TP.HCM tăng lượng hàng bình ổn

03/04/2011 00:21

Ngày 1/4, Sở Công thương, Sở Tài chính TP.HCM đã họp cùng các doanh nghiệp công bố giá bán, số lượng của chín nhóm hàng bình ổn, cũng như mức vốn và phân bổ lượng hàng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

TP.HCM tăng lượng hàng bình ổn

Ngày 1/4, Sở Công thương, Sở Tài chính TP.HCM đã họp cùng các doanh nghiệp công bố giá bán, số lượng của chín nhóm hàng bình ổn, cũng như mức vốn và phân bổ lượng hàng cho các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa thực phẩm thiết yếu năm 2011 và tết 2012, TP.HCM đã chi 412 tỉ đồng để cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 0%.

Thấp hơn thị trường 10%

Theo bảng chốt giá của Sở Tài chính, giá các mặt hàng bình ổn năm nay cao hơn năm 2010 ít nhất 10-25%. Có mức điều chỉnh khá cao là giá dầu ăn lên 36.000 đồng/lít, trong khi năm ngoái 24.500-25.600 đồng/lít, đường đóng gói 22.000 đồng/kg (năm ngoái 18.000 đồng/kg), trứng gà từ 21.500 đồng lên 23.500 đồng/vỉ...

Năm nay ở nhóm hàng thịt gia súc chỉ còn thịt heo, mặt hàng thịt bò không có trong danh sách tham gia, giá thịt heo đùi đăng ký 80.000 đồng/kg, thịt heo ba rọi 83.000 đồng/kg. Riêng rau củ quả, một số mặt hàng đáng lưu ý là cà chua 8.600 đồng/kg, dưa leo 16.200 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 21.400 đồng/kg, khổ qua 11.300 đồng/kg... Toàn bộ giá mới này được chính thức áp dụng từ ngày 2/4.

Đại diện Sở Tài chính cho biết do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá hàng bình ổn cũng tăng theo, tuy nhiên mức giá sau khi xem xét vẫn đảm bảo thấp hơn thị trường tối thiểu 10%. Vẫn theo Sở Tài chính, bảng giá trên vẫn còn đang chờ UBND TP.HCM thông qua trong ngày hôm 2/4.

Trong đó có 11 doanh nghiệp nhận vốn hoàn toàn của chương trình, 8 doanh nghiệp nhận vốn một phần và 3 doanh nghiệp không nhận vốn. So với năm ngoái, tổng số doanh nghiệp tham gia chương trình cũng tăng nhiều hơn tám doanh nghiệp, điều kiện ràng buộc các doanh nghiệp với chương trình là như nhau.

Các doanh nghiệp được cho vay không tính lãi, không thế chấp tài sản trong thời gian 12 tháng kể từ ngày giải ngân của từng đợt.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết số lượng hàng hóa tham gia bình ổn vào tháng thường trong năm 2011 chiếm 20-25% so với nhu cầu thị trường và tăng bình quân khoảng 15% so năm 2010, riêng dịp tết con số này sẽ tăng lên 20%.

Trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ không được tham gia chương trình bình ổn trong hai năm tiếp theo. Nếu sử dụng sai mục đích nguồn vốn vay ủy thác, đơn vị phải hoàn trả toàn bộ phần vốn đã được giao bình ổn.

Tăng cường giám sát

Công tác bình ổn thị trường năm 2010 đã đạt được một số kết quả như lượng hàng hóa phong phú, ổn định, chất lượng bảo đảm, người dân và các doanh nghiệp nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, một số hạn chế đã bộc lộ rõ trong các đợt biến động giá như hàng bình ổn vẫn còn tập trung nhiều ở khu vực trung tâm, thành thị, nhiều nơi người dân vẫn khó tiếp cận, không mua được hàng bình ổn.

Đặc biệt, trong năm nay thay vì chốt giá từ đầu, giá hàng bình ổn sẽ điều chỉnh linh động theo thị trường, điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến tính dẫn dắt thị trường của hàng bình ổn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết khi áp dụng cơ chế này, chương trình bình ổn năm 2011 cũng tăng thêm sự ràng buộc và tính giám sát. Theo bà Hồng, Sở Tài chính sẽ tăng cường giám sát chi phí đầu vào của các doanh nghiệp để tránh tình trạng mua hàng bình ổn đắt hơn thị trường.

Nếu chi phí đầu vào biến động tăng cao hơn 15% so với thời điểm đơn vị đăng ký giá bán bình ổn, sở mới xem xét điều chỉnh giá bán tăng. Khi điều chỉnh tăng giá bán bình ổn, đơn vị thực hiện đăng ký lại giá bán bình ổn và được Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp thị trường biến động giảm, giá bán bình ổn chỉ còn thấp hơn giá thị trường khoảng 5% thì phải điều chỉnh giảm theo.

Về tình trạng hệ thống phân phối chưa phủ rộng trên địa bàn, đặc biệt là ở các chợ truyền thống, bà Hồng cho biết những doanh nghiệp tham gia đều phải đảm bảo ít nhất 12 điểm bán hàng hoạt động ổn định trên địa bàn thành phố.

Trong quá trình tham gia, các doanh nghiệp phải tăng ít nhất 20% điểm bán so với thời điểm ban đầu đăng ký và có kế hoạch phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối, bán hàng bình ổn bằng nhiều phương thức: liên kết, hợp tác với các tiểu thương, hộ bán lẻ tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, hợp tác xã tại quận huyện, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn... hoặc tự đầu tư, xây dựng mới điểm bán.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã đăng ký 2.314 điểm bán hàng bình ổn, trong đó hơn 800 điểm tại các chợ truyền thống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM tăng lượng hàng bình ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO