Tin kinh tế ngày 3/8: Tiếp tục siết cho vay bất động sản

HT| 03/08/2021 07:00

Bên cạnh đó là loạt tin tức về kinh tế đáng chú ý khác như Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai toàn cầu; 15/17 ngành ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2021...

Tiếp tục siết cho vay bất động sản

1_1627980576.jpg

Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) vừa công bố kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng, cho thấy nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt dòng vốn vay đổ vào bất động sản, chứng khoán trong những tháng cuối năm 2021Trước tác động khó lường của dịch Covid-19, có tới 17 ngân hàng thương mại trọng yếu cho biết từ nay đến cuối năm dự kiến tiếp tục "nới lỏng nhẹ" tiêu chuẩn tín dụng tổng thể đối với hầu hết nhóm khách hàng. Riêng lĩnh vực kinh doanh bất động sản và một số lĩnh vực khác như đầu tư kinh doanh chứng khoán, tài chính, bảo hiểm… vẫn bị thắt chặt cho vay. Cụ thể, các điều khoản, điều kiện cho vay cũng sẽ được siết hơn đối với lĩnh vực cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, trong đó có cho vay bất động sản để ở.

Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai toàn cầu

2_1627980803.jpg

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa công bố Việt Nam đã vượt qua Bangladesh để trở thành nhà xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới. Như vậy, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc - quốc gia có thị phần chiếm 31,6% (giảm 7% trong năm 2020), với giá trị xuất khẩu đạt 142 tỷ USD. Năm 2020, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng trưởng 6,4% với giá trị thị trường đạt 29 tỷ USD. Đáng chú ý, thị phần của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu đã gia tăng đáng kể trong vòng 10 năm qua.

15/17 ngành ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2021

3_1627980989.jpg

Số liệu của công ty cung cấp dịch vụ tích hợp dữ liệu Fiin Group vừa công bố cho thấy sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận giữa các ngành, nhóm ngành. Cụ thể, có 15/17 ngành của khối phi tài chính đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, 7 ngành có lợi nhuận tăng tốc, bao gồm tài nguyên cơ bản (tăng 337,6%), hàng và dịch vụ công nghiệp (tăng 141%), dầu khí (tăng 257%), hàng cá nhân và gia dụng (tăng 111%) và bán lẻ (tăng 88,7%). Ngoại trừ du lịch - giải trí và ô tô phụ tùng bị sụt giảm, các ngành còn lại đều ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong quý II/2021, trong đó nhiều ngành đạt mức tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước.

Rau quả Việt Nam gặp khó khi xuất sang Mỹ, EU, Trung Quốc

4.jpg

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất khẩu rau quả Việt Nam nói chung vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tỷ trọng rau quả Việt Nam trong tổng nhập khẩu rau quả của các thị trường lớn hiện còn rất thấp, dư địa lớn. Tuy nhiên, việc thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang các thị trường hiện cũng gặp không ít khó khăn. Trong dự báo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu, triển vọng xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm sẽ có nhiều thuận lợi, điển hình là với các mặt hàng đang vào vụ thu hoạch như nhãn lồng.

IMF thông qua gói cứu trợ 650 tỷ USD

5-7868-1627981470.jpg

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thông qua gói hỗ trợ tài chính lớn nhất lịch sử với trị giá lên tới 650 tỷ USD. Mục đích của gói này là để giúp các nước đang đối mặt với tình trạng nợ gia tăng và suy giảm kinh tế vì đại dịch Covid-19. IMF đánh giá gói tài chính lịch sử 650 tỷ USD này như “một mũi vaccine tiêm cho thế giới” và sẽ giúp tăng cường ổn định kinh tế toàn cầu. Đây là lần đầu tiên IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt (SDR) kể từ khi tung gói cứu trợ 250 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 3/8: Tiếp tục siết cho vay bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO