Tính pháp lý cho doanh nghiệp xã hội

HẢI VÂN thực hiện| 27/02/2014 05:34

TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói: "Sẽ hữu ích hơn nếu Nhà nước thay đổi cách thức chi tiêu, tạo thị trường cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) phát triển".

Tính pháp lý cho doanh nghiệp xã hội

TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói: "Sẽ hữu ích hơn nếu Nhà nước thay đổi cách thức chi tiêu, tạo thị trường cho doanh nghiệp xã hội (DNXH) phát triển".

Đọc E-paper

* Luật Doanh nghiệp sửa đổi có đề cập đến DNXH. Ông nhận định thế nào về các nội dung được dự luật đề cập?

- Có ba điều được đề cập. Đầu tiên, phải hình dung đối tượng của chính sách là ai để thiết lập chính sách phù hợp. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đưa ra định nghĩa thừa nhận về mặt pháp lý đối với DNXH; những quyền và nghĩa vụ đặc thù của DNXH.

Dựa trên những quyền và nghĩa vụ đó, Nhà nước sẽ xây dựng những chính sách hỗ trợ. Đó là hình hài ban đầu của DNXH trong chính sách để thúc đẩy loại hình doanh nghiệp (DN) này phát triển.

* Thừa nhận về mặt pháp lý, theo ông, đây là yếu tố cần để DNXH phát triển?

- DNXH cũng như bất kỳ một DN nào khác, tồn tại dưới các hình thức pháp lý khác nhau như công ty TNHH, công ty cổ phần... Tuy nhiên DNXH khác DN khác ở chỗ, nó hoạt động để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Như vậy, tìm kiếm lợi nhuận không phải là mục tiêu cuối cùng, lợi nhuận chỉ là mục tiêu trung gian, lấy lợi nhuận để tiếp tục phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì các vấn đề xã hội càng nhiều thêm và đấy là cơ hội để kinh doanh. Các nhà đầu tư xã hội tìm kiếm cơ hội và người ta thu được lợi ích như các DN bình thường nhưng có thêm phần giải quyết các vấn đề xã hội. Do đó, số DNXH của các nước ngày càng nhiều và VN cũng tương tự.

* Theo ông, khó khăn đối với DNXH là gì?

- Nhiều lắm! Tùy thuộc vào từng quốc gia nhưng trước hết khó khăn của DNXH cũng tương tự các DN khác. Nhưng thị trường của DNXH có đặc thù rất nhỏ và phục vụ nhu cầu của tầng lớp có thu nhập không cao. Vì vậy, các DN này không cạnh tranh được với các DN phục vụ nhu cầu xã hội.

Kỳ vọng đầu tiên của DNXH là được Nhà nước thừa nhận về mặt pháp lý. Từ thừa nhận pháp lý, DNXH được thừa nhận và được chia sẻ giá trị trong xã hội. DNXH chỉ mới mong được như thế, chưa đề cập đến chính sách ưu đãi.

Ví dụ, một DN dệt may có thể chọn địa điểm thuận lợi, nhân công lành nghề, sản xuất sản phẩm để xuất khẩu, còn DNXH làm dệt may phải gắn với giải quyết vấn đề của xã hội, như tạo việc làm cho phụ nữ nghèo, cộng đồng nghèo và phải bỏ tiền đào tạo nhân công tại cộng đồng. Đặc biệt, DNXH không có khả năng huy động nguồn lực như DN bình thường trong khi phải đầu tư rất lớn.

* Vậy, Chính phủ nên hỗ trợ như thế nào đối với DNXH?

- Chính phủ có thể hỗ trợ DNXH xây dựng khung pháp lý như đang làm và tạo thị trường. Chính phủ cần tiêu dùng rất lớn, nếu Chính phủ mua các sản phẩm của DNXH sẽ tạo cho họ một thị trường lớn. Chính phủ nên ưu tiêu mua những sản phẩm giáo dục, y tế... của các DN này.

Khi đó, DN hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội và Chính phủ cũng làm việc đó để giải quyết vấn đề xã hội và nâng cao năng lực qua các tổ chức trung gian. Chính phủ có thể làm chính sách xã hội dựa trên phương thức kinh doanh này. Thuận theo thị trường thì Chính phủ chi tiêu hiệu quả hơn và đội ngũ DNXH phát triển cũng tốt hơn.

* Ông nhận xét thế nào về tiềm năng phát triển của DNXH ở Việt Nam?

- Phải xem xã hội Việt Nam theo đuổi giá trị nào. Việt Nam chú trọng nhiều đến giải quyết các vấn đề xã hội, thì đó là điều kiện thuận lợi thúc đẩy DNXH phát triển.

Kinh tế càng phát triển, vấn đề xã hội sẽ đa dạng hơn, DNXH là công cụ bổ sung thêm chứ không thay thế công cụ hiện có và cũng không thay thế công cụ mới trong việc giải quyết vấn đề xã hội. Với tình hình khách quan và giá trị hướng đến, DNXH có dư địa để tồn tại và phát triển.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tính pháp lý cho doanh nghiệp xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO