TPP – Mật ngọt xứ cờ hoa chào đón doanh nghiệp Việt?

06/08/2013 00:10

Nếu TPP được ký kết vào cuối năm 2013 sẽ tạo ra đối trọng thương mại với Trung Quốc. Việt Nam có cơ hội tiếp cận sâu rộng hơn thị trường Hoa Kỳ, Canada nhưng thách thức là không nhỏ.

TPP – Mật ngọt xứ cờ hoa chào đón doanh nghiệp Việt?

Nếu TPP được ký kết vào cuối năm 2013 sẽ tạo ra đối trọng thương mại với Trung Quốc. Việt Nam có cơ hội tiếp cận sâu rộng hơn thị trường Hoa Kỳ, Canada nhưng thách thức là không nhỏ.

TPP là mối quan tâm chung
TPP: Kỳ vọng và thận trọng
TPP: Để không là bánh vẽ

Vào ngày 23/07/2013 Nhật Bản đã trở thành thành viên thứ 12 tham gia đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP.

Nếu đạt được sự thống nhất rộng rãi vào tháng 10 tới và ký hiệp định vào cuối năm 2013, TPP khi được thành lập sẽ trở thành một trong những khu vực thương mại lớn nhất thế giới với hơn 792 triệu người, đóng góp gần 40% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu.

Vậy cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi gia nhập TPP là gì? Những ngành nào sẽ chiếm ưu thế và Việt Nam phải đánh đổi điều gì về mặt lợi ích trong ngắn hạn?

Cơ hội và thách thức

TPP là một Hiệp định Thương mại Tự do Khu vực toàn diện. Vì vậy, tham gia vào TPP, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.

Quan hệ hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, sâu rộng, tạo thêm nguồn lực để Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới.

Quy mô rộng lớn của TPP sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho Việt Nam bao gồm cả thương mại, đầu tư, công nghệ, nâng cao trình độ trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện cũng như là động lực cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, khi tham gia vào TPP, hàng rào kỹ thuật thương mại sẽ giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách bên trong mỗi doanh nghiệp để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Trong 11 nước thành viên còn lại tham gia vào TPP, Việt Nam đã ký FTA hoặc FTA với khối nước Việt Nam tham gia gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Chile và đang đàm phán với Peru.

Vì vậy, khi TPP được ký kết hiện trạng thương mại giữa Việt Nam và các nước này sẽ không thay đổi đáng kể. Nhưng Việt Nam có thuận lợi trong tiếp cận thị trường 3 thành viên còn lại: Canada, Mexico, Hoa Kỳ do được giảm/miễn thuế các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở tất cả các nước TPP.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hiện chiếm tỷ trọng gần 18% giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013. Trong nhóm 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này có dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù là những sản phẩm đang bị đánh thuế cao cũng như gặp phải nhiều rào cản kỹ thuật từ phía Hoa Kỳ.

Tham gia vào TPP, các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm ngành này có thể kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn do thuế quan giảm, và được ưu tiên hơn.

Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản và Singapore lớn nhất trong nhóm thành viên TPP

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho phía Việt Nam là hoàn thiện khung pháp lý, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, nội địa hóa, quy hoạch vùng, xây dựng và phát triển cụm ngành, các doanh nghiệp buộc phải cải tiến nhanh hơn nữa để kịp ứng phó và cạnh tranh khi thành viên TPP tham gia sâu rộng hơn vào thị trường nội địa – đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính...

Ngoài ra, trong ngắn hạn ngân sách có thể bị sụt giảm nguồn thu thuế nhập khẩu.

Hiện Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ đang tăng khá nhanh.

Thêm vào đó, TPP không giúp hạn chế Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam vì vậy nguy cơ điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp trong tương lai vẫn tiếp tục.

Ngành nào được lợi?

Nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các thành viên TPP chủ yếu là nông lâm thủy hải sản; dệt may, da giày, túi xách; điện thoại, máy tính và linh kiện.

Trong đó, nhóm hàng điện thoại, máy tính và linh kiện đang được khối doanh nghiệp FDI nắm ưu thế; thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thủy sản vào Australia, New Zealand, Peru đang áp 0%; sản phẩm gỗ vào thị trường Hoa Kỳ thuế suất gần như bằng 0% nên lợi ích của những ngành này không thể hiện rõ khi Việt Nam ký TPP.

Trong khi đó, hàng dệt may chủ yếu xuất vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản và đứng đầu nhóm hàng xuất vào Hoa Kỳ đang chịu thuế suất bình quân khoảng hơn 17% - cao nhất lên đến 325 (tại Hoa Kỳ).

Do vậy, gia nhập vào TPP chính thức các doanh nghiệp dệt may có thể kỳ vọng mức thuế áp là 0% hay thấp hơn mức hiện tại, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Giày dép các loại sẽ là ngành tiếp theo được hưởng lợi rõ rệt khi Việt Nam ký TPP. Hiện nhóm hàng này xếp thứ 2 về giá trị xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng là thị trường chủ lực với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh. Thuế suất bình quân đang áp cho nhóm hàng này khoảng 14% .

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở gia công giày dép, các doanh nghiệp ở Việt Nam sẽ không tận dụng được cơ hội từ TPP. Điều này đồng nghĩa đặt ra một thách thức lớn cho ngành là nội địa hóa, và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế suất mà thành viên TPP cam kết.

Phiên đàm phán TPP lần thứ 19 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 8/2013 tại Brunei.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP – Mật ngọt xứ cờ hoa chào đón doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO