Tín dụng thấp “bó” tăng trưởng?

10/04/2010 08:48

Quý 1/2010, hai thông số quan trọng của nền kinh tế diễn biến trái chiều: tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tốc độ tăng GDP cao.

Tín dụng thấp “bó” tăng trưởng?

Quý 1/2010, hai thông số quan trọng của nền kinh tế diễn biến trái chiều: tăng trưởng tín dụng thấp trong khi tốc độ tăng GDP cao.

Không có hỗ trợ của tín dụng, ngành xây dựng khó đạt mức tăng trưởng cao. Ảnh: Lê Quang Nhật

Cho rằng không có sự bất hợp lý trong tương quan giữa hai yếu tố trên, song các chuyên gia kinh tế dự báo, chính sách tiền tệ thắt chặt chắc chắn sẽ tác động đến khả năng tăng trưởng những quý sau.

Tín dụng thấp đáng ngại

Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN), quý 1/2010, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 2,95% so với cuối năm 2009 (tín dụng bằng VND tăng 0,57%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 14,07%). Mức tăng này khá thấp so với cùng kỳ những năm trước, đặc biệt là với vốn VND.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng vốn tín dụng trong quý 1 của ba năm 2007, 2008, 2009 lần lượt là 6%, 10% và 2,67%. Riêng quý 1/2009, nền kinh tế rơi vào thời điểm khó khăn nhất nên mức tăng tín dụng ở mức thấp, song vốn đầu tư bằng VND cũng tăng tới 3,9%. “Thực tế vừa qua, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn VND, do khan hiếm và đắt đỏ. Diễn biến thị trường phù hợp với thông số của NHNN”, TS Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận xét.

Lý giải về việc tăng trưởng tín dụng thấp, song GDP quý 1 năm nay vẫn đạt mức khá cao, tới 5,83%, ông Nghĩa phân tích: thường thì hai yếu tố này tương quan theo tỷ lệ thuận nhưng có độ trễ. Nghĩa là, vốn đổ vào nền kinh tế phải sau một chu kỳ mới trở thành hàng hoá, dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2009 khá cao (gần 38%) nên tăng trưởng GDP quý 1 năm nay khá cao cũng dễ hiểu. Mặt khác, mốc so sánh của hai yếu tố này cũng có sự khác biệt: tăng trưởng tín dụng so sánh với kỳ gần nhất trong khi GDP so với cùng kỳ năm ngoái.

TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu kinh tế trung ương cũng đồng quan điểm khi nói rằng, bên cạnh hiệu ứng có độ trễ, tín dụng chỉ là “một trong nhiều yếu tố đầu vào tác động đến tăng trưởng”.

Nói về mức chênh lệch khá lớn giữa tốc độ tăng tín dụng, cung tiền so với tăng trưởng GDP, trả lời báo chí, một số chuyên gia nói có thể nhận ra sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp qua việc nền kinh tế Việt Nam phải sử dụng bao nhiêu vốn để tạo ra một đồng tăng trưởng. Năm 2009 này, tăng trưởng GDP khoảng 5,2%, trong khi tăng trưởng tín dụng lên đến gần 38%. Như vậy, phải cần tới khoảng 7 đồng tín dụng để tạo ra một đồng tăng trưởng.

Ngoài ra, chỉ số ICOR của Việt Nam là trên tám lần, cho thấy Việt Nam cần đầu tư khoảng 8 đồng để thu được một đồng tăng trưởng và rõ ràng là vốn đầu tư tín dụng chiếm phần lớn trong số đó. Đây là một tỷ lệ quá cao so với nhiều nước trong khu vực, như Indonesia là nước cao nhất có tỷ lệ này là 3,32, còn lại chỉ từ 1 đến 1,3. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn của ta quá thấp, chi phí vốn quá lớn, gây áp lực lên nền kinh tế.

Tăng trưởng cao: chưa vội mừng

Ông Thành cũng chia sẻ một góc nhìn khác về mức tăng trưởng được nhìn nhận là khá cao của quý 1 năm nay. Theo chuyên gia kinh tế này, tốc độ tăng 5,83% là kết quả so sánh với mức 3,8% của GDP quý 1/2009 – thời điểm nền kinh tế Việt Nam rơi vào “đáy” khủng hoảng. “Chừng mực nào đó, có thể thấy kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi. Nhưng nói tăng trưởng cao thì chưa hẳn”, ông Thành nhận xét.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý thêm, mặc dù tín dụng không phải là yếu tố quyết định, song “tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp của quý 1 năm nay dự báo tăng trưởng kinh tế trong những quý tới khó cao”.

Một số chuyên gia kinh tế khác cùng chung mối quan ngại, chính sách tiền tệ thắt chặt quá đáng (mục tiêu tăng phương tiện thanh toán 20%, tăng tín dụng 25% cả năm 2010) sẽ có thể sẽ “bó” tăng trưởng kinh tế năm nay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới, ông Ivailo Izvorski lại cho rằng: “Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010 có thể đạt được một cách dễ dàng. Nhiệm vụ thách thức hơn là phải giữ cho lạm phát ở dưới mức 7%”.

Theo ông Ivailo Izvorski, những yếu tố đe doạ mục tiêu kiểm soát lạm phát như: giá nguyên liệu quốc tế tăng cao, việc phá giá VND và việc điều chỉnh giá năng lượng. Áp lực lạm phát có thể thấy rõ hơn trên thị trường tài sản, với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên trong nhiều tháng liên tục, và giá đất cũng tăng cao.

Trên cơ sở nhận định này, ông Ivailo Izvorski khuyến nghị: “Những biến động này cho thấy rằng chính sách tài khoá và tiền tệ mở rộng của Chính phủ kể từ năm 2008 đã sắp đi tới giới hạn. Sắp đến lúc Việt Nam cần rút dần các biện pháp kích thích kinh tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng thấp “bó” tăng trưởng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO