Bằng cũng nêu lên thực trạng khi ở Cao Bằng có trình độ cán bộ hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn. Trong thực tế, một số cán bộ được tăng cường về không làm được việc. Vì vậy, tỉnh có nhu cầu rất lớn trong việc bổ sung nguồn tri thức trẻ, đặc biệt là những người được đào tạo chuyên ngành phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Tuy nhiên, số lượng cán bộ trẻ có trình độ về với địa phương là không nhiều.

Đại diện Sở Nội Vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết Thanh Hóa đã có chủ trương tuyển dụng tri thức trẻ về tỉnh cách đây 5 năm tuy nhiên 1 tuần thông báo tuyển tri thức trẻ làm Phó Chủ tịch xã, tỉnh đã nhận được 7 bộ hồ sơ.

Vị này cũng cho rằng, 3-5 năm là thời gian quá ngắn, các em mới chỉ làm quen và bắt đầu làm được việc nên hiệu quả không cao. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích sau thời gian đó để những trí thức trẻ này có thể cống hiến nhiều hơn nữa.

Giao quyền quyết định cho các địa phương

Ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ cho biết sẽ hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích các trí thức trẻ về các xã nghèo công tác. (Ảnh: Phạm Thịnh)

Theo ông Trần Văn Thanh nên giao trực tiếp cho chính quyền cấp huyện, tỉnh có trách nhiệm tuyển dụng, bố trí tạo công ăn việc làm cho đội viên sau dự án để thu hút đội ngũ trí thức trẻ hào hứng tham gia.

“Mỗi địa phương có điều kiện, địa hình khác nhau nên có thể gộp những địa phương có điều kiện chung để cùng đào tạo trí thức tại các địa phương, không cần thiết phải đào tạo ở trung ương”. Ông Thái Hồng Thịnh kiến nghị.

Đại diện của tỉnh Nghệ An thì cho rằng, các tri thức được tuyển chọn phải là công chức bởi sau khi hết nhiệm kỳ 3 năm, nếu như không có nơi nào nhận, các em sẽ bị lỡ cơ hội. Quá trình thi tuyển đầu vào rất gắt gao nhưng đằng sau lại bị bỏ ngỏ. Sau khi làm phó chủ tịch xã 3 năm, nếu các em muốn thành công chức thì phải thi tuyển, nhưng sau từng ấy thời gian thì kiến thức và đề thi đã khác, sẽ khó khăn cho các em. Vì vậy, quá trình tuyển chọn cần phải là thật tốt, đúng người, đúng việc để đưa các cán bộ trẻ này trở thành công chức luôn.

Anh Dương Văn An, Bí thư T.Ư Đoàn cho rằng, nhiều địa phương vẫn chưa hiểu đầy đủ về mục tiêu dự án đề ra. Dự án chọn ra đội ngũ trí thức trẻ có năng lực, thực sự tâm huyết tình nguyện về công tác tại địa bàn khó khăn, giúp địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân chứ không nhằm mục đích giải quyết công ăn việc làm cho 600 trí thức trẻ.

Dự án được phân kỳ làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 (2011-2012) triển khai thử nghiệm tại 5 tỉnh gồm Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum. Số lượng dự kiến là 100 người, được bố trí về 100 xã của 5 tỉnh trên. Mỗi thanh niên về làm việc tại xã tối thiểu phải 3 năm.

Giai đoạn 2 từ sau năm 2013 tiếp tục tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí làm phó chủ tịch UBND xã đối với những thành viên dự án còn lại. Việc bố trí cán bộ về các xã thuộc huyện nghèo kết thúc trước 31/12/2014.

Ông Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, lợi thế lớn nhất của trí thức trẻ có trình độ đại học là được đào tạo cơ bản, tinh thần hăng hái nhiệt huyết nhưng còn thiếu kinh nghiệm quản lý nên chính quyền địa phương hết sức quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các trí thức trẻ.

Mục tiêu số một của dự án là tăng cường nguồn lực cán bộ có trình độ, đóng góp trí tuệ, giúp sức cho các xã nghèo nhanh chóng thoát nghèo; đồng thời tạo nguồn cán bộ trẻ bổ sung cho hệ thống chính trị.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh quyền quyết định tuyển chọn thuộc về các địa phương, Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm định lại quy trình, hồ sơ của các ứng viên, đảm bảo tuyển được người có trình độ, tinh thần nhiệt huyết. “Không phải là dự án thụ hưởng, các địa phương cần tránh tình trạng ưu tiên, giải quyết chế độ chính sách trong công tác tuyển chọn”.

Bộ trưởng cũng khẳng định, Bộ Nội vụ sẽ xem xét các ý kiến đóng góp của các đại biểu để hoàn thiện cơ chế, chính sách của đề án nhằm thu hút nhiều hơn nữa những trí thức trẻ có trình độ về với các xã nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trí thức vẫn chưa “mặn mà” làm Phó chủ tịch xã nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO