TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng

10/07/2009 08:00

Tổng sản phẩm nội địa đạt hơn 135.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với kế hoạch, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 6% nhưng trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu thì đây là con số đáng khích lệ.

TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng

Tổng sản phẩm nội địa đạt hơn 135.000 tỷ đồng, tăng 4,6% so với kế hoạch, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 6% nhưng trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu thì đây là con số đáng khích lệ.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu trên cơ sở chú trọng đến thị trường nội địa và du lịch để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9%; các ngành dịch vụ- thương mại tăng 17,9%, vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng cũng tăng, thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi, thu hút đầu tư nước ngoài vẫn xếp thứ 2 so với cả nước.

Mặc dù kinh tế thành phố vẫn tăng trưởng dương nhưng ở mức đạt thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó, một số ngành dịch vụ vốn có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng cũng bị giảm mạnh như: Du lịch, vận tải, tài chính… Khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước bị sụt giảm. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu do công nghệ lạc hậu.

Kim ngạch xuất khẩu của thành phố cũng giảm mạnh do giá xuất khẩu giảm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu phải đối mặt với rào cản thương mại khắt khe của thị trường châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố xuống cấp. Nhiều công trình trọng điểm chậm tiến độ do thiếu vốn, năng lực thi công và khả năng tài chính của các nhà thầu còn hạn chế. Các dự án thuộc chương trình chống ngập, vệ sinh môi trường… còn dang dở, ảnh hưởng đến trật tự giao thông và đời sống của người dân. Đời sống nhân dân còn khó khăn do thu nhập thực tế giảm sút, một bộ phận người dân mất việc làm.

Để giải quyết những thách thức này, trong 6 tháng cuối năm, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố tập trung triển khai chương trình cải cách hành chính, thực hiện các gói kích cầu, các cơ chế chính sách kích thích sản xuất để làm sao cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn.

Trong điều kiện kinh tế suy giảm thì vốn được coi là nhân tố quan trọng nhất. Vì vậy cần phải tập trung các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn ODA và vốn tín dụng phát triển để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng nhằm giải tỏa nhanh các điểm tắc nghẽn, tạo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Ngoài kích cầu đầu tư, tiêu dùng, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu trên cơ sở chú trọng đến thị trường nội địa và du lịch để khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng trong nước. Song song với đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh Năm văn minh đô thị gắn liền với cải cách hành chính, xây dựng nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

TP Hồ Chí Minh phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu để hoàn thiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; 2.000 tỷ đồng xây dựng Cảng Hiệp Phước; tiếp tục dành 10 tỷ đồng giải quyết việc làm cho người lao động; đẩy nhanh tiến độ Chương trình nhà ở xã hội, đáp ứng 40.000 chỗ ở cho công nhân, 30.000 chỗ ở cho sinh viên; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt xấp xỉ 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPHCM vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO