Tiền lệ Maseco

XUÂN LỘC| 19/03/2014 09:06

Công ty CPDV Phú Nhuận (Maseco) vừa thắng kiện Chánh thanh tra Bộ Tài chính liên quan đến khoản truy thu thuế 7,12 tỷ đồng.

Tiền lệ Maseco

Công ty CPDV Phú Nhuận (Maseco) vừa thắng kiện Chánh thanh tra Bộ Tài chính liên quan đến khoản truy thu thuế 7,12 tỷ đồng.

Đọc E-paper

Vì sao có Quyết định 150?

Theo đơn khởi kiện của Maseco, đơn vị này được hưởng ưu đãi đầu tư theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư số 4031/UB-CNN của UBND TP.HCM cấp năm 2001 và kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Vào ngày 2/10/2012, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Kim Liên ký Quyết định số 106/QĐ-TTr thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý thu, nộp ngân sách nhà nước của Cục Thuế TP.HCM và các doanh nghiệp (DN), cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thời gian thanh tra từ năm 2011 đến 9 tháng đầu năm 2012 và các thời kỳ khác có liên quan. Đoàn thanh tra do Phó Chánh thanh tra Đặng Ngọc Tuyến làm Trưởng đoàn cùng 17 thành viên khác của Thanh tra Bộ Tài chính.

Một trong những DN đối tượng của Quyết định 106 là Công ty Maseco. Maseco là một trong những DN đi đầu trong việc nộp ngân sách hằng năm tại TP.HCM. Các năm từ 2010-2013, Maseco đều được ngành Thuế và UBND TP khen thưởng, tặng cờ thi đua xuất sắc.

Qua làm việc, Đoàn thanh tra đã cáo buộc Maseco trốn thuế hơn 7,12 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, trong thời gian từ 2009-2011, Maseco phải nộp thuế TNDN với thuế suất là 25% chứ không phải 20% như đã nộp vào Cục Thuế TP.HCM vì đã hết thời hạn ưu đãi đầu tư theo giấy phép.

Theo biên bản kiểm tra ngày 3/12/2012, Đoàn thanh tra đã kiến nghị Thanh tra Bộ Tài chính buộc Maseco nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính số tiền gần 7,12 tỷ đồng. Từ kiến nghị này, ngày 11/12/2012, Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Kim Liên đã ra Quyết định 150/QĐ-TTr buộc Maseco phải nộp số tiền nói trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ.

Quyết định này còn nêu: sau 20/12/2012, nếu Maseco không nộp sẽ “xử lý nghiêm theo luật định”.

Trước những mệnh lệnh hành chính của Thanh tra Bộ Tài chính, Maseco chấp hành theo luật định: làm đơn khiếu nại lần đầu; tạm nộp tiền truy thu theo Quyết định 150; sau khi bị Chánh Thanh tra Bộ Tài chính bác đơn khiếu nại thì khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP.HCM.

Luật chồng luật

Chiều 7/3, trình bày tại tòa, ông Đỗ Hướng Dương, Phó tổng giám đốc Maseco, cho rằng, việc Maseco kê khai và nộp thuế TNDN theo thuế suất 20% là thực hiện theo Thông tư 128/2003/TT-BTC và Văn bản hướng dẫn số 11684/BTC-TCT của Bộ Tài chính. Theo đó “Thuế suất theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư là 25%, từ ngày 1/1/2004 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% cho đến hết thời gian ưu đãi còn lại”.

Do vậy, Maseco điều chỉnh mức thuế suất 20% trong các niên độ báo cáo tài chính thuế từ năm 2004 - 2011 là hoàn toàn có cơ sở và đúng quy định. Việc Thanh tra Bộ Tài chính ra quyết định xử phạt Maseco là không phù hợp.

Theo đại diện ủy quyền của Chánh thanh tra Bộ Tài chính - ông Đặng Ngọc Tuyến, Phó chánh thanh tra Bộ Tài chính, trong ba năm 2009 - 2011, Maseco kê khai nộp thuế TNDN theo thuế suất 20% là không đúng theo Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư, mà phải là 25%. Công ty này cũng vận dụng sai quy định tại điểm 2, phần I, Thông tư 130/2008/TT/BTC vì Maseco đã hết thời hạn được ưu đãi về thuế đến hết kỳ tính thuế của năm 2008, nên từ năm 2009 -2011, Maseco không được hưởng ưu đãi thuế suất 20% như quy định tại thông tư này.

Sau khi nghiên cứu vụ kiện và nghe các bên tranh luận, HĐXX nhận định yêu cầu khởi kiện của Maseco là có cơ sở. Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, Maseco vẫn còn được hưởng thuế suất ưu đãi 20% đến hết 2011.

Để khuyến khích đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn này, Nhà nước ban hành nhiều quy định tiếp tục cho doanh nghiệp hưởng ưu đãi bằng chính sách thuế. Cụ thể, Công văn số 11684/BTC/TCT ngày 16/9/2005 quy định DN hưởng thuế suất 25% từ ngày 1/1/2004 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% cho đến hết thời gian còn lại và chưa có văn bản nào thay thế hướng dẫn này.

Đồng thời, Thông tư 130 còn có một quy định “DN đang hưởng ưu đãi thuế suất TNDN theo các quy định tại các văn bản quy phạm trước đây về thuế TNDN hoặc theo giấy chứng nhận đầu tư thì tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi này cho thời gian còn lại”. Từ nhận định trên, chiều 11/3, sau 5 ngày xét xử và nghị án, HĐXX đã tuyên hủy Quyết định 150 của Chánh thanh tra Bộ Tài chính.

Theo đó, Bộ Tài chính phải hoàn trả kh 7,12 tỷ đồng đã truy thu sai quy định cho Maseco.

Có thể nói, kết quả này đã tạo ra một "bước ngoặt" trong đời sống DN, đó là DN hãy sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị mình.

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty MASECO:
Việc chẳng đặng đừng!
Người xưa có câu “Vô phúc đáo tụng đình”, phải đi kiện tụng cơ quan công quyền, lại là cơ quan thuế không bao giờ là mong muốn của các DN trong thời kỳ khó khăn, khủng hoảng này. Nhưng khi không còn lựa chọn nào khác thì cũng phải dùng đến các quyền mà luật pháp cho phép để tìm tiếng nói chung giữa DN và cơ quan hành thu trong việc áp dụng văn bản pháp luật vốn đã quá rối rắm, phức tạp. Điều quan trọng nhất là quá trình hoạt động DN phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước thì mới vững vàng đi kêu cứu.

Luật sư Nguyễn Quang Thái, Phòng Pháp chế (VCCI):
Thanh tra Maseco hoàn toàn sai trình tự

Theo khoản 2, điều 52 Luật Thanh tra; điều 21, 22 ND 07/2012/NĐ-CP; điều 9 mục 2, Thông tư 02/2010/TT-TTCP, đối tượng thanh tra được quyền nhận thông báo công bố quyết định thanh tra trước khi công bố quyết định thanh tra.

Khi công bố quyết định thanh tra thì phải lập thành biên bản, biên bản phải có chữ ký của Trưởng đoàn thanh tra và thủ trưởng cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong biên bản công bố quyết định thanh tra, một bên là Phó trưởng đoàn thanh tra ký, còn một bên là Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM ký.

Như vậy Maseco không là đối tượng của cuộc thanh tra này và cũng giống như thừa nhận của đại diện Chánh thanh tra thì Maseco chỉ là bên liên quan, phục vụ cho cuộc thanh tra.

Thế nhưng, Quyết định 150/QĐ-TTr là một văn bản cá biệt, căn cứ vào biên bản kiểm tra Maseco và buộc Maseco phải nộp các khoản tiền phát hiện qua thanh tra tài chính, mà bản chất là truy thu khoản chênh lệch giữa cách tính thuế TNDN theo mức thuế suất 20% và 25%, đồng thời yêu cầu Maseco tự tính tiền phạt chậm nộp để nộp luôn vào tài khoản tạm giữ này.

Điều này hoàn toàn trái với quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn của luật này. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM:
Sẽ tạo ra bước ngoặt cho DN
Vụ Maseco kiện Thanh tra Bộ Tài chính là do việc áp dụng luật có xung đột nhau. Trước đây, mỗi năm DN lên Cục Thuế quyết toán, nhưng nay DN tự khai, tự nộp và trong khoảng thời gian 5 năm, các cơ quan thuế hậu kiểm và nhiều DN bị truy thu thuế do không khai đúng thuế. Điều này gây khó khăn cho DN và đa số các DN chỉ khiếu nại, chứ không dám khiếu kiện.

Hiệp hội DN TP.HCM và Maseco đã phân tích những cơ sở pháp lý, lựa chọn khiếu nại lên cấp cao hơn hay khiếu kiện. Cuối cùng Maseco đã khởi kiện, đây có thể nói là quyết định rất dũng cảm của Maseco. Vụ Maseco thắng kiện lần này sẽ tạo ra bước ngoặt, các DN có niềm tin luật pháp đứng về phía những DN kinh doanh minh bạch.

Khi khiếu kiện cũng có nhiều điểm lợi cho DN, như giúp DN hiểu rõ hơn việc áp dụng luật, nếu sai DN sẽ “tâm phục, khẩu phục” giúp họ nhìn ra vấn đề nhầm lẫn; trong khi cổ đông, kể cả đối tác càng tôn trọng, tin tưởng ban lãnh đạo đã làm hết sức.

Theo tôi, khởi kiện là giải pháp tốt nhất, vì kiện tụng là minh bạch. Trong kinh doanh, để hạn chế rủi ro, các DN nên có luật sư tư vấn thường xuyên, nhất là những vấn đề mang tính chuyên sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiền lệ Maseco
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO