Thương mại Việt Nam - Campuchia: Hướng đến mốc 5 tỷ USD

BẢO TRUNG| 14/01/2014 04:46

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 3 tỷ USD vào Campuchia. Giờ đây, mục tiêu mới mà hai nước đang nhắm tới là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 5 tỷ USD.

Thương mại Việt Nam - Campuchia: Hướng đến mốc 5 tỷ USD

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 3 tỷ USD vào Campuchia. Giờ đây, mục tiêu mới mà hai nước đang nhắm tới là nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 5 tỷ USD.

Đọc E-paper

Ngày 13/1, tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ tư.

Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, đến hết năm 2013, tổng số vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đạt trên 3 tỷ USD với 127 dự án, xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Các dự án tập trung nhiều nhất là lĩnh vực nông lâm nghiệp (chiếm 51,1% tổng vốn đăng ký và 57% tổng vốn thực hiện), thứ hai là năng lượng (chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký); thứ ba là tài chính - ngân hàng.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia cũng tăng nhanh trong thời gian qua, với mức tăng trung bình 30%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Campuchia gồm có xăng dầu, sắt thép, trong khi Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Campuchia mủ cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, số tiền giải ngân từ 3 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư chỉ mới đạt khoảng 1,2 tỷ USD (chiếm 40% tổng vốn đăng ký).

Nguyên nhân là do một số nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư vào Campuchia chưa chú trọng đến đầu tư trung và dài hạn, chưa nghiên cứu kỹ cơ chế, chính sách của nước sở tại và cập nhật những điều chỉnh chính sách mới để điều chỉnh kịp thời về chiến lược đầu tư.

Sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn rời rạc, thiếu chặt chẽ. Năng lực tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng cạnh tranh còn yếu...

Trong khi đó, hệ thống luật pháp tại Campuchia về thuế, đầu tư, bảo hộ đầu tư nước ngoài, các chính sách liên quan đến giao đất... chưa hoàn thiện và thay đổi nhiều, giữa trung ương với các địa phương còn chồng chéo, thiếu nhất quán.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai nước và nhấn mạnh việc hai bên cần nâng cấp và mở rộng thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực trồng cây cao su lên tầm hiệp định của hai Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp của hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm các dự án, hợp đồng đầu tư kinh doanh mới, trước hết là hướng vào các lĩnh vực viễn thông, hàng không, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng, phát triển hạ tầng, du lịch và thương mại, tài chính, ngân hàng, sản xuất và chế biến nông sản, lâm nghiệp, nhất là trồng và chế biến cao su; xây dựng hệ thống phân phối và tiêu thụ một số sản phẩm quan trọng...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia cùng nhau phấn đấu phát triển đầu tư, kinh doanh sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 5 tỷ USD vào năm 2015.

Thủ tướng Hun Sen cũng chỉ rõ hai bên có nhiều thế mạnh có thể bổ trợ cho nhau, như Việt Nam có thế mạnh trong chế biến trong khi Campuchia có nguồn sản phẩm khá dồi dào. Thủ tướng Hun Sen đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến đầu tư vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm và nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại Việt Nam - Campuchia: Hướng đến mốc 5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO