Tin kinh tế ngày 5/7: Vận hành hệ thống giao dịch mới tại sàn chứng khoán HOSE

HT| 05/07/2021 07:00

Tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2021 có thể đạt mức 7%, khối lượng hàng hóa vận tải biển quốc tế tăng 54%, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường smartphone lớn nhất thế giới... cùng là những tin tức kinh tế đáng chú ý trong ngày.

Vận hành hệ thống giao dịch mới tại sàn chứng khoán HOSE

1-6732-1625476062.jpg

Hôm nay 5/7/2021, hệ thống giao dịch mới tại sàn HOSE do Công ty CP FPT cung cấp (giải pháp xử lý sự cố giao dịch) chính thức đi vào hoạt động. Hệ thống mới đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực, cùng với đó là làm chủ năng lực công nghệ, chủ động nâng cấp… Phiên hôm nay khép lại với thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 28 nghìn tỷ đồng, VN-Index giảm 0,64% về mức 1,411.13 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 33,1 nghìn tỷ đồng. 

Tăng trưởng GDP nửa cuối năm 2021 có thể đạt mức 7%

2-1678-1625476062.jpg

Theo báo cáo chiến lược của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, bất chấp tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dự báo nửa cuối năm 2021, GDP của Việt Nam có thể đạt mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 (2,6%), qua đó kéo mức tăng trưởng cả năm 2021 lên 6,5%. Các yếu tố hỗ trợ cho mức tăng trưởng GDP cao hơn cho nửa cuối năm 2021 bao gồm việc mở rộng sản xuất nhờ nhu cầu phục hồi tại Mỹ và EU, kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ phục hồi hậu Covid-19 cùng với việc tiêm vaccine được triển khai mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.

Khối lượng hàng hóa vận tải biển quốc tế tăng 54%

3-7675-1625476063.jpg

Theo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), dù ngành giao thông vận tải Việt Nam nói chung và hàng hải nói riêng đều chịu tác động mạnh mẽ trước ảnh hưởng sâu rộng của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, nhưng sản lượng vận tải hàng hóa của đội tàu biển Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục tăng trưởng so với những năm gần đây, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải biển quốc tế của đội tàu biển Việt Nam tăng 54%, chủ yếu vận tải các tuyến gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á...

Việt Nam nằm trong top 10 thị trường smartphone lớn nhất thế giới

4-6619-1625476063.jpg

Những số liệu được lấy từ báo cáo thị trường di động toàn cầu về những thị trường smartphone lớn nhất thế giới tính theo số lượng người dùng trong năm 2020 cho thấy, Trung Quốc hiện là thị trường có nhiều dùng smartphone nhất thế giới với 912 triệu người dùng. Việt Nam đứng vị trí thứ 10 với hơn 61 triệu người dùng. Tại châu Á, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan cũng là những thị trường smartphone lớn với lần lượt 41 triệu, 39 triệu và 38 triệu người dùng. Báo cáo dựa trên mô hình xem xét tiến bộ về kinh tế, dân số, người dùng Internet, cấu trúc nhân khẩu học và khả năng truy cập mạng không dây của mỗi quốc gia. Một người dùng smartphone theo báo cáo được tính là người sử dụng smartphone ít nhất một lần một tháng.

Doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng nội địa hóa tại Việt Nam

5-4714-1625476063.jpg

Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho biết, gần 50% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh” trong thời gian 1-2 năm tới. Con số này thuộc top đầu trong phạm vi các nước ASEAN. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp, khoảng 37%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc và Thái Lan lần lượt là 70% và 60%. Do đó, JETRO muốn nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản và cải thiện việc cung ứng linh kiện, phụ tùng. Doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài đều quan tâm đến việc làm thế nào ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam có thể kịp thời thay đổi, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp trọng điểm trong khu vực, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 5/7: Vận hành hệ thống giao dịch mới tại sàn chứng khoán HOSE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO